tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh 11-02-2016

  • Cập nhật : 11/02/2016

'Biển Đông không phải là nơi nước lớn bắt nạt nước nhỏ'

Nhà Trắng hôm 9-2 cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ chuyển một thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN vào tuần tới, trong đó nhấn mạnh tranh chấp biển Đông không thể được giải quyết bằng cách nước lớn "bắt nạt" nước nhỏ.
Tổng thống Obama dự kiến cũng sẽ thảo luận về các hành động "khiêu khích" của Triều Tiên khi thử nghiệm hạt nhân hồi tháng trước và phóng tên lửa vào cuối tuần qua khi ông tổ chức hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo các nước ASEAN tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands, bang California vào ngày 15 và 16-2 tới. 
Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia của ông Obama, hôm 9-2 cho biết tại hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Obama sẽ nhắc lại rằng tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình thông qua đàm phán và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Mặc dù hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới sẽ không có sự tham dự của Trung Quốc nhưng các cố vấn của ông Obama nói rõ rằng hành động của Bắc Kinh ở biển Đông sẽ là một trong những điểm trọng tâm được thảo luận tại thượng đỉnh Mỹ-ASEAN.

 tau trung quoc nao vet va xay dao trai phep o quan dao truong sa. (anh: reuters)

 Tàu Trung Quốc nạo vét và xây đảo trái phép ở quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Reuters)

Ông Rhodes nhấn mạnh một phần trong thông điệp của ông Obama tại hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới sẽ là sự cần thiết "để tránh những nỗ lực giải quyết các tranh chấp đó bằng cách một quốc gia, một dân tộc lớn hơn bắt nạt một quốc gia nhỏ hơn", duy trì tự do hàng hải và tránh hành động quân sự "vô ý và không cần thiết" ở biển Đông.
Tổng thống Obama sẽ thảo luận cụ thể với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á về mối quan ngại của ông đối với các chuyến bay thử nghiệm gần đây của Trung Quốc trên một đường băng mới được Bắc Kinh xây dựng trái phép ở đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đồng thời, ông Obama cũng sẽ trình bày trước các nhà lãnh đạo Đông Nam Á về những nỗ lực để tăng lệnh trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này, một quá trình mà giới chức Mỹ cho biết Trung Quốc có mọi lý do để hỗ trợ.
"Chúng tôi tiếp cận Trung Quốc trên cơ sở chúng tôi có lợi ích chung trong các nguyên tắc phi hạt nhân hóa và tránh leo thang trên bán đảo Triều Tiên" – ông Rhodes tuyên bố.

Việt Nam quan ngại trước việc Triều Tiên phóng vệ tinh

Việt Nam hôm nay bày tỏ quan ngại trước việc Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa đưa một vệ tinh quan sát lên quỹ đạo, làm gia tăng căng thẳng tại khu vực.
phat ngon vien bo ngoai giao viet nam le hai binh. anh: quy doan.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: Quý Đoàn.

Triều Tiên sáng 7/2 phóng tên lửa đưa vệ tinh quan sát Kwangmyongsong-4 lên quỹ đạo bất chấp lời cảnh báo từ một số quốc gia cho rằng vụ phóng là vỏ bọc cho việc thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo. Bình Nhưỡng tuyên bố chương trình của họ chỉ nhằm mục đích khoa học.

"Việt Nam quan ngại sâu sắc trước việc Triều Tiên, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế, tiến hành vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo, vi phạm các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, làm gia tăng căng thẳng tại khu vực", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm nay nêu rõ.

Ông Lê Hải Bình cho biết quan điểm của Việt Nam là ủng hộ mọi nỗ lực nhằm duy trì hoà bình, ổn định và phát triển trên bán đảo Triều Tiên cũng như tại khu vực và thế giới.

"Việt Nam ủng hộ giải quyết mọi bất đồng thông qua đối thoại, khẳng định các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần được thực hiện nghiêm túc", ông cho biết thêm.


Ba ngày tết, 64 người chết vì tai nạn giao thông

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 3 ngày 7, 8, 9/2/2016 (29, mùng 1, mùng 2 Tết Bính Thân 2016), cả nước xảy ra 104 vụ tai nạn giao thông, làm chết 64 người, bị thương 98 người.
hien truong mot vu tai nan giao thong nghiem trong. (anh: ttxvn) 

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. (Ảnh: TTXVN) 

Chỉ tính riêng ngày hôm nay (9/2, tức ngày mùng 2 Tết Nguyên đán Bính Thân 2016), cả nước xảy ra 38 vụ tai nạn, làm chết 20 người, bị thương 38 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 37 vụ, làm chết 20 người, bị thương 37 người. Đường sắt xảy ra 01 vụ làm 01 người bị thương. Đường thủy không để xảy ra tai nạn giao thông.
Trước đó, ngày 07/02, cả nước xảy ra 34 vụ, làm chết 23 người, bị thương 30 người (đều là đường bộ). Ngày 8/2, cả nước xảy ra 32 vụ, làm chết 21 người.
So sánh tai nạn giao thông trong 3 ngày 29, 1, 2 Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 với cùng kỳ 3 ngày Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, ông Nguyên Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, số vụ, số người chết, số người bị thương giảm mạnh, không xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.
Theo đó, số vụ giảm từ 182 xuống 104 vụ, mức giảm 78 vụ, (giảm -43%); số người chết giảm từ 107 xuống 64 người, mức giảm 43 người (giảm -41%); số người bị thương giảm từ 157 xuống 98 người, mức giảm tuyệt đối là 59 người (giảm - 38%).
Bên cạnh đó, báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, trong 3 ngày 7, 8, 9/02/2016, đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tiếp nhận được khoảng 70 cuộc gọi và tin nhắn của người dân. Nội dung phản ánh về tình trạng vận tải hành khách như tự ý tăng giá vé, lấy phụ thu cao quá quy định, nhồi nhét khách một số tuyến ngắn đường; xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ, tình trạng thu tiền trông giữ xe cao quá quy định tại các khu vực đền chùa, khu vực kinh doanh dịch vụ tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
“Sau khi nhận được thông tin phản ánh trên đường dây nóng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý triệt để theo nội dung các thông tin được phản ánh,” ông Thái cho biết.
Để đảm bảo công tác trật tự an toàn giao thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị Công an tỉnh, thành phố huy động tối đa lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với các lực lượng công an khác (cảnh sát trật tự, công an xã...) đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt chú trọng xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn; vi phạm tốc độ khi lái xe; không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy, xe đạp điện.
Các Sở, ban ngành địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền thông qua hệ thống đài truyền thanh huyện, xã về nguy cơ tai nạn giao thông khi lái xe trong tình trạng đã uống rượu, bia; nguy cơ chấn thương sọ não và tử vong trong trường hợp bị tai nạn giao thông khi đi môtô, xe máy mà không đội mũ bảo hiểm đúng quy định; yêu cầu nhân dân thực hiện “Đã uống rượu bia-không lái xe”, “Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy”; “Không cầm và nghe điện thoại di động khi lái xe”.
Trong những ngày cuối của dịp nghỉ Tết Nguyên Đán Bính Thân, mật độ người tham gia giao thông đổ về các đền chùa để du xuân, cầu may sẽ ngày một đông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị các đơn vị địa phương yêu cầu lực lượng Cảnh sát giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có phương án bố trí, huy động lực lượng bố trí tại các khu vực này, thực hiện phân làn, phân luồng, điều tiết giao thông, yêu cầu các hộ kinh doanh trông giữ xe chấp hành nghiêm pháp luật trật tự an toàn giao thông và các quy định pháp luật khác có liên quan./.

Mặt trận sẽ giúp cử tri hiểu rõ về nhân thân người ứng cử

gs.ts nguyen thien nhan, uy vien bo chinh tri, chu tich uy ban trung uong mttq viet nam

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam


Ông Nguyễn Thiện Nhân: Mặt trận có trách nhiệm thông tin đầy đủ về nhân thân người ứng cử để cử tri biết được. Người đó quan hệ, ứng xử với cộng đồng, tuân thủ pháp luật ra sao...

Năm 2016, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận là hiệp thương giới thiệu người ứng cử, tổ chức cho người ứng cử vận động bầu cử, giám sát việc bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá 14 và HĐND các cấp đảm bảo dân chủ, đúng luật pháp.

Trong trả lời phỏng vấn báo chí dịp cuối năm 2015, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh Mặt trận phải góp phần tạo những thông tin đầy đủ về các ứng cử viên để cung cấp cho cử tri, Hội đồng bầu cử các cấp. Đây là điều rất quan trọng.

PV: Thưa ông, trong trường hợp những người tham gia ứng cử mà cử tri thấy không đủ thuyết phục thì Mặt trận sẽ làm thế nào?

Ông Nguyễn Thiện Nhân: Nếu bầu cử mà 5 chọn 3, 3 chọn 2 thì chắc chắn bà con phải thấy có một người không thuyết phục bằng người khác. Chuyện bầu có số dư và người họ thấy không thuyết phục là chuyện bình thường. Nhưng vai trò của Mặt trận là gì? Mặt trận trong Luật bầu cử có trách nhiệm về việc tổ chức cho ứng cử viên tiếp xúc với cử tri để giới thiệu về mình, mong muốn của mình. Nhưng trước đó, Mặt trận có trách nhiệm làm thế nào có thông tin đầy đủ về nhân thân người đó để cử tri biết được. Phải có thông tin người đó ở nơi cư trú sinh hoạt như thế nào, quan hệ, ứng xử với cộng đồng, tuân thủ pháp luật ra sao… Mặt trận phải góp phần tạo những thông tin đầy đủ về các ứng cử viên để cung cấp cho cử tri, Hội đồng bầu cử các cấp. Đây là điều rất quan trọng.

Nghĩa là làm thế nào mà nếu có những băn khoăn của cử tri về phẩm chất, đạo đức của ứng cử viên ở địa phương cũng như phẩm chất, đạo đức trong công việc, kinh doanh, về lý lịch và thân nhân của người được giới thiệu, Mặt trận phải giúp ứng cử viên đó nói rõ cho cử tri hiểu vấn đề, từ đó làm cơ sở để chọn. Hay nói cách khác, nếu những sai sót lẽ ra có thể thấy trước trong việc chuẩn bị ứng cử viên thì Mặt trận phải góp phần cố gắng không để xảy ra sai sót. Còn quyền lựa chọn là của người dân và không bao giờ họ chọn hết mà chỉ chọn những người tốt nhất trong các ứng cử viên. Mặt trận cam kết thực hiện đúng luật pháp, tạo điều kiện dân chủ để người dân quyết định trong việc này.

PV: Thưa Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, năm 2015 trong rất nhiều chuyến công tác đến các địa phương, tiếp xúc với người dân nhiều tầng lớp, thành phần trong xã hội, ông  cảm nhận như thế nào về cuộc sống của người dân? Kỷ niệm, ấn tượng nào làm ông suy nghĩ nhiều nhất?

Ông Nguyễn Thiện Nhân: Thực ra không chỉ có tôi mà các vị lãnh đạo khác của Mặt trận trong Đoàn Chủ tịch đi cơ sở rất nhiều, xuất phát từ quan điểm đi cơ sở thì hiểu thực tiễn sát hơn, khách quan hơn; đồng thời tiếp thu được đóng góp của người dân giúp ích cho công việc của Mặt trận rất nhiều. Càng đi nhiều càng học được nhiều. Thông qua các chuyến đi và các phản ánh của dân, khi Mặt trận phản ánh 2 lần/năm trước Quốc hội, chúng tôi cảm nhận được đầu tiên là nhân dân rất mừng. Trong năm 2015, kinh tế phát triển, lạm phát chưa bao giờ thấp như năm nay, đời sống được nâng lên.

Ở nông thôn, việc bê tông hóa đường nông thôn rất mạnh, có thể đi xe máy vào tới tận nhà từng người dân. Kết quả đó có được là từ chủ trương của Đảng, Nhà nước nhưng có sự tham gia và đóng góp của chính nhân dân. Thứ hai là kinh tế vĩ mô ổn định, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài tiếp tục tăng. Trong khi ở một số nước khác đang phải đối mặt với những căng thẳng, xung đột về tôn giáo, sắc tộc, về khủng bố. Chúng ta có tiến bộ về giảm nghèo, về nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, điều này đã được tổ chức quốc tế thừa nhận. Nói chung bầu không khí trong nước tốt, người dân phấn khởi.

Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng còn có nhiều điều phải suy nghĩ. Trong dịp dự Ngày hội Đại đoàn kết ở TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai, chúng tôi tới thăm một hộ nghèo của một gia đình. Cả hai vợ chồng vẫn còn sức khoẻ lao động và có hai con đang tuổi đi học. Trong nhà có tủ lạnh rất to mà chắc để vận hành được nó phải rất tốn điện. Tôi trộm nghĩ, giá như tiền mua tủ lạnh đó để dành để đầu tư nuôi thêm lợn, gà vịt hoặc nuôi bò, trâu thì hiệu quả hơn nhiều. Vấn đề ở đây là thiếu người tư vấn. Nếu gia đình nghèo đó được một tổ chức như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tham mưu thì chắc không dùng hàng triệu đồng như vậy để mua một cái tủ lạnh thật to mà người nghèo thì lấy đâu nhiều thứ để cất giữ, bảo quản trong đó. Điều này cho thấy, muốn giảm nghèo thì phải đến từng hộ, theo dõi và giúp họ có phương án làm ăn. Mặt trận phải có trách nhiệm trong việc này.

Ấn tượng thứ hai là vừa rồi chúng tôi có đi một số tỉnh Tây Nguyên nhân dịp Ngày Noel của đồng bào công giáo. Đến thăm một hệ thống Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi. 6 trung tâm mà chỉ có 80 sơ mà nuôi 800 cháu mồ côi, nhà nước không phải hỗ trợ gì. Họ tự đi vận động, tự làm. Chúng tôi có băn khoăn sao nhiều trẻ mồ tôi vậy, họ nói ở đây có một dân tộc còn hủ tục là khi mẹ chết thì chôn con theo. Chính những người sơ này đã kịp thời xin các cháu về nuôi, họ làm việc âm thầm. 80 người phụ nữ này không có con nhưng họ nuôi 800 đứa con của người khác như con của mình, phải nói là rất xúc động.

Những hy sinh thầm lặng của các sơ là một minh chứng cho thấy không chỉ có đồng bào công giáo mà các tôn giáo của mình rất gắn bó với truyền thống nhân đạo của dân tộc.

Một sự kiện nữa chúng tôi cũng rất đáng nhớ. Đó là, đầu tháng 12/2015, MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường, Tổ chức NCA trợ giúp Việt Nam (Na Uy) cùng với 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc phát huy các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Cam kết của các bên tham gia được ký kết trong một chương trình phối hợp giữa 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo, Bộ Tài nguyên Môi trường và MTTQ Việt Nam. Hôm chuẩn bị ký chúng tôi có nói mỗi tôn giáo làm một tuyên ngôn về hoạt động của mình.

Hình ảnh 40 vị chức sắc tôn giáo cùng ngồi với nhau để ký một chương trình phối hợp thực sự là một hình tượng rất đẹp. Các tôn giáo ngồi với nhau. Chúng ta biết có những nước tôn giáo không được ngồi với nhau. Chính vì vậy, hình ảnh này đã tác động sâu sắc đến các vị khách quốc tế. Hôm sau có một vị là tùy viên chính trị của một sự quán họ nói rằng họ rất ngạc nhiên khi được nhìn thấy các tôn giáo ngồi lại với nhau. Đó cũng chính là hình ảnh tiêu biểu cho sự gắn bó, đoàn kết trong Mặt trận.

PV: Năm 2015, Mặt trận đã triển khai thành công 8 chương trình giám sát được nhân dân đánh giá cao. Trong năm 2016, hoạt động giám sát sẽ tiếp tục được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thiện Nhân: Mặt trận giám sát có đạt được kết quả bước đầu, 8 chương trình giám sát thực chất là 1+7. Tức là một chương trình đã làm đến kết quả cuối cùng, hoàn thành nhiệm vụ mà Thủ tướng giao. Đó là Tổng rà soát chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng trong hai năm 2014- 2015 và đã hoàn thành đầy đủ, đúng thời hạn. Hơn 2 triệu đối tượng có danh sách đã rà soát hết và trả lời được câu hỏi bao nhiêu phần trăm đang hưởng đúng và hưởng đủ, câu trả lời là 95,75%.

Câu hỏi thứ hai là bao nhiêu hưởng đúng và còn thiếu, trả lời là 4,16%. Câu thứ 3 là bao nhiêu hưởng sai, thì câu trả lời là 0,09%. Đây là những câu hỏi mà trong suốt mấy chục năm qua chúng ta không lượng hóa được. Làm được việc này là trả lời được như vậy hệ thống quản lý Nhà nước về công tác BHXH, về công tác chăm sóc người có công là cơ bản hoàn thành tốt. Nhưng qua lần này cũng phát hiện được 70.000 người không đăng ký là người có công thì qua lần rà soát này sẽ tiếp tục làm tiếp.

Đồng thời, tiếp nhận những yêu cầu, điều chỉnh chính sách cho phù hợp với đời sống mới, trong đó có quan tâm đến việc đẩy nhanh tiến độ giám sát nạn nhân chất độc da cam…

Qua việc này, chúng tôi rút ra một bài học. Đó là có những việc ngắn hạn chính quyền phải làm như tổng rà soát người có công. Nhưng nếu chỉ dựa vào bộ máy công chức nhà nước thì không cách nào làm được. Mặt trận đã vận động Hội Cựu chiến binh là lực lượng nòng cốt với 100 nghìn người là tình nguyện viên cộng với 100 nghìn tình nguyện viên của các đoàn thể khác như Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên… thì mới làm được. Sắp tới, những bài học kinh nghiệm từ cuộc tổng rà soát này có thể áp dụng cho các cuộc rà soát khác như rà soát an toàn thực phẩm.

Như vậy, trong 8 chương trình, 1 hoàn thành, còn 7 cái khác triển khai trong năm 2015 để rút kinh nghiệm như giám sát khiếu nại, tố cáo; giám sát đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp; giám sát điều kiện hành nghề, tuân thủ pháp luật của cơ sở y tế tư nhân; giám sát về đổi mới thủ tục hành chính thuế hải quan… Những chương trình này mới làm năm đầu tiên nhưng giá trị rút ra là chương trình nào thấy ổn, năm 2016 chuyển địa phương làm, Trung ương không làm nữa. Ví dụ như giám sát đầu vào vật tư nông nghiệp; giám sát khiếu nại, tố cáo sẽ chuyển giao địa phương làm. Còn một số giám sát “chưa chín”, Trung ương sẽ làm tiếp như giám sát về thực hiện Luật khoa học Công nghệ; đánh giá sự hài lòng của người dân. Nếu năm  2015 việc đánh giá sự hài lòng của người dân thông qua việc khai trên giấy, phỏng vấn bằng giấy thì năm 2016 sẽ làm phỏng vấn qua điện thoại di động.

Hiện nay đã có Quảng Trị đánh giá sự hài lòng của người dân qua điện thoại di động, chúng tôi sẽ bàn để mở rộng mô hình này. Đồng thời sẽ có thêm một việc mới, đó là, vận động nhân dân thực hiện và giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm từ người sản xuất, từ nơi nhập khẩu đến nơi chế biến và tiêu dùng. Mặt trận đang bàn với Chính phủ để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.


Sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP: Nhiều siêu thị Hà Nội tiếp tục “ngủ vùi”

Sáng ngày mùng 2 Tết, PV có mặt tại hàng loạt siêu thị lớn trên địa bàn TP.Hà Nội. Mặc dù có chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung khuyến khích mở cửa trong dịp tết phục vụ nhân dân, nhưng phần lớn các siêu thị vẫn "ngủ vùi"...

Mùng 2 tết: Chỉ mở cửa để “lấy ngày”

Tại siêu thị Metro Thăng Long, cửa chính đóng im ỉm. Khuôn viên sân rộng lớn lặng ngắt không một bóng người, án ngữ trước cổng là tấm biển thông báo nghỉ tết to, trong đó ghi rõ: “mùng 1 và mùng 2 tết: Đóng cửa”. Nhiều siêu thị Fivimart trên đường Phạm Hùng, Nguyễn Phong Sắc, Hoàng Quốc Việt, làng quốc tế Thăng Long, Láng Hạ… cũng trong tình trạng tương tự. Một “đại siêu thị” trên đường Giảng Võ cũng “sập cửa, cài then”…

Trao đổi PV Báo Lao Động, ông Sỹ Danh Phúc – Giám đốc Siêu thị Fivimart Trúc Khê (Đống Đa – Hà Nội), cho biết: Chuỗi siêu thị Fivimart của Cty CP Nhất Nam mở cửa đến áp giao thừa, 13 điểm siêu thị sẽ mở cửa trở lại vào mùng 3 tết. Cty Nhất Nam có 1 điểm siêu thị mở cửa “xuyên” tết là Fivimart đóng tại Aeon mall Long Biên. Ngày mùng 2 tết chưa phải là ngày mở cửa chính thức, nhưng hệ thống siêu thị Fivimart đã mở cửa hầu hết ở 23 điểm để “lấy ngày”.

Vì chỉ là mở cửa để “lấy ngày”, nên các siêu thị này chỉ mở cửa từ 9-11h ngày mùng 2 tết. Vì vậy, lượng hàng hóa bán ra chủ yếu phục vụ nhân viên của siêu thị, hầu hết người dân không biết để tham gia mua sắm.

Vì thói quen mua sắm của người dân thay đổi?

Theo ghi nhận của phóng viên, nếu như các siêu thị trên địa bàn quận Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… đều đang “nghỉ tết”, thì tại các phố cổ, số lượng siêu thị mở cửa trong các ngày tết nhiều hơn. Chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện ích của Hapro cũng có 4 điểm mở cửa phục vụ người nước ngoài cũng như người dân thủ đô và khách các tỉnh lân cận về Hà Nội du xuân, trong đó có các siêu thị: Hapro mart (65 Cầu Gỗ), Hapro Food (68 Hàng Bông), Hapro mart (28 Hàng Bồ), Hapro food (24-26 Trần Nhật Duật).

Giải thích lý do tại sao không mở cửa các cửa hàng lớn tại các quận ven đô, đại diện Hapro cho rằng, qua 10 năm kinh doanh, trước đây Hapro có mở cửa để phục vụ bà con từ ngày mùng 1, mùng 2 tết. Nhưng thực tế cho thấy số lượng người dân đến mua sắm không nhiều, thậm chí có những điểm bán hàng không có người mua sắm, hoặc nếu có cũng chỉ đến mua bổ sung cân đường, gói chè.

Ông Vũ Thanh Sơn – Tổng Giám đốc Hapro khẳng định: Thói quen mua sắm của người dân thủ đô đã thay đổi, không còn tình trạng mua sắm thật nhiều trước tết rồi chứa trong tủ lạnh. Họ chỉ mua vừa đủ, rồi mùng 2 tết lại mua sắm tiếp. Vì vậy, Cty hoàn toàn ủng hộ chủ trương mở cửa phục vụ trong dịp tết của lãnh đạo thành phố.

Không thể “chỉ đạo” các siêu thị tư nhân, có yếu tố nước ngoài

Chiều mùng 2 tết, PV đã điện thoại tới Phó Giám đốc Sở Công thươngHà Nội phản ánh về tình trạng nhiều siêu thị không mở cửa phục vụ người dân dịp tết, dù đã có chỉ thị của Chủ tịch UBND TP. Sau khi nghe PV nói qua tình hình, bà Trần Phương Lan cho biết, bà đang ở quê, sóng điện thoại kém nên không nghe rõ, và cho rằng “ngày tết cứ để mọi chuyện vui vẻ, đầu năm trao đổi tiếp”.

Đại diện Phòng Quản lý thương mại - Sở Công thương Hà Nội khẳng định: Có nhiều DN đã gửi đăng ký về Sở Công thương cam kết bán hàng trong dịp Tết. Ông tỏ ra khá bất ngờ trước ý kiến của PV về việc nhiều siêu thị không mở cửa như đã cam kết. “Sở sẽ kiểm tra. Tuy nhiên Sở Công thương chỉ động viên, khuyến khích các DN mở cửa bán hàng chứ không ép buộc hành chính, nên cũng khó xử lý” – vị này cho biết.

Về phía UBND TP.Hà Nội, mặc dù PV đã nỗ lực nhưng không thể liên hệ được với Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung.(Lao Động)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục