tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 19-12-2017

  • Cập nhật : 19/12/2017

Hàng loạt dự án bất động sản nằm trong tầm ngắm thanh tra năm 2018

Bộ Xây dựng vừa ban hành Quyết định số 1199/QĐ-BXD về kế hoạch thanh tra năm 2018. Theo đó, trong năm, Bộ sẽ thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và thực hiện quy định của pháp luật về nhà ở tại một số dự án.

 

khu to hop du lich sonasea villas and resort cua cong ty co phan tap doan c.e.o (c.e.o group).

Khu tổ hợp du lịch Sonasea Villas and Resort của Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (C.E.O Group).

 

Theo kế hoạch, trong năm 2018, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thực hiện việc thanh, kiểm tra hoạt động xây dựng, kinh doanh và thực hiện quy định của pháp luật về nhà ở tại một số dự án như: Dự án khu đô thị Hùng Thắng, chung cư Green Bay, Hạ Long Marine của Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Group).

Dự án Khu nhà ở Thạch Bàn; Tổ hợp văn phòng nhà ở, siêu thị cao cấp "MD Complex Tower"; Nhà ở của Quân khu 5; Nhà ở Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Khu nhà ở Bộ tư lệnh tăng thiết giáp; Khu nhà ở Quân khu 7 của Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Bộ Quốc phòng.

Dự án Khu Trung tâm đô thị thương mại- dịch vụ- tài chính-du lịch Nha Trang của Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn.

Khu tổ hợp du lịch Sonasea Villas and Resort của Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (C.E.O Group).

Dự án Khu đô thị The Manor Central Park của Bitexco; Khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây của Công ty TNHH Phát triển THT và loạt dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Hòa Bình của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco).

Dự án Fuji Vallora của Công ty NLG-NNR-HR Fuji; Dự án Fuji Kikyo của Công ty Cổ phần đầu tư Nam Phan; Khu du lịch Bến Thành - Hồ Tràm; Khu dân cư Lô 3 Tiểu khu D; Dự án 104 Nguyễn Văn Cừ; Khu dân cư Cát Lái của Tổng công ty Bến Thành - TNHH MTV.

Để thực hiện quyết định trên, lãnh đạo Bộ Xây dựng giao Chánh Thanh tra Bộ chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra và pháp luật khác có liên quan, định kỳ báo cáo Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ theo quy định.(Bizlive)
-------------------------

Khủng hoảng thừa hàng chục triệu tấn xi măng

Nếu không xuất khẩu xi măng thì lượng dư thừa năm 2017 là 30 triệu tấn, năm 2020 là 35 triệu tấn.

 

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 

Thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) chỉ ra rằng, đến năm 2016, tổng công suất thiết kế của ngành xi măng Việt Nam đạt gần 88 triệu tấn/năm. Nếu tính các dự án đang tiến hành đầu tư, dự kiến hoàn thành trong năm 2018, những nhà máy xi măng đầu tư cải tiến kỹ thuật, công nghệ năng lực sản xuất thực tế đến năm 2020 có thể lên đến 120-130 triệu tấn.

Trong khi đó, dự báo tiêu thụ xi măng trong nước đến năm 2020 vào khoảng 82 triệu tấn, nghĩa là sẽ dư thừa 36-47 triệu tấn. Số liệu của VNCA cũng ghi nhận, dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước từ nay đến năm 2020 mỗi năm tăng 5-6 triệu tấn và đến năm 2020 nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước khoảng 80-82 triệu tấn.

Được biết, cuối năm 2016 đã có thêm 6,8 triệu tấn xi măng từ 2 nhà máy mới là Nhà máy Xi măng Sông Lam giai đoạn I (công suất 4,5 triệu tấn) và Nhà máy Xi măng Long Sơn (công suất 2,3 triệu tấn) bổ sung vào tổng công suất ngành xi măng. Dự án Xi măng Thành Thắng (công suất 2,3 triệu tấn) cũng mới được đưa vào vận hành.Trong khi đó, còn 5 dự án đang xây dựng và sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, bổ sung thêm nguồn cung 12,7 triệu tấn, nâng tổng công suất đến năm 2020 đạt mức 101 triệu tấn.

Một nguyên nhân khác khiến công suất ngành xi măng tăng cao so với nhu cầu tiêu thụ. Đó là do công suất trong quy hoạch đã bị lạc hậu. Theo cách tính trước đây thì để làm 1 tấn xi măng phải sản xuất 0,8 tấn clinker cộng với 0,2 tấn phụ gia (không thuộc công suất của lò). Nhưng thực tế hiện nay, do công nghệ được cải tiến nên để làm ra 1 tấn xi măng chỉ cần 0,6 tấn clinker và 0,4 tấn phụ gia. Công suất trong quy hoạch chính là công suất đối với sản phẩm clinker, vì thế khi cải tiến công nghệ thì công suất thực tế được nâng lên.

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thị trường tiêu thụ sản phẩm luôn là cuộc cạnh tranh gay gắt. Khối ASEAN mở cửa thông thương. Giá xuất khẩu xi măng, clinker đã và đang xuống rất thấp, cùng với sự dư thừa công suất của xi măng Trung Quốc đã lên đến 600 - 700 triệu tấn, số dư thừa gấp 7 - 8 lần tổng công suất của Việt Nam hiện tại.

Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và một số nước thi nhau hạ giá xuất khẩNguyễn Quang Cungu, chiếm lĩnh thị phần làm cho giá xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm. Hiệp hội Xi măng Việt Nam đề xuất Chính phủ làm việc với các nước để giảm thuế nhập khẩu, thi hành hiệp định vận tải với một số nước châu Âu, nhằm hỗ trợ cước phí vận tải cho hàng vật liệu xuất khẩu...

Tuy nhiên, bên cạnh mong muốn có chính sách hỗ trợ tầm vĩ mô thì sự năng động, nỗ lực của bản thân mỗi doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quyết định sự sống còn. (DDDN)
------------------------------

Hội đồng Vàng Thế giới lạc quan về triển vọng giá vàng năm 2018

Bất chấp đà tăng của thị trường chứng khoán và giá trị của đồng tiền ảo bitcoin cũng như các đợt nâng lãi suất tại Mỹ, giá vàng tính từ đầu năm tới nay vẫn tăng hơn 9%. 

 

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 

Theo báo cáo mới công bố của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), giá kim loại quý này có nhiều lý do để củng cố đà tăng trong năm tới. 

Tại Sàn giao dịch kim loại COMEX (Mỹ), trong phiên cuối tuần trước, giá vàng kỳ hạn đóng cửa ở mức 1.257,50 USD/ounce, tăng 9,19% so với cuối năm 2016. 

Chiến lược gia về thị trường, John Reade thuộc WGC nhận định, vàng đã có một năm tăng giá ấn tượng, giữa bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong lộ trình nâng lãi suất và chứng khoán đi lên. 

Các chuyên gia cho rằng với vai trò là nơi trú ẩn an toàn, giá vàng được hưởng lợi từ tình hình bất ổn chính trị tại bán đảo Triều Tiên, khu vực Trung Đông và sự thiếu chắc chắn xung quanh tiến trình rời Liên minh châu Âu (EU) của nước Anh, cũng như các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các thành phố lớn của châu Âu. 

Bên cạnh đó, ông Reade cho rằng chính sách tiền tệ cũng sẽ là một nhân tố định hướng nhu cầu vàng. 

Theo ông Reade, trước mối lo về tình hình lạm phát vẫn ảm đạm trên quy mô toàn cầu, tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ chậm lại. 

Gần đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ đã không “theo gót” Mỹ và vẫn giữ nguyên lãi suất chủ chốt. 

Theo thống kê của WGC, nhờ một loạt lễ hội truyền thống, nhu cầu vàng trang sức của Trung Quốc tăng 13%, lên 159,3 tấn trong quý 3/2017, chấm dứt chuỗi 10 quý giảm liên tiếp. 

Wang Lixin, cán bộ quản lý cao cấp của WGC, cho rằng thị trường Trung Quốc đóng góp lớn nhất cho sự tăng trưởng nhu cầu vàng thỏi và vàng xu trong quý 3 vừa qua.(TTXVN)
---------------------------

Giảm lãi suất cần điều kiện nào?

Ngoài tác động từ cung - cầu vốn trên thị trường, lãi suất còn chịu tác động của diễn biến kinh tế vĩ mô.

 

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 

Lãi suất của Việt Nam ở mức trung bình thấp

Cố gắng kiểm soát lãi suất ở mức phù hợp là một trong những nhiệm vụ mà NHNN đã đạt được trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, trong năm 2017, bên cạnh việc NHNN giảm một số lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho các TCTD giảm lãi suất cho vay, bản thân các NHTM cũng có các chính sách giảm lãi suất riêng.

“NHNN đã điều hành chính sách lãi suất theo hướng giảm dần phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ ngoại hối để hỗ trợ cho khách hàng vay vốn. Thực tế thời gian qua hệ thống ngân hàng đã và đang tích cực hỗ trợ giảm chi phí vốn vay cho DN và nền kinh tế thông qua các giải pháp căn bản”, một chuyên gia tài chính - ngân hàng nhìn nhận.

Đơn cử, như trong tháng 7/2017 NHNN đã giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành, nhờ đó đã hỗ trợ các TCTD giảm chi phí vốn vay, giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn cho các khách hàng thuộc 5 nhóm đối tượng ưu tiên. Do đó, hiện mặt bằng lãi suất cho vay của các TCTD đang khá hợp lý, phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, trung-dài hạn khoảng 9-11%/năm. Đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, có mức tín nhiệm cao lãi suất cho vay ngắn hạn được các TCTD cho vay chỉ trong khoảng 4-5%/năm.

Nếu so với các nước châu Á khác có trình độ phát triển tương đồng như Mông Cổ, Bangladesh, Indonesia, Myanmar, thì lãi suất Việt Nam chỉ ở mức trung bình thấp.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB) và website ngân hàng trung ương các nước, lãi suất cho vay của các nước ASEAN-4 như Thái Lan là từ 6,9% đến 7,7%/năm, Singapore 5,3%/năm, Malaysia 4,5%/năm, Philippines 5,6%/năm, Indonesia 12,03%/năm, Bangladesh 12,43%/năm, Mông Cổ 19,3%/năm, Myanmar từ 11,25% đến 12,5%/năm. Như vậy, mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam hiện nay khoảng 6-11%/năm vẫn ở mức tương đối hợp lý so với nhiều nước trong khu vực; chỉ cao hơn 1%/năm so với các nước phát triển nhất ASEAN.

Lãi suất cho vay phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Việc giảm mặt bằng lãi suất về mức cạnh tranh so với các nước trong khu vực và ngoài khu vực là điều các DN và người vay vốn đều mong đợi. Tuy nhiên, khả năng giảm lãi suất cho vay phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lãi suất huy động, nhu cầu tín dụng, khả năng cung ứng vốn của nền kinh tế và các điều kiện kinh tế vĩ mô khác.

Lãi suất huy động của Việt Nam trong năm 2017 hầu như không giảm, còn nếu tính chung từ năm 2011 đến nay, lãi suất huy động giảm được 7-10%/năm trong khi lãi suất cho vay giảm nhanh và mạnh hơn được 11-14%/năm.

Lãi suất cho vay giảm khá nhiều đã làm tỷ lệ thu nhập lãi cận biên NIM của các NHTM giảm xuống mức thấp khoảng 2,69% trong năm 2016, thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực như: Thái Lan (3,07%), Indonesia (5,82%), Philippines (3,58%). Theo khuyến cáo của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm thế giới thì để hệ thống các TCTD phát triển lành mạnh, hệ số NIM phải đạt ít nhất là 3,5%. Như vậy để giảm hơn nữa lãi suất cho vay cần có các giải pháp giảm lãi suất huy động.

Song, lãi suất huy động phụ thuộc vào cung và cầu vốn của nền kinh tế: nếu cầu vốn cao và khả năng cung ứng vốn có hạn thì lãi suất huy động tăng và ngược lại. Tỷ trọng tín dụng/GDP của Việt Nam ở mức khá cao, ước khoảng 130% trong năm 2017 và tỷ trọng này sẽ còn tăng trong những năm tới vì nhu cầu vốn tín dụng tăng cao một phần để bù đắp các nhu cầu vốn mà thị trường vốn chưa đáp ứng được.

Khả năng huy động vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh còn phụ thuộc vào mức độ tiết kiệm của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo số liệu của WB, tỷ lệ tiết kiệm trên GDP của các nước ASEAN-4 ở mức cao hơn hẳn Việt Nam (bình quân giai đoạn 2013-2016): Singapore tỷ lệ tiết kiệm khoảng 46,3% GDP, đầu tư khoảng 27,7% GDP; con số này ở Philippines là 44,5% GDP và 21,3% GDP; Malaysia tỷ lệ tiết kiệm khoảng 28,7% GDP, đầu tư khoảng 25,5% GDP; trong khi của Việt Nam tỷ lệ tiết kiệm khoảng 26,7% GDP, đầu tư khoảng 26,9% GDP. Chính vì tỷ lệ tiết kiệm thấp làm ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của nền kinh tế trong khi nhu cầu vốn của nền kinh tế đang ở mức cao và liên tục gia tăng. Điều này làm cho lãi suất huy động khó giảm.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất ngoài việc chịu tác động trực tiếp của quan hệ cung, cầu vốn trên thị trường tiền tệ, còn chịu tác động của diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát. Một số nước trong khu vực có mặt bằng lãi suất nói chung, trong đó có lãi suất cho vay thấp vì: Lạm phát được duy trì ở mức thấp hơn 4%; bội chi NSNN thấp 5%; Thị trường vốn phát triển, DN ít phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Trong khi, tại Việt Nam, những điều kiện trên đều bất lợi hơn so với các nước như: lạm phát còn cao, thị trường vốn kém phát triển, bội chi NSNN cao hơn. Việc bù đắp bội chi NSNN thông qua phát hành TPCP trong nước cũng hạn chế khả năng giảm lãi suất đầu vào.

“Việc đặt vấn đề giảm mặt bằng lãi suất về tương đương các nước ASEAN-4 là đúng hướng nhưng cần có thời gian để “xoá nhòa” dần những khác biệt giữa Việt Nam với các nước này. Hiện tại, lãi suất cho vay của Việt Nam dù cao hơn các nước ASEAN-4 nhưng phù hợp với điều kiện hiện tại của nền kinh tế Việt Nam”, một chuyên gia phân tích.

Về phía mình NHNN cho biết, trong thời gian tới, trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ ngoại hối, tiếp tục kiên trì triển khai các giải pháp cơ bản nêu trên theo hướng tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất và giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện vĩ mô, tiền tệ, góp phần hỗ trợ DN, đồng thời sẵn sàng cung ứng vốn cho các TCTD thông qua các công cụ chính sách tiền tệ.

NHNN kiến nghị Bộ Tài chính có các giải pháp đa dạng hóa các nhà đầu tư nắm giữ TPCP, không chỉ dựa vào TCTD như hiện nay. Chỉ đạo TCTD chủ động cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản và sử dụng vốn có hiệu quả; thực hiện quản trị hoạt động kinh doanh chặt chẽ, đồng thời quyết liệt thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội để triển khai công tác thu hồi nợ xấu qua đó nâng cao được năng lực tài chính, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh từ đó có cơ sở vững chắc giảm lãi suất cho vay. (TBNH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục