Ông Trump 'giơ cao đánh khẽ' với công ty Trung Quốc; Thái Lan đặt mục tiêu gia tăng thương mại với Việt Nam lên 20 tỉ USD; Khủng hoảng thịt heo có thể sẽ trở lại; Việt Nam có thể cấp thẻ thường trú cho nhà đầu tư nước ngoài tại Phú Quốc
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 16-08-2017
- Cập nhật : 16/08/2017
Trung Quốc dọa chiến tranh thương mại với Mỹ
Trung Quốc đề nghị Mỹ đánh giá khách quan tiến trình bảo vệ quyền sở hữu tài sản trí tuệ của mình, giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và tham vấn.
Phản ứng về quyết định điều tra thương mại Trung Quốc của Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 14-8 cảnh báo khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ.
“Với quyền lợi gắn bó lẫn nhau ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ, một cuộc chiến tranh thương mại sẽ không đi đến đâu và chẳng bên nào thắng” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Doanh nói ngày 14-8.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14-8 ký bản ghi nhớ bắt đầu điều tra thương mại nhắm vào Trung Quốc. Ông Trump tuyên bố sẽ không để cho bất cứ nước nào cưỡng ép một cách không hợp pháp các công ty Mỹ phải chuyển giao giá trị công nghệ như một điều kiện để được tiếp cận thị trường.
Tổng thống Mỹ Trump trở về Nhà Trắng sau 17 ngày nghỉ ngơi kết hợp làm việc ở New Jersey. Ảnh: REUTERS
Theo bà Hoa, Trung Quốc luôn xem trọng việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản trí tuệ bằng luật pháp và quy định, truy quét các vi phạm cũng như tăng nhận thức chung về vấn đề này. Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc từng đề nghị Mỹ đánh giá khách quan tiến trình bảo vệ quyền sở hữu tài sản trí tuệ của mình, giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và tham vấn.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer là người chỉ đạo cuộc điều tra. Ông Lighthizer sẽ điều tra khả năng luật, chính sách, hành động của Trung Quốc gây hại đến quyền sở hữu tài sản trí tuệ, đổi mới và phát triển công nghệ của Mỹ, theo điều khoản 301 Luật Thương mại Mỹ năm 1974.
Điều khoản 301 cho phép tổng thống Mỹ đơn phương áp thuế hay các rào cản thương mại khác với các nước. Điều khoản 301 được Mỹ dùng nhiều trong thập kỷ 1980 và những năm đầu thập kỷ 1990. Tuy nhiên sau khi Mỹ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 1995 thì Điều khoản 301 hiếm được dùng.
Theo các quan chức Mỹ, một khi ông Lighthizer quyết định điều tra, đầu tiên Mỹ sẽ tham vấn Trung Quốc trước, và tiến trình điều tra có thể mất một năm. Kết quả sau đó có thể là thương lượng lại một thỏa thuận với Trung Quốc, hoặc Mỹ có hành động thương mại đơn phương, hoặc bắt đầu một tiến trình giải quyết bất đồng trong Tổ chức Thương mại Thế giới, theo các quan chức cấp cao Mỹ.(PLO)
------------------------
Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với trà, cà phê...
Đồ uống có đường là nước giải khát được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên việc sử dụng đồ uống có đường gắn liền với tăng cân, béo phì và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe (tim mạch, tiểu đường).
Đây là thông tin được ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) đưa ra tại cuộc họp báo chuyên đề về sửa đổi, bổ sung các luật thuế (Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên).
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước ngọt gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyển sản xuất công nghiệp (trừ nước trái cây, rau quả có 100% tự nhiên) là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).
Cụ thể, Bộ đề ra 2 phương án (Phương án 1: mức thuế TTĐB áp dụng là 10% từ năm 2019 và phương án 2 là 20% từ năm 2019).
Theo Bộ Tài chính, đồ uống có đường là nước giải khát được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên việc sử dụng đồ uống có đường gắn liền với tăng cân, béo phì và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe (tim mạch, tiểu đường).
Ở Việt Nam, tỉ lệ người trưởng thành bị tăng cân, béo phì chiếm 25% dân số, đối với trẻ em dưới 5 tuổi thì tỉ lệ béo phì tăng nhanh từ 0,6% năm 2000 lên 5,3% năm 2015. Đặc biệt tại TP.HCM, tỉ lệ này lên đến 10,8%, cao hơn mức trung bình của châu Á.
Bên cạnh đó, các nước khác trong khu vực cũng đánh thuế TTĐB đối với sản phẩm nước ngọt như Thái Lan quy định nước ngọt có ga, không cồn chịu thuế suất 25% hoặc 0,024 USD/chai 440cc; Lào thu thuế nước ngọt có ga không cồn ở mức 5% và nước tăng lực 10%,...(PLO)
----------------------------
Hai doanh nghiệp ô tô nợ thuế trên 757 tỉ đồng
Từ nay đến cuối năm 2017, Cục Hải quan TP.HCM sẽ triển khai nhiều giải pháp quyết liệt trong công tác thu hồi nợ thuế, trong đó sẽ cưỡng chế đối với các doanh nghiệp nợ thuế chây ỳ.
Thông tin từ Cục Hải quan TP.HCM, trong bảy tháng đầu năm 2017, toàn Cục thu hồi nợ đọng thuế được hơn 42 tỉ đồng, mới đạt gần 4,5% chỉ tiêu Tổng cục Hải quan giao hơn 939 tỉ đồng. Nguyên nhân, do đơn vị chưa xử lý được khoản nợ thuế của 2 doanh nghiệp ô tô vì các doanh nghiệp này đang khiếu nại.
Được biết, hai doanh nghiệp ô tô nợ thuế trên 757 tỷ đồng từ công tác kiểm tra sau thông quan còn đang khiếu nại, khiến số thu hồi nợ đọng thuế của Cục Hải quan TP.HCM đạt rất thấp.
Theo đánh giá về công tác thu hồi nợ thuế của Cục Hải quan TP.HCM, ngoài các Chi cục đã tích cực xử lý nợ và thu hồi nợ thuế đạt hiệu quả cao như: Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hiệp Phước, Chi cục Hải quan quản lý hàng Đầu tư, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 2. Các chi cục hải quan còn lại thu nợ đạt hiệu quả chưa cao, khiến tổng nợ thuế tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao.
Tổng nợ thuế tính đến ngày 31-7-2017 là hơn 2.560 tỉ đồng, giảm hơn 10 tỉ đồng so với tháng 6-2017. Trong đó, nợ không có khả năng thu hồi là trên 1.396 tỉ đồng; Nợ có khả năng thu hồi hơn 1.164 tỉ đồng.
Từ nay đến cuối năm 2017, Cục Hải quan TP.HCM sẽ triển khai nhiều giải pháp quyết liệt trong công tác thu hồi nợ thuế, trong đó sẽ cưỡng chế đối với các doanh nghiệp nợ thuế chây ỳ.(PLO)
--------------------------
Philippines kiên quyết đình chỉ hoạt động một tháng với Uber
Uber vừa bị cơ quan quản lý giao thông Philippines đình chỉ hoạt động trong một tháng, và đơn “kêu cứu” vì quyết định trên của hãng taxi công nghệ này cũng bị bác bỏ hôm nay (15-8).
Theo Reuters, quyết định tạm “cấm cửa” Uber ở Philippines được Ban Quản lý và Nhượng quyền Giao thông Đường bộ (LTFRB) nước này đưa ra hôm 14-8. Quyết định dài đến 5 trang, nói rõ hãng này đã có cử chỉ vô trách nhiệm và thách thức các quy định khi vẫn nhận thêm hồ sơ đăng ký làm tài xế mới dù đã có lệnh cấm.
Uber phản ứng lệnh đình chỉ bằng cách tạm ngưng dịch vụ, nhưng nhanh chóng khởi động lại chỉ sau một thời gian ngắn.
Đến sáng 15-8, hãng này gửi khiếu nại, xin LTFRB rút lại lệnh đình chỉ. Tuy nhiên, cơ quan quản lý lập tức bác đề nghị của Uber, buộc hãng này sau đó phải thông báo trên Facebook sẽ tuân thủ lệnh đình chỉ hoạt động.
“Bất kỳ ai tham gia hệ thống giao thông vận tải cần phải hiểu rằng chúng ta cần phải hoạt động trong một khuôn khổ nội quy nhất định” - chủ tịch LTFRB Martin Delgra nói với báo giới sau khi bác đơn khiếu nại của Uber.
Trong một tháng tới, các xe đăng ký chạy cho Uber vi phạm lệnh đình chỉ hoạt động sẽ bị phạt và giam xe, luật sư Aileen Lizada, thành viên LTFRB, nói với Reuters.
Uber hiện rất được ưa chuộng ở Philippines và được người dùng đánh giá là đáng tin cậy và cạnh tranh hơn với các dịch vụ giao thông công cộng lạc hậu ở nước này.
Lệnh đình chỉ, dù chỉ một tháng, cũng khiến người ủng hộ Uber tức giận và lên mạng xã hội để phản đối. Uber Philippines đã gửi thư điện tử cho người dùng, thông báo về chuyện tạm ngừng hoạt động và cam kết “chúng tôi rồi sẽ sớm được tiếp tục phục vụ quý vị”.(Tuoitre)