tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 23-06-2017

  • Cập nhật : 23/06/2017

Mỹ điều tra chống bán phá giá sợi nhựa tổng hợp của 4 nước châu Á

Ngày 21/6, Bộ Thương mại Mỹ đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các mặt hàng sợi nhựa tổng hợp cỡ ngắn có độ mảnh cao nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Việt Nam.

anh minh hoa. 

Ảnh minh họa. 

 

Các cuộc điều tra này được triển khai theo yêu cầu của ba nhà sản xuất sợi nhựa tổng hợp tại Mỹ. Các công ty này cáo buộc các nhà sản xuất tại 4 quốc gia trên đã bán phá giá sản phẩm nói trên tại thị trường Mỹ với tỷ lệ từ 21,43% đến 103,06%. Họ cũng cho rằng chính phủ Trung Quốc và Ấn Độ đang trợ cấp bất hợp lý cho các nhà sản xuất địa phương. 

Dự kiến Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ đưa ra quyết định sau cuộc điều tra sơ bộ vào ngày 17/7 tới. Cuộc điều tra này sẽ được tiếp tục nếu có bằng chứng cho thấy việc nhập khẩu mặt hàng sợi nhựa tổng hợp cỡ ngắn từ các nước trên ảnh hưởng lớn và đe dọa đến công nghiệp trong nước của Mỹ. 

Theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, năm ngoái, các mặt hàng sợi nhựa tổng hợp được nhập khẩu từ Trung Quốc Đại lục và Đài Loan (Trung Quốc) ước tính lần lượt vào khoảng 79,4 triệu USD và 9,6 triệu USD. 

Bộ Thương mại Trung Quốc từng nhiều lần hối thúc Mỹ tuân thủ cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ và giúp duy trì môi trường thương mại quốc tế tự do, cởi mở và công bằng.(TTXVN)
----------------------------

Gia cầm Việt Nam chính thức được phép xuất khẩu sang Nhật

Ngày 22/6, Cục trưởng Cục Thú y Nhật Bản Norio Kumagai đã gửi Công thư số 29/shoouan/1941 cho Cục Thú y Việt Nam thông báo: “Nhật Bản đồng ý nhập khẩu thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm chế biến của Công ty TNHH Koyu & Unitek tỉnh Đồng Nai, Việt Nam kể từ ngày 22/6/2017”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thịt gia cầm của chúng ta được phép xuất khẩu chính ngạch ra nước ngoài.

 

doan thanh tra nhat ban lam viec tai cong ty tnhh koyu & unitek thang 5/2017.

Đoàn Thanh tra Nhật Bản làm việc tại Công ty TNHH Koyu & Unitek tháng 5/2017.

Và một điều rất đáng mừng là, trong lần đầu tiên thịt gia cầm Việt Nam được phép xuất khẩu ra nước ngoài này, lại xuất khẩu được vào thị trường Nhật Bản – một trong những thị trường khó tính nhất thế giới.

Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết, để có được kết quả này, từ tháng 6/2016, Cục Thú y đã tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn Cty TNHH Koyu & Unitek tại tỉnh Đồng Nai xây dựng “Đề án sản xuất thịt gà chế biến theo chuỗi khép kín để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản”, trình Bộ NN-PTNT phê duyệt.

Cục Thú y đã phối hợp với Cty TNHH Koyu & Unitek tổ chức triển khai các chương trình giám sát dịch bệnh gia cầm và giám sát an toàn thực phẩm; thực hiện các yêu cầu vệ sinh thú y đối với nhà máy giết mổ, chế biến thịt gà xuất khẩu theo yêu cầu của Nhật Bản.

Từ ngày 29 - 30/5/2017, Cục Thú y Nhật Bản đã cử đoàn thanh tra thú y sang Việt Nam để đánh giá chuỗi sản xuất thịt gà chế biến xuất khẩu của Cty TNHH Koyu & Unitek. Kết luận của đoàn thanh tra thú y Nhật Bản khẳng định: Công ty TNHH Koyu & Unitek bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh thú y để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.

“Như vậy, sau đúng một năm đàm phán, chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu của Nhật Bản, Việt Nam đã hoàn tất mọi thủ tục để xuất khẩu thịt gia cầm và sản phẩm gia cầm chế biến sang Nhật Bản – một thị trường đòi hỏi các yêu cầu về an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm rất cao, rất khắt khe so với các nước trong khu vực và trên thế giới” – ông Phạm Văn Đông nói.

Trong thời gian tới, Cục Thú y sẽ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn Cty TNHH Koyu & Unitek làm thủ đăng ký xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường EU và một số thị trường khác, mở rộng thêm nhà máy giết mổ và chế biến thịt gà xuất khẩu của Cty TNHH Koyu & Unitek ở khu vực vùng Đông Nam Bộ. Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ một số công ty khác có tiềm năng xuất khẩu thịt gia súc, gia cầm tổ chức xây dựng “Đề án sản xuất chế biến theo chuỗi khép kín”, xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến thịt gà xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Các DN có nhu cầu xuất khẩu sản phẩm thịt gia súc và gia cầm, trứng gia cầm cần liên hệ với Cục Thú y để được hướng dẫn, tư vấn. Sau đó, cần tập trung xây dựng “Đề án xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ở dạng thịt đông lạnh, thịt chế biến, trứng gia cầm” để làm cơ sở đầu tư trang thiết bị cho phù hợp, nhất là cần phải đầu tư hệ thống giết mổ, cấp đông, kho lạnh bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y để bảo quản sản phẩm thịt đông lạnh.(NN)
-----------------------------------

FPT Shop từng định dùng chiến lược "đàn kiến vây quanh con voi" để bán hàng

Chiều ngày 22/6, ông Ngô Quốc Bảo - Giám đốc kinh doanh FPT Digital Retail đã có bài chia sẻ về omni-channel (bán hàng đa kênh) tại sự kiện “Phát triển ngành bán lẻ” do Forbes Việt Nam tổ chức.

Ông Bảo cho hay, một vài năm trước đây, thương mại điện tử được coi là xu hướng thời thượng. Gần đây khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0 cũng xuất hiện ở khắp mọi nơi. Nhiều người cho rằng sự phát triển của công nghệ có thể giết chết các cửa hàng bán lẻ truyền thống.

Theo ông Bảo, với những doanh nghiệp ngại thay đổi, chỉ dựa vào các cửa hàng vật lý họ sẽ mất đi những khách hàng tiềm năng, đó là thế hệ trẻ dành rất nhiều thời gian để online. Các doanh nghiệp cũng bị giới hạn về không gian địa lý khi tiếp cận khách hàng và thiếu sự tương tác ngay lập tức với họ.

Dù bán hàng online rất phát triển trong thời gian qua nhưng vị lãnh đạo của FPT Digital Retail khẳng định các cửa hàng truyền thống "vẫn còn đất sống". Bởi ông Bảo cho rằng, vẫn còn một số đối tượng thích mua sản phẩm tại các cửa hàng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Họ có thể tìm kiếm thông tin về sản phẩm qua các kênh online nhưng vẫn thích đến trải nghiệm trực tiếp trước khi mua hàng.

Theo kết quả một cuộc khảo sát tại Mỹ, có đến 67% Gen-Z (thế hệ từ 13-21 tuổi, sinh ra với smartphone và Internet) vẫn thường xuyên đến cửa hàng truyền thống, 31% vẫn thỉnh thoảng đến các cửa hàng truyền thống.

Ông Bảo lấy dẫn chứng ngay chính Amazon - đại gia bán hàng online gần đây cũng chuyển sang cửa hàng vật lý. Riêng Với FPT shop, hiện mảng online đóng góp 15% tổng doanh thu.

Ông Ngô Quốc Bảo - Giám đốc kinh doanh FPT Digital Retail

Giám đốc kinh doanh FPT Digital Retail nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bán hàng đa kênh trong nền kinh tế hiện nay. "67% khách hàng tìm sản phẩm trên một kênh nhưng lại mua hàng trên một kênh khác", ông Bảo chia sẻ kết quả một cuộc khảo sát.

Vị doanh nhân này nhấn mạnh, "Nếu chỉ sử dụng một kênh bán hàng, các doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội".

Cũng tại sự kiện, ông Bảo đã chia sẻ một mô hình về bán hàng đa kênh "omni-channel" mà đơn vị này từng có ý định áp dụng.

Ông Bảo cho biết, 2 năm trước, TGDĐ là đối thủ rất lớn của FPT Shop. "Khi đó chúng tôi không nghĩ đến việc vượt qua ai cả mà chỉ muốn phục vụ khách hàng tốt hơn. Chúng tôi nghĩ ra chiến lược gọi là đàn kiến vây quanh con voi", ông nói.

Ý tưởng của ông Bảo và cộng sự là mở ra những cửa hàng nhỏ với mục đích chính là giúp khách hàng "touch and feel" (chạm và cảm nhận). Cửa hàng không bán sản phẩm, khách hàng chỉ đến để trải nghiệm và được tư vấn. Để tiết kiệm chi phí sẽ có một đội tư vấn từ xa chung cho cả hệ thống. Tại mỗi cửa hàng sẽ có một ipad hoặc màn hình lớn, giúp khách hàng chia sẻ với đội tư vấn từ xa. "Chúng tôi cũng biến những người từng mua hàng của FPT Shop thành người tư vấn. Những khách hàng muốn tham gia sẽ đăng ký vào một mạng lưới", lãnh đạo FPT nói về ý tưởng của mình.

"Tuy nhiên cuối cùng mô hình đó đã không thể thực hiện", ông Bảo tiếc nuối. Dù không được áp dụng tại FPT, ông Bảo vẫn chia sẻ với hy vọng mô hình này có thể phù hợp với một doanh nghiệp nào đó.(NDH)
--------------------------------

Cân đối cung cầu xăng dầu thị trường Việt Nam

Năm 2009, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu xăng dầu nội địa (cung cấp khoảng 2,746 triệu tấn xăng và 3,068 triệu tấn dầu DO).

Theo kế hoạch, NMLHD Nghi Sơn (NSRP) đi vào vận hành thương mại vào năm 2018, với công suất thiết kế 10 triệu tấn dầu thô/năm thì NSRP dự kiến cung cấp khoảng 8,75 triệu tấn sản phẩm các loại, đáp ứng khoảng 40% thị trường nội địa (cung cấp khoảng 2,307 triệu tấn xăng và 3,674 triệu tấn dầu DO).

Ngoài ra, các nhà máy Condensate như PVOIL Phú Mỹ, Sài Gòn Petro, Nam Việt Oil, Đông Phương có công suất thiết kế khoảng 690.000 tấn xăng/năm.

Bảng cân đối cung cầu xăng dầu thị trường Việt Nam trung bình từ năm 2018 đến năm 2022 - Nguồn: BSR cung cấp.

Với sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới, tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong cả nước từ năm 2018 đến năm 2022 trung bình đạt khoảng 6,5 triệu tấn xăng và 8,5 triệu tấn dầu DO.

Trong khi đó, với công suất thiết kế của NMLD Dung Quất và NSRP hiện tại thì từ năm 2018 tổng nguồn cung xăng cả nước khoảng gần 6 triệu tấn/năm và tổng nguồn cung dầu khoảng gần 7 triệu tấn/năm (tương ứng khoảng 92% và 82% nhu cầu nội địa). Như vậy, với tình hình cân đối cung cầu xăng dầu hiện tại thì mỗi năm thị trường Việt Nam vẫn đang thiếu hụt trung bình khoảng 0,8 triệu tấn xăng và 1,8 triệu tấn dầu DO.

Nguồn xăng dầu thiếu hụt này sẽ được nhập khẩu về Việt Nam từ các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Biểu đồ dự báo cung cầu xăng dầu thị trường Việt Nam đến năm 2035. Nguồn: Viện Dầu khí Việt Nam (VPI.)

Trong thời gian đến, để cạnh tranh với sản phẩm xăng dầu từ NSRP và hàng nhập khẩu BSR xây dựng chiến lược kinh doanh nhằm giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm của NMLD Dung Quất, trong đó chú trọng công tác lập kế hoạch sản xuất theo khả năng vận hành thực tế của Nhà máy và điều chỉnh linh hoạt theo thị trường, tối đa công suất các phân xưởng công nghệ, áp dụng các sáng kiến, cải tiến nhằm tối ưu hóa năng lượng, tiết giảm chi phí, giảm tồn kho và tập trung sản xuất ra nhiều sản phẩm hóa dầu, sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó, BSR luôn chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thị phần trong nước cũng như xây dựng phương án xuất khẩu sản phẩm sang nhiều nước lân cận trong khu vực như Lào, Campuchia, Indonesia…(trithuctre)

Trở về

Bài cùng chuyên mục