tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 15-04-2016

  • Cập nhật : 15/04/2016

Không thể giải quyết song phương vấn đề quần đảo Trường Sa

Ngày 14-4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ vấn đề tranh chấp ở Biển Đông nếu liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, nhiều nước thì phải giải quyết đa phương.

nguoi phat ngon bo ngoai giao viet nam le hai binh - anh: tu lieu tuoi tre

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình - Ảnh: tư liệu Tuổi Trẻ

Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc họp báo ngày 13-4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hoan nghênh phát biểu trước báo chí của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov về vấn đề Biển Đông.

Tại cuộc họp báo với truyền thông Nhật Bản, Trung Quốc, và Mông Cổ ngày 12-4 tại thủ đô Matxcơva, ông Sergey Lavrov cho rằng tất cả các bên liên quan đều phải tuân thủ nguyên tắc không sử dụng vũ lực, tiếp tục tìm kiếm các giải pháp giải quyết tranh chấp thông qua kênh chính trị, ngoại giao trên cơ sở đồng thuận giữa các bên.

Ngoại trưởng Nga cũng yêu cầu “các nước đứng ngoài” dừng lại mọi hành vi can thiệp vào hoạt động đàm phán trực tiếp của các bên liên quan hòng quốc tế hóa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Khi được hỏi về tuyên bố trên của Ngoại trưởng Nga tại họp báo thường kỳ chiều 14-4 ở Hà Nội, Người phát ngôn Lê Hải Bình nêu rõ:

“Đối với vấn đề chỉ liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, đối với những vấn đề liên quan đến các nước khác ví dụ như là vấn đề quần đảo Trường Sa, thì không thể giải quyết song phương mà phải có sự tham gia của các bên liên quan.

Và đối với những vấn đề liên quan đến cả các nước ngoài khu vực, ví dụ như vấn đề an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không, thì phải được bàn bạc và giải quyết với tất cả các nước có chung lợi ích và chung mối quan tâm”.

Ông Bình khẳng định lại lập trường của VN đối với vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Theo đó, Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982 (UNCLOS) và trên tinh thần Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Khi được hỏi phản ứng của Việt Nam về việc truyền thông Mỹ đưa tin Trung Quốc đưa chiến đấu cơ Shenyang J-11 đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Người phát ngôn Lê Hải Bình tuyên bố hành động này của Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định của khu vực.

Ông Lê Hải Bình một lần nữa khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo đó, Việt Nam kiên quyết phản đối và mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu Bắc Kinh ngay lập tức đưa các máy bay chiến đấu ra khỏi khu vực này và không tái diễn các hành động tương tự.

“Là Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đồng thời là quốc gia có vai trò quan trọng trong khu vực, Trung Quốc cần có hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982 (UNCLOS) và trên tinh thần Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC),” ông Bình tuyên bố.


Tổng giám đốc WTO lắng nghe chính phủ và doanh nghiệp VN

 Đó là mục đích chính của chuyến thăm Việt Nam ngày 15-4 của Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevêdo. 

tong giam doc wto roberto azevedo - anh: wto

Tổng giám đốc WTO Roberto Azevêdo - Ảnh: WTO

Theo ông Keith Rockwell, Giám đốc thông tin và đối ngoại của WTO, ông Roberto Azevêdo sẽ gặp Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, chào xã giao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức.

Với lịch làm việc dày đặc như vậy chỉ trong một ngày, tổng giám đốc WTO mong muốn được lắng nghe các nhà lãnh đạo, các doanh nghiệp VN nói về những thành tựu cũng như những tồn tại sau gần 10 năm gia nhập WTO; tình hình tổng thể của nền kinh tế; những vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang quan tâm…

Tổng giám đốc WTO cũng sẽ đề cập đến Hiệp định thuận lợi hóa thương mại (TFA) mà Việt Nam là một thành viên tham gia tích cực.

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Roberto Azevêdo kể từ khi được bầu làm người đứng đầu tổ chức thương mại lớn nhất thế giới năm 2013.


TP.HCM: Nợ thuế tăng 1.184 tỉ đồng

Cục Thuế TP.HCM cho biết tổng số tiền thuế, tiền phạt còn nợ tạm kết theo chương trình TMS (phần mềm quản lý thuế tập trung) đến ngày 31-3-2016 là 20.243 tỉ đồng, tăng 6,21%, tương đương 1.184 tỉ đồng so với thời điểm 31-12-2015.

Trong đó nợ khó thu tăng 7,85% tương đương 435 tỉ đồng, tiền thuế nợ đến 90 ngày tăng 19,23%, tương đương 682 tỉ đồng… Nợ chờ xử lý và nợ thuế trên 90 ngày giảm nhẹ.

Cục Thuế TP.HCM cho biết đã tập trung chỉ đạo công tác đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, trong đó đã công khai danh sách 54 doanh nghiệp có số nợ thuế đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế.

Kết quả thu nợ đến 31-3 được 4.280 tỉ đồng, trong đó thu nợ thuế năm 2015 chuyển sang 2.537 tỉ đồng, thu nợ phát sinh năm 2016 1.743 tỉ đồng.

Tới đây Cục Thuế sẽ tăng cường biện pháp đôn đốc thu và cưỡng chế nợ thuế đồng thời tăng cường rà soát 100% các khoản nợ thuế, phân tích cụ thể từng khoản và thường xuyên đối chiếu nhằm hạn chế nợ sai, nợ chờ xử lý… 

Ngoài ra, cục cũng tăng cường phối hợp với UBND quận, huyện, các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện cưỡng chế nợ đối với trường hợp cố tình chiếm dụng tiền thuế và các khoản thu liên quan đến đất.

Với các khoản nợ khó thu có tuổi nợ trên 10 năm, đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng không thu được, Cục Thuế sẽ lập hồ sơ xin xóa nợ theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế.

Cục Thuế TP.HCM cũng cho biết đã nhận hơn 30.000 hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2015, trong đó có khoảng 60% là hoàn thuế. So với năm trước, số lượng hồ sơ quyết toán thuế có tăng lên dù đối tượng buộc phải quyết toán thuế đã giảm đi.

Thu thuế thu nhập cá nhân trong quý 1 cũng tăng 16,49% so với cùng kỳ, trong đó từ tiền lương, tiền công chiếm tỉ trọng đến 81,24% do người lao động nộp quyết toán thuế năm 2015.


Trường đua xe Happy Land thuộc dự án 2 tỷ USD đi vào vận hành từ 30/4

CTCP Tập đoàn Khang Thông sẽ đưa vào vận hành và khai thác những hạng mục đầu tiên của dự án khu phức hợp giải trí Khang Thông (Happy Land) tại xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, Long An.

Theo đó, 2 hạng mục đầu tiên là Trường đua xe Happy Land và Show biểu diễn bong bóng nghệ thuật quốc tế sẽ được đưa vào vận hành vào dịp lễ 30/4/2016.

Sau 2 hạng mục này, năm 2016, Happy Land dự kiến đưa vào khai thác 2 hạng mục khác là Khu văn hóa Việt Nam và Khu dã ngoại vào dịp 2/9/2016.

viet nam da co truong dua xe dau tien duoc dau tu theo tieu chuan quoc te

Việt Nam đã có trường đua xe đầu tiên được đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế

Tiếp theo,trong  năm 2017, Happy Land dự kiến khánh thành và đưa vào hoạt động các hạng mục Công viên nước, Thế giới thu nhỏ, Khu nghỉ dưỡng, Lâu đài rượu, Khách sạn 3 sao với 453 phòng, Thành phố ánh sáng 24 giờ….

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những hạng mục đầu tiên được đưa vào vận hành trong giai đoạn 1. Đây là giai đoạn được xây dựng trên diện tích 338 ha với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD, trong khi toàn dự án này sẽ được đầu tư trên diện tích 1.200 ha chia làm nhiều giai đoạn. Dự án này đang được thiết kế cho khoảng 14 triệu lượt khách tham quan mỗi năm.

Giải thích vì sao lựa chọn Long An là điểm đầu tư dự án, ông Nguyễn Hữu Việt, Trợ lý Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Khang Thông cho rằng: “Dự án của chúng tôi nằm dọc sông Vàm Cỏ Đông với chiều dài 5km có lợi thế đường quốc lộ 1 A, đường cao tốc chạy ngang qua, song song với đường 1A là đường chợ đệm. Đây là điểm thuận lợi về giao thông bởi du khách từ TP.HCM đến dự án chỉ 30 km với thời gian hơn 30 phút. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể lựa chọn đi bằng đường thủy. Trong khi đó, chúng tôi cũng nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch khu vực này là rất lớn khi khu vực phía nam còn thiếu dự án du lịch đúng nghĩa về nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cho khách du lịch các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ đặc biệt là khách từ TP.HCM.”

Tại buổi giới thiệu thông tin, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Happy Land ra đời không chỉ giúp phát triển du lịch Long An và đồng bằng Sông Cửu Long mà nó còn là dự án du lịch trọng điểm của ngành du lịch Việt Nam. Vì vậy, đây sẽ là điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước tạo nên điểm nhấn cho du lịch Việt Nam.”

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, sau khi những hạng mục đầu tiên được đưa vào vận hành ngành du lịch sẽ có kế hoạch tổ chức đưa đại diện các công ty du lịch vào khảo sát tại khu vực này.

Trong khi đó, trao đổi với Phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Việt khẳng định doanh nghiệp này đã làm việc với hàng trăm doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại thị trường châu Á và châu Âu để bắt đầu đưa khách đến thăm quan.

Được biết, 2 hạng mục quan trọng nhất được đưa vào vận hành năm nay là trường đua vào khu văn hóa Việt Nam hứa hẹn là sản phẩm du lịch mang tính khác biệt và mới lạ.

Trong đó, trường đua xe Happy Land là trường đưa xe chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam. Mục tiêu của trường đua này là tạo ra môi trường đua xe hợp pháp cho những người yêu thích các bộ môn thể thao tốc độ. Mục tiêu này không chỉ dừng lại là tạo sân chơi cho các tay đua trong nước, đào tạo các tay đua chuyên nghiệp mà ban lãnh đạo tập đoàn này còn hướng tới trường đua này sẽ trở thành địa điểm tổ chức các giải đấu Đông Nam Á-châu Á và liên kết tổ chức các giải đua mang tính quốc tế.

“Với 12 loại hình đua xe, ngoài đào tạo, chúng tôi cũng cho thuê xe, đồ bảo hiểm và nhiều dịch vụ khác nhau nhằm phục vụ tối đa nhu cầu của khách. Với những trải nghiệm mới lạ, chúng tôi đặt kỳ vọng trường đua này sẽ thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài khu vực.”, ông Việt nói.

Trong khi đó, khu văn hóa Việt Nam sẽ tái hiện văn hóa của đất nước hình chữ S bao gồm mô hình chợ Bến Thành, chợ Đông Ba và chợ Đồng Xuân với nhiều đoàn nghệ thuật tái hiện lại văn hóa vùng miền.

Ông Việt cũng đặt kỳ vọng khu vực này sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ giúp du khách trong và ngoài nước hiểu được văn hóa Việt Nam theo mô hình thu nhỏ và sống động nhất.  

Với việc đầu tư tổng thể, ông Việt cho biết thêm, sau năm 2017, dự án sẽ tiếp tục được triển khai nhiều hạng mục khác như trung tâm thương mại, công viên chủ đề, khách sạn 5 sao và những dự án thành phần khác.   

Tuy nhiên, ông Việt không tiết lộ thông tin về số vốn đầu tư các giai đoạn tiếp theo cũng như dự án sẽ chia làm bao nhiêu giai đoạn và khi nào hoàn thành tất cả những hạng mục này.

Lý do được ông Việt đưa ra do tình hình kinh tế thế giới thời gian qua đã gây nhiều tác động đến kinh tế và thị trường trong đó có Việt Nam.

“Điều này tác động tới thị trường tài chính, do đó, chúng tôi đang nỗ lực đưa vào xây dựng, khai thác và vận hành theo hướng quấn chiếu từng hạng mục một.”, ông Việt nói.

Trường đua xe Happy Land là trường đua mô tô- ô tô Rally theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam với quy mô 130.900 m2 đủ sức chứa cho 25.000 khán giả.

Trường đua này bao gồm nhiều khu phức hợp như 1,4 km đường nhựa dành cho xe mô tô; 1,1 km đường Offroad dành cho xe cào cào và xe ATV; 400 m đường đua Drag theo tiêu chuẩn; 7,5 km đường đua dành cho xe ô tô Rally, 18.000 m2 sân tập dành cho mô tô Gymkhana; 5.000 m2 sân tập xe đạp và mô tô cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên.

Trường đua này tích hợp 12 loại hình đua xe gồm xe đạp, mô tô, ô tô dành cho các giải đua.


Những bất ổn về một quỹ bình ổn

Sau xăng dầu, giờ đây điện lực cũng đang “rậm rịch” cho ra đời Quỹ bình ổn giá (QBO). Thông tin này trong ít ngày gần đây đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Trên thực tế, việc thành lập QBO giá điện đã  được quy định tại Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg, quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 19/11/2013 và có hiệu lực từ đầu năm 2014.

Tại Điều 3 Quyết định 69, về nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện bình quân, có nêu: “Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch. Trường hợp cần thiết, Nhà nước sử dụng QBO giá điện và các biện pháp khác theo quy định để bình ổn giá bán điện nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội”.

nhieu truong hop hoa don hai thang lien venh lon, nguoi dan kho tin o minh bach gia dien

Nhiều trường hợp hóa đơn hai tháng liền vênh lớn, người dân khó tin ở minh bạch giá điện

Tại Điều 4, Quyết định 69 cũng đã quy định chi tiết cách sử dụng QBO giá điện, tại Điều 6 về tổ chức thực hiện cũng đã quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính là: “Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan hướng dẫn việc trích lập, quản lý và sử dụng QBO giá điện”. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì mà trong vòng 2 năm 2014 và 2015, các quy định về triển khai QBO giá điện đã không được các cơ quan chức năng triển khai trên thực tế.

Sự việc chỉ gây “xao động” dư luận  trở lại khi mới đây nhất, tại Dự thảo thay thế Quyết định 69 của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã cụ thể hóa thành hẳn một điều về QBO giá điện.

Tại Điều 8 Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 69 có quy định rằng: Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện việc trích lập, quản lý và sử dụng QBO giá điện theo hướng dẫn của Liên Bộ Tài Chính - Công Thương. Nguồn hình thành QBO giá điện sẽ được trích từ giá bán điện và sẽ tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện.

Tuy nhiên cũng theo Dự thảo, quỹ chỉ được trích lập khi các yếu tố đầu vào hình thành giá bán điện giảm so với hiện hành và chi phí sản xuất kinh doanh điện bị treo (chưa được tính hết vào giá bán điện) đã được xử lý hết...

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, chị Nguyễn Thảo Ly (Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, hiện còn quá nhiều tồn tại xung quanh vấn đề công khai và minh bạch giá điện, như cần làm rõ năng suất trong ngành điện, công khai các khoản đầu vào để tính toán chi phí…

“Không công khai, minh bạch giá hàng hóa độc quyền như đối với điện có thể dẫn tới giá thành không thực, trong đó còn có thể có những yếu tố chưa minh bạch, chưa đúng… dẫn tới gây thiệt thòi cho người tiêu dùng. Theo tôi, phải làm rõ những điều này rồi hẵng tính đến chuyện thêm quỹ này, buộc đóng quỹ nọ…”, chị Ly phân tích.

Quan điểm trên cũng được nhiều chuyên gia am tường chia sẻ, bởi trong khi giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh theo biến động của các thông số đầu vào cơ bản, bao gồm tất cả các khâu: phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện; điều hành - quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện… vẫn chưa được công bố rõ ràng, minh bạch thì khó trách người tiêu dùng kém tin tưởng vào sự hợp lý giá bán và khả năng hài hòa lợi ích các bên.

Vậy thì, quy định QBO giá điện được “trích từ giá bán điện” sẽ lại thêm một ẩn số cho khách hàng ngành điện. Câu hỏi đặt ra là nếu trích nộp QBO thì bao nhiêu là vừa? Trích như thế nào? Liệu có hợp lý hay không?... 

Theo chiến lược phát triển ngành điện hiện nay, một trong những mục tiêu cải tổ ngành này theo hướng cạnh tranh là hoạt động hiệu quả và hạ giá thành sản phẩm, tăng năng suất lao động… Người tiêu dùng rất mong muốn được mua điện theo giá thị trường, thay vì giá điện độc quyền “tù mù” không rõ yếu tố cung - cầu. Nếu đúng theo định hướng đó thì đâu phải thiết lập QBO!

Còn trong lúc mà hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình hai tháng liền nhau vẫn còn “vênh thốc tháo” rất khó lý giải, thì bậc thang giá điện chẳng bao giờ thuyết phục được ai. Các chuyên gia nhìn nhận, vấn đề minh bạch và công khai giá điện là điều mà ngành này cần làm nhất hiện nay.

Bởi nếu cứ tiếp tục để tính thị trường của điện lực chưa được rõ ràng, hoàn hảo, nói cách khác nó vẫn mang tính chất độc quyền; bao nhiêu năm qua người dân chỉ thấy giá điện tăng mà chưa bao giờ thấy giảm, thì đòi hỏi sự đồng thuận với các quyết định điều chỉnh giá của ngành điện là điều “xa xỉ”.

Điều người dân mong muốn nhất lúc này là một thị trường điện lực phải rõ ràng và minh bạch thông tin, giá điện phải phản ánh đầy đủ yếu tố thị trường, hơn là lập thêm một QBO mà trước mắt chỉ biết sẽ làm tăng giá điện còn tương lai không rõ có thể ổn định giá hay không…(TBNH)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục