tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 14-08-2017

  • Cập nhật : 14/08/2017

Alibaba bước chân vào thị trường nhà cho thuê

Người khổng lồ về công nghệ của Trung Quốc, Alibaba vừa ký thoả thuận với chính quyền thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang nhằm phát triển một hệ thống trực tuyến phục vụ các giao dịch trên thị trường nhà cho thuê.

 

tru so cua alibaba tai hang chau, tinh chiet giang. anh: reuters

Trụ sở của Alibaba tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Ảnh: Reuters

 

Hệ thống nhà cho thuê thông minh sẽ chứa đựng thông tin về các căn hộ cho thuê từ tất cả các nguồn khác nhau như chính quyền, cá nhân, các công ty phát triển và đại lý bất động sản. Những người tìm nhà để thuê ở thành phố Hàng Châu sẽ có thể sử dụng ứng dụng và website do Alibaba phát triển để tìm kiếm căn hộ, ký hợp đồng và thanh toán. Những thông tin về căn hộ, đánh giá của người sử dụng, và xếp hạng tín nhiệm đối với chủ sở hữu, cá nhân/đơn vị cho thuê và đại lý cũng sẽ được chia sẻ trên toàn bộ hệ thống. 

Hệ thống mới, được hỗ trợ bởi các công nghệ dữ liệu lớn, thanh toán trực tuyến và hệ thống tín dụng thương mại của Alibaba, sẽ có khả năng “miễn dịch” với các hợp đồng giả mạo. Trên thực tế, phần lớn thị trường nhà cho thuê tại các thành phố lớn ở Trung Quốc đều nằm trong tay các đại lý bất động sản, bên cạnh đó, tình trạng lừa đảo và tranh chấp trên thị trường này là hết sức phổ biến. 

Mặc dù một số công ty bất động sản lớn tại Trung Quốc cũng đã phát triển một số ứng dụng cho thuê nhà song không chia sẻ với các đối thủ, và thực tế này khiến những người tìm kiếm căn hộ cho thuê thường phải thực hiện lặp đi lặp lại việc so sánh thông tin từ các ứng dụng khác nhau. Ngoài ra, các công ty này cũng không có được một hệ thống tín dụng hoàn thiện tương tự Zhima Credit của Ant Financial, chi nhánh tài chính của Alibaba. 

Chính phủ Trung Quốc hiện ưu tiên phát triển thị trường nhà cho thuê để ngăn chặn tình trạng giá nhà tăng cao tại các thành phố lớn. Hàng Châu là một trong 12 thành phố được chính quyền trung ương lựa chọn để thí điểm cải cách nhằm thúc đẩy thị trường nhà cho thuê. (TTXVN)
----------------------------

Việt Nam sắp đón làn sóng đầu tư mới vào hạ tầng giao thông

Bộ Giao thông Vận tải đã xác định nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 952,7 nghìn tỷ. Tuy nhiên, theo thông báo dự kiến kế hoạch vốn giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Giao thông Vận tải mới được bố trí được 209,1 nghìn tỷ đồng.
 

Cấp bách xây dựng hàng loạt dự án giao thông 

Chiến lược phát triển ngành giao thông vận tải Việt Nam xác định, từ nay đến năm 2020, cả nước có trên 2.000 km đường cao tốc.

Theo đó, ngành giao thông vận tải sẽ tập trung hoàn thành các tuyến cao tốc đang thi công trên trục Bắc - Nam (Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, La Sơn - Túy Loan); khởi công mới các đoạn Nghi Sơn - Vũng Áng, Hà Tĩnh - Quảng Bình, Quảng Ngãi - Quy Nhơn, Nha Trang - Phan Thiết, Dầu Giây - Phan Thiết, Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ và tiếp tục đầu tư các tuyến cao tốc quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế lớn, kết nối với các cảng biển, cửa khẩu.

Đối với đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung nâng cấp đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên tuyến Bắc - Nam để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80 - 90 km/h đối với tàu khách và 50 - 60 km/h đối với tàu hàng và các tuyến Yên Viên - Lào Cai, Gia Lâm - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn.

Nghiên cứu phương án xây dựng mới đường sắt đôi tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, giai đoạn đầu khai thác với tốc độ 160 - 200 km/h. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, như đoạn Hà Nội - Vinh, Tp.HCM - Nha Trang, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Trong lĩnh vực hàng không, ngành giao thông vận tải tập trung hiện đại, nâng cấp các cảng hàng không quốc tế, trong đó phân bổ nguồn lực đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đầu tư xây dựng đường sắt đô thị cũng đang rất cấp thiết khi mà ùn tắc giao thông đã trở thành vấn nạn nhiều năm nay tại Hà Nội và Tp.HCM.

Cụ thể, tại Hà Nội, theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, thành phố sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài là 417,8 km. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,056 tỷ USD, trong đó nhu cầu vốn đầu tư riêng giai đoạn từ 2017 - 2020 là 7,55 tỷ USD.

Còn tại Tp.HCM, theo kế hoạch của UBND Thành phố, từ nay đến năm 2020, Thành phố cần khoảng hơn 52.600 tỷ đồng làm nhiều dự án cấp thiết như: giải quyết ùn tắc ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cải tạo đường Cộng Hòa, cải tạo mở rộng đường Hoàng Minh Giám, Hoàng Hoa Thám; xây dựng thay thế các cầu yếu như: Nam Lý, Rạch Chiếc trên đường Vành đai Đông, cầu Thăng Long...

Cơ hội đón làn sóng đầu tư mới 

Sau hai làn sóng đầu tư trước đó gồm trước năm 2012 và từ năm 2013 đến năm 2015, đến nay, các nhà đầu tư tư nhân cũng như các tổ chức tín dụng trong nước đều đã tới giới hạn năng lực đầu tư, trong khi nhu cầu vốn đầu tư cho các hạ tầng giai đoạn 2016 - 2020 là rất lớn.

Bộ Giao thông Vận tải đã xác định nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 952,7 nghìn tỷ. Tuy nhiên, theo số thông báo dự kiến kế hoạch vốn giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Giao thông Vận tải mới được bố trí 209,1 nghìn tỷ đồng.

Vì thế, ưu tiên và xây dựng cơ chế kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) là điều cần thiết và cấp bách để phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam.

“Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào các dự án giao thông của Việt Nam theo hình thức PPP hoặc nhận thầu thi công công trình”, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông nói.

Mới đây, Công ty Hữu hạn Cổ phần Tập đoàn Cát Châu Bá, Trung Quốc (CGGC) đã bày tỏ mong muốn được hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải. CGGC mong muốn được tham gia đầu tư hoặc thầu các dự án về đường cao tốc, đường sắt trên cao và tàu điện ngầm tại Việt Nam.

Thứ trưởng Đông đề nghị CGGC làm việc trực tiếp với các cơ quan liên quan của Bộ Giao thông Vận tải để được cung cấp thông tin về các dự án, trên cơ sở đó nghiên cứu, lựa chọn đề xuất các dự án mong muốn tham gia. Bộ Giao thông Vận tải sẽ xem xét và trao đổi cụ thể.

Riêng tại Hà Nội, trong 7 nhà đầu tư hiện đang muốn xây dựng các đường sắt đô thị thì có đến 2 nhà đầu tư nước ngoài là Mosmetrotroy (Nga) và liên danh Licogi - MIK, Lotte (Hàn Quốc); các nhà đầu tư trong nước gồm Vingroup, Xuân Thành, Tân Hoàng Minh…

Trong buổi hội đàm song phương diễn ra đầu tuần này giữa Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam Trương Quang Nghĩa và Bộ trưởng Bộ Đất đai cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản (MLIT) Keiichi Ishii, Bộ trưởng Nghĩa mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm, đầu tư vào các dự án giao thông của Việt Nam.

Đồng thời đề nghị phía Nhật Bản ưu tiên hỗ trợ hai tuyến Hà Nội - Vinh, Sài Gòn - Nha Trang thuộc dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tiếp tục nối lại hỗ trợ và thúc đẩy dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi), tuyến số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), đường sắt đô thị số 1 Tp.HCM (tuyến Bến Thành - Suối Tiên)…

Lãnh đạo Bộ Đất đai cơ sở hạ tầng Nhật Bản cho hay, sẽ thông tin tới các doanh nghiệp Nhật Bản về chủ trương đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức PPP của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo vị này, để thu hút các nhà đầu tư tư nhân theo hình thức này cần có các điều kiện, xây dựng được cơ chế, trong đó có điều kiện Nhà nước bảo lãnh đối với các rủi ro của doanh nghiệp.(Vneconomy)
--------------------

Goldman Sachs nói gì với khách hàng về Bitcoin?

Tập đoàn Goldman Sachs thừa nhận rằng hiện nay các tổ chức đầu tư khó có thể xem nhẹ thị trường tiền ảo. Tổng giá trị vốn hóa của thị trường này đã phình to lên mức 120 tỉ USD, trong đó, giá bitcoin đã tăng trên 200% trong năm nay.

"Dù bạn có tin rằng đầu tư vào tiền ảo là xứng đáng hay không, những đồng USD rất thật đang chảy vào thị trường này và không thể phủ nhận đây là điều đáng để lưu tâm theo dõi", các chuyên gia phân tích trong đó có Robert Boroujerdi và Jessica Binder Graham của Goldman Sachs viết trong báo cáo gửi khách hàng.

Tâm điểm tranh luận hiện nay không còn là tính hợp pháp của tiền ảo, mà đã chuyển sang tốc độ gọi vốn rất nhanh của những tân binh trong thị trường này. Số vốn huy động được thông qua các vụ gây quỹ và ICO (giống như IPO nhưng không phải phát hành cổ phiếu mà là mã token) thậm chí còn lớn hơn cả số tiền huy động được từ các vòng gọi vốn hạt giống của các startup trên Internet.

 Tổng giá trị vốn hóa của các đồng tiền ảo đã lên tới 120 tỷ USD, trong đó Bitcoin chiếm một nửa. Nguồn: Bloomberg.

Tổng giá trị vốn hóa của các đồng tiền ảo đã lên tới 120 tỷ USD, trong đó Bitcoin chiếm một nửa. Nguồn: Bloomberg.

Dưới đây, các chuyên gia của Goldman Sachs giải đáp một số câu hỏi liên quan tới thị trường tiền ảo.

Làm thế nào để giao dịch tiền ảo tại Mỹ?

Những sản phẩm đặc trưng của 1 thị trường tài chính như các sàn giao dịch số, giao dịch theo lô và hợp đồng quyền chọn sẽ sớm được ra mắt. Mặc dù hiện nay các nhà đầu tư cá nhân có thể giao dịch tiền ảo trên nhiều sàn giao dịch trực tuyến, các nhà đầu tư định chế hầu hết lại đứng ngoài “cuộc chơi” này bởi thị trường có quy mô quá nhỏ và dễ biến động.

Tuy nhiên, các giao dịch theo lô sẽ tạo điều kiện để thực hiện những giao dịch có quy mô lớn hơn. Thêm vào đó, vẫn có hợp đồng quyền chọn Bitcoin được giao dịch trên các sàn giao dịch nước ngoài và có thể sẽ được giao dịch tại Mỹ vào cuối năm nay.

Tiền ảo là tiền tệ hay hàng hoá?

Tiền xu (coin) được công nhận là một loại tiền tệ bởi chúng được xem như một phương tiện trao đổi, nhưng đồng thời cũng là một hàng hoá bởi tiền xu là một nguồn lực có hạn. Việc phân loại tiền ảo là tiền tệ hay hàng hoá tuỳ thuộc vào từng quốc gia, chính phủ và thậm chí là cả phương thức ứng dụng.

Tại Mỹ, Sở Thuế Vụ (IRS) quy định tiền ảo không phải tiền tệ chính thức tại bất cứ khu vực pháp lý nào. Về phương diện thuế, IRS xem tiền ảo là một loại tài sản.

Ethereum là gì?

Trước tiên, đó là một nền tảng; và thứ hai, đó cũng là một loại tiền ảo. Khác với bitcoin – được thiết kế để thay thế cho “tiền thực”, Ethereum là một nền tảng được thiết lập nhằm vận hành các ứng dụng phi tập trung và tự động thực hiện các “giao dịch thông minh” khi một số điều kiện nhất định được thoả mãn.

Ethereum cung cấp tiền ảo ether, nhưng ether chỉ là một phần nhỏ trong hệ thống thực hiện giao dịch thông minh của Ethereum. Ban đầu, ether được sử dụng chủ yếu để khích lệ và là phần thưởng cho người sử dụng mạng lưới.

Tuy nhiên, ethereum cũng gặp phải một số khó khăn trên chặng đường phát triển, tiêu biểu là vụ hack 60 triệu USD của một tổ chức giống với các quỹ đầu tư mạo hiểm – “The DAO”.

ICO (Initial Coin Offering) là gì?

ICO là một hình thức gây vốn thông qua giao bán các mã khóa (token key). Lượng tiền thu được từ ICO đã tăng theo cấp số nhân trong thời gian gần đây. Tuy nhiên việc gọi vốn dễ dàng mà không có đầy đủ cơ sở pháp lý ngoài thứ giấy phép gọi là "white paper" đã khiến nhiều cơ quan, bao gồm Uỷ ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc lên tiếng cảnh báo về hoạt động ICO. Theo Coin Schedule, ICO đã thu hút 1,25 tỉ USD từ đầu năm đến nay.

Dù đã giải đáp nhiều vấn đề lớn, nhưng các chiến lược gia của Goldman đã “bỏ quên” một điều quan trọng, đó là liệu các tổ chức đầu tư có nên mua tiền ảo hay không.(CafeF)
------------------------------

Quyết tâm đẩy tiến độ giải ngân vốn ODA

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải đẩy mạnh giải ngân vốn ODA trong thời gian tới để bảo đảm giải ngân được hết số vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết theo tiến độ cả giai đoạn 2017 - 2020, đặc biệt là năm 2017.

“Bắt bệnh” giải ngân chậm 

Theo các chuyên gia kinh tế, nguồn vốn ODA là nguồn vốn tốt cho bất kỳ quốc gia nào bởi được vay ưu đãi với lãi suất thấp trong thời gian dài. Thời gian qua, việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội nước ta phát triển. 

Tuy nhiên, có một thực tế diễn ra nhiều năm lại đây chứ không chỉ trong những tháng đầu năm nay là dòng vốn ODA và những dòng vốn từ nước ngoài tài trợ cho những dự án được giải ngân chậm.  

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 6/2017, có 810 chương trình, dự án đang triển khai với số vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn lại chưa giải ngân khoảng 21,167 tỷ USD. Số vốn này sẽ giải ngân theo tiến độ hiệp định từ nay đến hết năm 2026, tuy nhiên, sẽ tập trung khối lượng lớn vào giai đoạn 2017 - 2020 là 17,485 tỷ USD.

nha ga la khe-du an duong sat cat linh-ha dong. anh: huy hung – ttxvn

Nhà ga La Khê-Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

 

Để bảo đảm giải ngân số vốn còn lại đã ký kết, trong giai đoạn này trung bình mỗi năm cần giải ngân được 4,37 tỷ USD. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, mới giải ngân được 1,5 tỷ USD, bằng 32,6% số vốn dự kiến giải ngân cả năm (khoảng 4,6 tỷ USD).  

Nguyên nhân của tình trạng này cũng đã được chỉ ra là do những vướng mắc về năng lực nhà thầu, giải phóng mặt bằng, chỉ đạo điều hành, dự toán nhà thầu, thủ tục đầu tư xây dựng... 

Theo chuyên gia TS. Nguyễn Trí Hiếu, thực tế để giải ngân các dự án bằng nguồn vốn ODA không dễ dàng. Có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan nhưng có hai yếu tố làm chậm tiến độ giải ngân vốn ODA là vốn đối ứng và tiến độ thực hiện dự án. “Bất cứ chương trình vốn ODA hay vốn vay ưu đãi nào cũng cần vốn đối ứng và mình phải thu xếp được. Dự án thực hiện theo phương án, tiến độ công trình; việc thực hiện dự án không theo phương án, tiến độ thì cũng sẽ không giải ngân được”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói. 

Còn theo chuyên gia TS. Bùi Quang Tín, việc lựa chọn đúng nhà thầu là nguyên nhân mấu chốt đầu tiên để có thể giải bài toán “chậm giải ngân vốn ODA”. Sau đó, phải có thanh tra, giám sát, rồi xử phạt, thậm chí là phải truy tới cùng trách nhiệm của bên nào nếu làm sai quy trình đấu thầu và phải làm nghiêm minh hơn nữa. Những dự án ODA nào không hiệu quả, giải ngân chậm thì phải cắt ngay để chuyển cho dự án khác. “Nếu cần, có thể thuê một cơ quan thẩm định độc lập của nước ngoài vào đánh giá nhà thầu đó có chất lượng không”, TS Bùi Quang Tín đề xuất. 

Quy trình kiểm tra, thanh tra, giám sát các dự án đầu tư sử dụng vốn ODA, theo TS Bùi Quang Tín nên theo cách làm của nước ngoài, tức là thanh tra giám sát theo hình thức rủi ro. Hiện “Việt Nam có hai hình thức thanh tra là thanh tra thường xuyên (theo tháng, quý) và thanh tra định kỳ nhưng cũng vẫn dễ phát sinh tiêu cực. Ở nước ngoài hay áp dụng là thanh tra khi đánh giá có rủi ro và không báo trước cho doanh nghiệp. Điều này không chỉ phụ thuộc vào cơ quan thanh tra, giám sát mà phải phối hợp với cơ quan thẩm định triển khai dự án”, TS. Bùi Quang Tín khẳng định. 

Rà soát lại từng dự án 

Trong cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi mới đây (ngày 1/8/2017), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong năm 2017, với những dự án chưa giải ngân được, chưa làm thủ tục thì phải điều chuyển vốn để làm sao giải ngân hết số vốn kế hoạch đã thông qua. 

Từng chủ dự án phải xem lại năng lực, trách nhiệm, phải tự rút lui khi thấy khả năng không thể triển khai được dự án hoặc tìm được nguồn khác mà không cần đến vốn vay ODA. Bên cạnh đó cần nâng cao tính cạnh tranh trong việc lựa chọn nhà thầu tránh để tình trạng chỉ định nhà thầu không đủ năng lực như trường hợp dự án đường sắt tuyến Cát Linh - Hà Đông hay nhà thầu dự án nước Hưng Yên.  

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ ngành để đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn ODA. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xem lại từng dự án, ưu tiên các dự án hoàn thành trong năm 2017.

Bộ Tài chính rà soát quy trình, thủ tục thanh toán, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin kết nối hệ thống dữ liệu giữa các đơn vị liên quan trong Bộ Tài chính để rút gọn, đơn giản quy trình, thủ tục và tạo thuận lợi cho việc kiểm soát và chi vốn. 

Bộ Giao thông và Vận tải phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan các dự án có tính chất kỹ thuật phức tạp, đặc thù như dự án đường sắt đô thị... 

Hai ngày sau phiên họp này, Chính phủ cũng đã ra Nghị quyết số 70/NQ - CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công (ngày 3/8/2017). Nghị quyết nêu rõ: các bộ, ngành, địa phương rà soát tình hình và tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. 

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương chủ động có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu..., đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án. Lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực (kỹ thuật và tài chính), kinh nghiệm để triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, hàng hóa, dịch vụ. Tăng cường đấu thầu qua mạng theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

Bên cạnh việc giải ngân, sử dụng làm sao cho hiệu quả nguồn vốn ODA thì việc việc định hướng thu hút ODA như Thủ tướng Chính phủ đã nêu tại cuộc họp với các bộ ngành vừa qua là cái gì bức xúc, đặc biệt là công trình hạ tầng chúng ta chưa có khả năng vốn thì chúng ta kêu gọi. Cái gì làm được, dân ta làm được thì phải làm. Cần phải đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực trong dân. 

Đồng tình cao với chỉ đạo của Thủ tướng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, lãi suất vay ODA không thuận lợi như trước mà nay đã cao hơn. Dòng vốn này cũng dần dần khép lại chứ không như trước kia khi ở trong nhóm các nước thu nhập dưới trung bình. 

“Nếu chúng ta có thể tự lực cánh sinh bằng nguồn vốn trong nước mà không phải vay vốn ODA là rất tốt. Đừng mang tư duy là dành nguồn vốn nội cho những dự án trong tương lai còn mình vay được gì thì cứ đi vay. Đó là tư duy hết sức nguy hiểm vì sẽ đẩy nợ công lên cao. Trước đây, Chính phủ đã có chương trình rà soát lại tất cả các dự án để xem những dự án nào gây lãng phí, không hiệu quả thì rút lại thì nay cần tiếp tục rà soát”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết. 

TS. Bùi Quang Tín cũng cho rằng, việc ưu tiên xã hội hóa nguồn vốn trong nước là phù hợp. “Tất nhiên xã hội hóa nguồn vốn trong nước thì không có nghĩa chỉ dùng nguồn vốn trong nước mà có thể kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài. Lúc đó mình chỉ coi lại quy trình quản lý dự án đó như thế nào cho hiệu quả. Khi triển khai các dự án như vậy sẽ giảm gánh nặng về nợ công”, TS. Bùi Quang Tín khẳng định.(TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục