tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 17-12-2017

  • Cập nhật : 17/12/2017

“Siêu” dự án 4 tỷ USD tại Hồ Tràm triển khai giai đoạn 5

Chủ đầu tư dự án đã giải ngân hơn 1 tỷ USD trong số vốn cam kết là 4 tỷ USD.

 

kahuna thuoc giai doan 5 cua du an 4 ty usd trien khai tai ho tram.

Kahuna thuộc giai đoạn 5 của dự án 4 tỷ USD triển khai tại Hồ Tràm.

 

Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm (HTP) vừa khởi công dự án condotel và khu biệt thự Kahuna Hồ Tràm Strip, giá thấp nhất từ 2 tỷ đồng/căn.

Kahuna thuộc giai đoạn thứ 5 của dự án Hồ Tràm Strip (quy mô vốn cam kết 4 tỷ USD), nằm ở khu vực Phước Thuận, Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự án bao gồm 164 căn hộ nghỉ dưỡng, 36 biệt thự hai tầng tách biệt và 8 biệt thự bờ biển. Được biết căn hộ tiêu chuẩn tại đây có giá từ 2 tỷ đồng/căn 41m2, giá biệt thự dao động từ 7,9 tỷ đồng đến 20,5 tỷ đồng.

HTP là công ty con 100% vốn nước ngoài của Asian Coast Development Ltd, với hơn 1 tỷ USD trong số vốn cam kết đã được triển khai, là công ty tư nhân Hoa Kỳ lớn nhất đang đầu tư tại Việt Nam. Và cũng là công ty đầu tiên đăng ký thí điểm cho người Việt chơi casino.(Bizlive)
----------------------------

Hà Nội cho phép đầu tư dự án xây dựng nhà ở thấp tầng ở quận Long Biên

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Công văn số 6350/UBND-SXD chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ở thấp tầng để bán tại ô đất trúng đấu giá đất tại ô quy hoạch E.2/N07, phường Bồ Đề, quận Long Biên.

Hà Nội cho phép đầu tư dự án xây dựng nhà ở thấp tầng ở quận Long Biên

Ảnh minh họa.

Theo đó, chấp thuận cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và dịch vụ thương mại Trường Hưng thực hiện dự án trên.

Theo quyết định, diện tích sử dụng đất của dự án khoảng 2.778,8m2; tổng số nhà ở là 22 căn hộ thấp tầng. Toàn bộ diện tích sản phẩm nhà ở thương mại thuộc dự án sẽ được bán cho các đối tượng có nhu cầu về nhà ở. Dự án có tổng vồn đầu tư hơn 28,4 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự án quý II/2017 đến quý IV/2019 nhằm xây dựng khu nhà ở có kiến trúc hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đảm bảo cân bằng hài hòa với môi trường. Từ đó, góp phần tạo bộ mặt kiến trúc hiện đại cho khu vực, đảm bảo khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật của khu vực. Khai thác hiệu quả sử dụng đất trên cơ sở đảm bảo hiệu quả đầu tư và nâng cao đời sống nhân dân khu vực.

Để thực hiện dự án trên, Hà Nội giao Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và dịch vụ thương mại Trường Hưng tập trung triển khai dự án đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định hiện hành và tuân thủ đúng các quy định về quản lý đầu tư xây dựng.

Theo yêu cầu, việc triển khai dự án phải đảm bảo chỉnh trang đô thị, khớp nối đồng bộ với hạ tầng các dự án, khu vực lân cận và phù hợp với quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Ưu tiên thực hiện các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hoàn thành trước khi hoàn thành các công trình nhà ở.(Bizlive)
---------------------

Thanh Hóa thu hồi đất của dự án nhà máy ôtô Vinaxuki nghìn tỷ

Sáng 16/12, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết UBND tỉnh đã đồng ý với đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc thu hồi 26 ha đất tại xã Đại Lộc đã cho Công ty TNHH một thành viên ôtô Vinaxuki Thanh Hóa thuê để thực hiện dự án Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy xây dựng.Diện tích này nằm trong phần đất Cụm công nghiệp Song Lộc (thuộc xã Đại Lộc và xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc).

nha may oto vinaxuki o thanh hoa. anh: nguyen duong.

Nhà máy ôtô Vinaxuki ở Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Dương.

Về diện tích đất còn lại, công ty đã đầu tư xây dựng nhà xưởng và một số công trình như: 4 nhà xưởng, 1 nhà chuyên gia, 1 nhà bếp, 3 nhà bảo vệ... Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu công ty khẩn trương đầu tư, tái khởi động lại nhà máy trước ngày 31/3/2018.

Sau ngày này, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ thu hồi đất theo quy định của pháp luật nếu công ty không tiếp tục đầu tư dự án,UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên chủ trì, phối hợp với UBND huyện Hậu Lộc và đơn vị liên quan tham mưu lập hồ sơ và thực hiện trình tự, thủ tục các bước công việc để quyết định thu hồi diện tích khu đất, nhà và tài sản.

nha may oto vinaxuki nghin ty chi hoat dong trong thoi gian ngan roi bo hoang. anh: nguyen duong.

Nhà máy ôtô Vinaxuki nghìn tỷ chỉ hoạt động trong thời gian ngắn rồi bỏ hoang. Ảnh: Nguyễn Dương.

Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy của Công ty cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) được cấp phép xây dựng từ năm 2010 với tổng vốn 1.360 tỷ đồng.

Mục tiêu của nhà máy là sản xuất, lắp ráp ôtô tải có tải trọng từ 0,5 tấn đến 45 tấn, ôtô buýt từ 16 chỗ ngồi đến 100 chỗ ngồi; sản xuất phụ tùng ôtô các loại. Khi đi vào hoạt động, nhà máy dự kiến tạo ra những con số đầy hứa hẹn, như sản xuất và lắp ráp 15.000 xe tải/năm, 400 xe buýt/năm.Nhà máy này đi vào hoạt động năm 2011 nhưng chỉ sau đó 2 năm, nhà máy bắt đầu ngưng trệ rồi bỏ hoang đến nay.

vi tri nha may oto vinaxuki o thanh hoa. anh: google maps.

Vị trí nhà máy ôtô Vinaxuki ở Thanh Hóa. Ảnh: Google Maps.

Lý giải về nguyên nhân chết yểu, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT Vinaxuki, cho hay đầu năm 2011, do khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng cao, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - đơn vị tài trợ cho Vinaxuki cắt vốn đầu tư, phá vỡ hợp đồng tín dụng.

Vì vậy, dù năm 2010 công ty đã san lấp, xây dựng gần xong 40.000 m2 nhà xưởng nhưng phải dừng sản xuất(Zing)
----------------------------------

Tạo bước ngoặt trong ngành thủy sản

Ngày 15/12 tại TP Đà Nẵng, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị triển khai Luật Thủy sản 2017 và Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững (2016-2020).

Thống kê của Bộ NT&PTNT cho biết, giai đoạn (2010-2017) giá trị sản xuất của ngành thủy sản đạt mức tăng trưởng bình quân 4,8%/năm. Giá trị tổng sản phẩm thủy sản (GDP) dự kiến đạt tốc độ 4,5%/năm; tổng lượng khai thác năm 2017 dự kiến đạt 7,1 triệu tấn.

Nuôi trồng thủy sản trên biển và hải đảo đã có những bước phát triển đáng kể. Từ diện tích nuôi biển đạt 38.880 ha, sản lượng 156.682 tấn (năm 2010) đến năm 2016 đã đạt 283,3 nghìn ha, sản lượng 324.000 tấn, tăng 97,3 %.

Đã thành lập được mạng lưới 10/16 khu bảo tồn biển và 4 khu bảo tồn biển đã hoàn thành quy hoạch chi tiết, hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt quy hoạch.

Trong giai đoạn 2012-2017, có khoảng 171 tấn và 4,5 triệu con giống thủy sản đã được thả vào các vùng biển, thủy vực tự nhiên... Hàng triệu con tôm sú, điệp đã được thả tại các địa phương như Bạc Liêu, Bình Thuận, Khánh Hòa, Nam Định.

Đã có 83 cảng cá đã được đầu tư nâng cấp và mở rộng; đầu tư hoàn thành 40 khu neo đậu tránh trú bão với công suất khoảng 42.131 tàu neo đậu. Hiện đang thực hiện đầu tư 23 khu neo đậu tránh trú bão với công suất khoảng 11.170 tàu neo đậu.

Tính đến 30/10, tổng số tàu cá trên toàn quốc là 109.586 tàu cá. Đến nay, đã có 9.000 tàu cá được quản lý thông qua giám sát hành trình hoạt động do được lắp đặt hệ thống thiết bị liên lạc được lắp đặt trên tàu và trạm bờ.

Số tàu được hỗ trợ theo Nghị định 67 gồm 925 tàu đóng mới, thay thế, 130 tàu nâng cấp, chủ yếu là tàu vỏ gỗ.

Trong khai thác hải sản, đã tiến hành sản xuất thử nghiệm ứng dụng công nghệ bể hạ nhiệt có gắn thiết bị lạnh phục vụ bảo quản cho tàu câu cá ngừ; nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm tăng trên 30% so với quy trình hiện tại đối với tàu đánh bắt xa bờ.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Quốc hội vừa họp và đã thông qua Luật Thủy sản. Luật Thủy sản được thông qua trong bối cảnh chúng ta đang quyết liệt để thực hiện tái cơ cấu nghành thủy sản nói riêng và nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Đây là một bước ngoặt trong ngành thủy sản, là thời điểm để chuyển ngành thủy sản, đặc biệt kênh khai thác của nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, bền vững hơn.

Tại hội nghị, Bộ NN&PTNT đã triển khai nội dung Chương trình phát triển thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển bền vững ngành thủy sản, phấn đấu trở thành ngành sản xuất hàng hoá lớn, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế quốc tế gắn với bảo vệ nguồn lợi, môi trường sinh thái, từng bước nâng cao thu nhập và mức sống của ngư dân, góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Chương trình đặt mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2020 tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân hằng năm đạt 6,0%; tổng sản lượng thủy sản đạt từ 6,5-7 triệu tấn; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt từ 8-9 tỷ USD; chủ động sản xuất được trong nước 100% giống các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực; 100% giống tôm sú, tôm chân trắng, cá tra là giống sạch bệnh; 100% diện tích nuôi tập trung thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực đạt chứng nhận VietGap hoặc tương đương; công suất cảng cá tăng thêm khoảng 350.000 tấn hàng qua cảng/năm; công suất neo đậu tăng thêm khoảng 15.000 tàu; tàu cá khai thác vùng khơi được cung cấp bản tin dự báo ngư trường…

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục