tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 19-12-2017

  • Cập nhật : 19/12/2017

Đất sản xuất nông nghiệp: Nơi có không cần, chỗ cần không có

Tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng đang tồn tại một nghịch lý: người có ruộng đất thì bỏ hoang, người cần ruộng đất thì đành khoanh tay đứng nhìn.

Đó là nghịch lý về đất nông nghiệp hiện nay. Trong khi nhiều cá nhân và doanh nghiệp đang rất “khát” ruộng đất để triển khai các dự án nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, bằng kỹ thuật, công nghệ cao hoặc đơn giản là có chỗ để mưu sinh bằng việc cấy cày, chăn nuôi mà không có, thì ở nhiều địa phương đang ngày càng có nhiều thửa ruộng, cánh đồng bị bỏ hoang.

..

Ai bỏ ruộng và vì sao lại bỏ? Tìm hiểu tại một số tỉnh thuộc vùng Nam sông Hồng như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam... có thể tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chi phí lớn, đầu ra bấp bênh, thu nhập thấp dẫn đến việc nông dân chán ruộng, bỏ đồng.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân xuất phát từ những biến chuyển của đời sống tam nông.

Thứ nhất họ là những hộ chỉ có đời bố mẹ, ông bà làm nông, nhưng đến đời con cháu thì thoát ly, nên không còn nhân lực để sản xuất. 

Thứ hai là các hộ chuyển qua kinh doanh, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ cho chính cộng đồng làng quê của mình: mở cửa hàng tạp hóa, hàng ăn, quán Internet, cho thuê phông bạt, bàn ghế phục vụ đám cưới, đám ma... và thu nhập chính từ các hoạt động này. Với những thôn làng có nghề truyền thống thực tế này còn rõ hơn.

Thứ ba, những hộ có việc làm ổn định tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài làng quê của mình.

Thứ tư, những hộ có lao động chính gia nhập vào khu vực lao động không chính thức (thợ xây, thợ mộc, tài xế taxi...). Ngoài ra, những năm qua, còn có một lượng lớn lao động ở nông thôn của nhiều địa phương đã rời ruộng đồng đi xuất khẩu lao động.

Nghịch lý người có ruộng đất thì bỏ hoang, người cần ruộng đất thì phải khoanh tay đứng nhìn vẫn cứ tồn tại.

Với thực tế trên, tưởng như việc tập trung, tích tụ ruộng đất để triển khai các dự án nông nghiệp tập trung sẽ rất thuận lợi. Vậy nhưng, thực tế lại khác.

Điều đầu tiên, ruộng đất, dù ở thời kỳ nào cũng luôn gắn bó máu thịt với nông dân. “Cùng đinh”, “không một tấc đất cắm dùi” từng là nỗi thống khổ của thế hệ cha ông họ. Vậy nên, ngày nay, dù nhiều người không còn gắn bó với ruộng đất, chuyển đổi, sinh sống bằng nhiều công việc, ngành nghề khác, nhưng vẫn tồn tại tâm lý “phải giữ cho bằng được ruộng đất”. Hầu như họ đều có cùng một suy nghĩ, nếu gặp thất bại, rủi ro vẫn còn “đường lùi” về  làm ruộng. 

Quan trọng hơn, thực tế cho thấy, khi thuê ruộng đất, các cá nhân, doanh nghiệp thường trả cho nông dân mức giá thuê rất thấp. Ngoài giá thuê ruộng không hấp dẫn được người nông dân, việc rất ít người được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc trong các dự án nông nghiệp như đã hứa hẹn, khiến người nông dân càng thêm e dè, không dám rời bỏ ruộng đất.

Trong khi đó, mô hình nông dân liên kết làm ăn với doanh nghiệp bằng việc góp cổ phần bằng ruộng đất ít xuất hiện trong thực tế. Ý tưởng về ngân hàng ruộng đất cũng chưa được bàn thảo thấu đáo cụ thể và trên thực tế cũng chưa thấy xuất hiện. Việc dồn đổi những diện tích đất nông nghiệp giữa các hộ có và không có nhu cầu cho thuê thành những diện tích lớn, tập trung, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trên thực tế cũng rất khó khăn, phức tạp, do vậy chính quyền các địa phương thường rất ngại khi đụng phải việc này. 

Dễ nhận ra các lý do trên là nguyên nhân chính khiến những dự án nông nghiệp tập trung, quy mô lớn chưa xuất hiện nhiều trong khi rất nhiều diện tích đất nông nghiệp đang bị bỏ hoang hoặc không được tận dụng, phát huy hiệu quả triệt để. Đáng nói là, tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang hoặc không được tận dụng, phát huy hiệu quả triệt để sẽ không dừng lại như hiện nay. Theo xu thế phát triển, khu vực công nghiệp, dịch vụ sẽ hút ngày càng nhiều hơn lao động của khu vực nông nghiệp; đồng nghĩa với việc ngày càng có thêm nhiều hộ dân được giao ruộng đất, nhưng không còn nhu cầu sử dụng. Nghịch lý người có ruộng đất thì bỏ hoang, người cần ruộng đất thì phải khoanh tay đứng nhìn vẫn cứ tồn tại, nhưng vẫn chưa có giải pháp phù hợp để chấm dứt tình trạng này.(Baodautu)
------------------------------------

VAMA kiến nghị hoãn 6 tháng nghị định "siết" nhập khẩu ôtô

Hơn hai tuần nữa nghị định 116/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, bảo dưỡng... ôtô có hiệu lực, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô VN (VAMA) kiến nghị Chính phủ tạm hoãn nghị định này ít nhất 6 tháng.

 

vama kien nghi hoan it nhat 6 thang voi nghi dinh 116/2017. trong anh: tai mot showroom bay ban oto - anh: cong trung

VAMA kiến nghị hoãn ít nhất 6 tháng với nghị định 116/2017. Trong ảnh: tại một showroom bày bán ôtô - Ảnh: CÔNG TRUNG

 

Trong khi đó, các nhà sản xuất, lắp ráp xe trong nước khẳng định ủng hộ tối đa nghị định 116 với mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng cũng như minh bạch hóa xuất xứ, nguồn gốc của các sản phẩm ôtô (bất kể là nhập khẩu hay sản xuất, lắp ráp trong nước).

Kêu khó, kiến nghị tạm hoãn nghị định

So với các văn bản trước, kiến nghị lần này của VAMA vẫn đề nghị sửa đổi yêu cầu "siết" việc nhập khẩu ôtô như phải có một số giấy chứng nhận, phải tiến hành thử nghiệm từng lô xe nhập khẩu và yêu cầu phải có đường thử nghiệm xe...

Ông Toru Kinoshita - tổng giám đốc Toyota VN, đồng thời là chủ tịch VAMA - vừa có văn bản tiếp tục kiến nghị lần thứ 4 đến Chính phủ về nghị định 116. Lần này, VAMA kiến nghị hoãn việc thi hành việc nhập khẩu ôtô ít nhất trong vòng 6 tháng (thời gian có hiệu lực ban đầu là ngày 1-1-2018). VAMA cho rằng để được phép nhập khẩu xe ôtô theo yêu cầu của nghị định, mỗi doanh nghiệp nhập khẩu xe ôtô cần phải chuẩn bị và nộp các giấy chứng nhận của nhà sản xuất nước ngoài cho việc triệu hồi, hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp phụ từng chính hãng cũng như giấy chứng nhận cơ sở bảo hành bảo dưỡng do Cục Đăng kiểm VN cấp.

VAMA kiến nghị sửa đổi yêu cầu nộp giấy chứng nhận kiểu loại nước ngoài đối với nhà nhập khẩu xe ôtô. VAMA mong muốn Chính phủ chấp nhận giấy chứng nhận của nhà sản xuất nước ngoài cho việc triệu hồi xe ôtô như một phương án thay thế. 

VAMA nêu ra lý do: hầu hết các thành viên VAMA không thể tìm được giấy chứng nhận kiểu loại nào nước ngoài nào phù hợp với các thông số kỹ thuật của xe ôtô nhập khẩu vào VN.

Đồng thời, cần sửa đổi yêu cầu tiến hành thử nghiệm đối với từng lô xe ôtô nhập khẩu theo hướng chỉ áp dụng thử nghiệm an toàn và khí thải đối với từng lô hàng đầu tiên và chấp nhận nhận báo cáo thử nghiệm cho các lô hàng tiếp theo trong ít nhất 6 tháng... 

Doanh nghiệp ôtô trong nước "phản pháo"

Trước các văn bản kiến nghị liên tiếp của VAMA, THACO Trường Hải và Hyundai Thành Công nhanh chóng gửi văn bản đến Chính phủ khẳng định nghị định 116 đã đảm bảo công bằng, phù hợp và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dung khi sử dụng xe nhập khẩu.

Ông Nguyễn Hùng Minh - tổng giám đốc Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (THACO) - cho rằng nghị định 116/2017 đã dựa trên tiêu chí bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như sự công bằng giữa các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, lắp ráp trong nước với các nhà nhập khẩu, từ đó tạo điều kiện để phát triển một nền công nghiệp ôtô thực sự.

Ông Minh nhấn mạnh, doanh nghiệp cần cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu khi làm thủ tục kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ôtô chưa qua sử dụng là cơ sở để chứng minh chất lượng của ôtô nhập khẩu.

Còn đường thử xe có chiều dài tối thiểu 800m, việc chạy thử xe sau khi được sản xuất, lắp ráp là một việc rất quan trọng, đảm bảo cho xe chất lượng ổn định trước khi xuất xưởng, nếu đường thử xe không đáp ứng được tiêu chuẩn, không bố trí được các địa hình thử theo quy định sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của xe xuất xưởng. 

Nếu không áp dụng quy định về đường chạy thử đối với các nhà sản xuất đang hoạt động tại VN  sẽ không công bằng giữa nhà sản xuất mới và nhà sản xuất đang hoạt động. Để có thời gian cho các doanh nghiệp trong nước chuẩn bị, nghị định 116 có quy định điều khoản chuyển tiếp đối với doanh nghiệp đang hoạt động và áp dụng sau 18 tháng kể từ ngày nghị định có hiệu lực (áp dụng từ ngày 18-4-2019).

Liên quan quy định quản lý chất lượng đối với từng lô xe nhập khẩu, lãnh đạo của Hyundai Thành Công cho rằng rất cần thiết. Bởi trước đây các mẫu xe này chỉ cần kiểm tra thử nghiệm khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật một lần và có thể áp dụng kết quả cho các lần tiếp theo. Điều này hiện không còn phù hợp khi các tiêu chuẩn khí thải, chất lượng ngày càng đòi hỏi cao, cần có sự kiểm tra liên tục và thường xuyên để đảm bảo sự thống nhất về chất lượng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đào Phan Long, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí VN, cũng cho rằng việc siết chặt quy định nhập khẩu xe hơi là cần thiết để tránh VN thành bãi rác thải về công nghệ, đồng thời cũng tạo điều kiện cho sản xuất trong nước, thúc đẩy đổi mới công nghệ.(Tuoitre)
------------------------------------

Cải thiện tính kết nối kinh tế và nâng cao mức sống cho 4 tỉnh đông bắc Việt Nam

Ngày 18/12, Ban Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã phê duyệt khoản vay trị giá 150 triệu USD để giúp cải thiện tính kết nối kinh tế và nâng cao mức sống tại bốn tỉnh đông bắc Việt Nam thông qua tăng cường cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cơ bản. Hỗ trợ này dự kiến sẽ giúp ích cho hơn 212.000 người.

Theo ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam: “Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng đáng ghi nhận trong những năm qua song phần lớn lợi ích kinh tế đều tập trung ở các đô thị, trong khi các vùng nông thôn - gồm cả những tỉnh đông bắc - đang tụt lại phía sau. Chúng tôi tin tưởng rằng dự án sẽ giúp hiện thực hóa tiềm năng tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ của vùng đông bắc Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp và du lịch”. 

Bốn tỉnh thực hiện dự án gồm Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang và Lạng Sơn đều có tiềm năng đáng kể để trở thành những đầu mối thương mại nhờ vị trí chiến lược trong mạng lưới giao thương giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Thủ đô Hà Nội, cảng Hải Phòng và Hành lang kinh tế Bắc – Nam trong Tiểu vùng Mê-kông mở rộng do ADB tài trợ. Tuy nhiên, những tiềm năng này chưa được phát huy đầy đủ, với tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của bốn tỉnh trong năm 2015 mới chỉ đạt 1.160 USD, xấp xỉ một nửa so với mức trung bình cả nước là 2.036 USD. 

Dự án Cơ sở hạ tầng cơ bản cho tăng trưởng đồng đều ở các tỉnh đông bắc sẽ giúp dỡ bỏ những rào cản thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng cơ bản trong các lĩnh vực then chốt bao gồm thương mại, giao thông, y tế và nông nghiệp. 

Dự án sẽ giúp cải thiện kết nối đường bộ giữa các tỉnh bằng việc nâng cấp khoảng 121km tỉnh lộ và 144km huyện lộ, cấp nước nông thôn cho khoảng 42.300 người và cải thiện cơ sở hạ tầng chuỗi giá trị nông nghiệp ở tỉnh Lạng Sơn thông qua kết nối từ trang trại tới chợ và hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương. Dự án cũng sẽ tăng cường năng lực cho các chính quyền cấp tỉnh, đặc biệt về quản lý tài sản công.


Tổng chi phí của dự án là 195,9 triệu USD, trong đó phần đóng góp của Chính phủ Việt Nam là 45,9 triệu USD. Dự kiến dự án sẽ được hoàn thành vào quý I năm 2023.(Baotintuc)
---------------------------

ADB duyệt cho Việt Nam vay hai khoản trị giá 299 triệu USD

Ngày 18-12, Ban Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã thông qua hai khoản vay tổng trị giá 299 triệu USD dành cho VN nhằm giúp cải thiện các dịch vụ cơ sở hạ tầng cơ bản và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

 

theo adb, cac tinh bac trung bo rat de bi anh huong boi thien tai dan den thach thuc phat trien kinh te. trong anh: mot goc khu bao ton thien nhien phong nha - ke bang, huyen bo trach, quang binh sau con bao - anh: nhu binh

Theo ADB, các tỉnh Bắc Trung Bộ rất dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai dẫn đến thách thức phát triển kinh tế. Trong ảnh: một góc khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng, huyện Bố Trạch, Quảng Bình sau cơn bão - Ảnh: NHƯ BÌNH

 

Theo đó, khoản vay trị giá 149 triệu USD dành cho Dự án Cơ sở hạ tầng cơ bản cho tăng trưởng đồng đều ở các tỉnh Bắc Trung Bộ gồm Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình và Quảng Trị. 

  Dự án này bao gồm một khoản vay thông thường trị giá 52 triệu USD và một khoản vay ưu đãi trị giá 97 triệu USD. 

Dự án được ước tính mang lại lợi ích cho hơn 1 triệu người tại bốn tỉnh vùng Bắc Trung Bộ của Việt Nam. 

ADB cho rằng phát triển kinh tế tại các tỉnh nằm trong dự án bị hạn chế bởi cơ sở hạ tầng cơ bản không đồng đều, với tỷ lệ nghèo năm 2015 ở mức 13% so với tỷ lệ trung bình cả nước là 7%. Hơn nữa, các tỉnh này rất dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai và được dự báo là nơi có sự gia tăng nhiệt độ trung bình hằng năm cao nhất của cả nước - ở mức 1,7% - và lượng mưa hằng năm tăng tới 20%.

Khoản vay còn lại trị giá 150 triệu USD nằm trong Dự án Cơ sở hạ tầng cơ bản cho tăng trưởng đồng đều ở các tỉnh Đông Bắc để giúp cải thiện tính kết nối kinh tế và nâng cao mức sống cho 4 địa phương gồm Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang và Lạng Sơn.

Hỗ trợ này dự kiến sẽ giúp ích cho hơn 212.000 người thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng cơ bản trong các lĩnh vực then chốt bao gồm thương mại, giao thông, y tế và nông nghiệp.

Cụ thể, dự án sẽ giúp cải thiện kết nối đường bộ giữa các tỉnh bằng việc nâng cấp khoảng 121km tỉnh lộ và 144km huyện lộ, cấp nước nông thôn cho khoảng 42.300 người, và cải thiện cơ sở hạ tầng chuỗi giá trị nông nghiệp ở tỉnh Lạng Sơn thông qua kết nối từ trang trại tới chợ và hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương. 

Dự án cũng sẽ tăng cường năng lực cho các chính quyền cấp tỉnh, đặc biệt về quản lý tài sản công.(Tuoitre)

Trở về

Bài cùng chuyên mục