tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 25-06-2017

  • Cập nhật : 25/06/2017

Châu Âu và Nhật chuẩn bị ký kết hiệp định thương mại tự do lớn nhất lịch sử

Liên minh châu Âu (EU) và Nhật đang tiến gần hơn đến việc ký kết một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử. Thỏa thuận này sẽ có thể khiến Mỹ bị cô lập hơn nữa trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi chính sách bảo hộ thương mại.

chau au va nhat chuan bi ky ket hiep dinh thuong mai tu do lon nhat lich su

Châu Âu và Nhật chuẩn bị ký kết hiệp định thương mại tự do lớn nhất lịch sử

Thỏa thuận thương mại mà EU và Nhật ký kết sẽ cho thấy thương mại tự do vẫn là lựa chọn tất yếu trong bối cảnh xu thế bảo hộ gia tăng với sự dẫn đầu của chính quyền Tổng thống Donald Trump, theo nhận định được đăng tải trên New York Times.

EU và Nhật hiện là hai khu vực có nền kinh tế lớn của thế giới, tổng GDP của EU và Nhật chiếm hơn 25% tổng GDP toàn thế giới.

Thỏa thuận thương mại tự do mà EU và Nhật ký kết sẽ giúp cả hai phía tiếp cận được tốt hơn thị trường của nhau, đẩy mạnh xuất khẩu được nhóm sản phẩm chủ chốt như ô tô hay máy móc. Ngoài ra, các rủi ro tranh chấp về đầu tư hay rào cản thương mại cũng sẽ giảm bớt.

Thỏa thuận thương mại tự do này dự kiến sẽ được ký trong những tuần tới, đồng thời nó cũng sẽ đi cùng với sự đồng thuận của hai bền về thỏa thuận Paris vốn đã bị chính quyền của Tổng thống Donald Trump “hắt hủi” trước đó.

Phía châu Âu đang hối thúc Nhật giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nhập khẩu vào Nhật, ví như bơ đang chịu thuế 30%, socola 10% hay cà chua đóng hộp 9%. Nhật cùng lúc đó đang hối thúc châu Âu bãi bỏ thuế 10% áp với sản phẩm ô tô Nhật.

Khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi mục tiêu ưu tiên cao nhất cho quyền lợi của nước Mỹ muốn áp thuế cao để đảm bảo công việc sản xuất thuộc về tay người Mỹ, phần còn lại của thế giới đang đẩy mạnh xây dựng các liên minh thương mại.

Chỉ vài ngày sau khi chính thức trở thành Tổng thống, ông Donald Trump đã rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông cũng tuyên bố chấm dứt hiệu lực của rất nhiều thỏa thuận thương mại liên quốc gia lớn khác.

Khi Bộ trưởng Thương Mại Mỹ, ông Wilbur Ross, tuyên bố chính phủ Mỹ sẽ có thể bàn thảo để hồi sinh lại thỏa thuận thương mại với châu Âu, ông Donald Trump đã bác bỏ vì lý do lo ngại về thâm hụt thương mại mà Mỹ đang có với Đức.

Và ngay khi chính phủ Mỹ rút khỏi các thỏa thuận thương mại, châu Âu ngay lập tức thế chỗ. Tháng Hai năm nay, Nghị viên châu Âu phê chuẩn thỏa thuận thương mại với Canada. Thủ tướng Đức cùng lúc đó không ngừng lên tiếng ủng hộ tự do thương mại trong bối cảnh xu thế bảo hộ gia tăng.

Để có được thỏa thuận thương mại tự do chuẩn bị ký kết, lãnh đạo EU và Nhật đã bàn thảo trong rất nhiều năm. Tuy nhiên, tiến độ bàn thảo được đẩy nhanh hơn trước rất nhiều sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi TPP.

Việc chính phủ Mỹ theo đuổi chính sách bảo hộ cũng có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc đẩy mạnh phát triển các khu vực thương mại tự do do Trung Quốc đứng đầu. Chính phủ Trung Quốc, đất nước có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ, đã và đang theo đuổi tham vọng xây dựng khu vực thương mại tự do với 16 nước châu Á Thái Bình Dương trong đó có Nhật.

Nhiều nhóm bảo vệ môi trường lo ngại rằng thỏa thuận thương mại giữa châu Âu và Nhật sẽ không giải quyết được triệt để một số vấn đề, ví như ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ và hải sản quá mức. Dưới thời của chính quyền Tổng thống Obama trước đây, các thỏa thuận thương mại đều phải thực hiện rất nhiều các cam kết liên quan đến môi trường.

Các điều khoản về bảo vệ môi trường trong thỏa thuận thương mại EU – Nhật nhìn chung yếu hơn rất nhiều so với TPP. Nhật hiện đang là nước tiêu thụ cá nhiều nhất thế giới, hoạt động đánh bắt cá quá mức hoàn toàn tiềm ẩn khả năng gây hại đến môi trường.

Ngoài ra, thỏa thuận thương mại với châu Âu cũng không buộc chính phủ Nhật phải ngừng hỗ trợ cho ngành cá nước này, nếu hoạt động đánh bắt cá tiếp diễn ở tốc độ hiện tại, tác động đến môi trường không thể tránh khỏi.(Bizlive)
--------------------------

Bán thực phẩm cận date: Mô hình kinh doanh mới lạ ở Mỹ làm thay đổi quan niệm về hạn sử dụng

Bằng cách biến thức ăn thừa thành cơ hội kinh doanh, Doug Rauch - sáng lập viên kiêm chủ tịch cửa hàng phi lợi nhuận Daily Table - muốn giải quyết hai vấn đề lớn ở nước Mỹ: lãng phí thức ăn và tiếp cận với nguồn dinh dưỡng hợp lý.

Khách hàng mua thực phẩm ở Daily Table thường được chiết khấu cao bởi chúng thường là hàng dự trữ thừa hoặc hàng gần đến ngày "best by" hoặc "sell by". Có một số người lầm tưởng khi hàng hóa đến ngày "best by" hoặc "sell by" tức là không thể dùng được nữa và vứt bỏ. Trong khi những thông số này hoàn toàn không liên quan đến rủi ro thực phẩm bị nhiễm độc hay các loại bệnh truyền qua thực phẩm.

Cụ thể như ngày "best by" để chỉ ngày cuối cùng mà sản phẩm (thường là đồ khô, đồ đóng hộp) vẫn đảm bảo đạt chất lượng tốt nhất. Còn sau đó, giá trị của sản phẩm sẽ giảm dần. Nếu bán đồ quá hạn sử dụng này thì vẫn không bị tính là phạm luật.

Ngày "sell by" được dùng để khuyến cáo các nhà bán lẻ chứ không phải là thông tin dành cho khách hàng. Nó là một công cụ marketing do các nhà sản xuất thực phẩm đưa ra để đảm bảo doanh thu của sản phẩm trong cửa hàng, vì thế chúng vẫn có thể dùng được rất lâu sau khi người dùng mua chúng. Tuy vậy, người tiêu dùng lại nhầm lẫn rằng đó là ngày mang ý nghĩa tư vấn về việc mua sản phẩm.

Chính vì lý tâm lý đó của người tiêu dùng, nhiều cửa hàng tạp phẩm thường không nhận hàng từ nhà sản xuất trừ khi nó còn hạn hơn 30 ngày. Thay vì nhà sản xuất vứt chúng vào thùng rác, Daily Table đã thu gom và bán với giá chiết khấu. Khoảng 20-25% lượng hàng hóa bán tại đây là được tặng từ các nhà sản xuất. Cho đến nay, nhóm của Rauch đã bán được 1,3 triệu cân thực phẩm kiểu này.

Mô hình này giúp Daily Table bán thực phẩm ở mức giá cực thấp. Ví dụ như 1 lít sữa Organic Valley trong cửa hàng của ông chỉ có giá 99 cent. Một nhà sản xuất đã tặng lô sữa này cho Daily Table vì nó chỉ còn cách ngày "sell by" 2 ngày. Mức giá được thiết lập để làm sao toàn bộ số sữa này sẽ được bán hết trong 2 ngày đó.

Ngoài ra, những mặt hàng thường xuyên xuất hiện ở Daily Table là cá ngừ với giá 50 cent/hộp, chuối 29 cent/kg. Tuy nhiên Rauch nói điểm bất lợi của Daily Table là khách hàng không thể tìm thấy tất cả loại hàng hóa thực phẩm tại cửa hàng. Ví dụ như bạn không thể tìm thấy dầu ăn và gia vị.

Daily Table còn có dịch vụ chế biến thực phẩm, tức tận dụng phần thực phẩm không bị hỏng để chế biến. "Tôi có thể nhận một hộp bơ mềm vì chúng tôi có những nhân viên ở đây. Họ có thể tách những phần tốt khỏi những phần xấu", Rauch nói.

Tuy nhiên, tất cả những thứ được bày bán trong cửa hàng đều được kiểm định bởi chuyên gia dinh dưỡng, Rauch nói. Và với mức giá thấp đủ để những người nhận viện trợ thực phẩm có thể mua.

Ban đầu, Rauch dự định sẽ nhận cả những thực phẩm đã qua ngày "sell by" chứ không phải gần đến ngày đó mà chất lượng vẫn ổn. "Việc chúng ta đang ném tất cả những đồ ăn đó vào thùng rác là một tội ác", Rauch nói. "Thực phẩm là một nguồn tài nguyên quý giá".

Nhưng trong các cuộc nói chuyện với cộng đồng, ông nhận ra rằng rất nhiều người đã hiểu lầm về ngày tháng được in trên thực phẩm. Mọi người vẫn nghi ngại liệu những đồ ăn đó có an toàn hay không. Hiện nay, nước Mỹ không hề có quy định nào về việc sử dụng các ngày ghi trên thực phẩm, mặc dù Cục quản lý Thuốc và Thực phẩm (FDA) và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) có quyền quản lý việc ghi nhãn hàng gây nhầm lẫn. Quy định ghi ngày duy nhất hiện chỉ liên quan đến các sản phẩm sữa bột trẻ em, vì các chất dinh dưỡng trong loại sữa công thức sẽ mất dần chất theo thời gian.

Dù sao đi chăng nữa, quan niệm sai lầm phổ biến khiến Rauch quyết định không bán bất cứ thứ gì đã qua ngày "best by" hoặc "sell by". Vì vậy, ông đã thay đổi nguồn cung cấp hàng hóa từ các cửa hàng tạp hóa đến các nhà sản xuất.

Tại sao không bán miễn phí? Rauch nói Daily Table bán mặc dù với giá chẳng đáng là bao nhưng bởi vì hầu hết người Mỹ không muốn được bố thí. Khách hàng của ông là những người lao động nhưng gặp khó khăn về kinh tế.

Rauch cũng muốn bản thân Daily Table phải hoạt động độc lập. Kể từ ngày mở cửa hồi tháng 6/2015, Rauch muốn Daily Table trở thành một doanh nghiệp thực hiện sứ mệnh cộng đồng thông qua nhận tài trợ. Ngày nay, cửa hàng đang được tự cấp vốn 75%, còn lại đến từ các quỹ tài trợ.

Lợi nhuận của Daily Table hiện nay thấp hơn so với suy nghĩ ban đầu của Rauch bởi công ty đã chuyển sang mua thức ăn nhiều hơn là nhận quyên góp. "Chúng tôi nhận ra mô hình kinh doanh của chúng tôi là dựa trên khối lượng...Chiến lược của chúng tôi là đa đơn vị", ông nói. Mặc dù hoạt động chế biến thực phẩm hiện vẫn chưa đem về lợi nhuận nhưng đó là một trong số những trọng tâm của mô hình. Nó phù hợp cho những người bận rộn không có nhiều tiền nhưng vẫn có được loại thực phẩm dinh dưỡng. Rauch dự định sẽ mở một cửa hàng mới ở thành phố Boston trong tương lai gần.(trithuctre)
---------------------------

Thị trường TMĐT Trung Quốc tăng trưởng 19% trong năm 2017

Thị trường thương mại điện tử Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 19% trong năm nay. Đây là kết quả nghiên cứu vừa được công ty tư vấn McKinsey công bố.

Theo McKinsey, sự phổ biến của mạng xã hội và các thiết bị di động là những yếu tố thúc đẩy hoạt động mua bán trực tuyến tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Trong năm ngoái, doanh thu bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc đã lên tới 3,82 nghìn tỷ USD, chiếm gần 40% doanh thu trên toàn cầu.

Hiện nhiều nhà cung cấp tại Trung Quốc đang đẩy mạnh việc bán hàng thông qua mạng xã hội, tuy nhiên, chất lượng hàng hóa, dịch vụ vẫn còn khá thấp so với các trang web bán hàng trực tuyến lớn. Và đây sẽ là vấn đề cần được cải thiện nếu Trung Quốc muốn khai thác hết tiềm năng to lớn của thị trường này.(VTV)
---------------------

Thị trường bán lẻ mẹ và bé: "Đứa trẻ" 7 tỷ đô không dễ tính

Là một trong những thương hiệu bán lẻ có tiếng và nằm ở vị trí thuận lợi nhưng mỗi hoá đơn của cửa hàng chủ yếu từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Thị trường mẹ và bé nhìn có vẻ lớn nhưng không dễ.

CEO Bibo Mart Trịnh Lan Phương tại sự kiện Forbes Việt Nam đã nhận định thị trường tiêu dùng mẹ và bé ở Việt Nam có quy mô lên đến 7 tỷ USD/năm. Dù vậy, bà cũng thẳng thắn thừa nhận: để chiếm lĩnh thị trường là bài toán khó.

Sau 11 năm khởi nghiệp, Bibo Mart đã có 124 cửa hàng trên toàn quốc, được định giá 142 triệu USD hồi cuối năm 2016. Hiện Bibo Mart được đánh giá là chuỗi cửa hàng kinh doanh sản phẩm mẹ và bé lớn nhất Việt Nam.

Trong cuộc chiến giành thị phần với Bibo Mart, đáng kể đến là Kids Plaza. Ra đời sau Bibo Mart 3 năm, hiện Kids Plaza đã có 72 cửa hàng khắp cả nước. Ở một số địa điểm, hễ có Bibi Mart thì sẽ xuất hiện Kids Plaza. Ngoài ra, thị trường còn một số hệ thống bán lẻ khác như Con cưng, Shoptretho, TutiCare,…

Dù vậy, nhiều khách hàng cho biết chuỗi cửa hàng này chỉ mới đáp ứng được nhu cầu bình dân mà chưa đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận khách hàng trung lưu nhưng lại không tiếc tiền mua sắm cho con trẻ.

 Cửa hàng Kids Plaza đối diện với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Khách thường đến đông từ thứ 2 đến thứ 6 vì khám thai và tranh thủ mua sắm. Giá trị đơn hàng ở đây thường không lớn.

Cửa hàng Kids Plaza đối diện với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Khách thường đến đông từ thứ 2 đến thứ 6 vì khám thai và tranh thủ mua sắm. Giá trị đơn hàng ở đây thường không lớn.

Vợ chồng chị Oanh (34 tuổi, Hà Nội) đã có một tour du lịch đi nước ngoài trước khi chị sinh. Tranh thủ chuyến đi này, chị đã mua sắm rất nhiều thứ cho con trai đầu lòng. Bởi nhiều món hàng chị không tìm được thương hiệu ưng ý cũng như đạt sự an tâm nếu mua trong nước.

“Chị chưa an tâm lắm với chất lượng hàng mua trong nước. Hàng hoá vẫn thượng vàng hạ cám khi xen lẫn cả đồ Trung Quốc vào. Các cửa hàng cũng không có hàng cao cấp hẳn. Chị chỉ mua những thứ ngoài da cho bé, dùng ít, ví dụ như chậu tắm, bao tay, bỉm. Lúc thì mua tại Kids Plaza, khi thì Bibo Mart. Những khác như sữa chị thường đặt bạn cầm về”, chị chi biết.

Chị cũng cho biết các thương hiệu trong nước không nhiều. Ví dụ xe đẩy ở Việt Nam chỉ quanh quẩn Combi, Seababy, Aprica,… trong khi ở nước ngoài ngoài, một mặt đa dạng hơn, một mặt giá cả rẻ hơn từ 80 – 150.000 đồng/sản phẩm. Bên cạnh đó các khu mua sắm tập trung hơn, có thể tìm được mọi thứ.

Do đó, nếu như ở nước ngoài chị Oanh chi trả trung bình mỗi đơn hàng là 10 triệu đồng thì chị chỉ trả khoảng 500 nghìn đồng cho mỗi lần mua tại các cửa hàng trong nước, nhưng cũng không thường xuyên.

Để chinh phục “đứa trẻ” tỷ đô

Số liệu của Tổng cục Dân số cho biết, năm 2016, Việt Nam có khoảng 7,5 triệu trẻ em từ 0 – 4 tuổi và hơn 10 triệu phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. Việt Nam còn là nước có tỷ lệ hộ gia đình có trẻ em ở mức cao nhất Đông Nam Á, với 12% hộ gia đình có con dưới 1 tuổi và 20% hộ có con từ 1 – 2 tuổi. Cộng với mức sống đang lên của một bộ phận thị dân, những người sẵn sàng chi mạnh tay cho con cái của họ, miếng bánh thị phần bán lẻ này trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết với dư địa lớn.

Ngoài các chuỗi doanh nghiệp nội cung ứng hàng hoá như Bibo Mart, Kids Plaza, hiện đã có cả một hệ thống siêu thị mẹ và bé chuyên hàng của Nhật Bản là là Soc&Brothers. Phát triển 5 siêu thị trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM, Soc&Brothers cung cấp cho khách hàng Việt Nam từ cái bông tăm, tã, sữa, quần áo… đến các thiết bị điện tử, gia dụng… nhập khẩu từ Nhật.

Ông Đỗ Văn Tuấn, Giám đốc Kids Plaza nhận xét: “Việc các thương hiệu lớn vào Việt Nam chứng minh doanh số của thị trường đã đủ lớn để doanh nghiệp phải có mặt “chăm sóc”. Từ việc xuất hiện chỉ qua con đường “xách tay” đến nay đã “đường đường chính chính”, chứng tỏ sức tiêu thụ đang lớn dần”.

Để làm chủ cuộc chơi này, như kinh nghiệm của CEO Bibo Mart, là phải chịu đi và chịu chi. Theo đó, công ty đã mạnh tay chi tiền để chiêu mộ nhân sự hàng đầu ở các tập đoàn lớn nước ngoài và đầu tư hàng triệu USD cho công nghệ và triển khai hệ thống ERP, warehouse, online, CRM.

Bên cạnh đó, công ty này cũng tập trung vào vấn đề nhân sự bán lẻ - vốn được coi là bài toán khó để làm sao nhân viên vừa yêu nghề, mong muốn làm việc lâu dài, đóng góp cho công ty. Từ đó mới có thể chăm sóc và tạo trải nghiệm mua sắm tốt cho khác hàng.

“Chỉ cần chúng ta gạch đầu dòng những điều kiện cần trong một thị trường tiềm năng như Việt Nam và cố gắng làm đầy đủ các gạch đầu dòng đó là thành công”, CEO Bibo Mart tự tin.(CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục