tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh trưa 09-02-2016

  • Cập nhật : 09/02/2016

Hà Nội: 4 công trình giao thông "khủng" được mong đợi nhất năm 2016

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, đường vành đai 2 từ Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng… là những công trình giao thông ở Hà Nội được mong đợi đưa vào sử dụng trong 2016.

Cuối năm 2016 đưa vào khai thác thương mại tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Dự án đường sắt đô thị số 3 Cát Linh – Hà Đông (tuyến đường sắt trên cao hoàn thành đầu tiên ở Hà Nội) được chính thức khởi công từ 10/10/2011. Toàn tuyến có chiều dài khoảng 13,5km, đi hoàn toàn trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa 2 làn đường trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi.

Tuyến đường được thiết kế theo kiểu đường đôi, khổ 1.435m, điện khí hoá, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng theo quy phạm thiết kế Metro GB 5017-2003 của Trung Quốc, chịu được động đất cấp 8.

Tuyến có điểm khởi đầu đặt tại nhà ga Cát Linh (Q. Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (Q. Hà Đông) gồm 12 ga đón tiễn khách (Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - Đại học Quốc gia - Vành đai III - Thanh Xuân III - Bến xe Hà Đông - Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới) và khu Depo (trung tâm điều hành tuyến) tại phường Phú Lương, Q. Hà Đông.

Đoàn tàu gồm 6 toa hoặc 8 toa (khi lưu lượng giao thông tăng lên), có sức chở từ 2.028 hành khách đến 2.110 hành khách. Tốc độ tối đa là 80km/h, tốc độ lữ hành là 35km/h. Thời gian khai thác hàng ngày từ 5 -23 giờ, tần suất vận chuyển tối đa là 2 phút/chuyến.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường sắt, tính đến 31/12/2015, dự án đã hoàn thành các trụ cầu khu gian, đang tiến hành lao dầm và thi công 12 nhà ga. Cùng với tiến độ thi công trên, một toa tàu mẫu cũng đã được trưng bày lấy ý kiến người dân Thủ đô để chỉnh sửa trước khi hoàn thiện, đưa về Việt Nam chạy thử.

Theo kế hoạch được Bộ GTVT đưa ra, đến thời hạn tháng 6/2016 sẽ hoàn thành xong phần thô bao gồm hệ thống dầm, các nhà ga, sau đó mới tiến hành hoàn thiện.

Phần hoàn thiện này sẽ gồm nhiều hạng mục kỹ thuật cũng như trang trí, dự kiến mất thời gian khoảng 3 tháng. Tiếp đó, đến giai đoạn chạy thử khoảng 3 tháng nên phải cuối năm 2016 mới đưa vào sử dụng được. Hiện để đảm bảo tiến độ của dự án sẽ cố gắng đưa vào khai thác trong năm 2016, Bộ GTVT đang chỉ đạo quyết liệt các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công để đảm bảo tiến độ của dự án.

570m đường thi công hơn 10 năm sẽ hoàn thành trong năm 2016

Dài 570m, đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái (Hà Nội) được tăng gấp 3 lần kinh phí sau hơn 10 năm theo dự kiến trong năm 2016 này sẽ hoàn thành, thông xe và đưa vào sử dụng.

Dự án đường Vành đai 1 (đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái) có chiều dài 570 m, rộng 50 m, được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt vào cuối năm 2005 với tổng mức đầu tư là 383 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau nhiều năm chậm triển khai đến tháng 9/2014, mức đầu tư của dự án được điều chỉnh tăng gấp gần 3 lần tương đương số tiền 1.139 tỷ đồng.

Dự án có điểm đầu nối với ngã tư Lò Đúc - Trần Khát Chân, điểm cuối giao với đê Nguyễn Khoái. Để thực hiện dự án này, quận Hai Bà Trưng phải thu hồi 41.240 m2 đất tại 4 phường Đống Mác, Thanh Lương, Bạch Đằng, Thanh Nhàn, liên quan tới 670 hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng.

Sau khi hoàn thành, dự án được kỳ vọng sẽ thay thế cho đoạn đường rộng chưa đầy 10 m, thường xuyên xảy ra ùn tắc từ ngã tư Trần Khát Chân - Lò Đúc lên đê Nguyễn Khoái.

Theo kế hoạch, con đường này sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động cuối năm 2015, nhưng hiện đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng cho nên TP Hà Nội đang đốc thúc quận Hai Bà Trưng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ GPMB; tập trung giải quyết các tồn tại, vướng mắc, trả lời đơn thư kiến nghị của các hộ dân, vận động, thuyết phục người dân bàn giao đất, hoàn thành toàn bộ công tác GPMB trong tháng 12/2015 để lấy mặt bằng thi công.

Hiện tại các đơn vị thi công đang tập trung thi công tại những điểm đã được giải phóng mặt bằng. Dự kiến tuyến đường sẽ được thông xe vào giữa năm 2016 này.

Hoàn thành tuyến đường vành đai 2 từ Ngã Tư Vọng – Ngã Tư Sở

Dự án đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở-Ngã Tư Vọng có tổng mức đầu tư được duyệt là 2.560 tỷ đồng, dự kiến tổng giải ngân là 2.350 tỷ đồng, trong đó 2.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, 310 tỷ đồng để xây lắp và chi phí khác.

Tổng diện tích đất thu hồi phục vụ dự án này là hơn 116.800m2, trong đó gồm đất của 626 hộ dân, chiếm 24%, đất của 29 cơ quan chiếm 27%, đất giao thông công cộng chiếm 49%.

Căn cứ các kết luận, chỉ đạo của UBND TP, dự án đang được tổ chức thực hiện theo 2 đoạn tuyến gắn với tiến độ giải phóng mặt bằng thu hồi đất và kế hoạch đấu thầu được duyệt trên nguyên tắc có mặt bằng đến đâu tổ chức thi công đến đó; đồng thời phải duy trì, đảm bảo giao thông, vận hành thông suốt các hệ thống cấp điện, thông tin, chiếu sáng, cấp thoát nước… không làm ảnh hưởng đến tổ chức, hộ dân khu vực dự án.

 

duong vanh dai 2 tu nga tu so den nga tu vong cung se duoc thong xe trong nam 2016.

Đường vành đai 2 từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng cũng sẽ được thông xe trong năm 2016.

 

Cụ thể đoạn Tôn Thất Tùng-Ngã Tư Vọng, UBND quận Đống Đa đã có kế hoạch hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 12/2015, riêng nút Ngã Tư Vọng hoàn thành quý 1/2016. Chủ đầu tư đã đôn đốc các nhà thầu thi công tập trung nhân lực, thiết bị, đẩy nhanh tiến độ trên toàn tuyến hoàn thành đoạn tuyến từ Tôn Thất Tùng đến Ngã Tư Vọng trong quý 1/2016.

Đoạn Tôn Thất Tùng-Ngã Tư Sở đến nay đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, hiện còn 1/68 hộ dân, quận Thanh Xuân đã có kế hoạch thu hồi nốt trước ngày 15/12/2015. Tại địa bàn quận Đống Đa đã có kế hoạch hoàn thành giải phóng mặt bằng trong quý 2/2016, do qũy nhà tái định cư Nam Trung Yên dự kiến quý 1/2016 hoàn thành.

Trên tuyến này, đoạn từ ngã tư Tôn Thất Tùng đến Ngã Tư Vọng đã có một số đoạn hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các đơn vị thi công cũng đang tập trung thi công những đoạn còn lại. Dự kiến trong năm 2016, đoạn từ Ngã Tư Vọng – Ngã Tư Sở sẽ hoàn thành.

Hoàn thành tuyến đường nút cổ chai Lê Trọng Tấn

Với mong muốn mở rộng tuyến đường được cho là nút cổ chai Lê Trọng Tấn. Sáng 9/1 vừa qua, Sở GTVT Hà Nội và Quân chủng Phòng không-Không quân (Bộ Quốc phòng) đã tổ chức lễ khởi công dự án xây dựng, mở rộng đường Lê Trọng Tấn, đoạn từ đường Tôn Thất Tùng kéo dài đến sông Lừ).

Dự án có chiều dài 1.511m, mặt cắt ngang tuyến đường 27-30m. Trên tuyến có cầu qua sông Lừ dài khoảng 30m, rộng 14m để kết nối với tuyến đường hai bên sông Lừ. Tổng mức đầu tư hơn 224 tỷ đồng.

Khi triển khai thi công công trình sẽ kết hợp hạ ngầm toàn bộ các hệ thống đường dây, cáp (điện, thông tin liên lạc, viễn thông…) hiện đang đi nổi. Đồng thời một số hạng mục sẽ được thí điểm áp dụng mới cho công trình này như: hệ thống chiếu sáng trên tuyến sử dụng đèn LED tiết kiệm điện năng; hệ thống bó vỉa, vạch lát hè được sử dụng mẫu mới; cây xanh trên tuyến phù hợp với đường đô thị nhằm nâng cao chất lượng công trình, bảo đảm cảnh quan đô thị.

Việc giải phóng mặt bằng tuyến đường được lấy về phía đất của Bộ Quốc phòng đang quản lý (khoảng 2,5ha), vì vậy ít ảnh hưởng đến nhà đất của nhân dân trong khu vực đường Lê Trọng Tấn.

Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành 1/2 mặt cắt đường phía thuộc đất quân đội trước Tết Nguyên đán 2016 để phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện. 1/2 mặt cắt còn lại sẽ hoàn thành trước ngày 30/4. Sau khi hoàn thành tuyến đường này sẽ giúp cho việc đi lại của người dân được thuận tiện, an toàn hơn.


Trung tâm Hội chợ triễn lãm quốc gia không được xây quá 50 tầng

Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đưa ra kết luận về chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới, các dự án thành phần và một số nguyên tắc xây dựng cơ chế tài chính trong khu vực đất Dự án tại 148 Giảng Võ và Dự án tại Mễ Trì.

Riêng với khu vực đất Dự án Mễ Trì, Thủ tướng yêu cầu UBND TP.Hà Nội chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt theo thẩm quyền Quy hoạch chi tiết Dự án trong tháng 4/2016.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với UBNN TP Hà Nội lập, thẩm định, xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan Bộ, ngành Trung ương tại khu vực Mễ Trì và Tây Hồ Tây, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2016.

Ngoài ra, đối với 300 ha đất thuộc khu vực Cổ Loa, huyện Đông Anh, UBND TP.Hà Nội sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xác định quy mô vị trí, ranh giới, khu vực đất dành cho Dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới, chỉ đạo lập các quy hoạch chi tiết dự án nêu trên và phê duyệt theo thẩm quyền.

Trường hợp quy mô dự án làm thay đổi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt, Bộ xây dựng thống nhất với UBND TP.Hà Nội và báo cáo Thủ tướng Chính Phủ trong tháng 3/2016.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý về chủ trương tạm thời chuyển việc tổ chức các hoạt động của hội chợ triển lãm tại số 148 Giảng Võ sang vị trí khác để tiến hành triển khai đồng thời các dự án tạo nguồn vốn thực hiện Dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới. Mặt khác,

Thủ tướng đồng ý với UBND TP.Hà Nội về bố trí quỹ đất tương đương để phát triển nhà ở xã hội tại các dự án thành phần không phải trong khu vực dự án.


Chuyển hóa sức mạnh quốc tế để tự cường trong hội nhập kinh tế

viet nam tranh thu cac nguon luc de hoi nhap thanh cong vao nen kinh te the gioi

Việt Nam tranh thủ các nguồn lực để hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới


Quá trình hội nhập kinh tế trong 20 năm qua đã cho Việt Nam nhiều bài học quý báu để vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập sâu, rộng.

Trong quá trình hội nhập, tự cường - tự làm cho mình mạnh lên - bao hàm cả nghĩa rộng hơn, là biết tranh thủ những nguồn lực bên ngoài, chuyển hóa sức mạnh quốc tế.

Hội nhập kinh tế quốc tế là một chủ trương nhất quán và là nội dung trọng tâm trong chính sách đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế của Đảng ta trong quá trình đổi mới đất nước. Giáo sư Vũ Dương Ninh nhận xét, những kết quả đạt được trong quá trình hội nhập bằng ngoại giao kinh tế đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

“Trước đây nói đến ngoại giao là ta nghĩ đến ngoại giao chính trị nhưng bây giờ ta nói đến ngoại giao kinh tế. Ngoại giao kinh tế đã phối hợp với các cơ quan kinh tế giúp chúng ta thu hút các nguồn đầu tư trực tiếp, ODA, mở rộng thị trường lao động, thị trường thương mại. Những cái đó, ngoại giao đã phát triển rất tích cực với đường lối rất đúng là phát triển ngoại giao kinh tế trên mặt trận ngoại giao chung,” GS. Vũ Dương Ninh nói.

Tuy nhiên, trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng của nước nhà, nhà báo Hà Đăng, Nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân cho rằng, nếu không biết tận dụng và kết nối sức mạnh bên ngoài và nguồn lực bên trong một cách hợp lý thì hội nhập sẽ khó có thể mang đến những thuận lợi như kỳ vọng.

Ông Hà Đăng nhấn mạnh: “Cái mình muốn là thực hiện cuộc hội nhập lớn để tranh thủ sức mạnh bên ngoài để hỗ trợ sức mạnh bên trong. Phải kết hợp hai sức mạnh ấy để tiến lên. Sự thực kinh tế Việt Nam đã phát triển khá, hội nhập cũng khá nhưng so với các nước chúng ta vẫn còn yếu, mà lực bên trong yếu thì ko thể dùng lực đó để làm lực đẩy cho tranh thủ bên ngoài.”

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Võ Đại Lược chỉ ra một thực tế, Việt Nam vẫn chưa đạt được sự cân xứng giữa hai yếu tố ngoại lực và nội lực.

“Chúng ta ký rất nhiều FTA, bỏ hàng rào phi thuế quan, giảm hàng rào thuế quan dần dần bằng 0 tức là hàng rào bảo hộ sẽ không còn nữa. Tức là đặt nền kinh tế của chúng ta đối diện với các nền kinh tế mà chúng ta ký kết. Xem như nền kinh tế của chúng ta đã mở cửa với hầu hết các nền kinh tế, mở là tốt. Nhưng mở đi kèm với cạnh tranh và chúng ta phải đối diện với họ".

Vấn đề ở đây là năng lực cạnh tranh, không chỉ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau mà là cạnh tranh giữa chính phủ với các chính phủ. Thể chế của chúng ta với các nước, giữa người lao động…. Việt Nam thì giỏi không thua kém gì nhiều, nhưng về nhiều mặt chúng ta vẫn còn bất cập, ông Võ Đại Lược nói.

Theo ông Nguyễn Đình Lương, nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Mỹ (BTA), nội lực chính là đường lối chính sách. Việt Nam cần thay đổi tư duy làm ăn kinh tế. Thay đổi này phải được cụ thể hóa trong chính sách mới có thể đưa đất nước chủ động tự điều tiết được trong dòng chảy hội nhập; qua đó, tận dụng những cơ hội cho mình.

“Muốn biến đổi trong dòng chảy đó, từ thay đổi tư duy nhận thức phải có hệ thống luật pháp để làm sao người dân được tự do kinh doanh, làm ăn làm giàu khoog bị chèn ép, xin chỗ này xin chỗ kia, thuế nọ phí kia. Quan trọng là người dân phải hào hứng để tập trung trí tuệ, nội lực làm giàu, dân có giàu thì nước mới mạnh,” ông Nguyễn Đình Lương khẳng định. 

Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập, tự chủ là những định hướng mang tính nguyên tắc của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều bất cập mà Việt Nam cần phải thay đổi trong tư duy, thể chế, chính sách để tự tin hội nhập với thế giới và không bị thiệt trên sân chơi chung ấy.


WB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội

ba victoria kwakwa, giam doc quoc gia, ngan hang the gioi tai viet nam. (anh: an dang/ttxvn)

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)


Trong những năm qua, Việt Nam đã thu được những thành tựu to lớn, hết sức quan trọng. Thực hiện đường lối đổi mới, đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội tạo được những tiền đề chuyển sang thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nhân dịp năm mới Bính Thân 2016, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Sau đây là nội dung phỏng vấn:

- Bà đánh giá như thế nào về những thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội những năm qua?

Bà Victoria Kwakwa: Việt Nam đã thay đổi nhiều sau ba mươi năm đổi mới. Từ một nền kinh tế nông nghiệp nghèo, kế hoạch tập trung, đóng cửa với phần lớn thế giới bên ngoài, đến nay Việt Nam đã trở thành một nước thu nhập trung bình năng động, đô thị hóa nhanh với nền kinh tế theo định hướng thị trường. Việt Nam đã mở cửa thương mại và đầu tư quốc tế, đang hội nhập các mạng lưới sản xuất toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất ấn tượng, công bằng và ổn định.

Trên tất cả các lĩnh vực đều được cải thiện đáng kể. Nghèo đói đã giảm rất nhanh, tỉ lệ nghèo đã giảm từ 50 % vào đầu những năm 1990 xuống còn 3% hiện nay.

Không chỉ thu nhập cao hơn, người dân Việt Nam còn đạt được trình độ học vấn cao hơn và có tuổi thọ cao hơn hầu hết các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Trong những cuộc thi quốc tế gần đây, học sinh Việt Nam thể hiện tốt hơn mức trung bình của các nước trong Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), với sự khác biệt rất nhỏ giữa các nhóm thu nhập và giữa thành thị-nông thôn. Tỉ lệ tử vong ở các bà mẹ đã giảm xuống dưới mức trung bình của các nước có thu nhập trung bình, trong khi tỉ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm xuống một nửa, chỉ cao hơn tỉ lệ trung bình một chút.

Việc tiếp cận cơ sở hạ tầng cơ bản cũng đã cải thiện đáng kể. Hiện tại hầu hết các gia đình đều có điện dùng, so với chưa đến một nửa số hộ dân có điện vào năm 1993. Tiếp cận nước sạch và vệ sinh hiện đại đã tăng từ dưới 50 % số hộ lên đến hơn 75%.

- Việt Nam hiện đã ra khỏi danh sách các nước nghèo, trở thành nước có thu nhập trung bình. Bà có thể cho biết những cơ hội và thách thức của Việt Nam vào năm 2016 và các năm tiếp theo?

Bà Victoria Kwakwa: Bức tranh chung của nền kinh tế là tích cực khi Việt Nam bước vào năm 2016. Việt Nam đã hồi phục từ sự suy giảm trong bốn năm qua và hiện đang bắt đầu quỹ đạo phát triển. Chúng tôi tin rằng, sự phục hồi kinh tế này sẽ được duy trì trong bối cảnh thị trường thế giới bất ổn hiện nay. Triển vọng kinh tế Việt Nam được cho là phát triển mạnh hơn so với một số nước trong khu vực.

Việt Nam đang bắt đầu một làn sóng mới của hội nhập quốc tế và khu vực, mở ra những thị trường mới, hỗ trợ công cuộc công nghiệp hóa, mang tới cơ hội cho các doanh nghiệp thúc đẩy sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng sẽ vượt lên trên khuôn khổ của hội nhập thương mại thông thường và thúc đẩy hiện đại hóa và chuyển biến của Việt Nam hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế trong một loạt các vấn đề thể chế bao gồm mua sắm công, quan hệ lao động, quyền sở hữu trí tuệ.

Việt Nam đã bắt đầu có được sự quan tâm lớn hơn của các nhà đầu tư theo sau các hiệp định quốc tế và đã có sự dịch chuyển của một số doanh nghiệp từ nước khác, nhằm tận dụng lợi thế của việc triển khai Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương sắp tới.

Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức. Đối với nền kinh tế mở của Việt Nam, cần có dự trữ ngoại hối mạnh mẽ hơn để đảm bảo an toàn trước những biến động bên ngoài. Tái cấu trúc lại không gian tài chính và dự trữ ngoại hối lớn hơn sẽ củng cố khả năng thích ứng của kinh tế vĩ mô, giúp nền kinh tế đối phó tốt hơn với những cú sốc cả trong và ngoài nước.

Ngoài những vấn đề cần quan tâm trước mắt, Việt Nam cũng phải đối mặt với các thách thức về cấu trúc như: hoàn thiện việc chuyển đổi kinh tế thị trường, đặc biệt là thực hiện cơ chế thị trường hiệu quả nhằm thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền sở hữu và xác định lại vai trò của nhà nước trong nền kinh tế; tận dụng cơ hội hội nhập để đẩy mạnh công nghiệp hóa; tăng cường học hỏi và sáng tạo; sử dụng đô thị hóa để thúc đẩy tăng trưởng; đi theo lộ trình phát triển bền vững vì môi trường hơn nữa bao gồm việc xây dựng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chương trình hành động trên là cấp thiết cho Việt Nam để đẩy mạnh tăng trưởng năng suất và tiếp tục cải thiện sự cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam đối mặt với những thách thức về việc đảm bảo sự bình đẳng về cơ hội, đặc biệt là bình đẳng về tiếp cận các dịch vụ xã hội và sinh kế cho người nghèo, người tàn tật, người dân nhập cư đô thị. Xã hội thu nhập trung bình và già hóa nhanh chóng của Việt Nam sẽ đòi hỏi tiếp cận giáo dục chất lượng tốt, bảo hiểm sức khỏe toàn diện, một hệ thống hưu trí vững chắc.

Cuối cùng, cơ chế quản lý của Việt Nam sẽ cần tiếp tục đổi mới để đáp ứng khát vọng của một nền kinh tế có thu nhập trung bình, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng, toàn diện, bền vững.

Việt Nam có thể sử dụng làn sóng hội nhập mới tiếp thêm sức mạnh, đề ra những cải cách mạnh mẽ, chuẩn bị cho nền kinh tế bền vững của đất nước “cất cánh,” đảm bảo thành công của Việt Nam với tư cách là nước thu nhập trung bình thịnh vượng trong những năm tới. Chúng tôi chúc Việt Nam thành công hơn nữa trong năm 2016 và những năm sau đó.

- Trong thời gian tới, Ngân hàng Thế giới có những ưu tiên hợp tác như thế nào đề giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu phát triển đất nước hiệu quả, bền vững?

Bà Victoria Kwakwa: Hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới đối với Việt Nam được đưa ra theo các ưu tiên phát triển của đất nước được thể hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội. Chiến lược hiện nay của chúng tôi, kết thúc vào năm 2016, có 3 trụ cột chính: cạnh tranh, bền vững và cơ hội.

Dưới trụ cột cạnh tranh, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ chương trình đổi mới cấu trúc và quản lý kinh tế Việt Nam ; bao gồm tái cấu trúc nông nghiệp và hiện đại hóa và cung cấp nguồn vốn cho các khoản đầu tư hạ tầng quan trọng trong các lĩnh vực điện, giao thông và nước.

Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu và môi trường bền vững của chúng tôi sẽ tập trung vào các khoản đầu tư nhằm khắc phục ô nhiễm công nghiệp, mở rộng rừng ngập mặn ven biển, bắt đầu hướng tiếp cận lồng ghép theo khu vực để thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và tăng cường các khoản đầu tư tư nhân vào năng lượng tái tạo.

Nhằm thúc đẩy sự bình đẳng về cơ hội, chúng tôi sẽ tiếp tục các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng và sinh kế tại các cộng đồng nghèo nhất, bao gồm các cộng đồng dân tộc ít người, nâng cấp cơ sở hạ tầng trong các khu vực thu nhập thấp và thiết kế các khoản đầu tư khác cho Chương trình nông thôn mới và Chương trình Mục tiêu Quốc gia mới về giảm nghèo bền vững.

Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 2016–2020, khẳng định lại các ưu tiên chính của chính phủ: duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường cơ chế thị trường, đầu tư vào hạ tầng hiện đại và phát triển lực lượng lao động tay nghề cao. Ngân hàng Thế giới hiện đang chuẩn bị thiết kế chiến lược tiếp theo nhằm hỗ trợ việc thực hiện mục tiêu kinh tế-xã hội 2016-2020 và sẽ tiếp tục mang tới một loạt các công cụ để các bạn sử dụng: tri thức, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu kinh tế-xã hội 2016-2020.


Gần 1.000 hộ dân mất tết vì không có nước ngọt

Được tin cả ngàn hộ dân xã Bình Xuân, thị xã Gò Công không có nước ngọt suốt nhiều ngày qua, chiều 8-2 (mùng 1 Tết), ông Lê Văn Hưởng - chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã đến tận nơi nắm tình hình để chỉ đạo biện pháp khắc phục.

 lu chua nuoc nha ong nguyen van hung can kho - anh v.tr

 Lu chứa nước nhà ông Nguyễn Văn Hùng cạn khô - Ảnh V.TR

Theo bà Nguyễn Lệ Thủy ở ấp Hòa Thân, xã Bình Xuân thì cả tháng nay người dân khu vực này phải canh hứng nước máy chảy nhỏ giọt sử dụng tạm. Tuy nhiên bốn ngày qua chẳng có giọt nước nào. Van nước bên hông nhà bà đã mở sẵn để khi nào nhìn thấy có nước chảy ra thì bà đem xô ra hứng, nhưng mấy ngày qua tuyệt nhiên không có giọt nước nào.

Cạnh đó, hộ ông Nguyễn Văn Hùng đã gắn van nước sát mặt đất với hi vọng nước yếu thì cũng hứng được. Có điều van mở 24/24g mà nước chẳng có một giọt. “Mấy ngày nay tui phải chở can nhựa 30 lít đi vô xã Bình Xuân đổi nước ngọt về nấu nướng, tắm giặt. Người ta thương nên chỉ lấy giá 2.000 đồng/bình. Mỗi ngày tui phải chở 5-6 bình và xài rất tiết kiệm mới đủ. Hôm nay Mùng 1 Tết người ta kiêng cử đổi nước nên giờ trong nhà không có nước để tắm luôn”. Ông Hùng vừa nói vừa mở nắp mấy cái lu bên hông nhà. Tất cả đều đã cạn khô.

Nhiều hộ dân ở ấp Hòa Thân rất bức xúc vì không có nước ngọt nấu ăn cúng tết. Khi gọi điện cho người phụ trách trạm cấp nước của xã thì không nghe máy. Một số người tìm gặp thì được trả lời do nước yếu. Mặc dù vậy đơn vị quản lý, kinh doanh nước sinh hoạt cũng không có biện pháp nào cấp nước tạm thời cho người dân sử dụng trong những ngày tết.

Theo ông Nguyễn Hữu Lợi, chủ tịch UBND thị xã Gò Công, hiện có gần 1.000 hộ dân ở xã Bình Xuân bị thiếu nước ngọt từ những ngày cuối tháng Chạp đến nay. Nguyên nhân là do công suất của trạm cấp nước do Công ty TNHH MTV Cấp nước sinh hoạt nông thôn quản lý quá yếu trong khi số hộ sử dụng nước thì nhiều nên chỉ có một số hộ ở gần trạm cấp nước mới có nước sử dụng. Những hộ ở xa một chút thì nước không chảy tới.

Sau khi nắm tình hình và động viên người dân cố gắng khắc phục tình trạng này, đổi nước ngọt sử dụng tạm trong những ngày tết, ông Lê Văn Hưởng đã chỉ đạo Sở NNPTNT báo cáo, đề xuất khoan thêm giếng, tăng công suất máy… trình UBND tỉnh quyết định để cấp nước cho dân sớm nhất. “Tôi thấy dân bức xúc là đúng. Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cấp nước sinh hoạt nông thôn Tiền Giang lo nghỉ tết mà để dân khát nước trong những ngày này thì không được rồi” - ông Hưởng bức xúc.

Cũng theo ông Hưởng, UBND tỉnh đang đầu tư đường ống nước lớn dẫn nước từ Nhà máy nước BOO Đồng Tâm ở huyện Châu Thành về vùng Gò Công. Hiện nay đường ống này đã kéo tới xã Tân Trung, cách xã Bình Xuân chỉ vài cây số. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục thi công đường ống tới nơi mà người dân bị mất tết do không có nước ngọt.

ong le van huong (trai, chu tich ubnd tinh tien giang) nhin thay van nuoc o nha ba nguyen le thuy mo suot ma khong co giot nuoc nao - anh v.tr

Ông Lê Văn Hưởng (trái, chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang) nhìn thấy van nước ở nhà bà Nguyễn Lê Thủy mở suốt mà không có giọt nước nào - Ảnh V.TR


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục