tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh 08-02-2016

  • Cập nhật : 08/02/2016

Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 sẽ bao phủ 2.275 xã

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh sách 2.275 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu của 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm giai đoạn 2016-2020.

von chuong trinh 135 duoc tap trung xay dung co so ha tang thiet yeu chc cac xa dac biet kho khan

Vốn Chương trình 135 được tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu chc các xã đặc biệt khó khăn

Trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư 2.240 xã của 44 tỉnh; ngân sách địa phương đầu tư 35 xã của 4 tỉnh/thành phố: Quảng Ninh, Hà Nội, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Các tỉnh có nhiều xã khó khăn được đưa vào diện đầu tư của Chương trình 135 là Cao Bằng 148 xã, Hà Giang 141 xã; Lào Cai 113 xã; Thanh Hóa 115 xã; Lạng Sơn 111; Sơn La 102 xã; Điện Biên 98 xã...

Tổng vốn đầu tư 21.000 tỷ đồng. Nguồn vốn Chương trình sẽ hỗ trợ người dân về giống cây con phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và người dân về quản lý thực hiện Chương trình và các chính sách dân tộc, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Mục tiêu nhằm tăng thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo đến năm 2020 gấp 3 đến 5 lần so với năm 2011, tương đương 26 triệu đồng/người/ năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo 4% mỗi năm, phấn đấu tất cả hộ gia đình có điện lưới quốc gia, đáp ứng 70% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm.

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt danh sách 80 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu của 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 năm 2015. Trong đó, tỉnh có nhiều xã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 là Bình Phước và Thái Nguyên, mỗi tỉnh có 12 xã;  Lào Cai 7 xã; Sóc Trăng 8 xã; Trà Vinh 7 xã;...

Năm 2014, 2015, Chương trình 135 đầu tư cho 2.331 xã (ngân sách trung ương đầu tư 2.295 xã, ngân sách địa phương đầu tư 36 xã), 3.509 thôn, bản đặc biệt khó khăn (ngân sách trung ương đầu tư 3.448 thôn, bản; ngân sách địa phương đầu tư 61 thôn, bản) với tổng số vốn từ ngân sách nhà nước là 7.790 tỷ đồng.

Trong hai năm 2014 - 2015, việc phân bổ vốn của Chương trình 135 từ ngân sách Trung ương cho các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, xã biên giới các thôn bản đặc biệt khó khăn mang tính cào bằng dẫn đến sự không công bằng giữa các vùng miền có điều kiện, kinh tế xã hội khác nhau.

Nguồn vốn từ Trung ương chưa thực sự tập trung đầu tư vào nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất. Vì vậy, rất cần thiết xây dựng các tiêu chí phân bổ vốn để khắc phục những hạn chế đó.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình 135 Uỷ ban Dân tộc, giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến sẽ có 7 tiêu chí để xác định việc phân bổ vốn, gồm: Tiêu chí đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; tiêu chí về thôn đặc biệt khó khăn; tiêu chí về dân số (số nhân khẩu); tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo, số hộ nghèo của tỉnh; tiêu chí về số xã thôn hoàn thành mục tiêu; tiêu chí về tỷ lệ giải ngân; tiêu chí về chấp hành chế độ báo cáo.


Số lượng cấp phó cơ quan thuộc Chính phủ không quá 4 người

Đó là một trong những nội dung được quy định tại Nghị định quy định về cơ quan thuộc Chính phủ vừa được Chính phủ ban hành.

Nghị định nêu rõ, cơ cấu tổ chức cơ quan thuộc Chính phủ gồm: 1- Ban; 2- Văn phòng; 3- Các tổ chức sự nghiệp khác trực thuộc (nếu có).

Các ban hoạt động theo chế độ thủ trưởng, không có con dấu riêng, có thể có phòng trực thuộc và được quy định cụ thể tại Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng cơ quan thuộc Chính phủ.

Văn phòng có con dấu riêng; cơ cấu tổ chức của Văn phòng có phòng hoặc đội.

Số lượng cấp phó của người đứng đầu các tổ chức quy định nêu trên không quá 3 người. Trong trường hợp đặc biệt, nếu tổ chức trực thuộc có tên gọi khác, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan thuộc Chính phủ.

Người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm; chịu trách nhiệm về mọi mặt hoạt động của cơ quan thuộc Chính phủ trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật.

Cấp phó của người đứng đầu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của người đứng đầu; có trách nhiệm giúp người đứng đầu chỉ đạo, giải quyết một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước người đứng đầu và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Nhiệm vụ của cấp phó do người đứng đầu phân công.

Số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ không quá 4 người. Trong trường hợp do sáp nhập cơ quan thuộc Chính phủ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển của cơ quan có thẩm quyền, số lượng cấp phó có thể nhiều hơn nhưng không quá 5 người và do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo Nghị định, cơ quan thuộc Chính phủ do Chính phủ thành lập, có chức năng phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của Chính phủ; thực hiện một số dịch vụ công có đặc điểm, tính chất quan trọng mà Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo. Cơ quan thuộc Chính phủ chịu sự quản lý nhà nước của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Cơ quan thuộc Chính phủ có nhiệm vụ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, các chương trình, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm, các dự án quan trọng của cơ quan; tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt; tham gia thẩm định các đề án, dự án quan trọng thuộc chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; quyết định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, công bố tiêu chuẩn cơ sở; ban hành quy trình chuyên môn, nghiệp vụ, định mức kinh tế - kỹ thuật để triển khai các dịch vụ công được Chính phủ giao; tổ chức triển khai thực hiện các dịch vụ công được Chính phủ giao theo đúng quy định của pháp luật; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các dịch vụ công đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật.

Cơ quan thuộc Chính phủ còn có nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về thành lập mới, tổ chức lại, giải thể các tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của các tổ chức, đơn vị trực thuộc; trình Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ; bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các tổ chức, đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật; quy định thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, đơn vị trực thuộc;...

Người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ không ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo Bộ Nội vụ, hiện nay có 8 cơ quan thuộc Chính phủ đều là tổ chức sự nghiệp công lập (Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) có chức năng phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của Chính phủ hoặc thực hiện một số dịch vụ công.

Từ năm 2016, không thành lập mới tổ chức khoa học, công nghệ công lập

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, khoảng 55% cán bộ nghiên cứu của tổ chức khoa học và công nghệ công lập có trình độ thạc sỹ trở lên, trong đó ít nhất 20% là tiến sỹ. Đến năm 2030, khoảng 70% cán bộ nghiên cứu của tổ chức khoa học và công nghệ công lập có trình độ thạc sỹ trở lên, trong đó ít nhất 30% là tiến sỹ. Năm 2020 có khoảng 15 tổ chức, đến năm 2030 có khoảng 30 tổ chức khoa học và công nghệ công lập đạt trình độ khu vực và thế giới.

Cụ thể, Quy hoạch nêu rõ trong giai đoạn 2016-2020, các tổ chức nghiên cứu chiến lược, chính sách, định mức kinh tế - kỹ thuật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, bộ, cơ quan ngang bộ được quy hoạch mỗi cơ quan có 1 tổ chức, riêng Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 2 tổ chức.

Các tổ chức nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, dịch vụ khoa học và công nghệ trực thuộc các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 02 Đại học Quốc gia (Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, gồm:  8 tổ chức trực thuộc Bộ Công Thương; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam,  Đài Truyền hình Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đều có 1 tổ chức trực thuộc; 5 tổ chức trực thuộc Bộ Xây dựng; 3 tổ chức trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; 10 tổ chức trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 2 tổ chức trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; 14 tổ chức trực thuộc Bộ Y tế; 11 tổ chức trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; 3 tổ chức trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 6 tổ chức trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; 27 tổ chức trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; 32 tổ chức trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; 3 tổ chức trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong giai đoạn này, các bộ, cơ quan tập trung rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp cơ cấu bên trong của từng tổ chức khoa học và công nghệ công lập nêu trên theo hướng thu gọn các đầu mối trực thuộc; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, từng bước chuyển các tổ chức nghiên cứu ứng dụng, dịch vụ khoa học và công nghệ có đủ điều kiện sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp hoặc cổ phần hóa.

Các tổ chức khoa học và công nghệ công lập do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập được rà soát, sắp xếp hợp lý, khắc phục tình trạng trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ.

Đặc biệt, Quy hoạch nhấn mạnh, sẽ không thành lập mới tổ chức khoa học và công nghệ công lập; chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp đặc biệt, thật sự cần thiết do yêu cầu thực tiễn. Tiếp tục kiện toàn các tổ chức khoa học và công nghệ công lập đang hoạt động có hiệu quả. Khuyến khích các tổ chức nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ khoa học và công nghệ chuyển sang tự chủ hoàn toàn, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Từng bước cổ phần hóa tổ chức khoa học và công nghệ công lập đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Sang giai đoạn 2021-2030, đẩy mạnh tái cấu trúc mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo hướng giảm số lượng tổ chức, tăng quy mô, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ công lập trên cơ sở sáp nhập, hợp nhất các tổ chức trùng lặp chức năng, nhiệm vụ; giải thể tổ chức hoạt động không hiệu quả hoặc không cần thiết phải duy trì hoạt động; cổ phần hóa các tổ chức đủ điều kiện hoặc không cần thiết phải duy trì dưới hình thức công lập.

Bên cạnh đó, điều chỉnh, phân bố tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo lĩnh vực nghiên cứu, phù hợp với đặc thù và với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, địa phương; tiếp tục tập trung đầu tư phát triển một số tổ chức khoa học và công nghệ công lập trong các lĩnh vực ưu tiên để đạt trình độ khu vực và thế giới


Giao 2.909,746 tỷ đồng thực hiện di dân, tái định cư thủy điện Sơn La

Số tiền trên được lấy từ nguồn vốn Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

 Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc giao vốn thực hiện Dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La.

