tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 15-08-2017

  • Cập nhật : 15/08/2017

Châu Á quyết truy thu thuế, không sợ mất đầu tư

Một số nước châu Á đang tỏ ra cứng rắn trong việc truy thu thuế những tập đoàn nước ngoài bất chấp nguy cơ mất đầu tư.

thai lan da tinh toi chuyen thu thue cua uber va cac quang cao, giao dich truc tuyen tai nuoc nay - anh: reuters

Thái Lan đã tính tới chuyện thu thuế của Uber và các quảng cáo, giao dịch trực tuyến tại nước này - Ảnh: REUTERS

Lợi nhuận của các tập đoàn xuyên quốc gia tại châu Á - Thái Bình Dương là khổng lồ nhưng thường không đi kèm với khoản đóng thuế tương xứng. 

Trong lúc các nước phương tây chao đảo sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, châu Á - Thái Bình Dương nổi lên như một thị trường thay thế.

Tầng lớp giàu có mới nổi tại châu Á đã đóng góp phần đáng kể trong sự tăng trưởng của các tập đoàn toàn cầu. Lợi nhuận của các tập đoàn xuyên quốc gia như Facebook, Google của Alphabet, Uber tại khu vực đã ở mức từ 1,5 đến 3,7 tỉ USD chỉ trong hai quý đầu 2017.

Nhưng rốt cuộc, “các tập đoàn này lại chuyển những khoản lợi nhuận quốc tế của mình sang cất giấu tại những thiên đường thuế như Ireland, Quần đảo Cayman hay Hà Lan”, báo South China Morning Post (SCMP) viết.

Bài học từ châu Âu

Lịch sử hoạt động của các tập đoàn xuyên quốc gia luôn đi kèm với một hệ thống thuế phức tạp, mỗi nơi mỗi khác. Tuy nhiên, các cuộc chiến pháp lý liên quan tới truy thu thuế gần đây giữa các tập đoàn toàn cầu và một số nước châu Âu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tại châu Á.

Việc những tập đoàn này, đa phần đến từ Mỹ, tìm mọi cách để tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu tiền đóng thuế đã khiến công luận tại nhiều nước nổi giận.

Đơn cử như chuyện Ủy ban châu Âu (EC) hồi năm ngoái đã ra phán quyết buộc Ireland phải truy thu thuế bằng được số tiền 13 tỉ euro từ Apple.

EC cho rằng chính quyền Dublin đã tạo ra quá nhiều ưu đãi về thuế cho gã khổng lồ công nghệ đến từ Mỹ. Ireland, tất nhiên, sau đó đã kháng cáo để tiếp tục được Apple xem như một thiên đường thuế.

Gần đây hơn, Google đã đồng ý trả 436 triệu euro để giải quyết các vụ kiện liên quan tới thuế tại Ý và Anh, theo báo SCMP.

Phán quyết của EC với Ireland và Apple hồi năm ngoái được tung hô là bước đi nhằm tạo ra môi trường công bằng giữa các doanh nghiệp địa phương, vốn làm ăn theo luật của Liên minh châu Âu (EU), với các tập đoàn toàn cầu hoạt động tại châu lục này.

Giới chuyên môn cho rằng nền kinh tế ảm đạm tại châu Âu đã đẩy chính quyền một số nước tới việc quyết liệt với chuyện truy thu thuế.

Thước đo minh bạch

Các tiêu chuẩn toàn cầu mới về minh bạch môi trường đầu tư và chính sách thuế đã lan sang châu Á. Hơn 10 nước đã cam kết sẽ thực hiện Cơ chế trao đổi thông tin tự động của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhằm thúc đẩy việc minh bạch hóa thuế, chống lại nạn trốn thuế xuyên biên giới.

Sáng kiến này đã bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2 năm nay. Từ đầu năm tới, dữ liệu của người đóng thuế tại các nước Indonesia, Trung Quốc, Singapore và đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) sẽ được trao đổi qua các báo cáo song phương.

“Ngoài các khuyến nghị của OECD, các chính phủ châu Á cũng đã bắt đầu áp dụng các biện pháp đơn phương vốn đang cho thấy nó có tác động tích cực tới hành vi của các tập đoàn toàn cầu và tăng nguồn thu thuế quốc gia”, Phó giáo sư Antony Ting - chuyên gia về luật kinh doanh tại Đại học Sydney, nói với báo SCMP.

Tại Thái Lan, các nhà làm luật cũng đang dự định áp dụng mức thuế 15% đối với mỗi giao dịch, quảng cáo trực tuyến trên các nền tảng như Facebook, Google, Line, Uber và Grab.

Trong khi đó, ở Indonesia, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati khẳng định sẽ soi kỹ các tập đoàn toàn cầu hoạt động tại nước này. Điều đó cũng đồng nghĩa khả năng sẽ có thêm nhiều vụ truy thu thuế ở quốc gia này.

Bà Indrawati cho rằng tiền thuế mà Google, Yahoo, Twitter và nhiều công ty xuyên quốc gia đóng cho Indonesia so với số tiền kiếm được là không phù hợp, như hạt muối trong biển.

Đạo luật chống trốn thuế của Úc cũng quy định các tập đoàn nước ngoài hoạt động tại Úc có lợi nhuận trên 1 tỉ USD và các doanh nghiệp địa phương có lợi nhuận trên 25 triệu USD sẽ bị đánh thuế 40% trên tất cả lợi nhuận.

Khác với châu Âu, việc các nước châu Á siết chặt chính sách thuế, chống trốn thuế được cho là bước đi nhằm khẳng định sự minh bạch hơn là vì nguồn thu từ thuế. Nói như một nhà bình luận, anh có thể mất một vài khoản đầu tư nhưng sẽ được ở chuyện hình ảnh, chỉ số minh bạch của anh tăng lên. Các tập đoàn xuyên quốc gia sẽ không dám "cà rỡn" khi làm ăn nếu chính quyền nghiêm từ đầu.(Tuoitre)
--------------------------

Trung Quốc chơi trò tận dụng nhân công Triều Tiên

Các công ty dệt may Trung Quốc ngày càng tăng cường sử dụng nhà máy ở Triều Tiên để tận dụng giá nhân công rẻ, theo một phóng sự điều tra của hãng tin Reuters.

cong nhan trieu tien gia cong giay the thao trong mot nha may tam bo o tinh lieu ninh, trung quoc - anh: reuters

Công nhân Triều Tiên gia công giày thể thao trong một nhà máy tạm bợ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Theo Reuters, thông tin trên đo các thương nhân làm ăn ở thành phố Đan Đông, thuộc khu vực biên giới Trung - Triều, tiết lộ. Quần áo sản xuất ở Triều Tiên sau đó được gắn mác… “Made in China” để xuất đi khắp thế giới.

Còn cho phép thì còn làm

Thật ra, việc doanh nghiệp Trung Quốc tranh thủ nhân công giá rẻ của Triều Tiên để sản xuất quần áo cho thấy khả năng khôn khéo của giới làm ăn.

Lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên không bao gồm hoạt động xuất khẩu các sản phẩm dệt may, ít nhất là trước mắt.

“Chúng tôi nhận đơn hàng từ khắp nơi trên thế giới” - một thương nhân người Trung Quốc gốc Triều Tiên ở Đan Đông tiết lộ với Reuters.

Theo ông, ở thành phố này đang hoạt động hàng chục công ty trung gian kết nối giữa các nhà cung cấp quần áo Trung Quốc và khách hàng từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Nga.

“Chúng tôi sẽ hỏi nhà cung cấp Trung Quốc rằng họ có muốn công khai thông tin với khách hàng không. Đôi khi người mua không nhận ra quần áo đó được may ở Triều Tiên. Vấn đề này cực kỳ tế nhị” - vị thương gia giải thích cách làm việc của mình.

Dệt may là ngành xuất khẩu lớn thứ hai của Triều Tiên sau than và khoáng sản, đạt 752 triệu USD năm 2016, theo dữ liệu của Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA).

Tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng của Triều Tiên năm 2016 tăng 4,6%, đạt 2,82 tỉ USD. Lệnh cấm vận mới nhất của Liên Hiệp Quốc đã chặn hoàn toàn hoạt động xuất khẩu than của Bình Nhưỡng.

Hoạt động náo nhiệt

Nhãn hàng thể thao Rip Curl của Úc năm ngoái đã phải công khai xin lỗi sau khi một số sản phẩm trượt tuyết của họ bị phát hiện sản xuất ở Triều Tiên, dù trên mác ghi là “Made in China”. Rip Curl đổ lỗi cho nhà cung cấp vì vụ lùm xùm này.

Tuy nhiên, các thương nhân và công ty môi giới ở Đan Đông tiết lộ đây là việc làm phổ biến. Các nhà sản xuất có thể tiết kiệm đến 75% chi phí bằng cách gia công quần áo ở Triều Tiên.

Một số nhà máy Triều Tiên đặt ở thành phố Siniuju, nhìn thẳng qua biên giới là Đan Đông, trong khi số khác nằm ở ngoại ô Bình Nhưỡng. Quần áo sau gia công được vận chuyển thẳng đến các cảng ở Trung Quốc và từ đó đi khắp thế giới.

Trung Quốc chơi trò tận dụng nhân công Triều Tiên Nữ nhân viên người Triều Tiên làm vệ sinh cho nhà hàng Triều Tiên tại Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc.Các nhà hàng Triều Tiên với các cô gái hát hay đàn giỏi và biết phục vụ món ăn cũng là nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho chính quyền Bình Nhưỡng - Ảnh: REUTERSc

Triều Tiên có khoảng 15 công ty dệt may lớn và hàng chục công ty nhỏ, mỗi công ty vận hành một số nhà máy trên khắp cả nước, theo hãng tư vấn GPI Consultancy của Hà Lan chuyên môi giới làm ăn với Triều Tiên.

Tất cả các nhà máy ở Triều Tiên đều thuộc sở hữu nhà nước, và riêng ngành dệt may đang hoạt động náo nhiệt hơn bao giờ hết.

“Tôi cố đặt gia công một số quần áo ở Triều Tiên nhưng các nhà máy hiện đã kín lịch. Công nhân Triều Tiên có thể làm ra nhiều hơn 30% sản phẩm so với công nhân Trung Quốc” - một nữ thương gia Trung Quốc ở thành phố Đại Liên tiết lộ với hãng tin Reuters.

“Họ không giống với các công nhân Trung Quốc, vốn chỉ làm vì tiền. Dân Triều Tiên có thái độ khác hẳn. Họ tin rằng họ làm việc vì quốc gia, vì nhà lãnh đạo” - vị thương gia so sánh.

Lương công nhân tăng cao ở Trung Quốc là lý do chính khiến các công ty dệt may nước này tăng dời nhà máy sang các nước như Bangladesh, Việt Nam và Campuchia. Tăng cường sử dụng các nhà máy Triều Tiên cũng nằm trong chiến lược đó.(Tuoitre)
--------------------------

Chính phủ Mỹ đang bí mật tăng cường kiểm soát tiền ảo?

chinh phu my da ban hanh mot luat moi yeu cau chinh phu cac nuoc khac theo doi ky hon tinh hinh luu thong tien ao.nguon anh: coindesk

Chính phủ Mỹ đã ban hành một luật mới yêu cầu chính phủ các nước khác theo dõi kỹ hơn tình hình lưu thông tiền ảo.Nguồn ảnh: CoinDesk

Trong khi mọi người đều bị phân tâm bởi những tuyên bố của ông Trump về các biện pháp trừng phạt với CHDCND Triều Tiên, ít ai chú ý rằng Chính phủ Mỹ đã ban hành một luật mới yêu cầu các chính phủ nước ngoài theo dõi tình hình lưu thông tiền ảo nhằm ngăn chặn "các xu hướng tài chính bất hợp pháp".

Theo như báo cáo của Coinivore, luật mới này yêu cầu các chính phủ nước ngoài phát triển một "chiến lược an ninh quốc gia" để chống lại "tài trợ khủng bố và các hình thức tài chính bất hợp pháp có liên quan".

Các chính phủ sẽ được yêu cầu theo dõi sát sao hơn "dữ liệu về các xu hướng tài chính bất hợp pháp, bao gồm cả các hình thức chuyển đổi giá trị đang phát triển như tiền ảo".

Theo luật này, dự thảo chiến lược ban đầu ​​sẽ được đệ trình trước Quốc hội trong năm tới, và tiếp thu các ý kiến đóng góp từ các cơ quan quản lý tài chính, Bộ An ninh Nội địa và Bộ Ngoại giao Mỹ.

Coindesk thì báo cáo rằng: "Dự luật mới phản ánh những đề xuất hồi tháng 5 trong một dự luật của Bộ An ninh Nội địa". Các đề xuất này kêu gọi nghiên cứu về khả năng các nhóm khủng bố chuyển sang sử dụng tiền ảo.

Giống như dự luật của DHS, luật về trừng phạt mới không dẫn đến một sự thay đổi trong chính sách, mà chỉ ra rằng Quốc hội đang tiến hành các bước để tìm hiểu vấn đề chặt chẽ hơn.

Một ví dụ gần đây về việc chính phủ Mỹ cố gắng áp đặt ý chí của mình lên các quốc gia và công dân ở nước khác là ​​vụ bắt giữ Alexander Vinnik ở Hy Lạp, người được cho là giám đốc điều hành của BTC-E theo như cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ.(NCĐT)
-----------------------------

Mỹ có thể điều tra Trung Quốc về thương mại

Tổng thống Donald Trump đang gia tăng sức ép đối với Trung Quốc về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, có thể kéo theo một mặt trận mới giữa 2 nước.

Bất chấp trong giai đoạn đặc biệt cần sự hợp tác của Trung Quốc về vấn đề CHDCND Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump ngày 13.8 vẫn chỉ đạo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cân nhắc khả năng mở cuộc điều tra nhằm vào Trung Quốc liên quan đến chính sách quyền sở hữu trí tuệ của nước này hay không. Lĩnh vực được đặc biệt xoáy sâu điều tra là thông lệ buộc các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc phải chuyển giao các bí quyết công nghệ cũng như cáo buộc nước này “làm lơ” tình trạng đánh cắp bí mật thương mại, làm giả hàng hóa… Bloomberg dẫn kết quả điều tra về quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ ước tính tổn thất mỗi năm cho nền kinh tế nước này vì hàng nhái, phần mềm sao chép lậu và ăn cắp bí mật thương mại đã vượt ngưỡng 225 tỉ USD, có thể lên đến 600 tỉ USD. Trong đó, Trung Quốc là nước vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm trọng nhất.

Nếu ông Lighthizer quyết định triển khai, cuộc điều tra sắp tới có thể kéo dài 1 năm, và tùy theo kết quả sẽ dẫn đến những biện pháp đáp trả tương xứng. Trong trường hợp Trung Quốc bị phát hiện vi phạm luật lệ về quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, chính quyền Washington sẽ tiến hành nhiều phương án xử lý khác nhau như áp thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng cụ thể. Tờ The New York Times dẫn nguồn thạo tin tiết lộ rằng Nhà Trắng đã lên kế hoạch hành động về vấn đề này sớm hơn, nhưng quyết định trì hoãn vì muốn tranh thủ Trung Quốc trong cuộc bỏ phiếu tại LHQ nhằm thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên cách đây 1 tuần. Theo dự kiến, Tổng thống Trump sẽ chính thức công bố thông tin về vấn đề này vào hôm nay 14.8.

Quan hệ Mỹ - Trung đang trong giai đoạn phức tạp khi 2 nước vừa hợp tác vừa bất đồng trong vấn đề Triều Tiên cũng như mâu thuẫn về tình hình an ninh châu Á - Thái Bình Dương. Mặt khác, quan chức kinh tế và thương mại hai bên hồi tháng trước đã không đạt được đồng thuận về nội dung thông cáo chung trong cuộc thảo luận cấp cao ở Washington D.C. “Động thái của Tổng thống Trump đánh dấu một sự gia tăng áp lực lên Trung Quốc ở 2 mặt trận, đó là quan hệ thương mại song phương và vai trò của nước này trong việc kiềm chế Triều Tiên”, Bloomberg dẫn lời Giáo sư Eswar Prasad tại Đại học Cornell (New York) nhận định. Trung Quốc chưa có phản ứng về các thông tin trên.(thanhnien)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục