tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Kinh tế Việt Nam: Mục tiêu 5 năm mới liệu có khả thi?

  • Cập nhật : 26/04/2016

(Tin kinh te)

Khó khăn trong 5 năm tới càng thêm chồng chất khi các khoản vay ODA sẽ bị cắt giảm 50% thời hạn, còn lãi suất vay có mặt bằng mới là 3%.

kinh te viet nam: muc tieu 5 nam moi lieu co kha thi? - anh minh hoa

Kinh tế Việt Nam: Mục tiêu 5 năm mới liệu có khả thi? - ảnh minh họa

Chính phủ mới vừa có động thái điều hành đầu tiên với gần 95% đồng thuận phê duyệt mục tiêu kinh tế trong vòng 5 năm đến năm 2020. Bên cạnh những chỉ tiêu về môi trường, xã hội thì chỉ tiêu kinh tế có 3 điểm đáng lưu tâm về tính hiệu quả và khả thi trong bối cảnh biến động kinh tế toàn cầu ngày một khó dự báo.

Trước tiên, có hai vấn đề quan trọng đều được đặt mục tiêu dưới 4%. Đó là bội chi ngân sách quốc gia và kiểm soát chỉ số lạm phát. Kế đến, Nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ lãi suất sẽ được điều hành linh hoạt theo diễn biến của lạm phát. Để thực hiện được 3 mục tiêu khó khăn trên, nhà điều hành sẽ sử dụng những công cụ vĩ mô nào để lèo lái vận mệnh quốc gia đi đúng bản đồ mục tiêu kinh tế đã vạch ra trong 5 năm tới?.

Trên thực tế, hai biến số vĩ mô là bội chi ngân sách công và lạm phát luôn có mối liên hệ mật thiết và tương tác hai chiều. Bản chất của bội chi ngân sách trong một thời kỳ chính là sự chênh lệch giữa tổng chi lớn hơn tổng thu. Diễn biến chi ngân sách quốc gia 5 năm gần đây luôn theo đường tuyến tính năm sau cao hơn năm trước, 11 tỉ USD (bằng 6,12% GDP 2015) so với gần 7 tỉ USD (5,3% GDP 2014). Ngay tại thời điểm quý I/2016, với hơn 20.000 doanh nghiệp đóng cửa kéo theo bội chi ngân sách đã tăng tốc cán ngưỡng 18% chỉ tiêu cả năm nay.

Không chỉ riêng với Việt Nam, vấn đề thiếu hụt ngân sách luôn làm đau đầu các chính trị gia, giữa một bên là phát triển bền vững, duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế với một bên là nguồn lực có hạn. Ngoài tác động khách quan thuộc nhóm nguyên nhân thứ nhất đến từ chu kỳ kinh tế suy giảm hậu giai đoạn 2010 (bội chi chu kỳ) khiến cho thu nhập quốc gia suy giảm, thì nhóm nguyên nhân chủ quan đến từ chính sách cơ cấu thu chi của Nhà nước (bội chi cơ cấu).

Như vậy, muốn đưa bội chi ngân sách về mức 4% GDP, cơ quan điều hành cần sử dụng các công cụ vĩ mô nhắm đến cả 2 nhóm nguyên nhân nêu trên.

Trong bảng cân đối ngân sách quốc gia, tăng thu sẽ bao gồm tăng nguồn thu từ các khoản thường xuyên với 3 công cụ chủ chốt là thuế, phí và lệ phí. Năm 2015, tổng thu ngân sách động viên từ thuế và phí chiếm 15,6% . Mục tiêu của năm nay sẽ tiếp tục tăng thu từ các khoản này. Đã có nhiều luồng ý kiến đến từ các doanh nghiệp công nghiệp như than, khoáng sản hay các doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, ôtô phản ứng lại mức thuế đang được áp dụng. Như vậy, nguồn thu từ tăng các loại thuế phí sẽ được cân nhắc do tác động của chúng lên tăng trưởng ngành và giảm tổng doanh thu xuất khẩu quốc gia vì giá cả hàng hóa leo thang.

Về mặt doanh số, một công cụ đang hoàn thành tốt vai trò tăng thu cho ngân sách nhà nước trong vài năm gần đây là thoái vốn. Mục tiêu năm 2016 là việc bán đi các tài sản thuộc sở hữu nhà nước (như MobiFone, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng Công ty Bến Thành) thông qua hoạt động IPO dự kiến sẽ mang về 40.000 tỉ đồng.

Đứng trước mục tiêu 5 năm, một câu hỏi đặt ra là sau khi thoái vốn khỏi các tài sản tốt thì doanh số từ hoạt động này sẽ giảm mạnh. Đến lúc ấy, Nhà nước sẽ bắt buộc phải đối mặt với ưu tiên đã thấy từ lâu: điều hành triệt để và quản lý hiệu quả các tổng công ty quốc doanh, từ đó tăng nguồn thu ngân sách thông qua thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ở phía bên kia của bảng cân đối quốc gia, bài toán giảm chi ngân sách sẽ khó khăn hơn nhiều so với việc tăng thu ngân sách. Chi ngân sách quốc gia năm 2015 lên đến 1.273.200 tỉ đồng, trong đó một phần không nhỏ đến từ việc trả lãi và nợ vay. Giá trị nợ công năm 2015 đã lên đến 61,5% GDP. Việc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% cho năm nay khiến cho khả năng giảm chi liên quan đến đầu tư phát triển như hạ tầng, y tế, giáo dục và môi trường rất khó xảy ra.

Trong thông báo mới nhất từ Bộ Tài chính, khó khăn trong 5 năm tới càng thêm chồng chất khi các khoản vay ODA sẽ bị cắt giảm 50% về thời hạn, trong khi lãi suất vay đạt mặt bằng mới quanh mức 3%. Mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập bình quân đầu người 3.500 USD/năm cũng có nghĩa là cánh cửa tiếp cận nguồn vốn ODA giá rẻ và các khoản viện trợ không hoàn lại hầu như sẽ khép lại rất hẹp.

Nhìn chung, việc giải bài toán đẩy lùi bội chi ngân sách về mức 4% GDP đến năm 2020, khi dân số quốc gia đạt khoảng 120 triệu người và GDP ước đạt 290 tỉ USD, sẽ phải chờ các nhà quản lý đưa ra những “phát kiến và ứng biến” để điều hành thế trận vĩ mô đang có quá nhiều thách thức.

Ở một mắt xích quan trọng khác, lèo lái chỉ số huyết mạch của nền kinh tế là lạm phát về 4% cũng gặp phải sự phân vân ngay trong quý I năm nay. Quan sát chỉ số lạm phát của Việt Nam trong 15 năm qua cho thấy năm ngoái chỉ số CPI đã đi qua vùng đáy thấp nhất khi chạm ngưỡng 0,63%. Nhiều chuyên gia quốc tế có chung quan điểm rằng chỉ số lạm phát sẽ đảo chiều và tăng trở lại trong những năm tiếp theo, do các yếu tố khách quan, cụ thể là sự mạnh lên của đồng USD, cùng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công khai duy trì quan điểm điều hành tăng lãi suất đồng USD trong những năm tới. Nhận định này đã được kiểm chứng khi mới 3 tháng đầu năm 2016, CPI đã tăng 1,25% so với cùng kỳ.

Gần đây, dự thảo Thông tư 36 quy định lại tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn dùng cho mục đích vay dài hạn từ 60% về mức 40% đối với các khoản vay liên quan đến bất động sản đã ngay lập tức gây tác động đến thị trường này. Các chuyên gia đầu ngành nhận định động thái thắt chặt luồng tín dụng ngắn hạn sẽ tác động đến lãi suất cho vay trung và dài hạn, tăng từ 1-2 điểm phần trăm đối với người vay cá nhân, gián tiếp ảnh hưởng đến lạm phát quốc gia. Nguyên nhân là dư nợ tín dụng để vay bất động sản luôn chiếm đến hơn 10% tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng.

Vài tuần trước, việc áp dụng Thông tư 24 thắt chặt hoàn toàn tín dụng USD đối với các doanh nghiệp nhằm chống đô la hóa nền kinh tế đã khiến cho mức lãi suất vay bằng tiền đồng tại một số ngân hàng nhỏ, yếu về thanh khoản rời xa mức lãi suất 8-9%/năm.

Rõ ràng, diễn biến ngày càng khó lường của kinh tế thế giới và thị trường nội địa đang tạo ra “ma trận” đầy thách thức cho chính phủ mới trong việc điều hành lãi suất linh hoạt theo diễn biến lạm phát nhằm đưa nền kinh tế Việt Nam đi vào ổn định và tăng trưởng bền vững trong 5 năm tới.


An Cầm
(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)

Trở về

Bài cùng chuyên mục