 Số vốn đầu tư thực hiện Dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La từ nguồn vốn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đảm bảo theo Quyết định số 2009/QĐ-TTg, ngày 04/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, số tiền 2.909,746 tỷ đồng cho các tỉnh cụ thể như sau: Sơn La 2.052 tỷ đồng; Điện Biên 675 tỷ đồng; Lai Châu: 182,746 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương chuyển số vốn trên sang Ngân hàng phát triển Việt Nam để giao cho các địa phương thực hiện Dự án theo đúng quy định.

UBND các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu chịu trách nhiệm phân bổ chi tiết số vốn cho các dự án thành phần theo đúng quy định, gửi các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giám sát thực hiện và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định; quản lý, sử dụng vốn được giao đúng mục đích, thực hiện đúng các quy định hiện hành, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nguồn cho phần ngân sách nhà nước để bổ sung số vốn còn thiếu thực hiện Dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La theo Quyết định số 2009; chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu đã báo cáo trên.

Công trình Thủy điện Sơn La có công suất lắp đặt 2.400 MW (gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 400 MW) được xây dựng trên địa bàn xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Nhiệm vụ chính của công trình là cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng trung bình hằng năm là 10,246 tỷ kWh. Công trình còn có chức năng chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho Đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.
Trong quá trình thực hiện dự án, Sơn La và các địa phương liên quan đã thực hiện thành công công tác di dân, tái định cư.

Theo Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng số dân di chuyển thuộc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La là 20.340 hộ, 92.301 nhân khẩu. Trong đó, tỉnh Sơn La 12.584 hộ, 58.337 khẩu; tỉnh Điện Biên 4.459 hộ, 17.010 khẩu; tỉnh Lai Châu 3.297 hộ, 16.954 khẩu.

Tổng số khu, điểm tái định cư tập trung của Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La 78 khu, 285 điểm, tái định cư xen ghép vào 38 bản thuộc 17 xã và tái định cư tự nguyện; bố trí tái định cư cho 20.477 hộ (gồm số dân di chuyển thuộc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La và Dự án đường tránh ngập đường Mường Lay-Nậm Nhùn, giai đoạn 1).

Đến tháng 9/215, các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã hoàn thành việc lập và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết toàn bộ 78 khu, 285 điểm tái định cư xen ghép vào 37 bản thuộc 16 xã và khu tái định cư tự nguyện.

Nhà nước cũng đã triển khai gần 8.000 phương án hỗ trợ, bồi thường với số vốn giải ngân hơn 7.000 tỷ đồng cho hơn 40.000 hộ dân, 232 tổ chức phải di dời hoặc chịu ảnh hưởng


Bổ sung 414.676 USD cho Chương trình xây dựng nông thôn mới

Nguồn vốn bổ sung trên được lấy từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Quỹ Kế hoạch chung của Liên hợp quốc cho Chương trình chung của Liên hợp quốc hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đề xuất trên đã được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý cho phép.

Chương trình chung của Liên hợp quốc hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Dự án) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục tại Quyết định số 219/QĐ-TTg, ngày 07/02/2014 với tổng kinh phí thực hiện là 1.390.000 USD, trong đó vốn ODA viện trợ không hoàn lại là 1.100.000 USD.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ quản dự án.

Mục tiêu của Dự án nhằm cung cấp trợ giúp chuyên môn kỹ thuật chất lượng cao cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn Việt Nam thông qua điều phối các trợ giúp kỹ thuật của hệ thống Liên hợp quốc nhằm tích hợp các lợi thế so sánh của từng cơ quan đối với Chương trình mục tiêu quốc gia.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2016.

Việc phân bổ vốn này dựa trên 4 nguyên tắc.

Thứ nhất, vốn ngân sách trung ương và vốn trái phiếu chính phủ kế hoạch năm 2016 để hỗ trợ cho các xã theo đúng mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ hai là không hỗ trợ vốn ngân sách trung ương cho các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương (trừ tỉnh Quảng Ngãi). Các địa phương này phải bố trí vốn ngân sách địa phương ở mức cao hơn so với các địa phương khác và huy động hợp lý theo quy định của pháp luật các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện mục tiêu của Chương trình.

Thứ ba, ưu tiên nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã nghèo thuộc các huyện nghèo; xã nghèo thuộc huyện có tỷ lệ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng như các huyện nghèo, trong đó ưu tiên hơn cho các xã mới đạt dưới 5 tiêu chí.

Thứ tư, ưu tiên đầu tư phù hợp cho các xã đã đạt trên 15 tiêu chí để phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, chú trọng đầu tư cho các xã chưa hoàn thành các công trình hạ tầng cơ bản (giao thông, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, thủy lợi); hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục