tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 23-08-2017

  • Cập nhật : 23/08/2017

Công ty Trung Quốc muốn mua hãng xe Jeep của Mỹ

Một hãng sản xuất ô tô Đại lục vừa cho hay họ muốn mua Fiat Chrysler (FCA), tập đoàn đa quốc gia Ý - Mỹ có trụ sở ở Anh.

mot nha giao dich chung khoan lam viec tai khu co phieu fiat chrysler automobiles duoc giao dich tren san giao dich chung khoan new york (nyse) anh: reuters

Một nhà giao dịch chứng khoán làm việc tại khu cổ phiếu Fiat Chrysler Automobiles được giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) ẢNH: REUTERS

Theo CNN, hãng Trung Quốc Great Wall Motors hôm 21.8 cho hay họ muốn mua công ty mẹ của các thương hiệu xe như Jeep, Maserati, Dodge, Ram và Alfa Romeo. “Chúng tôi sẵn sàng mua FCA”, phát ngôn viên của Great Wall Motors cho biết, nói thêm rằng FCA phù hợp với nhu cầu của hãng.

Dù vậy, Fiat Chrysler cho hay họ chưa nhận được lời yêu cầu nào từ Great Wall Motors. Hiện vẫn chưa rõ hãng Great Wall có nhắm đến việc thâu tóm cả Fiat Chrysler hay chỉ muốn mua thương hiệu Jeep. Phát ngôn viên Great Wall cho hay chi tiết về kế hoạch mua lại hãng xe sẽ được dàn lãnh đạo doanh nghiệp ở cấp cao hơn quyết định.

Tuần trước, cổ phiếu Fiat Chrysler tăng lên mức cao nhất trong hai thập niên sau khi các nhà đầu tư đồn đoán về việc công ty được hãng Trung Quốc thâu tóm. Cổ phiếu FCA tăng tiếp 3,3% hôm 21.8 ở Milan (Ý), trong khi cổ phiếu Great Wall tăng 1,6% ở Hồng Kông.

Thương hiệu Jeep sẽ là một giải thưởng lớn đối với hãng xe Trung Quốc. Fiat Chrysler đã và đang tăng doanh số mẫu xe Jeep ở Trung Quốc, sản xuất chúng thông qua liên doanh với tập đoàn Quảng Châu Automobile. Việc Trung Quốc sở hữu Jeep có thể rất có ích vì nó sẽ giúp hãng xe Trung Quốc nhanh chóng mở rộng tại Mỹ, theo giới phân tích thuộc ngân hàng Morgan Stanley.

CEO Fiat Chrysler Sergio Marchionne hồi tháng trước tiết lộ ông lên kế hoạch cho doanh nghiệp vào đầu năm 2018, gợi ý rằng một số thương hiệu hoặc bộ phận kinh doanh của công ty có thể bị tách ra. Giới phân tích thuộc Morgan Stanley cho rằng FCA sẽ có giá trị cao hơn nhiều nếu được phân tách, chỉ riêng thương hiệu Jeep cũng có thể có giá cao hơn cả giá trị thị trường hiện thời của doanh nghiệp.

Fiat Chrysler từng phân chia trong quá khứ. Cuối năm 2015, hãng tách Ferrari ra thành một doanh nghiệp riêng và từ đó đến nay, giá trị thị trường của Ferrari tăng gấp ba lần. (Thanhnien)
----------------------

7 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam tăng 58,4%

Theo số lượng thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết trong 7 tháng đầu năm, lượng cao su xuất khẩu đạt 634.995 tấn trị giá 1,1 tỷ USD, tăng 12,2% về lượng và 58,4% về giá trị. Chỉ tính riêng trong tháng 7, Việt Nam xuất khẩu 151.138 tấn cao su trị giá 225,5 triệu USD, tăng 23,5% về lượng và tăng 19,8% về giá trị.

Xuất khẩu sản phẩm từ cao su trong 7 tháng đầu năm đạt 1,9 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ cao su giảm 5,2% xuống còn 292 triệu USD.

Trung Quốc vẫn đứng đầu thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm với 394.614 tấn đạt giá trị 690,7 triệu USD. Đứng thứ 2 là Malaysia với 38.663 tấn trị giá 61,3 triệu USD. Tiếp theo là Ấn Độ đạt lượng xuất khẩu cao su là 25.731 tấn, trị giá 44,72 triệu USD.

Lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm(Số liệu: Tổng cục Hải Quan)

Kim ngạch xuất khẩu cao su trong 7 tháng đầu năm (Số liệu: Tổng cục Hải Quan)

Theo báo cáo của Hiệp hội các nước xuất khẩu cao su thiên nhiên (ANRPC) cho biết nguồn cung cao su thiên nhiên trên toàn thế giới hiện đang thiếu hụt 700.000 tấn trên toàn cầu. Con số này chuẩn xác so với dự báo của ANRPC đưa ra hồi tháng 5 sau khi nguồn cung cao su thiên nhiên trên toàn cầu trong 5 tháng đầu năm thâm hụt 600.000 tấn.

Mặc dù vậy nhưng ANRPC dự báo mức thiếu hụt trong tháng 9 có thể giảm xuống còn 466.000 tấn và 100.000 tấn vào tháng 12.

Tại thị trường Việt Nam, theo thông tin từ Hiệp hội Cao su Việt Nam cho hay hầu hết các công ty cao su trên địa bàn Tây Nguyên đều bị thiệt hại trên 2,5% sản lượng trong tháng 7/2017 do mưa bão kéo dài. Trong tháng 7/2017 có 2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng lớn đến công tác khai thác mủ của các công ty cao su tại Tây Nguyên, đặc biệt là khu vực phía Bắc, nên các công ty không thể thu hoạch mủ trọn vẹn.

Tuy nguồn cung bị thiếu hụt nhưng giá vẫn giữ ở mức thấp khi giá cao su tự nhiên tại sàn TOCOM hồi tháng 6 giảm tới 42,8% so với đỉnh tháng 1/2017. Điều này khiến nông dân hạn chế khai thác mủ khiến tình trạng thiếu cao su càng trở nên nghiêm trọng.

Nguyên nhân của việc giá cao su chưa thể tăng cao, theo chủ tịch ANRPC nhận định là do các yếu tố khác như tiền tệ, giá dầu thô và căng thẳng địa chính trị, không phải yếu tố cung-cầu.(NDH)
---------------------------

Maersk bán mảng kinh doanh dầu khí cho Total

Tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới Maersk hôm 21.8 thông báo sẽ bán bộ phận kinh doanh dầu khí Maersk Oil cho Total, tập đoàn dầu khí của Pháp, với giá 7,45 tỉ USD để tập trung vào các hoạt động khác.

maersk muon tach bo phan kinh doanh nang luong von dang co thu nhap giam ra khoi hoat dong kinh doanh chung de tap trung vao mang van tai va hau can anh: reuters

Maersk muốn tách bộ phận kinh doanh năng lượng vốn đang có thu nhập giảm ra khỏi hoạt động kinh doanh chung để tập trung vào mảng vận tải và hậu cần ẢNH: REUTERS

Bloomberg cho biết theo các điều khoản của thỏa thuận giữa hai bên, Maersk sẽ nhận được 4,95 tỉ USD bằng cổ phiếu và không phải trả lại khoản tiền nợ 2,5 tỉ USD cho Total. Mức giá trên được cho là cao hơn so với ước tính từ một số nhà phân tích. Cổ phiếu của Maersk đã tăng tới 5,7% sau khi thông tin được công bố.

Thương vụ này đến với Maersk khi hãng vận tải biển của Đan Mạch đang trong giai đoạn chuyển đổi cơ cấu lớn, nhằm tách bộ phận kinh doanh năng lượng vốn đang có thu nhập giảm ra khỏi hoạt động kinh doanh chung để tập trung vào mảng vận tải và hậu cần.

Trong khi đó đối với Total, việc mua lại Maersk Oil sẽ giúp tập đoàn này trở thành công ty dầu khí lớn thứ hai tại khu vực Biển Bắc, với phạm vi bao trùm lớn tại Anh, Đan Mạch và Na Uy, đồng thời mở rộng sự hiện diện của “ông lớn” dầu mỏ Pháp ở Uganda, Brazil, cũng như củng cố vị thế tại Vịnh Mexico, Algeria, Kenya và Kazakhstan.

“Chúng tôi cảm thấy cần phải đi thêm một bước nữa để tăng sức cạnh tranh tại khu vực Biển Bắc. Chúng tôi tin rằng giao dịch này sẽ làm tăng dòng tiền và thúc đẩy triển vọng cổ tức trong thời gian tới”, Patrick Pouyanne, Giám đốc điều hành Total, nói với các phóng viên.

Sự kết hợp với Maersk Oil dự kiến sẽ giúp Total đạt được khoảng 1 tỉ thùng dầu tương đương với trữ lượng đã được kiểm chứng, khoảng 80% trong số đó tập trung ở khu vực Biển Bắc. Ngoài ra, nó cũng sẽ bổ sung vào sản lượng khoảng 160.000 thùng/ngày cho Total trong năm tới. Con số này ước tính sẽ tăng lên 200.000 thùng/ngày vào năm 2020.

Không chỉ Total, các công ty dầu khí hàng đầu thế giới cũng đang quay trở lại thị trường với tốc độ giao dịch tăng mạnh sau thời kỳ suy thoái kéo dài. Cụ thể, Royal Dutch Shell đã đồng ý mua hãng dầu BG Group của Anh với giá 52 tỉ USD vào năm 2015. Vào tháng 1.2017, tập đoàn dầu khí của Mỹ ExxonMobil đã trả 5,6 tỉ USD để có quyền khai thác tại vùng đá phiến ở bang Texas (Mỹ).

Song, trong khi ngành công nghiệp dầu khí đang trở nên lạc quan hơn, thì vẫn còn tồn tại những nguyên nhân để các công ty phải thận trọng. Giá dầu thô vẫn đứng ở mức 50 USD/thùng, một nửa mức giá so với ba năm trước, và một số triển vọng suy yếu của năm 2018 đang được cảnh báo.(THanhnien)
---------------------------

Kinh tế Thái Lan tăng trưởng mạnh nhất trong hơn 4 năm

Bloomberg trích số liệu từ Ủy ban Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan cho hay GDP nước này tăng 3,7% trong quý 2/2017 so với cách đây một năm sau khi tăng 3,3% hồi quý 1/2017. Con số này cao hơn so với ước tính trung bình là 3,2% của các nhà kinh tế do Bloomberg khảo sát.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế Thái Lan mạnh lên trong năm nay nhờ sự phục hồi của thương mại toàn cầu. Dù vậy, nhu cầu nội địa vẫn gây thất vọng. Ba năm sau cuộc đảo chính quân sự, bất ổn chính trị vẫn kìm hãm mong muốn đầu tư của khối tư nhân trong khi chi tiêu tiêu dùng vẫn ở mức vừa phải.

Giới chức Thái Lan đang chật vật hạn chế chuyện đồng baht tăng giá sau khi đồng tiền này tăng 7,9% so với USD trong năm nay, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Ngân hàng Trung ương Thái Lan giữ lãi suất chuẩn ở mức 1,5% trong hơn hai năm cho hay sức mạnh của đồng baht có thể làm tổn thương các doanh nghiệp. Ngân hàng chần chừ trong việc hạ lãi suất vì đối mặt với mức nợ tiêu dùng cao.

Nhà phân tích thị trường Roong Sanguanruang thuộc Bank of Ayudhya ở Bangkok (Thái Lan) cho hay: “Các điều kiện tiền tệ phù hợp với khả năng phục hồi kinh tế. Với con số tăng trưởng GDP ấn tượng gần đây, chúng tôi cho rằng ngân hàng trung ương thoải mái với lập trường của họ. Chúng tôi không kỳ vọng việc tăng lãi suất trước giữa năm sau, song cũng sẽ không có chuyện hạ lãi suất”.

Về tăng trưởng, nhà kinh tế Gareth Leather tại Capital Economics dự báo tăng trưởng duy trì ở mức tương đối mạnh trong vài quý tới nhờ nhu cầu bên ngoài mạnh cùng chính sách tiền tệ, tài khóa lỏng lẻo. Tình hình chính trị thiếu chắc chắn ở Thái Lan là nguy cơ chính cho triển vọng kinh tế. Hôm 21.8, 1 USD đổi được 33,229 baht còn chỉ số chứng khoán chuẩn Bangkok thì tăng 0,1%.(Thanhnien)
---------------------------

Trở về

Bài cùng chuyên mục