tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 18-12-2017

  • Cập nhật : 18/12/2017

Hệ thống hải quan tự động tại cảng biển: Giảm 253 giờ công lao động/ngày

Theo tính toán, khi cơ quan hải quan áp dụng hệ thống tự động tại cảng biển – VASSCM, thời gian làm thủ tục giao nhận hàng được rút ngắn từ 5-7 lần so với trước đây, đồng thời tiết kiệm được 253 giờ công lao động/ngày do không phải xuất trình chứng từ giấy tại hải quan giám sát.

trung binh co 7.592 to khai/01​ ngay qua cang hai phong.

Trung bình có 7.592 tờ khai/01​ ngày qua cảng Hải Phòng.

Giảm thời gian làm thủ tục giao nhận, giảm mạnh giờ lao động và chi phí

Cụ thể, do doanh nghiệp (DN) không phải đi lại nhiều lần qua DN kinh doanh cảng, kho, bãi cũng như cơ quan hải quan nên rút ngắn được thời gian làm thủ tục giao nhận hàng từ 5-7 lần so với trước. Để làm thủ tục lấy hàng nay chỉ mất 1-2 phút đối với 1 lô hàng thông thường. Trong khi đó, trước đây phải mất ít nhất là 7-10 phút, riêng thời gian di chuyển giữa các bộ phận mất đến 10-15 phút.

Thời gian bình quân cho 1 lượt xe chở hàng qua khu vực cảng chỉ còn 10-12 phút so với 25-30 phút trước đây.

Hệ thống VASSCM cũng loại bỏ triệt để việc thực hiện thủ công, sử dụng văn bản giấy trong một số công đoạn nghiệp vụ. Cụ thể như không phải đối chiếu sổ sách của DN cảng để xác định lô hàng giám sát, không phải xác nhận thông tin hàng hóa đủ điều kiện qua khu vực giám sát trên mẫu 29/30 do người khai hải quan cung cấp…

Chính vì vậy, việc không phải kiểm tra, xác nhận chứng từ giấy tại khu vực giám sát đã giảm khoảng 2 phút/01 tờ khai. Bình quân có 7.592 tờ khai/01 ngày qua cảng Hải Phòng. Như vậy tổng thời gian giải quyết hàng hóa qua khu vực giám sát giảm được trong 01 ngày là: 7.592 x 2 phút = 15.184 phút, tương đương 253 giờ công lao động.

Bên cạnh đó, do không phải xuất trình chứng từ giấy tại bộ phận hải quan giám sát nên DN giảm được chi phí in ấn, văn phòng phẩm và tiết kiệm thời gian kiểm tra. Tính trung bình 1 ngày có 7.592 tờ khai qua cảng Hải Phòng thì đã tiết kiệm được 795.200đ  tiền giấy in/01 ngày (= 7.592 mẫu danh sách “hàng đủ điều kiện qua khu vực giám sát”/500 tờ (1 ram giấy) x 50.000 đ).

Lợi ích lớn hơn những con số

Bên cạnh những lợi ích có thể đếm được như giảm thời gian, chi phí cụ thể cho từng lô hàng, còn có những lợi ích lớn hơn những con số thống kê.

Cụ thể, về phía DN kinh doanh cảng, kho, bãi, việc áp dụng hệ thống VASSCM giúp DN thực hiện chế độ quản lý, thống kê, lưu giữ chứng từ chính xác, khoa học và minh bạch. Đồng thời, DN cũng được cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin trên hệ thống về tình trạng cấp phép thông quan từ cơ quan hải quan đối với từng lô hàng, từng container để thực hiện thủ tục giao, nhận hàng theo quy định. Qua đó giúp giảm rủi ro trong việc thực hiện bằng chứng từ giấy, đảm bảo minh bạch, công khai thể hiện qua các bước trong quy trình nghiệp vụ được ghi nhận, cập nhật trên hệ thống.

Nhờ theo dõi được chính xác tình trạng cấp phép thông quan đối với từng lô hàng trên hệ thống, giải quyết thủ tục giao nhận hàng nhanh chóng, chính xác mà DN kinh doanh cảng, kho, bãi nâng cao uy tín, tăng khả năng tiếp nhận, khai thác hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

Đối với DN xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, lợi ích rõ rệt đó là giảm thủ tục do không phải xuất trình chứng từ giấy để cơ quan hải quan kiểm tra, xác nhận hàng đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan.

Việc hệ thống trao đổi và xử lý dữ liệu 24/7 cũng giúp DN XNK hoàn toàn chủ động kế hoạch giao nhận hàng hóa tại cảng mà không phụ thuộc vào thời gian làm việc của cơ quan hải quan.

Các hãng tàu cũng được hưởng lợi từ việc cơ quan hải quan và DN kinh doanh cảng, kho, bãi giải quyết thủ tục nhanh. Cụ thể là dẫn tới thời gian quay vòng sử dụng vỏ container ngắn, đồng thời việc thống kê hàng tồn đọng tại cảng tự động trên hệ thống để có phương án xử lý nhanh chóng, kịp thời.

Hệ thống VASSCM được triển khai thành công tại Cục Hải quan TP. Hải Phòng là tiền đề để Tổng cục Hải quan mở rộng trong toàn ngành. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tiếp tục chỉ đạo Cục Hải quan TP. Hải Phòng và các đơn vị chức năng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống, đồng bộ với hệ thống thông quan VNACCS tạo thành chu trình quản lý hải quan xuyên suốt, thống nhất, hiện đại.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo các đơn vị quản lý cảng biển khẩn trương chuẩn bị để có thể triển khai VASSCM trên toàn quốc từ 01/01/2018 theo đúng kế hoạch đề ra, nhằm góp phần tạo thuận lợi thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và quốc gia.(customs.gov.vn)
---------------------------

Điểm mới của Luật Quản lý nợ công (sửa đổi)

Ngày 14/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố 6 Luật vừa được Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV thông qua. Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã giới thiệu một số điểm mới của Luật Quản lý nợ công có hiệu lực thi hành từ 01/07/2018.

mot trong nhung diem thay doi quan trong tai luat nay so voi truoc day la nhiem vu chu tri, to chuc, thuc hien vay oda, vay uu dai nuoc ngoai. nguon: internet

Một trong những điểm thay đổi quan trọng tại Luật này so với trước đây là nhiệm vụ chủ trì, tổ chức, thực hiện vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Nguồn: Internet

Thống nhất về cơ quan quản lý nhà nước về nợ công

Trình bày những điểm mới của Luật Quản lý nợ công được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nêu rõ, Luật Quản lý nợ công gồm 10 Chương, 63 Điều, quy định về hoạt động quản lý nợ công bao gồm huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ và các nghiệp vụ quản lý nợ công. Việc quản lý nợ công theo nguyên tắc nhà nước thống nhất quản lý và giao một cơ quan là Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chính.

Bên cạnh đó, Luật cũng tăng cường thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, tăng thẩm quyền của tập thể, hạn chế quy định thẩm quyền của cá nhân; Gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân với trách nhiệm quản lý huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ công.

Một trong những điểm thay đổi quan trọng tại Luật này so với trước đây là nhiệm vụ chủ trì, tổ chức, thực hiện vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài… trước đây được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư nay được giao về Bộ Tài chính. Điều này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, đúng tinh thần, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên nguyên tắc một tổ chức có thể làm nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính.

Đồng thời, Luật giao Chính phủ quy định nhiệm vụ phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nợ công nhằm xác lập căn cứ pháp lý minh bạch, cụ thể trong xác định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính; Nhiệm vụ, quyền hạn phối hợp của các cơ quan liên quan, tương tự như quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan đầu mối trong nhiều đạo luật hiện hành như Luật Du lịch, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Phí và lệ phí,…

Liên quan đến việc thay đổi nhiệm vụ về quản lý vốn vay ODA, Khoản 3, Điều 29 về vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cũng quy định: “Bộ Tài chính chủ trì xác định thành tố ưu đãi, đánh giá tác động của khoản vay mới đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công, xác định cơ chế tài chính trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt cùng với đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài”. 

Quản lý rủi ro đối với nợ công

Chia sẻ thêm về những điểm mới của Luật, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Luật cũng lần đầu quy định về chỉ tiêu an toàn nợ công, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm và kế hoạch vay, trả nợ hàng năm với những nội dung, trình tự cụ thể việc lập, quyết định và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đối với các chỉ tiêu đề ra. Trong đó, hạn mức bảo lãnh Chính phủ trong 5 năm, hạn mức bảo lãnh và cho vay lại hàng năm được quy định chi tiết.

Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, việc xây dựng, triển khai các công cụ quản lý nợ công được kế thừa và tiếp cận hơn với thông lệ quốc tế, có tác động tích cực và khẳng định sự cần thiết đối với quản lý nợ chủ động.

Việc bảo đảm khả năng trả nợ, quản lý rủi ro đối với nợ công, Luật đưa việc bảo đảm khả năng trả nợ, quản lý rủi ro đối với nợ công về Quỹ tích lũy trả nợ. Quỹ tích lũy trả nợ được lập để đảm bảo nguồn ngoại tệ trả nợ.

Thêm vào đó, tại Chương 9 về kế toán, kiểm toán, thống kê, báo cáo và công bố thông tin về nợ công gồm 5 điều (từ Điều 57 đến Điều 61) quy định chặt chẽ, xác định rõ yêu cầu về thống kê nợ công, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về nợ công.

Luật cũng quy định làm rõ thông tin báo cáo, thời gian báo cáo và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc cung cấp và công bố thông tin nợ công. Đây là những điểm mới so với luật Quản lý nợ công năm 2009.

Luật Quản lý nợ công 2017 đã bổ sung khái niệm mới về “Ngưỡng cảnh báo nợ công” quy định tại điều 21. Cụ thể, bên cạnh khái niệm trần nợ công đã có trước đây, Luật có thêm khái niệm ngưỡng để cảnh báo khi mức nợ công tiến gần đến mức trần và theo đó thực hiện các biện pháp để xử lý, kiểm soát. Đây là một thông lệ quốc tế phổ biến mà Luật lần này đã tiếp cận.

Trong Luật mới cũng quy định rõ mức ngưỡng nợ công do Quốc hội quyết định trong từng thời kỳ. Về mặt bản chất, ngưỡng là để đưa ra các biện pháp để kiểm soát. Khi nợ đến ngưỡng, chúng ta phải kiểm soát các nhu cầu về vay nợ, đồng nghĩa kiểm soát bội chi, cho vay lại, hạn mức về bảo lãnh, để đảm bảo nợ công không tiến sát đến trần.

So với Luật hiện hành, điều kiện được bảo lãnh chính phủ được siết chặt đối với từng nhóm đối tượng, bổ sung quy định về quản lý rủi ro bảo lãnh chính phủ. Việc quản lý nợ chính quyền địa phương cũng được quy định chặt chẽ, xác định rõ trách nhiệm, điều kiện vay và trả nợ của chính quyền địa phương.

Đáng chú ý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải giải trình và chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý nợ công của cơ quan, tổ chức. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.(TCTC)
-----------------------------

AFDCM+3: Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 đạt khoảng 4%

Trong khuôn khổ hợp tác tài chính khu vực ASEAN +3, Hội nghị Thứ trưởng Tài chínhvà Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN + 3 đã diễn ra trong hai ngày 11-13/12/2017, tại Hokkaido, Nhật Bản. Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Philipines chủ trì Hội nghị.

cac thu truong tai chinh va pho thong doc ngan hang trung uong asean + 3 chup anh luu niem tai hoi nghi.

Các Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN + 3 chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực  ASEAN +3 (AMRO), Phó Tổng Thư ký ASEAN, Thứ trưởng Tài chính, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước trong khu vực ASEAN+3. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà dẫn đầu tham dự Hội nghị.

Khu vực châu Á giữ đà tăng trưởng ổn định

Đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2018 sẽ đạt khoảng 4%, Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN + 3 thống nhất đưa ra nhận định: Năm 2017, kinh tế toàn cầu đã phục hồi với đà tăng trưởng tích cực hơn năm 2016.

Theo đánh giá của IMF, tăng trưởng ở các nền kinh tế tiên tiến đạt mức 2,6%, trong khi ở các nền kinh tế mới nổi là 3,6%, lạm phát ở khu vực châu Á được duy trì ổn định, thương mại và đầu tư nước ngoài tăng trưởng tốt.

Mặc dù nền kinh tế thế giới vẫn đang trên đà phục hồi nhưng các Thứ trưởng  và Phó Thống đốc đồng quan điểm cho rằng, các nền kinh tế sẽ tiếp tục đối diện với các thách thức và rủi ro, bởi sự khác biệt trong định hướng chính sách giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển; bất ổn trong chính sách toàn hóa, chính sách bảo hộ, nguồn lực còn khó khăn, năng suất lao động thấp.

Hội nghị cũng thống nhất nhận định tầm quan trọng trong việc thực thi các giải pháp chính sách sau khủng hoảng tài chính, sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa nhằm giúp tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện, củng cố niềm tin, trên cơ sở điều kiện kinh tế khác nhau của các nền kinh tế thành viên; Đồng thời, nhấn mạnh vai trò phối hợp của các tổ chức tài chính quốc tế trong việc nghiên cứu các biện pháp quản lý luồng vốn một cách phù hợp, tác động của các dòng luân chuyển vốn và duy trì sự ổn định kinh tế tài chính toàn cầu.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Xuân Hà chia sẻ về xu hướng tăng trưởng tích cực của kinh tế toàn cầu, động lực tăng trưởng xuất phát từ những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển nhờ gia tăng xuất khẩu, chính sách tài khóa phù hợp, chính sách tiền tệ linh hoạt đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu cũng đối mặt với các thách thức, các nền kinh tế đang phát triển cũng có những khó khăn nhất định như nguồn lực hạn chế cho phát triển cơ sở hạ tầng, tỷ lệ nợ công, nợ doanh nghiệp cao, nguy cơ lạm phát quay trở lại trong thời gian tới.

“Trong bối cảnh này, các nước trong khu vực cần có sự hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy thương mại và đầu tư, củng cố cầu nội địa, thực thi chính sách tài chính, tiền tệ hiệu quả, tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, triển khai các chính sách an sinh xã hội… để đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng bền vững và hiệu quả”, Thứ trưởng Trần xuân Hà nhấn mạnh.

Chia sẻ về những thành tựu mà nền kinh tế Việt Nam đạt được trong năm 2017, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng cho biết: (i) Tăng trưởng kinh tế có khả năng đạt 6,7% nhờ gia tăng xuất khẩu và đầu tư, trong thời gian tới chính phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để khuyến khích xuất khẩu và đầu tư hiệu quả; (ii) Chính sách tài khóa đã có tiến bộ đáng kể, bội chi ngân sách giảm còn 3,7% GDP, chi ngân sách vẫn hỗ trợ tăng trưởng. Việt Nam sẽ tiếp tục tái cơ cấu ngân sách, tăng nguồn thu nội địa, đảm bảo quản lý nợ công bền vững trong giới hạn được Quốc hội cho phép; (iii) Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, kết hợp cổ phần hóa với niêm yết trên thị trường chứng khoán, tăng cường cơ chế quản trị công ty, đảm bảo công khai minh bạch; (iv) Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ có hiệu quả, hỗ trợ tăng trưởng nhưng vẫn đảm bảo kiềm chế lạm phát…

Tăng cường hợp tác tài chính trong khu vực

Tại Hội nghị, các Thứ trưởng và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương đã tiến hành rà soát các hoạt động và sáng kiến hợp tác tài chính Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) và cam kết sẽ tăng cường hơn nữa cơ chế này như là một mạng lưới an toàn tài chính khu vực.

Phát biểu về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đã ghi nhận những đóng góp của AMRO trong quá trình đối thoại chính sách của khu vực; đồng thời, đề nghị AMRO tiếp tục có các phân tích nghiên cứu sâu về diễn biến kinh tế khu vực và toàn cầu; tập trung vào phân tích thương mại đầu tư nội khối, giữa khu vực và các đối tác để có đánh giá toàn diện và khuyến nghị chính sách phù hợp.

Đoàn Việt Nam cũng đề nghị tiếp tục hoàn chỉnh bộ chỉ số đánh giá kinh tế vĩ mô, phương pháp luận và đồng nhất chỉ tiêu thống kê giữa các nền kinh tế, để có phân tích, đánh giá chính xác với thực tế. 

Về phát triển thị trường trái phiếu Châu Á (Sáng kiến ABMI), các Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc cũng đánh giá cao tiến độ thực hiện và kết quả đạt được của các nhóm công tác ABMI trong việc nghiên cứu nâng cao môi trường thu hút nhà đầu tư, phát triển thêm công cụ đầu tư mới, hoàn thiện khung khổ pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng cho thị trường trái phiếu cũng như các hoạt động triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật để phát triển thị trường trái phiếu trong nước của các nền kinh tế thành viên.

Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 lần tiếp theo dự kiến sẽ nhóm họp tại Singapore vào tháng 4/2018 dưới sự đồng chủ trì của Singapore và Hàn Quốc.(TCTC)
----------------------------

Vị thế đang lên của Việt Nam sau APEC

"Thiên thời, địa lợi, nhân hòa" đã giúp Việt Nam tổ chức thành công vang dội Tuần lễ Cấp cao APEC và bước ra khỏi Năm APEC với vị thế đang lên.

thanh cong cua viet nam cang co y nghia khi tuan le cap cao dien ra trong mot giai doan rat kho khan voi nhieu thach thuc cua apec. nguon: internet

Thành công của Việt Nam càng có ý nghĩa khi Tuần lễ Cấp cao diễn ra trong một giai đoạn rất khó khăn với nhiều thách thức của APEC. Nguồn: internet

Trao đổi với phóng viênkhi năm 2017 đang khép lại, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết trong một tháng qua, từ ngay sau Tuần lễ Cấp cao APEC, hàng loạt doanh nghiệp lớn từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Italy… đã bày tỏ ý định làm ăn tại Việt Nam.

Thắng lợi của thương mại tự do

Thành công của Việt Nam càng có ý nghĩa khi Tuần lễ Cấp cao diễn ra trong một giai đoạn rất khó khăn với nhiều thách thức của APEC. Nhưng bất chấp các thách thức đó, cuối cùng, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã có tuyên bố Đà Nẵng về tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung. Bộ trưởng các nước thành viên cũng đã đạt thỏa thuận về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thay thế cho TPP.Với nỗ lực trong công tác tổ chức của Việt Nam, APEC 2017 đã hoàn thành mục tiêu thúc đẩy thương mại tự do trong tình hình mới.

Tổng kết lại, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh một số “từ khóa” để khái quát một cách chung nhất toàn bộ kết quả mà APEC đạt được qua Tuần lễ Cấp cao: Người dân ở vị trí trung tâm, doanh nghiệp giữ vai trò động lực, kinh tế phát triển phải bao dung, thương mại tự do phải công bằng, hai đại dương phải liên thông, vành đai và con đường phải hài hòa, APEC vững vàng tiến lên phía trước.

Theo ông Lộc, trong toàn bộ quá trình đi tới đồng thuận của lãnh đạo các nền kinh tế, nổi lên vai trò rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp. Thông điệp phát đi từ các diễn đàn của doanh nghiệp tại APEC vẫn là ủng hộ một nền thương mại tự do và công bằng.

“Trong bối cảnh mới, yêu cầu công bằng trở nên vô cùng cấp thiết. Bảo đảm công bằng cho mọi nền kinh tế và mọi cá nhân nghĩa là phát triển bao trùm. Một yêu cầu khác là phải bảo đảm tuân thủ, bảo đảm việc thực thi, đã nói là làm. Có thể nói, “công bằng” và “tuân thủ” là hai “chìa khóa” để giải quyết những vấn đề tranh cãi nhiều nhất tại kỳ APEC lần này về thương mại toàn cầu: Một mặt là những lo ngại về sự gia tăng bất bình đẳng trong toàn cầu hóa và mặt kia là quan điểm cực đoan về lợi ích quốc gia”, đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đưa quan điểm. 

Con số ấn tượng 20 văn kiện được thông qua trong Năm APEC 2017, trong đó có tám văn kiện thông qua tại Tuần lễ Cấp cao, đã thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm của các thành viên giữ đà hợp tác, liên kết kinh tế. Một lần nữa tại Đà Nẵng, APEC đã tái khẳng định vai trò là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu của khu vực và xác định tầm nhìn chiến lược của diễn đàn trong những thập niên tới.  

Thành công của Việt Nam

Với Việt Nam, tất cả các nội dung trọng tâm mà nước chủ nhà đề xuất và nhấn mạnh – vừa là những vấn đề cốt lõi, những mục tiêu quan trọng nhất của các mục tiêu thiên niên kỷ, vừa là những ưu tiên, những đòi hỏi nội tại của Việt Nam -  đã được cộng đồng doanh nghiệp và các nền kinh tế APEC ủng hộ. Đó là: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Một trong những sáng kiến nổi bật nhất của Việt Nam tại Tuần lễ Cấp cao là việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS), kết hợp với triển lãm xúc tiến đầu tư vào các tỉnh, thành phố lần đầu tiên được tổ chức tập trung. Trong một sự kiện đa phương bàn về các vấn đề toàn cầu và khu vực, đây là diễn đàn dành riêng cho Việt Nam, bàn riêng các vấn đề của Việt Nam.

Đăng cai Năm APEC 2017 cũng đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên được đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước ngay sau Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Việt Nam cũng đã đón Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, vị Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm cấp nhà nước tới Việt Nam trong năm đầu nhậm chức.

Cùng với đó là chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Chile Michelle Bachelet và chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Canada Justin Trudeau tới Việt Nam. Vị thế của Việt Nam còn được thể hiện ở việc lần đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc tham dự phiên họp của Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit).

Các nhà tổ chức cũng đã trao cơ hội cho miền Trung – vùng đất vẫn tương đối kém phát triển so với các khu vực khác, thay vì Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, và điều này đã thể hiện chính quan điểm phát triển bao trùm mà Tuần lễ Cấp cao nhấn mạnh. Trên thực tế, APEC đã tạo ra một cú hích cho việc phát triển hạ tầng trong khu vực. Riêng Đà Nẵng có cơ hội chưa từng có để tự giới thiệu với thế giới về một thành phố trẻ đầy tiềm năng, sôi động, đồng thời thể hiện sinh động hình ảnh Việt Nam năng động, đổi mới, hiện đại, là một phần không tách rời của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bước trưởng thành của cộng đồng doanh nghiệp

Việc tổ chức APEC đã chứng tỏ khả năng vươn lên mạnh mẽ của Đà Nẵng, của miền Trung và cả khả năng vượt lên của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. So với thời điểm năm APEC 2006, lần này, khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã có bước trưởng thành vượt bậc. Cơ hội đã được trao cho khối doanh nghiệp và các doanh nghiệp đã chứng tỏ được khả năng với việc cung ứng các hạ tầng hiện đại nhất theo chuẩn mực quốc tế, với một tốc độ xây dựng thần kỳ.

Với tinh thần khởi xướng và sáng tạo, các doanh nghiệp đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC với số lượng đại biểu tham dự kỷ lục và Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam. Và gần 40 doanh nghiệp đã tài trợ chính thức cho Năm APEC 2017, với tổng mức tài trợ gấp hơn năm lần so Năm APEC 2006 và là mức kỷ lục từ trước tới nay cho các hội nghị tổ chức tại Việt Nam.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Việt Nam đã bước ra khỏi Tuần lễ Cấp cao APEC và Năm APEC 2017 với một vị thế mới. Nhưng vị thế đang lên đó đã đặt Việt Nam trước những thách thức mới trong việc tiếp tục thúc đẩy cải cách trong nước và tham gia kiến tạo nền kinh tế toàn cầu, chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương. Về phần mình, VCCI sẽ tiếp tục thúc đẩy giới kinh doanh các nước tiếp tục ủng hộ Việt Nam, góp phần tạo làn sóng ủng hộ và đầu tư vào Việt Nam sau APEC.

“Sự chủ động, chín chắn, bước trưởng thành của các doanh nghiệp trong việc tham gia, đóng góp Tuần lễ Cấp cao APEC và đĩnh đạc thảo luận các vấn đề lớn nhất của thương mại toàn cầu đã hứa hẹn một tương lai phát triển bền vững, lâu dài của các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc nói.(Chinhphu)

Trở về

Bài cùng chuyên mục