tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều17-12-2017

  • Cập nhật : 17/12/2017

Nhà máy Soda Chu Lai ngừng hoạt động: 2.000 tỷ đồng vay ngân hàng nguy cơ thành nợ xấu

“Nhà máy ngàn tỷ” - Soda Chu Lai (Quảng Nam) “đắp chiếu” hơn 1 năm nay. 5 tổ chức tín dụng, trong đó gồm 4 chi nhánh của Ngân hàng NNPTNT - Agribank và một ngân hàng khác đã phải cử cán bộ cắm trại, giữ “đống sắt” lạnh.

 

nha may soda luon dong cua im lim, hon 400 cong nhan mat viec, bi no luong va ngan hang dung truoc nguy co khong doi duoc mon no 2.000 ty dong. anh: thanh hai

Nhà máy Soda luôn đóng cửa im lìm, hơn 400 công nhân mất việc, bị nợ lương và ngân hàng đứng trước nguy cơ không đòi được món nợ 2.000 tỷ đồng. Ảnh: THANH HẢI

 

Ngừng hoạt động kéo dài, Nhà máy Soda đang gỉ sét từng ngày, không chỉ khiến hàng trăm công nhân khó đòi được nợ lương, mà hơn 2.000 tỷ đồng vay ngân hàng đang có nguy cơ thành nợ khó đòi…

Tay không xây nhà máy ngàn tỷ?

Nhà máy sản xuất soda Chu Lai (CTCP Sản xuất soda Chu Lai) là một trong những dự án trọng điểm, được Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) “rải thảm đỏ”, đón chào ở thời điểm 2010. Trong khi nhu cầu nguyên liệu soda phục vụ cho sản xuất công nghiệp tại Việt Nam lên đến gần cả triệu tấn mỗi năm, lại phải hoàn toàn nhập khẩu, thì việc ra đời nhà máy đầu tiên cả nước sản xuất soda với công suất 200.000 tấn/năm được đánh giá đầy tiềm năng. Đặc biệt, đối với tỉnh nghèo, vừa chia tách như Quảng Nam lúc đó, thì việc xuất hiện của nhà máy với những hứa hẹn tháng 2/2012 hoạt động, giải quyết hơn 400 lao động địa phương, đóng ngân sách hơn 60 tỷ đồng/năm… đã làm hấp dẫn cả chính quyền lẫn các ngân hàng.

Đó cũng là một trong những lý do khiến Ngân hàng NNPTNTVN - Agribank đã dốc hầu bao từ 5 chi nhánh trên toàn quốc gồm Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và Tuyên Quang để cho dự án này vay đến 1.600 tỷ đồng. Ngoài ra, một ngân hàng khác cũng góp thêm 400 tỷ cho dự án “béo bở” này.

Tháng 4/2010, Nhà máy soda Chu Lai khởi công trên diện tích 60ha tại KCN Bắc Chu Lai, với số vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD (gần 2.300 tỷ đồng). Sau không khí hồ hởi đón chào, thì dự án ngàn tỷ này rơi vào cảnh ỳ ạch xây dựng và mất đến 5 năm chậm trễ.

Nhà máy Soda Chu Lai đã ngừng hoạt động hoàn toàn từ tháng 8.2016 đến nay. Ảnh: T.HẢI

Nhà máy Soda Chu Lai đã ngừng hoạt động hoàn toàn từ tháng 8/2016 đến nay. Ảnh: T.HẢI

Mới thử nghiệm đã gây ô nhiễm nghiêm trọng

Nguyên liệu soda ra đời sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng cho ngành sản xuất thuỷ tinh và kính xây dựng, công nghiệp tẩy rửa, bột giấy, giấy... vốn khan hiếm trong nước. Mặt khác, nguyên liệu đầu vào là đá vôi, nước biển, được cho là sẵn có ở đất nước hơn 3.000km chiều dài bờ biển. Thế nhưng, tháng 6/2015, ngay khi NM vận hành thử, thì Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã phải có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ, nêu các lý do khách quan, thời tiết, khó khăn huy động vốn… để giải trình việc chậm hoạt động, đồng thời đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương phê duyệt hạn ngạch nhập khẩu... muối cho NM Soda Chu Lai.

Cũng ngay khi hoạt động, NM Soda Chu Lai đã gây ô nhiễm nghiêm trọng cả về tiếng ồn, bụi bẩn và nước thải. Hơn 240 hộ dân xã Tam Hiệp đã liên tục bao vây nhà máy phản ứng. Thuỷ sản nuôi tại các đầm hồ lân cận chết trắng… Chính quyền kiểm tra, Tổng cục Môi trường - Bộ TNMT vào thanh tra, kết luận hệ thống xử lý thải không đảm bảo, xử phạt đến 730 triệu đồng thời điểm cuối 2015. Tuy vậy, NM đã không thể khắc phục hoàn toàn ô nhiễm, nên chỉ tái khởi động trở lại vài tháng thì Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn phải ra quyết định dừng hoạt động nhà máy từ tháng 8/2016.

Ngân hàng đang nguy cơ gánh nợ xấu

Khi bị ngừng hoạt động lần đầu, hơn nửa trong số 400 công nhân đã bị mất việc. Phần lớn CN không đòi được nợ lương từ 3-4 tháng. Đến tháng 8/2016, NM Soda Chu Lai ngừng hoạt động hẳn, thì số công nhân còn trụ lại tiếp tục mất việc, nhưng số lương mà Công ty còn nợ họ tăng lên 7-8 tháng, tuỳ từng người.

Chúng tôi đến NM Soda Chu Lai vào ngày 13/12/2017 chỉ chứng kiến một đống sắt im lìm, đang dấu hiệu gỉ sét. Một nhóm bảo vệ thì cho biết họ là người của các ngân hàng thuê để trông NM, giữ nguyên hiện trạng. Nhân sự duy nhất của NM bây giờ là Tổng giám đốc Nguyễn Thái Dũng, ở… Hà Nội.

Lãnh đạo BQL Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, đến thời điểm này NM Soda chưa khắc phục được hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, ngừng hoạt động hoàn toàn. Tuy nhiên, việc không sản xuất là do khó khăn về tài chính, trục trặc kỹ thuật vì nhập dây chuyền thiết bị Trung Quốc.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam - ông Hồng Thanh Quang - cũng khẳng định nguyên nhân ngừng hoạt động không chỉ vì ô nhiễm môi trường mà là do dây chuyền sản xuất không đảm bảo, khó khăn về tài chính, thị trường… Tuy nhiên tỉnh không nhận được báo cáo cụ thể nào.

GĐ Chi nhánh Agribank Quảng Nam - ông Hà Thạch - cho biết, Agribank Việt Nam đã thành lập tổ thu hồi nợ, thường trực tại NM. Đồng thời đang nỗ lực cùng chủ đầu tư tìm cách khắc phục, đưa nhà máy hoạt động trở lại. Tuy vậy, hiện vẫn chưa có dấu hiệu khả quan, món nợ hơn 2.000 tỷ đồng của 5 cơ quan tín dụng đang có nguy cơ thành nợ xấu, khó đòi.(Laodong)
------------------------

Cố vấn Tổng thống Mỹ: Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là điểm đến hàng đầu của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam

Cố vấn M. Pottinger đánh giá cao quyết tâm và nỗ lực của Thành phố trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tin tưởng rằng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là điểm đến hàng đầu của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, ngày 15/12, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã có các cuộc tiếp xúc với ông Thomas Shannon, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ và ông Matthew Pottinger, Cố vấn Tổng thống, Giám đốc cấp cao phụ trách châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ.

Tại các cuộc gặp, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong thời gian gần đây, đồng thời khẳng định năm 2017 là một năm đặc biệt trong quan hệ hai nước, trong đó chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Donald Trump có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sự quan tâm của Hoa Kỳ đối với Việt Nam cũng như khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ song phương.

Phía Hoa Kỳ chia sẻ nhận định này và cho biết, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống D. Trump nhân dịp diễn ra Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tháng 11 vừa qua là chuyến đi thành công, qua đó đưa quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ với phía Hoa Kỳ mục đích chuyến đi và kêu gọi phía Hoa Kỳ hỗ trợ và tạo điều kiện cho việc hợp tác giữa Thành phố và các đối tác Hoa Kỳ trong việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển dự án đô thị thông minh và Trung tâm Sáng tạo (bao gồm Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức)..., đặc biệt trong bối cảnh Thành phố vừa được Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho phát triển.

Đại diện phía Hoa Kỳ cho rằng, số lượng du học sinh Việt Nam đông đảo tại Hoa Kỳ (hơn 20.000) là nền tảng quan trọng để hai bên thúc đẩy hợp tác về giáo dục, nhân lực, mang lại lợi ích cho cả hai bên, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Thứ trưởng Ngoại giao T. Shannon cho biết, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ phối hợp với phía Việt Nam xử lý hậu quả chiến tranh, tẩy độc sân bay Biên Hòa, xem xét hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh các chương trình hợp tác khác (như Đại học Fulbright Việt Nam).

Về phần mình, Cố vấn M. Pottinger đánh giá cao quyết tâm và nỗ lực của Thành phố trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tin tưởng rằng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là điểm đến hàng đầu của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam.(TTXVN)
-----------------------

EU nhất trí khởi động giai đoạn đàm phán tiếp theo với Anh

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) chính thức phê chuẩn quyết định khởi động giai đoạn tiếp theo trong các cuộc đàm phán về việc Anh rời EU, còn gọi là Brexit, sau khi đạt một thỏa thuận về các điều khoản "ly hôn" với Anh.

Giai đoạn hai sẽ tập trung vào một quá trình chuyển tiếp và quan hệ thương mại giữa hai bên sau thời điểm Anh chính thức rời đi vào ngày 29/3/2019.

Ngày 15/12, trên trang mạng Twitter, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thông báo các lãnh đạo EU đã nhất trí mở giai đoạn đàm phán tiếp theo và gửi lời chúc mừng Thủ tướng Anh Theresa May.
 

cac nha lanh dao chau au dang tien hanh hoi nghi thuong dinh tai brussels cua bi trong hai ngay 14-15/12.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đang tiến hành hội nghị thượng đỉnh tại Brussels của Bỉ trong hai ngày 14-15/12.



Trước đó, ngày 7/12 vừa qua, Anh và EU đã đạt được tiến bộ đầy đủ về các điều khoản "ly hôn" bao gồm vấn đề thanh toán tài chính, biên giới Ireland và quyền công dân sau Brexit.

Theo kế hoạch, các cuộc đàm phán về thương mại và giai đoạn chuyển tiếp sau Brexit sẽ có thể được khởi động vào đầu năm 2018.

Ông Tusk cảnh báo giai đoạn đàm phán sắp tới sẽ khó khăn hơn các cuộc thương lượng về điều khoản "ly hôn" vừa qua. Quan chức này cho biết EU cần Anh làm rõ quan điểm của nước này về việc xây dựng quan hệ song phương trong tương lai sau khi London rời khỏi thị trường chung.

Đây có thể tạm coi là tin vui đối với chính quyền của Thủ tướng May sau khi Quốc hội Anh đã nhất trí ủng hộ một nội dung sửa đổi Dự luật Brexit của chính phủ, theo đó yêu cầu đảm bảo pháp lý để các nghị sỹ được quyền bỏ phiếu đối với bất cứ thỏa thuận cuối cùng nào giữa Anh và EU.

Điều này là một đòn giáng mạnh vào chính phủ của Thủ tướng May sau khi chính phủ vừa tuyên bố đã đạt được những "tiến bộ đầy đủ" trong thương lượng với EU để mở ra giai đoạn 2 của đàm phán Brexit.

Nhiều nghị sỹ của đảng Bảo thủ cầm quyền đã bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi, khẳng định hành động của họ không phải là nỗ lực ngăn chặn Brexit mà nhằm ủng hộ quyền tối thượng của Quốc hội Anh.(Vietnam+)
------------------------

Thủ tướng kêu gọi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ là thể hiện sống có trách nhiệm với cộng đồng, với các thế hệ tương lai, tuy nhiên nông nghiệp hữu cơ không thể phát triển theo phong trào ồ ạt, mà cần hết sức bài bản, khoa học.

thu tuong nguyen xuan phuc: "tat ca the che, chinh sach, dac biet nghi dinh, thong tu trong pham vi cua chinh phu, chung toi se tiep thu de lam nhanh hon, tao dieu kien cho nong nghiep huu co phat trien". - anh: vgp/quang hieu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Tất cả thể chế, chính sách, đặc biệt nghị định, thông tư trong phạm vi của Chính phủ, chúng tôi sẽ tiếp thu để làm nhanh hơn, tạo điều kiện cho nông nghiệp hữu cơ phát triển". - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại Diễn đàn quốc tế về nông nghiệp hữu cơ sáng 16/12, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về Diễn đàn, không những số lượng đại biểu tham dự đông mà còn có thông tin phong phú. Các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm, những nhận thức, nhất là nhận thức rõ bản chất của nông nghiệp hữu cơ và nhận diện những khó khăn, thách thức về thể chế, cơ chế phát triển.

Đặc biệt, tại Diễn đàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam, các địa phương, doanh nghiệp đã nêu ra các khó khăn, thách thức, đề ra phương hướng góp ý cho Chính phủ để chỉ đạo lĩnh vực này hiệu quả hơn, bền vững hơn.

Không chỉ cho người giàu

Thủ tướng cho rằng, nông nghiệp hữu cơ là một bộ phận quan trọng của sản xuất nông nghiệp Việt Nam và nông nghiệp Việt Nam phải thành công thì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mới thành công. Nông nghiệp, nông thôn và nông dân là những vấn đề rất nóng bỏng hiện nay trong phát triển đất nước và phải tập trung nghiên cứu vấn đề này dưới các hình thức khác nhau, trong đó đặc biệt cần nghiên cứu một lĩnh vực mà trong nước và thế giới quan tâm là nông nghiệp hữu cơ để bảo đảm nền nông nghiệp tiết kiệm, an toàn, hiệu quả.

Khẳng định rất nhiều sản phẩm của Việt Nam có thể phát triển nông nghiệp hữu cơ, Thủ tướng nhìn nhận việc một số ý kiến nói rằng nông nghiệp hữu cơ chỉ phục vụ người giàu, cho xuất khẩu là chưa đúng, chưa đủ. Nông nghiệp hữu cơ phục vụ cho người dân khi mà ở Việt Nam hiện nay đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, từ mức 10% dân số hiện nay sẽ lên khoảng 50% vào năm 2035.

Yêu cầu một nền nông nghiệp sạch, thực phẩm sạch cho gần 100 triệu dân Việt Nam và xuất khẩu cho thế giới là yêu cầu lớn cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp Việt Nam.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm, nông nghiệp hữu cơ có tính giáo dục cao, sẽ đóng góp to lớn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn, phát huy giá trị nhân văn của con người, đồng thời nông nghiệp hữu cơ sẽ đóng góp rất quan trọng cho nền kinh tế phát triển xanh và bền vững. Những giá trị đó là vô bờ bến, để lại cho các thế hệ người Việt Nam mai sau một Tổ quốc xanh, sạch, đầy sức sống. Cho nên việc thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phát triển nông nghiệp hữu cơ ở từng địa phương là thể hiện sống có trách nhiệm của mỗi chúng ta cho cộng đồng, cho tương lai của thế hệ mai sau.

Làm theo phong trào ồ ạt sẽ dễ sụp đổ

Cho rằng cần có một nhận thức đúng đắn, thống nhất về phát triển nông nghiệp hữu cơ, Thủ tướng nêu rõ quan điểm, bên cạnh ưu điểm và ý nghĩa nổi trội của nông nghiệp hữu cơ thì nông nghiệp phi hữu cơ, với năng suất cao trong nhiều năm tới vẫn tiếp tục đóng vai trò bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, không thể xem nhẹ. Song hành với nông nghiệp hữu cơ – là động lực của đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp thì nông nghiệp phi hữu cơ cũng phải đặt ra.

Thủ tướng nêu rõ, nông nghiệp hữu cơ sẽ đáp ứng một phân khúc thị trường cao cấp, cần thiết, giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn, chất lượng hơn với thế giới và mang trọng trách cho tương lai. Và như thế, nông nghiệp hữu cơ không thể phát triển theo phong trào ồ ạt, chưa thể sớm thành sản phẩm phổ cập cho mọi người mà đòi hỏi phát triển hết sức bài bản, khoa học. Theo Thủ tướng, phát triển toàn diện nền nông nghiệp Việt Nam là một yêu cầu.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ phải trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng, xác định, lựa chọn chính xác chủng loại sản phẩm, quy mô, vùng sản xuất sản phẩm thích hợp với nhu cầu của từng thị trường để khai thác lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, xã hội, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ưu tiên sản xuất cây trồng bản địa Việt Nam có giá trị cao, gắn với du lịch sinh thái, tuân thủ chặt chẽ các quy định quốc tế về tiêu chuẩn.

Về phát triển nông nghiệp hữu cơ cũng như cả nông nghiệp Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh cần theo các loại quy mô, mô hình khác nhau, như VAC, hợp tác xã, tập đoàn, doanh nghiệp, làm sao hình thành hệ sinh thái đa dạng phát triển nông nghiệp hữu cơ.

“Chúng ta phát triển ở tỷ lệ nào về nông nghiệp hữu cơ là phù hợp”, Thủ tướng đặt vấn đề và giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2018 – 2025, tầm nhìn 2035, trình Thủ tướng phê duyệt trong đầu năm 2018 nhằm định hướng, cụ thể hóa các hoạt động thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn. Theo đó, đề xuất các chính sách nâng cao chất lượng, đẩy mạnh công tác đào tạo, chính sách hỗ trợ, ưu đãi tín dụng, tín chấp, thế chấp và giải quyết nút thắt như đã đưa ra tại Diễn đàn.

“Mình đừng cái gì theo phong trào là hỏng hết, phải chặt chẽ, rõ ràng, có chỉ đạo, đừng để sụp đổ theo phong trào”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Phải hình thành hệ sinh thái phát triển nông nghiệp hữu cơ, một văn hóa nông nghiệp hữu cơ ở nông thôn và nông dân. Văn hóa đó không thể kiểu “lợn hai chuồng, rau hai luống”, mà là đạo đức của người nông dân.

Làm sản phẩm gì cũng phải minh bạch, khoa học

Tiếp thu các ý kiến, Thủ tướng nhất trí cần sớm xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế, thiết lập hệ thống kiểm tra nghiêm khắc, minh bạch và hiệu quả để các sản phẩm Việt Nam có uy tín và giành được sự tin cậy của thế giới. Vì vậy, trong chỉ đạo, ngoài các vấn đề trên thì cơ chế quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi sản xuất rất quan trọng. Sản phẩm hữu cơ dù cho thị trường trong nước hay xuất khẩu, tất cả đều phải nhờ thương hiệu. Thương hiệu có được do sản xuất xanh, sạch và từ đó, tiêu chuẩn, quy trình cụ thể phải rõ ràng. Cơ chế quản lý theo chuỗi nhất quán, minh bạch, nghiêm chỉnh và liêm chính.

“Nếu chúng ta làm nhập nhằng, không minh bạch thì sản phẩm dư thừa, không tiêu thụ được do người tiêu dùng nghi ngờ. Vì vậy, một bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn mà đại biểu TH nêu ra, đó là nhiệm vụ của Nhà nước, trước hết là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế phối hợp trình và ban hành trên tinh thần dù sản phẩm gì, làm việc gì thì bảo đảm minh bạch, có cơ sở khoa học trong phát triển nông nghiệp hữu cơ”, Thủ tướng nói.

Nhất trí với các đại biểu về một số nút thắt cần tháo gỡ, như cơ chế chính sách, vấn đề hạn điền, nguồn nhân lực, kỹ thuật, Thủ tướng cho biết, sẽ ban hành nghị định mới về nông nghiệp hữu cơ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có đề án về vấn đề này để làm bài bản, hệ thống hơn, chứ không phải “trăm hoa đua nở”. Cùng với đó, sẽ thay thế Nghị định 210 về đầu tư trong nông nghiệp.

“Tất cả thể chế, chính sách, đặc biệt nghị định, thông tư trong phạm vi của Chính phủ, chúng tôi sẽ tiếp thu để làm nhanh hơn, tạo điều kiện cho nông nghiệp hữu cơ phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đánh giá cao các ý kiến, sáng kiến của các đại biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng mong “tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, ủng hộ và trực tiếp tham gia của quý vị trong thời gian tới để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tiếp thu và cụ thể hóa những ý kiến, sáng kiến, kiến nghị của Diễn đàn, biến các ý tưởng hôm nay thành hành động của các ngành, các cấp để triển khai nền nông nghiệp hữu cơ Việt Nam trong giai đoạn tới không chỉ cao về tốc độ mà bền vững về chất lượng, thị trường.

“Thay mặt Chính phủ, tôi kêu gọi sự hưởng ứng của các nhà khoa học, bà con nông dân, các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội tham gia phát triển nông nghiệp hữu cơ trên cả nước. Đó chính là quyền lợi và trách nhiệm của từng chủ thể trong xã hội, vì môi trường sống trong lành, vì sức khỏe tốt và hạnh phúc của từng người dân Việt Nam chúng ta”, Thủ tướng bày tỏ.(Chinhphu)

Trở về

Bài cùng chuyên mục