tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 23-06-2017

  • Cập nhật : 23/06/2017

Nghịch lý Việt Nam bán than rồi lại nhập than càng nhiều

Tại hội nghị cấp cao ra mắt Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam và Đối thoại chính sách ngày 21/6, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, từ một nước xuất khẩu than hàng đầu, nhưng đến nay Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu mặt hàng này.

“Ban đầu nhập khẩu từ 5-7 triệu tấn than, nhưng sẽ tiếp tục tăng lên khoảng vài ba chục triệu tấn và nhiều hơn nữa trong những thập kỷ tới.

Đó là một thực tế vì sự hạn hẹp và sự giới hạn của nguồn tài nguyên khoáng sản, trong đó có than đá”, Infonet dẫn lời Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết.

viet nam ngay cang phai nhap khau than nhieu

Việt Nam ngày càng phải nhập khẩu than nhiều

Đây là một nghịch lý bởi Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang bị tồn kho lượng than thương phẩm lên tới 9,3 triệu tấn.

Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ đã truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng về việc TKV phải quan tâm xử lý giải quyết sản phẩm tồn đọng bởi đây là trở ngại lớn nhất cho tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh của TKV.

Vì thế, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu các giải pháp, đề xuất các cơ chế, chính sách để góp phần giảm giá thành sản phẩm than để có thể cạnh tranh với than nhập khẩu, giảm tồn kho.

Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia ngành năng lượng Nguyễn Thành Sơn chỉ rõ, việc nhập khẩu than là đương nhiên vì than tồn không phù hợp với tiêu chuẩn mà thị trường trong nước cần.

Đây là hậu quả của việc phát triển ngành than không có tầm nhìn cũng như việc chạy theo thành tích tăng sản lượng than để tăng GDP.(Baodatviet)
-----------------------------------

Nickel rớt giá thảm hại, Indonesia đóng cửa hàng chục nhà máy

Giám đốc hiệp hội ngành nickel cho hay hàng chục nhà máy luyện nickel ở Indonesia đã ngừng sản xuất do giá kim loại này giảm xuống quá thấp. Các nhà máy còn lại hiện đang hoạt động với mức độ cầm chừng và bị thua lỗ.

Phó chủ tịch Hiệp hội Luyện kim Indonesia, ông Jonatan Handojo cho biết có khoảng 13 nhà máy với tổng công suất khoảng 750.000 tấn đã buộc phải ngưng hoạt động do giá nickel giảm xuống còn khoảng 8.000 USD/tấn. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ tên của 13 nhà máy.

Tuần trước, giá nickel kỳ hạn 3 tháng chạm đáy 1 năm ở mức 8.680 USD/tấn tại sàn giao dịch kim loại London, giảm hơn 10% kể từ đầu năm đến nay. Hôm thứ Hai, giá kim loại này được giao dịch ở mức 8.975 USD/tấn.

Vẫn còn 12 nhà máy sản xuất nickel khác hiện vẫn đang hoạt động, tuy nhiên những nhà máy này đang phải chịu lỗ, ông Handojo cho biết thêm.

Năm 2014, Indonesia ban hành chính sách hạn chế xuất khẩu quặng nickel nhằm khuyến khích việc xây các nhà máy mới. Năm đó, giá nickel lập kỷ lục 21.625 USD/tấn. Thế nhưng, đến năm nay, Indonesia thu hồi những quy định này cho phép xuất khẩu quặng nickel và bauxite theo những điều kiện nhất định.

Giá nickel tinh chế đã phải chịu nhiều áp lực bởi dự báo của thị trường rằng nguồn cung từ Philippines và Indonesia sẽ tăng.

Trong khi đó, sản lượng khai thác của Philippines- quốc gia cung cấp nickel hàng đầu thế giới, lại giảm 51% trong quý I do mưa lớn kéo dài và lệnh đình chỉ khai thác của cựu Bộ trưởng Môi trường, bà Regina Lopez. Tuy nhiên, mới đây Bộ trưởng Tài chính nước này, ông Carlos Dominguez đã hứa sẽ gỡ bỏ lệnh đình chỉ khai thác ở các mỏ.(NDH)
-------------------------

Tôm Việt tìm đường 'bơi' vào các thị trường thế giới

Theo thông tin từ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ đang có xu hướng chững lại.

Thay vì tập trung vào thị trường này, các doanh nghiệp đã thay đổi chiến lược xuất khẩu, chuyển sang các thị trường khác có nhu cầu cao và có chi phí xuất khẩu thấp hơn như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc…

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, xuất khẩu tôm Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2017 tăng chậm hơn, chỉ tăng 4% với cùng kỳ năm ngoái, với kim ngạch hơn 1,14 tỷ USD. Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ xuất khẩu tôm sang một số thị trường phục hồi tích cực như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc đã bù đắp cho sụt giảm tại các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc và Australia.

nong dan thu hoach tom su nuoi theo hinh thuc quan ly cong dong tai huyen an bien. anh: le sen/ttxvn

Nông dân thu hoạch tôm sú nuôi theo hình thức quản lý cộng đồng tại huyện An Biên. Ảnh: Lê Sen/TTXVN

 

Phân tích nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ sụt giảm, ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cho biết, từ đầu năm đến nay, giá tôm nguyên liệu trong nước luôn ở mức cao. Trong khi đó xuất khẩu tôm Việt vào thị trường Hoa Kỳ vẫn còn bị áp thuế chống bán phá giá cao. Điều này đã khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp bị “đội” lên rất nhiều khi xuất vào thị trường này.

Hiện đối thủ chính của tôm Việt ở thị trường Hoa Kỳ là Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, tuy nhiên Indonesia không bị kiện bán phá giá, còn Ấn Độ và Thái Lan dù cũng bị áp thuế chống bán phá giá nhưng có mức thuế thấp hơn so với Việt Nam.

Không những vậy, giá thành sản xuất tôm ở các nước này cũng thấp hơn Việt Nam rất nhiều nên các doanh nghiệp Việt khó có thể cạnh tranh về giá bán.

“Thị trường Hoa Kỳ cũng đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khi Chính phủ nước này liên tục có những động thái ủng hộ sản xuất trong nước, tăng rào cản kỹ thuật, thuế quan và bảo hộ. Trong thời gian tới, nếu thuế chống bán phá giá tiếp tục kéo dài, tình trạng cạnh tranh về giá quá gay gắt, tôm Việt sẽ tự tìm đường “bơi” sang các thị trường khác để có cơ hội được bán với giá tốt hơn, nhất là EU, Trung Quốc…”, ông Lực cho biết.

Trong sự dịch chuyển của con tôm xuất khẩu, EU là thị trường được các doanh nghiệp đánh giá khá cao. Đây là thị trường quan trọng của tôm Việt Nam, do nhu cầu ổn định và doanh nghiệp xuất khẩu sang đây được hưởng ưu đãi thuế GSP, trong khi Ấn Độ - đối thủ chính của tôm Việt Nam trên thị trường này không được hưởng.

Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sắp có hiệu lực cũng là cơ hội để xuất khẩu tôm sang thị trường này có nhiều dấu hiệu tích cực.

Theo VASEP, trong thời gian tới, EU vẫn là thị trường nhạy cảm về giá và nhu cầu đối với tôm giá rẻ vẫn tăng ở các thị trường thuộc khối này. Nhu cầu tôm giá hợp lý như tôm chân trắng sẽ tăng trong khi nhu cầu tôm sú sẽ giảm. Bên cạnh đó, ở EU, nhu cầu thực phẩm dễ chế biến và chế biến nhanh đang có xu hướng tăng do áp lực công việc.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường EU khá tốt. Trước đây, EU chủ yếu nhập khẩu tôm HOSO (tôm nguyên con, còn đầu, còn vỏ), tuy nhiên thị trường này hiện có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn các sản phẩm chế biến sẵn như tôm tẩm ướp gia vị, xiên que...

"Để xuất sang được thị trường này, ngoài việc chú ý vấn đề chất lượng, các doanh nghiệp phải thực sự đầu tư khâu chế biến để nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm, bù đắp lại phần chi phí khác", ông Lĩnh chia sẻ.

Tại thị trường Nhật Bản, Việt Nam vẫn là nước cung cấp tôm lớn nhất và chiếm 25,9% tổng giá trị nhập khẩu tôm vào nước này trong quý 1/2017. Từ đầu năm đến nay, nhu cầu tiêu thụ tôm của Nhật Bản tăng cao do đồng Yên Nhật tăng giá. Riêng trong quý 1/2017, xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường này tăng đến 27% so với cùng kỳ.

Người tiêu dùng Nhật Bản thường ưa chuộng các sản phẩm tôm nguyên con hấp chín và tôm nguyên con ăn liền, các sản phẩm tinh chế từ tôm như tôm sushi. Do vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý khi đẩy mạnh xuất khẩu sang đây.

Theo các doanh nghiệp, Trung Quốc cũng đang là một điểm dịch chuyển mới của tôm Việt ngoài thị trường Hoa Kỳ. Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản chung của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt kim ngạch 382 triệu USD.

Nhiều báo cáo, nhận định của các chuyên gia cho thấy Trung Quốc sẽ là một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản quan trọng của Việt Nam trong thời gian tới.

Ngoài những thị trường trên, Hàn Quốc, Australia, Brazil… đang là những thị trường tiềm năng cho tôm Việt Nam. Do vậy các doanh nghiệp cần lưu ý vấn đề đa dạng hóa thị trường để tránh việc phụ thuộc nhiều vào một thị trường, dẫn đến nguy cơ phát triển không bền vững cho ngành.

Các chuyên gia cũng cho rằng, dù hiện nay vẫn có thị trường chưa đặt vấn đề chất lượng. Tuy nhiên, người nuôi tôm và doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu vẫn phải chú ý thực thi các quy định về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, minh bạch hoạt động từ nguồn nguyên liệu tới quá trình chế biến nhằm tạo uy tín, thương hiệu của ngành tôm Việt Nam trên thị trường.

Đồng thời, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cũng nên có sự đầu tư vào các chứng nhận cho hoạt động sản xuất chế biến của mình, đưa ra các hoạt động cụ thể để hỗ trợ cộng đồng và môi trường. Đây được xem là con đường tốt nhất để các doanh nghiệp kinh doanh, hợp tác lâu dài với các đối tác.(TTXVN)
-----------------------------

Doanh nghiệp Việt góp phần vào tăng trưởng kinh tế Campuchia

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ Việt Nam-Campuchia (24/6/1967-24/6/2017), Bộ trưởng bên cạnh Thủ tướng, Tổng Thư ký Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC), ông Sok Chenda Sophea, đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Campuchia, trong đó nhấn mạnh doanh nghiệp Việt Nam góp phần rất lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của Campuchia.


Đánh giá về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia, Bộ trưởng Sok Chenda Sophea nhận định về tổng thể, có nhiều tín hiệu lạc quan trong các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam được CDC thông qua.

Tuy nhiên, ông Sok Chenda Sophea cho rằng các nhà đầu tư Việt Nam chưa có sự đầu tư đồng đều trên bốn lĩnh vực lớn của nền kinh tế Campuchia, gồm may mặc-giày da, du lịch, nông nghiệp và bất động sản.

Cụ thể, đối với lĩnh vực may mặc-giày da, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trên lĩnh vực này còn rất khiêm tốn, chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp trong tổng số khoảng 800-900 doanh nghiệp đang đầu tư trong lĩnh vực này tại Campuchia.

Ngược lại, trên lĩnh vực du lịch, mặc dù không có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh khách sạn tại Campuchia, nhưng bù lại, lượng du khách Việt Nam đến Campuchia luôn đứng vị trí hàng đầu trong 5 năm gần đây.

Ông Sok Chenda Sophea dự đoán trong thời gian tới, du khách Việt Nam vẫn chiếm số lượng lớn trong số du khách nước ngoài đến Campuchia, qua đó góp phần rất lớn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế nước này.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Sok Chenda Sophea khẳng định lĩnh vực này thu hút được sự đầu tư rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là đầu tư trồng cây cao su.

Nguyên nhân các nhà đầu tư Việt Nam luôn đứng đầu trong lĩnh vực này là do họ đều nhận thấy Campuchia có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tương đồng, cũng như sự tạo điều kiện của Chính phủ Campuchia đối với nhà đầu tư Việt Nam trong việc cho thuê đất tô nhượng kinh tế.

Đối với lĩnh vực bất động sản không thuộc quyền quản lý của CDC, ông Sok Chenda Sophea cho biết các thông tin ông nắm được cho thấy các nhà đầu tư Việt Nam chưa tham gia đầu tư các dự án cao ốc hay các dự án bất động sản lớn nào tại Campuchia.

Nhận định về những đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam đối với nền kinh tế Campuchia, ông Sok Chenda Sophea đặc biệt nhấn mạnh đến sự đóng góp của dịch vụ viễn thông của công ty Việt Nam đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội Campuchia. Ông cho biết mạng di động Viettel thuộc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel hiện giữ vị trí nhất nhì tại Campuchia, trong bối cảnh dịch vụ viễn thông ngày càng góp phần mang lại những thay đổi đổi tích cực đối với đời sống người dân nước này.

Bên cạnh đó, đối với các dự án trồng cây cao su, Bộ trưởng Sok Chenda Sophea cũng nhận định các nhà đầu tư Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đường sá bền vững lâu dài, cũng như tham gia hỗ trợ, đóng góp, nâng cao dịch vụ y tế, giáo dục, mang lại sự phát triển thịnh vượng cho cư dân địa phương tại các vùng có dự án.

Đề cập đến việc áp dụng chính sách của Campuchia dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, ông Sok Chenda Sophea khẳng định Campuchia luôn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Việt Nam.

Ông Sok Chenda Sophea cho biết từ năm 1994, Campuchia đã thông qua Luật Đầu tư, có nhiều điểm đặc biệt mang đến môi trường kinh doanh tự do cho các nhà đầu tư nước ngoài, tương tự như những nhà đầu tư Campuchia, chỉ khác nhau ở quyền sở hữu đất đai. Trong đó quyền sở hữu đất đai chỉ áp dụng cho các nhà đầu tư Campuchia.

Ngoài vấn đề trên, các nhà đầu tư nước ngoài có đầy đủ quyền sở hữu trên mọi lĩnh vực. Ông Sok Chenda Sophea lấy ví dụ về hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bảo lãnh tài chính, viễn thông, theo đó tại một số nước, các doanh nghiệp nước ngoài không được phép chiếm trên 50% cổ phần.

Tuy nhiên, Campuchia đã mở rộng, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu 100% vốn cổ phần để thu hút, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Việt Nam. Theo ông, hiện một số ngân hàng tại Campuchia có vốn đầu tư 100% của Việt Nam và công ty Viettel cũng chiếm 100% vốn cổ phần tại công ty Metfone.

Trong buổi phỏng vấn, Bộ trưởng Sok Chenda Sophea cũng đề cập đến các kế hoạch mà chính phủ và các ngành chức năng của Campuchia sẽ thực hiện nhằm cải thiện chính sách và môi trường đầu tư để thu hút các nhà đầu tư. Ông cho biết hiện Campuchia đang chuẩn bị xây dựng Luật Đầu tư mới, sau khi sửa đổi bổ sung bộ luật này hồi năm 2003, để có sự điều chỉnh đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Song song với đó, ông Sok Chenda Sophea cho biết CDC còn có một nhiệm vụ lớn khác là xây dựng Luật Đầu tư tại các khu kinh tế đặc biệt, đồng thời khẳng định đây là một công tác quan trọng trong Chính phủ Campuchia. Theo ông, tại châu Á, sự phát triển công nghiệp thành công là thông qua việc phát triển của các khu kinh tế đặc biệt, chẳng hạn như tại Trung Quốc và Việt Nam. Campuchia cũng có các khu kinh tế đặc biệt và Phnom Penh đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp để các khu kinh tế này có thể thu hút được các nhà đầu tư.

Ông Sok Chenda Sophea cũng cho biết hồi năm 2015, Chính phủ Campuchia đã thông qua một chính sách rất quan trọng là “Chính sách phát triển công nghiệp giai đoạn 2015-2025.” Chính sách này gắn chặt với sự phát triển các khu kinh tế đặc biệt.

CDC và các bộ ngành sẽ đóng vai trò là người điều phối để phát triển hài hòa vấn đề này. Trong hai năm trở lại đây, Chính phủ Campuchia đang tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của các khu kinh tế đặc biệt, tương tự hướng đi của các nước như Lào và Thái Lan (Vietnam+)
--------------------

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục