tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 07-05-2017

  • Cập nhật : 07/05/2017

Quý I/2017, Việt Nam chi gần 3,2 tỷ USD nhập điện thoại, máy vi tính từ Trung Quốc

Tính hết quý I/2017, có 5 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt trị giá từ 1 tỷ USD trở lên. Đứng đầu là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt trị giá 2,526 tỷ USD. Kế đến là điện thoại và linh kiện đạt 1,609 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,582 tỷ USD; vải đạt 1,197 tỷ USD; sắt thép đạt 1,176 tỷ USD.

anh minh hoa: internet

Ảnh minh hoạ: Internet

Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, sau hơn 1 năm hoạt động nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam chững lại và có xu hướng giảm, tính hết quý I/2017 tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt gần 12,7 tỷ USD, tương đương khoảng 280 nghìn tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Dữ liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ riêng tháng 3 vừa qua, cả nước chỉ 5,072 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Trị giá kim ngạch nhập khẩu trong tháng này từ Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn rất nhiều tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu từ thị trường lớn thứ 3 của nước ta là Nhật Bản trong cả quý I (cả quý I nhập khẩu từ Nhật Bản chỉ là 3,709 tỷ USD).

Chỉ tính hết quý I, đã có 5 nhóm hàng nhập khẩu từ quốc gia láng giềng này đạt trị giá từ 1 tỷ USD trở lên. Đứng đầu là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt trị giá 2,526 tỷ USD. Kế đến là: Điện thoại và linh kiện đạt 1,609 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,582 tỷ USD; vải đạt 1,197 tỷ USD; sắt thép đạt 1,176 tỷ USD.

Đáng chú ý, trong 5 nhóm hàng nhập khẩu “tỷ USD” từ Trung Quốc kể trên có tới 4 nhóm hàng Trung Quốc duy trì vị thế là thị trường nhập khẩu số 1 của nước ta (trừ mặt hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện vị trí số 1 do Hàn Quốc nắm giữ).

Trong đó, mặt hàng điện thoại và linh kiện chiếm gần 55% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu cả nước; vải nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 51%; sắt thép gần 50%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chiếm 31,3%.

Với tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu gần 12,7 tỷ USD trong quý I, thị trường Trung Quốc chiếm đến 27,3% tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu cả nước trong cùng thời điểm.

Nhiều chuyên gia nhận định, sở dĩ có thực trạng này bởi Trung Quốc đã tận dụng tốt cơ hội về các ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN và Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định buôn bán biên mậu Việt Nam – Trung Quốc.(Viettimes)
-----------------------------

ADB trước thách thức mới tại châu Á – Thái Bình Dương

Chủ tịch ADB Takehiko Nakao kêu gọi tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng nếu muốn tiếp tục tạo đà tăng trưởng cho châu Á – Thái Bình Dương và chống thay đổi khí hậu hiệu quả trong dài hạn.

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị thường niên của Hội đồng các thống đốc do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức vào ngày 6.5, Chủ tịch Nako nhấn mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ luôn là ưu tiên trong hoạch định chiến lược dài hạn sắp tới của ADB, nhằm đáp ứng những thay đổi chóng mặt của khu vực.

Hội nghị thường niên của ADB đã chào đón số lượng đại biểu kỷ lục, với khoảng 6.000 quan chức chính phủ, học giả, doanh nhân, đại diện xã hội dân sự và giới báo chí. Được tổ chức tại TP.Yokohama, Nhật Bản, với chủ đề “Cùng nhau xây dựng một châu Á thịnh vượng”, hội nghị thường niên năm nay cũng là dịp kỷ niệm 50 năm ADB góp phần quan trọng trong đường hướng phát triển của châu Á – Thái Bình Dương.thai tu nhat naruhitothuy mien

Thái tử Nhật NaruhitoTHỤY MIÊN

Theo ông Nakao, các thành tựu của ADB trong nửa thế kỷ có thể tóm gọn trong 3 điểm chính: kết hợp kiến thức – tài chính, thúc đẩy xây dựng các chính sách hiệu quả, và tạo điều kiện cho sự hợp tác và hữu nghị tại khu vực.

Chương mới đầy chông gai

Sau 50 năm hoạt động, hướng phát triển tương lai của ADB sẽ dựa trên Chiến lược 2030, nhằm đối mặt với các thách thức như đói nghèo, thay đổi khí hậu, đô thị hóa, dân số già cỗi và bất bình đẳng gia tăng.

 

Phát biểu tại phiên họp khai mạc, Thái tử Nhật Naruhito đã đánh giá cao hoạt động của ADB suốt 50 năm qua trong nỗ lực xóa bỏ đói nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng vẫn còn hơn 300 triệu người sống dưới mức 1,9 USD/ngày, vì thế mục tiêu giảm đói nghèo vẫn nên được đặt ưu tiên. Bên cạnh đó, khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức về phát triển cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng và giao thông, cũng như nguy cơ thiên tai và ảnh hưởng đến từ biến đổi khí hậu. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso nhấn mạnh Nhật Bản sẽ giữ vững cam kết góp phần quan trọng cho sự phát triển của châu Á – Thái Bình Dương, ủng hộ các quỹ tín thác mới của khu vực nhằm đối phó thiên tai.

Bên cạnh ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng, Chiến lược 2030 cũng xoáy vào các lĩnh vực xã hội dân sinh, đặc biệt là y tế và giáo dục; cũng như thúc đẩy bình đẳng giới tính. Theo chủ tịch Nakao, ADB “sẽ thiết kế các dự án hỗ trợ phái yếu đảm bảo tay nghề cao, cải thiện sức khỏe, tìm được việc làm và có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc ra quyết định”. Đồng thời, chiến lược tương lai của ADB sẽ tăng cường nỗ lực vận động các nguồn lực tư nhân cho hoạt động phát triển khu vực, thông qua đối tác công – tư (PPP).

Vào năm 2016, ADB đã hỗ trợ tổng cộng 31,7 tỉ USD cho châu Á – Thái Bình Dương, thông qua 17,5 tỉ USD giá trị các khoản vay và hỗ trợ, tăng 9% so với năm trước đó. Đầu tư chống biến đổi khí hậu đạt 13,9 tỉ USD.

Nhân dịp khai mạc hội nghị thường niên, ADB vào chiều 4.5 đã công bố cuốn sách tựa đề “Ngân hàng vì Tương lai của Châu Á và Thái Bình Dương: 50 năm ADB”. Nội dung của ấn phẩm nhằm đánh giá ADB trong nửa thế kỷ hoạt động đã đáp ứng được những thách thức gì đối với châu Á. Chủ tịch ADB Takehiko Nakao nhấn mạnh nét đặc trưng của cuốn sách này là thảo luận lịch sử kinh tế của châu Á từ quan điểm phát triển và dựa trên kinh nghiệm phong phú của ADB trong mối quan hệ với các quốc gia.(Thanhnien)
---------------------------

Đầu tư gần 315 triệu USD, góp phần cải thiện bền vững cơ sở hạ tầng

Chiều 6/5, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, Ban giám đốc đã duyệt khoản tín dụng trị giá gần 315 triệu USD nhằm cải thiện hệ thống giao thông đường thuỷ phía Bắc, các công trình giao thông, vệ sinh môi trường một số thành phố ven biển miền Trung Việt Nam.

Trong đó, 236 triệu USD (gồm 190 triệu USD từ nguồn Hiệp hội Phát triển Quốc tế và 46 triệu USD từ nguồn Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế cấp) sẽ dành cho dự án bền vững môi trường các thành phố ven biển Việt Nam. Dự án được thực hiện tại các thành phố ven biển gồm: Đồng Hới, Quy Nhơn, Nha Trang và Phan Rang – Tháp Chàm với tổng số đối tượng hưởng lợi vào khoảng 1,1 triệu người.

duong vanh dai 2 doan nhat tan - cau giay (ha noi) von wb da hoan thanh dua vao khai thac. anh:huy hung.

Đường vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy (Hà Nội) vốn WB đã hoàn thành đưa vào khai thác. Ảnh:Huy Hùng.

Các khoản đầu tư trong dự án này sẽ tập trung vào các lĩnh vực phòng chống ngập lụt; cải tạo hệ thống thoát và thu gom nước thải; xây dựng nhà máy xử lý nước thải; xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh công cộng, trong trường học; lập quỹ quay vòng xây dựng đường nước thải từ các gia đình đến hệ thống chung; quản lý chất thải rắn. Dự án sẽ cải tạo các đoạn đường, cầu ưu tiên dọc các con song, kênh thoát nước. Qua đó góp phần tăng cường kết nối và giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông. Dự án sẽ giải quyết tổng thể các vấn đề liên quan về thể chế, tăng cường tính bền vững.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói: “Việt Nam đang trong quá trình đô thị hoá nhanh chóng nên rất cần một giải pháp đồng bộ cho các vấn đề giao thông, cấp nước, vệ sinh môi trường nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường. Ngân hàng Thế giới sẽ tích cực hợp tác với Việt Nam nhằm thực hiện các giải pháp một cách hiệu quả và tiết kiệm”.

Khoản 78,74 triệu USD còn lại là khoản tín dụng nguồn Hiệp hội Phát triển Quốc tế cấp thêm cho dự án Phát triển Giao thông vùng Đồng bằng Bắc bộ. Khoản tín dụng này nhằm xây dựng một con kênh mới nối sông Đáy với sông Ninh Cơ, gồm một bến tàu, nhằm cải thiện vận chuyển hàng qua cảng Ninh Phúc, cảng giao thông đường thủy chính trong khu vực Ninh Bình. Con kênh mới dự kiến sẽ thúc đẩy các hoạt động kinh tế, giảm chi phí logistics, góp phần giảm nhẹ rủi ro biến đổi khí hậu nhờ giảm phát thải khí nhà kính trong vận chuyển hàng hoá.

Cùng với các công trình đầu tư trong lĩnh vực đường thuỷ nội địa khác trong dự án, kênh sông Đáy – Ninh Cơ sẽ là mắt xích cuối cùng trong dự án nhằm tạo tuyến đường giao thông có thể phục vụ tàu biển qua lại giữa sông Ninh Cơ và cảng Ninh Phúc. Với tuyến giao thông mới này, tàu 3.000 tấn có thể đi lại bất cứ lúc nào. (TTXVN)
-----------------------------------

Tổng dư nợ cho vay nông nghiệp công nghệ cao đạt 26.000 tỷ đồng

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, đến nay các ngân hàng đã cho vay 26.000 tỷ đồng trong chương trình gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho nông nghiệp công nghệ cao.

Đại diện NHNN cho biết: Hiện có 8 ngân hàng thương mại đăng ký số vốn hơn 100.000 tỷ đồng, dành cho các đối tượng đầu tư công nghệ cao trong nông nghiệp nông thôn theo Quyết định 813 của NHNN về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ.

trang trai trong nam cua anh hoa tao cong an viec lam thuong xuyen cho 4 lao dong tai dia phuong. anh minh hoa: quang thai/ttxvn

Trang trại trồng nấm của anh Hòa tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại địa phương. Ảnh minh họa: Quang Thái/TTXVN

Tổng dư nợ cho vay ứng dụng công nghệ cao đạt 26.000 tỷ đồng, với 4.021 khách hàng, trong đó 3.957 khách hàng cá nhân, 64 doanh nghiệp. Cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 21.700 tỷ, chiếm 84% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay nông nghiệp sạch đạt 4.300 tỷ đồng, hiện chưa phát sinh nợ xấu.

“Quyết định 813 của NHNN ban hành vừa qua cũng trên cơ sở thống nhất với Bộ NN&PTNT những điều kiện quy định, để tránh việc lợi dụng vì cho vay theo gói này thấp hơn thông thường từ 1 đến 1,5%/năm”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói.

Theo NHNN, một trong những yếu tố các ngân hàng khi cho vay đều phải tính đến hiệu quả, tức là người vay có trả nợ được không. Ví dụ, lợn vừa rồi tiêu thụ không được, lập tức nợ xấu xuất hiện. Nợ xấu này do tính chất khách quan của nền kinh tế đưa lại chứ không phải do ngành ngân hàng tạo ra.

“Nếu như sản xuất, đầu tư không phù hợp cầu thị trường, nhu cầu của nền kinh tế, thì không tiêu thụ được sản phẩm. Muốn thế phải tránh làm theo phong trào. Muốn đạt được điều đó, ở góc độ tổng thể của nền kinh tế, chúng tôi cũng phân tích đến ngưỡng nào thì nó là điểm hài hoà giữa cung và cầu của nền kinh tế; tránh sau này đầu tư nhiều quá khiến cung vượt quá cầu, không tiêu thụ được hoặc suất đầu tư cao quá thì việc trả nợ sẽ khó khăn, khi đó dẫn đến nợ xấu, nợ khó đòi”, lãnh đạo NHNN chia sẻ.(Baotintuc)

Trở về

Bài cùng chuyên mục