tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 16-04-2016

  • Cập nhật : 16/04/2016

TP.HCM sẽ thu hồi hơn 100ha đất dự án trong năm 2016

Hơn 100ha đất này sẽ được bố trí cho 44 dự án tại các quận trung tâm và các huyện phụ cận.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

UBND TP.HCM vừa trình HĐND thành phố xem xét, thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất và danh mục dự án có chuyển mục đích sử dụng dưới 10ha đất trồng lúa; dưới 20ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng (đợt 2) trong kế hoạch sử dụng đất năm 2016 cấp huyện.
Cụ thể, có 44 dự án cần thu hồi đất trong năm nay với tổng diện tích hơn 100ha; trong đó quận 2 có 1 dự án, quận 12 có 1 dự án, quận Bình Thạnh có 5 dự án, quận Tân Phú có 2 dự án, quận Thủ Đức có 4 dự án, huyện Bình Chánh có 24 dự án, huyện Cần Giờ có 3 dự án, huyện Củ Chi có 1 dự án và huyện Nhà Bè có 5 dự án.
Đồng thời , TP.HCM cũng đề nghị xem xét 26 dự án chuyển mục đích sử dụng dưới 10ha đất trồng lúa với tổng diện tích khoảng 106ha, trong đó diện tích chuyển mục đích đất trồng lúa hơn 43ha; quận 9 có 5 dự án, quận Thủ Đức có 1 dự án, huyện Bình Chánh có 16 dự án, huyện Củ Chi có 2 dự án và huyện Nhà Bè có 2 dự án.

“Người Việt dùng hàng Việt nhưng gốc phần lớn từ Trung Quốc”

“Chúng ta kêu gọi người Việt dùng hàng Việt nhưng áo tôi đang mặc là “Made in Vietnam” nhưng giá trị Việt trong này không quá 3%”, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) chia sẻ.

det may chu yeu phu thuoc nguyen, phu lieu nhap tu trung quoc. anh: tl

Dệt may chủ yếu phụ thuộc nguyên, phụ liệu nhập từ Trung Quốc. Ảnh: TL

Tại Diễn đàn Xúc tiến Xuất nhập khẩu 2016 diễn ra vào hôm qua (14/4), TS. Võ Trí Thành cho biết, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam tăng rất nhanh nhưng một thực tế đang diễn ra là phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, trừ mặt hàng nông sản giá trị gia tăng không nhiều.

Dẫn chứng về mặt hàng dệt may, ông Thành cho biết, dệt may chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu và chỉ đứng sau điện thoại nhưng khối doanh nghiệp FDI chiếm tới 60% giá trị xuất khẩu, giá trị gia tăng ngành cũng thấp lại phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu Trung Quốc và chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo ông Thành, dệt may là hàng tiêu dùng, doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh rất tốt ở phân khúc trung lưu, việc chuẩn bị công nghệ và nhân lực là thách thức lớn nhất của dệt may Việt Nam.

“Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhập khẩu của Trung Quốc, chiếm tới 65%, thậm chí người Việt dùng hàng Việt nhưng nguồn gốc vẫn phần lớn từ Trung Quốc. Dệt may không có “người Việt dùng hàng Việt”, ông Thành nhấn mạnh.

Nêu quan điểm về xúc tiến thương mại, ông Thành cho rằng, không chỉ dừng ở xúc tiến xuất khẩu như hiện nay mà còn phải quan tâm về thị trường nhập khẩu để đối tác cho điều kiện nhập hàng tốt nhất.

 

“Thương mại hiện nay phải nhìn về dịch vụ, chuỗi giá trị, sản xuất, các quy tác xuất xứ trong Hiệp định thương mại. Ngoài ra, tiếp cận thị trường không phải là tiếp cận thị trường lớn mà phải tìm cách tiếp cận với một khối lượng người tiêu dùng khổng lồ”, ông Thành bổ sung thêm.

Cũng theo ông Thành, tỷ trọng hàng xuất khẩu Việt Nam sang các thị trường cơ bản chiếm 70-80% truyền thống, tiềm năng còn vô cùng lớn.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng chia sẻ, để đạt được thành công các doanh nghiệp phải có sự hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

“Khách quan, thị trường thế giới còn rộng lớn và đủ chỗ cho mọi doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp đã phát triển tốt và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu ta quyết tâm hội nhập, dám thay đổi chắc chắn các doanh nghiệp sẽ tăng được sức cạnh tranh và khẳng định được vị thế ngay tại Việt Nam và trên thế giới”, Thứ trưởng Hải cho hay.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO) cho biết, việc tạo nên được các sản phẩm của Việt Nam có tính cạnh tranh là điều rất quan trọng.

Để làm được điều này cần phải giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm của các mặt hàng sản xuất, nâng cao năng suất của hoạt động sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực tốt có thể đáp ứng các yêu cầu của hoạt động sản xuất. Trong đó, nỗ lực từ chính cách doanh nghiệp là rất cần thiết.

Ông Atsusuke Kawada dẫn chứng, để giảm chi phí, doanh nghiệp nên áp dụng một cách linh hoạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có hiệu lực để cân nhắc việc có thể xuất khẩu các sản phẩm của công ty mình sản xuất ra với chi phí thấp hay mua được các nguyên vật liệu, linh phụ kiện với giá thấp hơn.

Ngoài ra, ông cũng kiến nghị doanh nghiệp quan tâm đặt vấn đề cải thiện kỹ thuật tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, đào tạo nguồn nhân lực tốt đáp ứng các yêu cầu của hoạt động sản xuất, thu thập thông tin thị trường nơi xuất khẩu…


Malaysia bắt giữ 6 ngư dân Việt Nam

Một tàu đánh cá của Việt Nam vừa bị phía Malaysia bắt giữ khi đang đánh bắt cá trái phép trên vùng biển của nước này.

Phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn nguồn tin của hãng thông tấn quốc gia Malaysia (Bernama) ngày 14/4 cho biết một tàu đánh cá của Việt Nam vừa bị phía Malaysia bắt giữ khi đang đánh bắt cá trái phép trên vùng biển của nước này.

Ông Mohd Marmizi Md Nor, Giám đốc Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia tại quận Kemaman, bang Terengganu, nói rằng 6 ngư dân Việt Nam, bao gồm cả thuyền trưởng, đã bị bắt giữ vào khoảng 10h sáng (giờ địa phương) ngày 10/4 tại địa điểm cách Kuala Kemaman khoảng 70 hải lý (130 km). Quan chức này cho biết khi đoàn công tác của cơ quan nói trên kiểm tra, các ngư dân Việt Nam không đưa ra được bất cứ giấy tờ gì tùy thân hoặc giấy phép đánh bắt cá.

Các ngư dân nói trên có độ tuổi từ 18 - 50 đã bị tạm giữ. Chiếc thuyền cùng trang thiết bị trị giá 200.000 RM (hơn 51.000 USD) cũng bị tịch thu.

“Hồ sơ Panama” thức tỉnh ngành thuế Việt

Dù không biết các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam liên quan tới vụ “hồ sơ Panama” hay không, nhưng ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho rằng: Vụ việc đã thức tỉnh ngành thuế.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Trao đổi với báo chí về vấn đề trốn thuế, chuyển giá, đặc biệt qua vụ “hồ sơ Panama”, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, vấn đề chính vẫn phải nâng cao năng lực cho cán bộ công chức thuế để giám sát được các DN trong và ngoài nước trong khi các thủ tục đang ngày càng được đơn giản hóa.
Theo ông Phụng, hiện có nhiều hình thức DN trốn thuế, như: Trốn doanh thu, bỏ ngoài sổ sách kết quả bán hàng, kê khai khống chi phí, lợi dụng hóa đơn khấu trừ khống, hoàn thuế khống. Đặc biệt, có DN lợi dụng các ưu đãi về thuế để lập cơ sở kinh doanh rồi đầu tư vào nơi khác. Trên thế giới có một số hòn đảo hoặc khu vực tự do đưa ra quy định thuế thu nhập DN bằng 0%, nên nhiều nhà đầu tư đã lập ra công ty tại đây để đầu tư đi nhiều nước. Khi vào Việt Nam, lựa chọn được nhiều nhà đầu tư đưa ra là tận dụng mọi ưu đãi thuế trong nước rồi sau đó chuyển tiền trở lại các khu vực thiên đường thuê để hưởng mức thuế bằng 0%.

Gói 30.000 tỷ đồng còn hơn 8.000 tỷ đồng chưa giải ngân, TP. HCM có “đua” kịp?

Đến hết tháng 3 giải ngân gói 30.000 tỷ đồng ở TP. Hồ Chí Minh chỉ mới 5.357 tỷ đồng. Dù con số này gấp 2,66 lần so với số đã giải ngân cách đây 9 tháng nhưng chỉ bằng khoảng 17,9% số giải ngân của cả nước ở đầu tháng 3/2016.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HOREA), đến ngày 10/03/2016, các ngân hàng đã ký cam kết cho vay là 30.122 tỷ đồng với 46.246 khách hàng, đã giải ngân theo tiến độ 21.321 tỷ đồng đạt 71% của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.

Ngày 28/03/2016 Ngân hàng Nhà nước đã có công văn hỏa tốc số 1953/NHNN-TD thông báo quyết định chấm dứt nhận hồ sơ vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng kể từ ngày 31/03/2016. HOREA đánh giá việc công bố thời điểm kết thúc nhận hồ sơ là cần thiết vì tổng giá trị hợp đồng cam kết cho vay đã vượt quá hạn mức 30.000 tỷ đồng.
Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 31/03/2016 các ngân hàng đã cam kết cho vay 7.518 tỷ đồng, chiếm 25% gói tín dụng ưu đãi cho 8.936 khách hàng, trong đó, có 5.975 tỷ đồng cho 9.823 cá nhân vay. TP. Hồ Chí Minh đã được giải ngân 5.357 tỷ đồng cho 8.936 khách hàng trong đó, có 4.242 tỷ đồng cho 8.829 cá nhân.
Điều này đồng nghĩa, tính chung cả nước, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng còn hơn 8.000 tỷ đồng chưa được giải ngân vào thời điểm ngày 10/03/2016 và số giải ngân của TP. Hồ Chí Minh đến hết tháng 3 chỉ chiếm 17,9% số đã giải ngân vào ngày 10/03/2016.
Trong khi đó, theo báo cáo, quý I/2016, các doanh nghiệp đã khởi công xây dựng 05 dự án mới; đã hoàn thành 04 dự án với quy mô 3.131 căn hộ; Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã công nhận 6 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Về nhà ở tái định cư, các doanh nghiệp đang tham gia 8 dự án. Riêng đối với chương trình 12.500 căn hộ tái định cư, các doanh nghiệp đã bàn giao được 2.076 căn.
So sánh tương quan giữa tốc độ giải ngân và hoàn thành các dự án cho thấy viễn cảnh các dự án nhà ở xã hội dù được đẩy mạnh thi công cũng khó có đột biến để tranh thủ vốn ưu đãi còn lại trong gói 30.000 tỷ đồng. Vì vậy, khách hàng mua các dự án nhà ở xã hội khởi công sau, hoàn thành sau năm 2016 sẽ phải chủ động nguồn tiền để thanh toán cho chủ đầu tư trong thời gian chờ có gói tín dụng ưu đãi mua nhà ở mới.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục