tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 24-08-2017

  • Cập nhật : 24/08/2017

Thuế nhập ô tô cũ tăng thêm 5.000 USD/chiếc

Bộ Tài chính đã công bố dự thảo tăng thuế nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng, trong đó có những đề xuất tăng thuế… chấn động, đến 5.000 USD/chiếc - tương đương 120 triệu đồng/xe.

Bộ Tài chính vừa sửa đổi thuế nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng, dự kiến sẽ bổ sung tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Cụ thể, đối với xe từ chín chỗ trở xuống, có dung tích xylanh dưới 1.000 cc, mức thuế nhập khẩu hiện nay là 5.000 USD/chiếc. Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu ô tô lên 10.000 USD/chiếc.

Xe từ 1.000 cc đến dưới 1.500 cc, mức thuế nhập khẩu hiện hành là 10.000 USD/chiếc. Bộ Tài chính đề xuất tăng mức thuế suất bằng mức cam kết WTO là 200% hoặc 150% + 10.000 USD, lấy theo mức thấp nhất.

Ô tô có dung tích xylanh từ 1.500 cc đến dưới 2.500 cc, mức thuế nhập khẩu hiện hành: X + 5.000 USD. Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế nhập khẩu ô tô bằng mức cam kết là 200% hoặc 150% + 10.000 USD, lấy theo mức thấp nhất.

Ô tô có dung tích xylanh từ 2.500 cc trở lên có thuế nhập khẩu hiện hành: X + 15.000 USD. Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế nhập khẩu ô tô bằng mức cam kết là 200% hoặc 150% + 10.000 USD, lấy theo mức thấp nhất.

Đối với xe 10-15 chỗ, mức thuế nhập khẩu ô tô hiện hành là 9.500 USD quy định cho xe có dung tích xylanh từ 2.000 cc trở xuống; mức 13.000 USD quy định cho xe có dung tích xylanh trên 2.000 cc đến 3.000 cc; mức 17.000 USD quy định cho xe có dung tích xylanh trên 3.000 cc.

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi lại bằng đúng mức cam kết WTO. Cụ thể: Mức X + 10.000 USD quy định cho xe có dung tích xylanh dưới 2.500 cc; mức X + 15.000 USD quy định cho xe có dung tích xylanh từ 2.500 cc trở lên.

X là mức thuế suất của xe mới cùng chủng loại hằng năm.

Đối với xe từ 16 chỗ trở lên: Mức thuế suất hiện hành là 150% hoặc 1,5 lần so với mức thuế suất nhập khẩu của ô tô mới cùng chủng loại. Bộ Tài chính đề xuất giữ như quy định hiện hành.

Nhóm ô tô tải (nhóm 87.04) có mức thuế suất nhập khẩu hiện hành: 150%. Bộ Tài chính đề xuất: Giữ như hiện hành.

Bộ Tài chính đang gửi lấy ý kiến các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp. Như vậy thuế nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng dự kiến tăng cao, giá xe cũ có thể đắt hơn xe mới gấp hai lần. Với cách tăng thuế nhập khẩu như trên sẽ ảnh hưởng mạnh đến giá ô tô nhập khẩu, có thể tăng đến 5.000 USD/chiếc, khoảng 120 triệu đồng/chiếc.

Sốc: Thuế nhập ô tô cũ tăng thêm 5.000 USD/chiếc - ảnh 1

Được biết kim ngạch nhập khẩu xe tải đã qua sử dụng nhập khẩu ngày càng tăng (do giá nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ); lượng xe dưới chín chỗ đã qua sử dụng giảm dần do có điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu từ năm 2013 (năm 2013 nhập khẩu 3.777 chiếc, giảm xuống còn 1.441 chiếc năm 2016); xe trên chín chỗ nhập khẩu không nhiều (thuế suất khá cao).(PLO)
------------------------------

Đề xuất tăng lương tối thiểu từ 180.000 – 230.000 đồng so với hiện nay

Bộ Lao động, thương binh và xã hội đã đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng từ 180.000 đồng – 230.000 đồng so với hiện nay.

de xuat tang luong toi thieu tu 180.000 – 230.000 dong so voi hien nay -anh minh hoa.

Đề xuất tăng lương tối thiểu từ 180.000 – 230.000 đồng so với hiện nay -Ảnh minh họa.

 

Bộ Lao động, thương binh và xã hội đang dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, Bộ đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng từ 180.000 đồng – 230.000 đồng so với hiện nay.

Theo đề xuất của Bộ Lao động, thương binh và xã hội, quy định mức lương tối thiểu vùng áp 4 mức như sau: Mức 3,98 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với vùng I; mức 3,53 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với vùng II; mức 3,09 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với vùng III và mức 2,76 triệu đồng/tháng áp dụng đối với vùng IV.

Cũng theo Bộ này, mức lương tối thiểu trên (tăng từ 180.000 đồng – 230.000 đồng so với hiện hành năm 2017, tương ứng với mức tăng theo tỷ lệ phần trăm từ 6,1 - 7% tùy theo từng vùng, mức bình quân tăng 6,5%) được tính toán dựa trên cơ sở bù đủ trượt giá sinh hoạt năm 2017 dự kiến khoảng 4% - 4,5% để bảo đảm tiền lương thực tế cho người lao động; cải thiện theo mức tăng năng suất lao động xã hội khoảng 2% - 2,5% để thực hiện lộ trình điều chỉnh bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người lao động.

Tuy nhiên, Bộ này cho biết nếu thực hiện theo phương án nêu trên thì đáp ứng được khoảng từ 92 - 96% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ tùy theo từng vùng.

Bộ Lao động, thương binh và xã hội cũng cho biết, đề xuất phương án điều chỉnh nêu trên đã tính đến các tác động về việc làm, thất nghiệp, điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, mức độ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp (dự báo tăng bình quân khoảng 0,55 – 0,6%, trong đó ngành dệt may, da giầy tăng khoảng 1,15 – 1,2%, từng bước đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và có cân đối với tương quan tiền lương của các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Đặc biệt, mức điều chỉnh nêu trên đã có tính toán đến quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội được mở rộng từ năm 2018 (người lao động ký hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) và tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội có sự thay đổi (tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đóng theo mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác), trong đó Chính phủ đã có giải pháp giảm 0,5% tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Nghị định số 44/2017/NĐ-CP) và đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm 0,5% tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động (Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 7/4/2017 của Chính phủ).

Về địa bàn áp dụng, Bộ đề xuất cơ bản giữ nguyên 4 vùng và danh mục địa bàn ở 4 vùng theo quy định tại Nghị định số 153/2016/NĐ-CP ngày 14/11/2016 của Chính phủ; nhưng có xem xét, cân đối điều chỉnh, bổ sung một số địa bàn áp dụng theo đề nghị của UBND tỉnh, thành phố, trực thuộc trung ương, cụ thể:

Điều chỉnh phân vùng từ vùng II lên vùng I đối với thị xã Long Khánh thuộc tỉnh Đồng Nai; từ vùng III lên vùng II gồm: Huyện Thống Nhất thuộc tỉnh Đồng Nai, huyện Thủ Thừa thuộc tỉnh Long An và thành phố Tam Kỳ thuộc tỉnh Quảng Nam; từ vùng IV lên vùng III gồm: Huyện Phú Ninh thuộc tỉnh Quảng Nam, huyện Lộc Ninh và Phú Riềng thuộc tỉnh Bình Phước. Bên cạnh đó, điều chỉnh huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình từ vùng III xuống vùng IV.

Về thời điểm áp dụng, Bộ Lao động, thương binh và xã hội đề xuất quy định này được thực hiện từ ngày 1/1/2018.(Bizlive)
----------------------------

Chuyện đầu tư theo “tay to”, nhìn từ QCG

Diễn biến giá cổ phiếu QCG của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai cho thấy, khi nhà đầu tư mua bán cổ phiếu theo “tay to” (thường là cổ đông lớn, nhà đầu tư có tiềm lực, hoặc “đội lái”) với kỳ vọng lợi nhuận cao trong thời gian ngắn sẽ có rủi ro lớn.

Chuyện đầu tư theo “tay to”, nhìn từ QCG

Ảnh minh họa.

Trong những cổ đông của QCG có một nhà đầu tư khá nổi tiếng trên thị trường. Không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ mua cổ phiếu nào đó chỉ vì nhận được thông tin có nhà đầu tư này đầu tư, mà không quan tâm, hoặc không quan tâm đầy đủ đến phân tích định giá doanh nghiệp. Các quyết định đầu tư như vậy chủ yếu do tâm lý muốn thu được tỷ suất lợi nhuận cao trong thời gian ngắn.

Cổ phiếu QCG đã lập kỷ lục tăng giá gấp 3, từ dưới 5.000 đồng/cổ phiếu giữa tháng 3/2017 lên 15.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 5/2017. Diễn biến tăng giá trong giai đoạn này chưa có yếu tố "nhà đầu tư nổi tiếng”, mà chủ yếu là do có thông tin đồn đoán rằng, QCG sẽ bán dự án Phước Kiểng.

Cuối tháng 4, QCG công bố báo cáo tài chính quý I/2017, trong đó có thông tin về việc đối tác nước ngoài ứng trước vốn để QCG trả nợ cho BIDV. Theo thỏa thuận, khoản ứng trước vốn này sẽ được trừ vào khoản thanh toán mua Dự án Phước Kiểng của QCG trong tương lai, nếu hai bên đạt được thỏa thuận.

Khi đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị QCG cho biết, dự án Phước Kiểng đang dở dang về đền bù giải phóng mặt bằng, có nghĩa là dự án chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng.

ảnh 1

Giá cổ phiếu QCG có lúc đạt trên 29.000 đồng/cổ phiếu hiện đang ở mức 17.300 đồng/cổ phiếu

Tuy nhiên, trên sàn chứng khoán, đà tăng giá của cổ phiếu QCG vẫn tiếp tục, đạt gần 22.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 25/5. Sau đó, giá cổ phiếu này dao động quanh 21.000 đồng/cổ phiếu.

Ngày 12/6/2017, thông tin "nhà đầu tư nổi tiếng" và vợ mua thêm khoảng 350.000 cổ phiếu QCG, nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 5% được công bố (giao dịch được thực hiện ngày 9/6). Sau thông tin này, giá cổ phiếu QCG liên tục tăng mạnh, đạt trên 29.000 đồng/cổ phiếu.

Liên quan đến dự án Phước Kiểng, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2017 ngày 29/6, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị QCG cho biết, thông tin trên thị trường về việc QCG chuyển nhượng thành công Dự án Phước Kiểng là thất thiệt.

Giá cổ phiếu đang ở mức cao, cộng thêm thông tin trên, khiến cổ phiếu QCG quay đầu giảm mạnh, xuống ngưỡng 21.000 đồng/cổ phiếu. Những nhà đầu tư mua cổ phiếu này ở mức giá cao vì những thông tin mù mờ đã chịu mức thua lỗ đáng kể.

Cổ phiếu QCG càng giảm mạnh khi "nhà đầu tư nổi tiếng" và vợ công bố bán 300.000 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu tại QCG xuống dưới 5% (ngày 9/8), dù trước đó, Công ty công bố lãi lớn trong quý II. Khi không còn là nhóm cổ đông lớn, "nhà đầu tư nổi tiếng" và vợ (sở hữu gần 14 triệu cổ phiếu QCG) sẽ không phải công bố thông tin nếu quyết định tiếp tục bán ra. Hiện giá cổ phiếu QCG giảm còn hơn 16.000 đồng/cổ phiếu.

ảnh 2

Với nhà đầu tư lớn thì khả năng phân tích doanh nghiệp cùng các mối quan hệ được cho là đủ để có thông tin giúp giá vốn mua cổ phần dưới 5% vốn điều lệ của một doanh nghiệp nào đó ở mức thấp hơn nhiều mức giá mua vài trăm nghìn cổ phiếu nhằm tăng tỷ lệ sở hữu lên trên 5%.

Cho dù sau khi cổ đông lớn công bố thông tin bán, giá cổ phiếu giảm, nhưng mức giảm này thường là nhỏ so với tỷ lệ tăng giá lớn trước đó. Mức tăng giá cao này giúp nhà đầu tư lớn dần thoát hàng, sau khi giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5%, đạt tỷ suất lợi nhuận cao.

Trường hợp của QCG, những nhà đầu tư nhỏ lẻ mua theo tín hiệu của cổ đông lớn đã không thu được lợi nhuận lớn như trường hợp của KSB. Lý do là cổ phiếu KSB tăng giá nhờ thông tin về doanh thu, lợi nhuận rõ ràng, còn QCG chủ yếu dựa vào thông tin về chuyển nhượng dự án, mà ngay cả lãnh đạo doanh nghiệp cũng không dám nói chắc về tính khả thi.

Câu chuyện của QCG cho thấy, thông tin từ cổ đông lớn chỉ là thông tin tham khảo trong quyết định mua cổ phiếu của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đầu tư thụ động vào cổ phiếu nào đó với niềm tin vào cổ đông dẫn dắt, hoặc “đội lái”, có thể thu được nhiều lợi nhuận, nhưng cũng có thể thua lỗ lớn. Nhà đầu tư lớn có khả năng dẫn dắt, lôi kéo nhà đầu tư nhỏ lẻ ít khi rơi vào tình trạng thua lỗ, bởi giá vốn trong mỗi thương vụ đầu tư thường ở mức thấp.(ĐTCK)
-----------------------------------

Chuyển nhượng 65% cổ phần 'Thung lũng silicon' Đà Nẵng

Hiện Công ty cổ phần Trung Nam và các nhà đầu tư mới đã thanh toán gần 60 tỷ đồng cho Cục Thuế TP Đà Nẵng sau nhiều năm chủ đầu tư cũ nợ dai dẳng.

Ngày 23-8, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Miên đã có văn bản xác nhận và đề nghị các sở ngành giám sát việc thực hiện bản cam kết đẩy nhanh đầu tư xây dựng dự án Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng (DITP) từ Công ty cổ phần Trung Nam.

Công ty cổ phần Trung Nam đã có cam kết đẩy nhanh tiến độ thực hiện giai đoạn 1 dự án để thu hút các nhà đầu tư tham dự APEC 2017 đầu tư vào TP Đà Nẵng. Theo kế hoạch, đến cuối tháng 6-2018 sẽ hoàn thành hạng mục san nền và cuối năm 2018 đưa dự án vào hoạt động.

Trước đó, dự án được khởi công vào năm 2013. Sau nhiều năm chậm tiến độ do gặp khó khăn về tài chính, dự án của Tập đoàn Rocky Lai & Associates - Đà Nẵng và các nhà đầu tư tại Mỹ đã đứng trước nguy cơ bị thu hồi.

Chuyển nhượng 65% cổ phần 'Thung lũng silicon' Đà Nẵng  - ảnh 1
Đẩy nhanh hoàn thành hạ tầng giai đoạn 1 Thung lũng silicon Đà Nẵng để đón cơ hội từ APEC. Ảnh: HOÀI AN. 

Sau đó, vào tháng 6-2017, Công ty cổ phần Trung Nam đã chính thức nhận chuyển nhượng 65% cổ phần từ Tập đoàn Rocky Lai & Associates - Đà Nẵng và các nhà đầu tư tại Mỹ tại dự án "thung lũng silicon" này.

Hiện Công ty cổ phần Trung Nam và các nhà đầu tư mới đã thanh toán gần 60 tỷ đồng cho Cục Thuế TP Đà Nẵng sau nhiều năm chủ đầu tư cũ nợ dai dẳng.

Dự án được mệnh danh là “thung lũng silicon” này xây dựng trên diện tích đất 341 ha tại địa bàn xã Hòa Liên, xã Hòa Ninh, xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) với tổng vốn đầu tư 278 triệu USD.

Dự án được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 có diện tích 131ha, xây dựng trong 5 năm 2013-2017 với vốn đầu tư 82 triệu USD; giai đoạn 2 có diện tích 210ha, xây dựng trong 6 năm 2017-2023 với vốn đầu tư 196 triệu USD.

Ông Bùi Xuân Định (Phó tổng giám đốc DITP) cho hay, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ thông tin sẽ xu hướng của tương lai. Do đó, Đà Nẵng đã định hướng phát triển những ngành này về phía Tây Bắc Đà Nẵng gồm: quy hoạch 7 vùng nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ thông tin, khu công nghệ cao…

"Chúng tôi tin tưởng rằng với chiến lược phát triển bền vững này cùng với hội nghị cấp cao APEC được tổ chức tại Đà Nẵng sẽ là cơ hội tốt để TP quảng bá, kêu gọi đầu tư nước ngoài”, ông Định nói.

Tham vọng của TP Đà Nẵng trong việc thực hiện dự án này là trở thành một cộng đồng CNTT theo mô hình của Thung lũng Silicon tại Hoa Kỳ hay Khu công nghệ cao Hsinchu tại Đài Loan.

Khu này sẽ hình thành môi trường sống, môi trường làm việc lý tưởng và khả năng tuyển dụng 25.000 lao động trong 10 năm tới, góp phần xây dựng nên một đô thị vệ tinh ở vùng Tây Bắc Đà Nẵng với khoảng 100.000 cư dân sinh sống.(PLO)
---------------------------

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục