tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 18-12-2017

  • Cập nhật : 18/12/2017

Kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng tăng 21,4%

Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 11/2017 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 11 tháng năm 2017 đạt 385,77 tỷ USD, tăng 21,4% tương đương hơn 67,9 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 253,24 tỷ USD, tăng 23,2% tương ứng tăng hơn 42,83 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 11/2017 (từ 16/11/2017 đến 30/11/2017) đạt hơn 20,28 tỷ USD, tăng 6,5% tương ứng tăng hơn 1,23 tỷ USD so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 11/2017.

Trong đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong kỳ đạt kim ngạch 13,39 tỷ USD, tăng 5,5% tương ứng tăng hơn 694 triệu USD so với nửa đầu tháng 11/2017.

Trong kỳ 2 tháng 11/2017, cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư 875 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa cả nước 11 tháng/2017 thặng dư 3,17 tỷ USD.

Tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 11/2017 đạt 10,6 tỷ USD, tăng 13,1% (tương ứng tăng 1,23 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 11/2017.

Kim ngạch xuất khẩu kỳ 2 tháng 11/2017 tăng so với kỳ 1 tháng 11/2017 chủ yếu do tăng ở một số nhóm hàng sau: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 12,3%, tương ứng tăng 267 triệu USD; dầu thô tăng 8 lần; hàng dệt may tăng 11,9%, tương ứng tăng 121 triệu USD; sắt thép các loại tăng 86,3% tương ứng tăng 95 triệu USD; giầy dép các loại tăng 13,2%, tương ứng tăng 84 triệu USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 14,4%, tương ứng tăng 80 triệu USD;… Trong khi đó, xăng dầu các loại giảm 38,9%, tương ứng giảm 20,3 triệu USD; gạo giảm 15,6%, tương ứng giảm 15 triệu USD;…

Như vậy, tính đến hết tháng 11 năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 194,47 tỷ USD, tăng 21,5% tương ứng tăng hơn 34,44 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Bên cạnh đó, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 11/2017 đạt 9,7 tỷ USD, tăng 0,1% (tương ứng tăng hơn 7 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 11/2017.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 11/2017 tăng so với kỳ 1 tháng 11/2017 chủ yếu do tăng, giảm ở một số nhóm hàng sau: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 19%, tương ứng tăng 149 triệu USD; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 101,4%, tương ứng tăng 89 triệu USD; dầu thô tăng 66 triệu USD… Ở chiều ngược lại, sắt thép các loại giảm 25,1%,tương ứng giảm 113 triệu USD; than đá giảm 43,1%, tương ứng giảm 48 triệu USD;…

Tính đến hết tháng 11/2017, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt gần 191,3 tỷ USD, tăng 21,2% (tương ứng tăng 33,49 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt hơn 5,75 tỷ USD, giảm 1,7% tương ứng giảm gần 101 triệu USD so với kỳ 1 tháng 11/2017, qua đó nâng tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này trong 11 tháng/2017 đạt hơn 115 tỷ USD, tăng 23,4% tương ứng tăng hơn 21,7 tỷ USD cùng kỳ năm 2016.​(NSKT)
---------------------------

Tháp gió xuất khẩu vào Australia bị kết luận bán phá giá biên độ 8%

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Bộ Công Thương cho biết, Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC) thuộc Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học Australia đã công bố Bản dữ liệu trọng yếu (SEF) trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tháp gió nhập khẩu từ Việt Nam.

Căn cứ Bản dữ liệu nói trên, ADC cho rằng sản phẩm tháp gió nhập khẩu từ Việt Nam vào Australia trong giai đoạn điều tra (POI) đã bị bán phá giá với mức biên độ phá giá là 8,0%. Tuy nhiên, thiệt hại mà các hàng hóa này gây ra đối với ngành sản xuất nội địa Australia là không đáng kể.

Căn cứ vào kết luận này và ý kiến bình luận đối với Bản dữ liệu, ADC có thể sẽ đề xuất hủy bỏ điều tra theo quy định của pháp luật chống bán phá giá Australia.

Theo quy định, các bên liên quan có thể gửi ý kiến bình luận về Bản dữ liệu trong vòng 20 ngày kể từ ngày ban hành, nghĩa là không muộn hơn ngày 8/1/2018. Báo cáo cuối cùng dự kiến sẽ được ADC ban hành vào hoặc trước ngày 6/2/2018.

Trước đó, ngày 8/6/2017, ADC đã ra Thông báo khởi xướng điều tra vụ việc. Theo đó, SEF dự kiến được ban hành vào ngày 26/9/2017 và bản Báo cáo cuối cùng dự kiến được ban hành vào hoặc trước ngày 10/11/2017. Tuy nhiên, ADC đã ba lần thông báo gia hạn ban hành SEF.

Được biết, sản phẩm bị điều tra là tháp gió nhập khẩu từ Việt Nam có mã HS: 7308.20.00, 7308.90.00, 8502.31.10 với nguyên đơn là Công ty Keppel Prince Engineering và Công ty Ottoway Fabrication.

Giai đoạn điều tra bán phá giá từ 1/1/2015 – 31/12/2016 và giai đoạn điều tra thiệt hại là từ 1/1/2013 đến nay. Biên độ bán phá giá ước tính khi khởi xướng điều tra của ADC là 15,7%.(CafeF)
-------------------------------

8.000 ha cà phê ra hoa trái vụ khiến người dân lo lắng

Sau 2 trận mưa muộn vào tháng 11 và đầu tháng 12, nhiều diện tích cà phê ở tỉnh Kon Tum đã ra hoa trái vụ, khiến việc chăm sóc của người trồng loại cây này gặp nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, hậu quả của việc cà phê ra hoa trái vụ còn ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng niên vụ sau.

Sau những trận mưa vào giữa tháng 11 và đầu tháng 12, hầu hết diện tích hơn 8.000ha cà phê ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum bắt đầu ra những đợt hoa không mong đợi.

tren cay ca phe vua co qua vua co hoa khien nguoi dan phai thuc hien quy trinh nguoc, cat canh tao hinh sau khi ca phe da ra hoa.

Trên cây cà phê vừa có quả vừa có hoa khiến người dân phải thực hiện quy trình ngược, cắt cành tạo hình sau khi cà phê đã ra hoa.

Anh Nguyễn Văn Mạnh, một người dân địa phương cho biết, việc trên cây cà phê vừa có quả chín lại vừa có hoa khiến quá trình thu hoạch quả và chăm sóc cây gặp nhiều khó khăn. Gia đình vừa thu hoạch quả vừa sợ cà phê rụng hoa. Đến khi thu hoạch xong cũng không thể tỉa cành tạo hình và vệ sinh vườn cây theo đúng quy trình kỹ thuật.

“Ngày trước mỗi khi cắt cành xong tiến hành tưới nước, cà phê mới ra hoa nhưng giờ khí hậu đã thay đổi, cà phê bung hoa sớm người trồng chăm sóc vất vả và tốn kém hơn, cùng với đó cà phê sẽ giảm sản lượng”, anh Mạnh cho biết.

Trong đợt mưa giữa trung tuần tháng 11, cây cà phê ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum ra khoảng 5% hoa và khoảng 15% trong đợt mưa thứ hai vào đầu tháng 12. Ông Lê Văn Hiển, Trưởng phòng Nông nghiệp, Công ty TNHH MTV cà phê 731, cho biết, việc cà phê ra hoa sớm, dẫn đến thiệt hại cả trước mắt cũng như lâu dài.

“Lượng hoa cà phê ra thêm tăng từ 15% - 20% bình thường sẽ chín vào khoảng tháng 8 và tháng 9, đây là thời điểm Đăk Hà đang mưa nên việc thu hoạch cũng như chế biến rất khó khăn. Nhưng nếu không hái, cứ để quả khô sẽ sinh ra một số sâu bệnh kéo theo chất lượng cà phê giảm xuống”, ông Hiển cho biết (VOV)
-----------------------------------

Tiếp tục gỡ nút thắt cổ phần hóa DNNN

Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2018.

Do khuôn khổ bài viết có hạn, ở đây chỉ nêu ra một số điểm liên quan đến điều kiện và đối tượng DNNN thực hiện cổ phần hóa, đối tượng mua cổ phần là nhà đầu tư chiến lược và giá bán cổ phần cho họ.

Thứ nhất, Nghị định 126 đã quy định chi tiết hơn về điều kiện cổ phần hóa so với Nghị định 59/2011/NĐ-CP và các nghị định sửa đổi Nghị định 59. Theo Nghị định 126, trong trường hợp các doanh nghiệp sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị doanh nghiệp mà giá trị thực tế doanh nghiệp thấp hơn các khoản phải trả thì chỉ các doanh nghiệp thuộc danh mục Nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi cổ phần hóa mới cần phải phối hợp với Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và các chủ nợ của doanh nghiệp xây dựng phương án mua bán nợ để tái cơ cấu doanh nghiệp. Trong khi đó, theo Nghị định 59, đối tượng thực hiện việc này là tất cả các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa có giá trị thực tế doanh nghiệp thấp hơn các khoản phải trả.

Như vậy, Nghị định 126 đã mở ra lối thoát thêm cho một số doanh nghiệp không thuộc đối tượng Nhà nước nắm trên 50% cổ phần gặp khó khăn tài chính trong quá trình cổ phần hóa mà nếu theo các quy định cũ trước đây thì có nhiều khả năng cứ bị treo ở đó, không cổ phần hóa được mà cũng không thể thực hiện các hình thức chuyển đổi khác (gồm cả phá sản) được vì cứ phải thực hiện phương án tái cơ cấu nợ thông qua DATC và các chủ nợ vốn rất gian nan, mất thời gian mà không chắc đã đi đến kết quả ngã ngũ gì.

Thứ hai, Nghị định 126 cũng có thêm một điểm mới liên quan đến đối tượng cổ phần hóa, là Nhà nước không cấp thêm vốn để cổ phần hóa. Quy định này có lẽ nhằm tránh khả năng Nhà nước tự biến mình thành “con tin” của DNNN khi DNNN không phục hồi được và đi ngược lại một trong những mục đích cổ phần hóa là để giảm gánh nặng cho ngân sách. Quy định rõ ràng như thế này đã gạt bỏ lối tư duy hiện hữu là muốn cổ phần hóa thành công DNNN có tài chính yếu kém thì Nhà nước phải rót vốn bổ sung để DNNN có giá trị thực tế lớn hơn 0, và/hoặc để DNNN hoạt động (bình thường) được nhằm thu hút nhà đầu tư cho việc cổ phần hóa.

Thứ ba, về đối tượng mua cổ phần, Nghị định 126 quy định chặt chẽ, cụ thể và chi tiết hơn về nhà đầu tư chiến lược, như phải có kết quả kinh doanh hai năm gần nhất có lãi, cam kết tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian ít nhất ba năm kể từ thời điểm chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược…

Việc tiêu chuẩn hóa, luật hóa các điều kiện thế này, tuy vẫn còn một số điều có thể gây tranh cãi về sự cần thiết, nhưng ít nhất cũng tạo ra một sự minh bạch về tiêu chuẩn và việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, giảm thiểu khả năng “chọn nhầm” những nhà đầu tư chỉ quan tâm đến “đánh nhanh thắng nhanh”, mua cổ phần với mục đích đầu cơ hơn là đầu tư, hoặc vì những động cơ khác (không có lợi cho Việt Nam). Quy định rõ như vậy cũng làm giảm khả năng vận động hành lang của một số doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm được chọn làm nhà đầu tư chiến lược.

Bù lại, Nghị định 126 cũng “thoáng” hơn khi quy định nhà đầu tư không được chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn ba năm (so với năm năm theo quy định cũ). Điều này là đỡ trói buộc hơn cho nhà đầu tư, tăng thêm phần hấp dẫn của việc đầu tư vào DNNN.

Ngoài ra, nghị định này cũng quy định việc tổ chức bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc danh mục Nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi cổ phần hóa, thay vì là mọi DNNN khi cổ phần hóa như trước đây. Tác dụng của sự thu hẹp này là đẩy nhanh việc cổ phần hóa ở những DNNN mà Nhà nước không cần chi phối, vốn vẫn thường bị vướng mắc ở chuyện tìm và duyệt nhà đầu tư chiến lược như hiện nay.

Liên quan đến số lượng nhà đầu tư chiến lược, quy định mới không giới hạn số nhà đầu tư chiến lược như trong quy định cũ (tối đa là ba). Có lẽ sự sửa đổi này xuất phát từ thực tế có nhiều nhà đầu tư chiến lược nhưng số cổ phần họ mua không ở mức đủ lớn nên nếu hạn chế số lượng tối đa nhà đầu tư chiến lược thì việc cổ phần hóa qua nhà đầu tư chiến lược càng khó khăn (một cách không cần thiết). Ngược lại, càng có nhiều nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần (nhiều hơn số lượng muốn bán) thì giá bán cổ phần càng có thêm hỗ trợ do họ phải cạnh tranh, đấu giá với nhau.

Thứ tư, về giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, điểm khác biệt trong quy định mới là kết quả của cuộc đấu giá công khai ra công chúng thường được lấy làm giá khởi điểm hoặc giá bán cho nhà đầu tư chiến lược, và việc đấu giá hay quyết định giá bán cho nhà đầu tư chiến lược chỉ xảy ra sau khi đã có kết quả đấu giá công khai ra công chúng. Theo quy định cũ trước đây, vẫn có trường hợp bán cho nhà đầu tư chiến lược theo giá thỏa thuận, hoặc đấu giá giữa các nhà đầu tư diễn ra trước khi đấu giá công khai ra công chúng, tuy giá thỏa thuận hoặc giá đấu thành công này được quy định không thấp hơn giá khởi điểm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, giá bán cho nhà đầu tư chiến lược theo quy định mới sẽ công khai, minh bạch hơn, không “tù mù” diễn ra sau cánh gà chỉ một số ít người trong cuộc mới biết, và không mang tính chủ quan như kiểu giá khởi điểm do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt như trước đây.(TBKTSG)

Trở về

Bài cùng chuyên mục