tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 17-12-2017

  • Cập nhật : 17/12/2017

TP.HCM: Đổi chủ đầu tư 2 dự án tại quận Bình Tân

Thành phố chuyển chủ đầu tư hai dự án nhằm giải quyết tình trạng ngập úng trên địa bàn quận Bình Tân.

TP.HCM: Đổi chủ đầu tư 2 dự án tại quận Bình Tân

Dự án Cải tạo rạch Ông Búp nhằm tăng cường khả năng thoát nước cho khu vực Bình Trị Đông và Tân Tạo của quận Bình Tân.

UBND TP.HCM đã giao UBND quận Bình Tân tiếp nhận, lựa chọn đơn vị trực thuộc lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với dự án Cải tạo rạch Ông Búp, quận Bình Tân (đoạn từ rạch Chùa đến đường Mã Lò) và dự án Lắp đặt hệ thống cống trên kênh Liên Xã - đoạn từ đường An Dương Vương đến đường Mã Lò.

Khu vực rạch Ông Búp là một trong 5 nơi bị cảnh báo ngập nặng và kéo dài của TP.HCM. Dự án Cải tạo rạch Ông Búp nhằm tăng cường khả năng thoát nước cho khu vực Bình Trị Đông và Tân Tạo của quận Bình Tân, giải quyết ngập úng, bảo vệ môi trường và mỹ quan đô thị.

Dự án có kinh phí khoảng 225 tỷ đồng. Trước đây dự án được giao cho Khu quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư.

Ngoài ra, theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND thành phố đã chấp thuận cho Công ty TNHH Dáng Tiên lập đề xuất dự án sửa chữa cải tạo hồ bơi Phú Lâm, quận 6 theo hình thức PPP (hợp đồng BOT).

Theo đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND thành phố cũng chấp thuận bố trí các căn hộ chung cư tại khu dân cư Hiệp Phước 1 thuộc Khu đô thị Hiệp Phước, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè phục vụ nhu cầu về chỗ ở cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp Hiệp Phước.(Bizlive)
-----------------------------

Những thách thức cho bất động sản Thủ Thiêm

anh dang nguyen

Ảnh ĐĂNG NGUYÊN

 

Một khi hoàn thành, Thủ Thiêm sẽ giảm bớt những áp lực mà TP.HCM đang phải đối mặt.

Tuy nhiên, theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, đang có những thách thức dành cho Thủ Thiêm cần được lưu ý.

Theo đó, phần lớn quỹ đất ở Thủ Thiêm đã có nhà đầu tư thông qua rất nhiều hình thức giao đất/hợp tác khác nhau. Điều này đồng nghĩa với thực trạng khan hiếm quỹ đất sạch còn lại để phát triển dự án ở Thủ Thiêm trong khi nhu cầu đầu tư vẫn đang tăng cao.

Trên thực tế, các nhà đầu tư lớn đã liên doanh với các đối tác Việt Nam trong năm 2016 để phát triển một dự án ven sông, chủ yếu là căn hộ cao cấp, văn phòng và thương mại.

"Các nhà đầu tư phải hết sức quan tâm đến tình hình thị trường và sự thay đổi cung và cầu để hạn chế nguy cơ dư nguồn cung trong tương lai", ông Wyatt cảnh báo.

Cũng theo vị này, với một dự án phát triển phức hợp lớn như Thủ Thiêm, việc khu vực này trở thành công trường xây dựng trong vòng nhiều năm là không thể tránh khỏi. Các nhà đầu tư và người mua bất động sản nhà ở cần phải lưu tâm đến điều này khi đầu tư vào Thủ Thiêm.

Ngoài ra, ông Wyatt cho rằng việc thiếu các chính sách ưu đãi là một trong những trở ngại lớn nhất cho tốc độ phát triển của khu đô thị này.

Các nhà đầu tư sẽ luôn cần được chính phủ hỗ trợ về các vấn đề liên quan đến pháp luật và thuế. Việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch hơn sẽ đóng vai trò như một chất xúc tác để thúc đẩy nhanh tiến độ phát triển của Thủ Thiêm.

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam

Theo dự tính, với quy mô toàn khu bao gồm 176 lô đất với khoảng 3,2 triệu m2 sàn nhà ở, và 3,4 triệu m2 sàn thương mại, Thủ Thiêm sẽ là nơi sinh sống và làm việc của 145.000 cư dân và 217.000 nhân viên.(Tuoitre)
---------------------------

H&M lao đao vì doanh thu giảm, tính đóng nhiều cửa hàng

Mới đây, thương hiệu thời trang bình dân H&M tiết lộ doanh số của hãng sụt giảm mạnh trong 3 tháng qua. Giá cổ phiếu của công ty Thụy Điển lập tức lao dốc.

 

h&m se phai giam so luong cua hang tren the gioi vi doanh so sut giam.

H&M sẽ phải giảm số lượng cửa hàng trên thế giới vì doanh số sụt giảm.

 

Theo Reuters, H&M cho biết doanh số quý 4/2017 của hãng giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 5,97 tỷ USD. “Kết quả kinh doanh của các cửa hàng H&M trong quý này khá yếu, xuất phát từ những biến động của tình hình thị trường”, H&M nhấn mạnh.

“Những con số này là rất tệ hại”, báo Thụy Điển Svenska Dagbladet dẫn lời nhà kinh tế Joakim Bornold của ngân hàng đầu tư Nordnet nhận định.

Một trong những biến động là khách hàng ngày càng thích mua sắm online hơn. Do đó, số lượng khách trực tiếp tới các cửa hàng H&M để mua đồ giảm sút đáng kể.

Nhà phân tích Jasper Lawler của công ty dịch vụ tài chính London Capital Group đánh giá H&M “chậm nhiều bước so với đối thủ về dịch vụ online”.

Hãng thời trang Thụy Điển thông báo sẽ nỗ lực thích ứng với các thay đổi của thị trường, bao gồm các biện pháp như đóng cửa nhiều cửa hàng trên thế giới, tính toán lại kế hoạch mở các cửa hàng mới, và bán sản phẩm của hãng qua trang web thương mại Trung Quốc Tmall.

Nguồn tin báo chí Anh cho biết nhiều khả năng cửa hàng “flagship” của H&M tại phố Oxford ở London sẽ bị đóng cửa do giá thuê mặt bằng quá cao. Năm ngoái, hãng cũng đã phải đóng một số cửa hàng ở Anh.

Ngay sau khi có thông báo này, giá cổ phiếu H&M lập tức giảm 13% tại sàn giao dịch Stockholm, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009.(Zing)
---------------------------

Uber hợp tác với nhiều hãng taxi ở châu Á nhưng bị từ chối ở Việt Nam

Uber biến các đối thủ trước đây thành đồng minh trong nỗ lực giành lấy khách hàng từ Thái Lan đến Nhật Bản. Công ty này đang thôn tính ngành taxi ở châu Á nhưng qua con đường hợp tác.

 

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 

Năm 2014, cựu giám đốc điều hành của Uber là Travis Kalanick đã ví ngành taxi truyền thống như một đối thủ “đáng khinh” mà Uber cần phải tuyên chiến. Tuy nhiên, vì sức ép từ những bê bối, các quy định quản lý gắt gao và cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải nên Uber phải thay đổi chiến lược của mình.

Vào ngày 14/12, Uber cho biết công ty hợp tác với Howa, Thái Lan để đưa 4.000 xe taxi của Howa gia nhập đội ngũ Uber. Do đó, khách hàng ở Bangkok có thể bắt xe nhanh và thuận tiện hơn. Howa là đối tác mới nhất của Uber.

Tuần trước, Uber đạt được thỏa thuận bán 51% cổ phần một công ty cho thuê xe của Singapore cho hãng taxi ComfortDelGro với giá 642 triệu SGD, trong đó có 295 triệu SGD tiền mặt. Theo thỏa thuận, tài xế của ComfortDelGro có thể nhận yêu cầu đặt xe trên phần mềm của Uber và cũng cho phép người dùng đặt taxi của ComfortDelGro trực tiếp thông qua ứng dụng Uber. Đây là nước đi mới của Uber nhằm cạnh tranh với Grab. Uber và Grab đối đầu trực tiếp tại 7 quốc gia ở Đông Nam Á. Grab chiếm tới 72% thị phần mảng xe cá nhân.

Trước đó vào tháng 10, Uber cũng kí kết hợp tác với 3 công ty cung cấp dịch vụ taxi để cung cấp ứng dụng UberTaxi tại Đài Loan. Thương vụ diễn ra sau khi Uber đối mặt với sự chống đối của nhiều hãng taxi địa phương và các chính trị gia.

Tại Nhật Bản, Uber gần như không gặt hái được nhiều thành quả kể từ khi bắt đầu hoạt động ở đất nước này sau 4 năm. Công ty đang dùng cách tiếp cận mềm mỏng hơn với các nhà quản lý và các hãng taxi địa phương. Giám đốc kinh doanh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Uber cho biết, công ty đang “chủ động tìm kiếm” quan hệ hợp tác với các công ty taxi Nhật.

Tại Việt Nam, cuộc chiến giữa Grab, Uber và taxi truyền thống vẫn đang căng thẳng. Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM và Hà Nội, số lượng ô tô tham gia mạng lưới của Uber và Grab đã chạm mức 50.000 xe, hơn gấp đôi lượng xe của tất cả các hãng taxi trên địa bàn. Hoạt động kinh doanh của các hãng taxi truyền thống trở nên khó khăn hơn.

Vào tháng 11, vị Tổng giám đốc kinh doanh cũng cho biết Uber muốn hợp tác với các công ty taxi tại Việt Nam và xem đây là một chiến lược phát triển quan trọng. Đáp lại, ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc Taxi Vinasun cho biết “không cần hợp tác với Uber” vì “Vinasun đã có phần mềm giống như Uber, Grab.”

Tương tư, các công ty taxi khác của Việt Nam dường như không quan tâm lắm tới lời đề nghị này. Để cạnh tranh với Uber, Grab, một số công ty như Mai Linh, Taxi Group, Thành Công… đã giới thiệu với khách hàng những ứng dụng gọi xe riêng. Cuối tháng 10, hai hãng taxi trong nước là Mai Linh và Tiên Sa (Đà Nẵng) đã ký biên bản ghi nhớ về ứng dụng đặt xe với đối tác nước ngoài. Theo đó, một doanh nghiệp Phần Lan sẽ là đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ cho 2 hãng taxi trên.

Những động thái trên là dấu hiệu cho thấy Uber đang phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ khác, đồng thời chịu sức ép lớn từ thị trường châu Á. Liệu đây có phải một cơ hội để taxi truyền thống ở Việt Nam vượt lên bứt phá, hay các công ty này sẽ chọn hợp tác với Uber? (CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục