tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 04-07-2018

  • Cập nhật : 04/07/2018

CPI nửa đầu năm 2018 tăng 3,29%

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 và 6 tháng đầu năm hiện đang ở mức cao. Trong đó, CPI tháng 6/2018 tăng 0,61% so với tháng trước, tháng 6 có CPI tăng cao nhất trong 7 năm qua.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong tháng 6 có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất 1,08%, chủ yếu do nhóm thực phẩm tăng 1,75% trong khi nhóm lương thực giảm 0,45%.

Nhóm giao thông tăng 1,04% do giá xăng dầu tăng 2,38%. “Mặc dù trong tháng có đợt điều chỉnh giảm giá xăng dầu vào thời điểm 22/6/2018 nhưng do chịu ảnh hưởng của đợt tăng giá tháng trước nên giá xăng dầu tháng 6/2018 tăng 2,38% làm tăng CPI chung 0,1%”, ông Lâm nhấn mạnh.

Tiếp đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,65%, chủ yếu do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,2% và thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao.

Cũng trong tháng này, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13%; nhóm giáo dục tăng 0,11%, đồ uống và thuốc lá tăng 0,09%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,06%; thiết bị và đồ dùng gia đình, thuốc và dịch vụ y tế cùng tăng 0,03%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%.

Trong 11 nhóm hàng hóa trong rổ hàng hóa để tính toán chỉ số CPI, riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,11% so với tháng trước.

Ông Nguyễn Bích Lâm cũng cho biết, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017, CPI tháng 6/2018 tăng 2,22% so với tháng 12/2017 và tăng 4,67% so với cùng kỳ năm trước.

Về lạm phát cơ bản, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 6/2018 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 1,35% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

Lạm phát tăng khá cao trong 6 tháng đã đem đến nhiều lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4% của năm 2018. Trả lời câu hỏi của phóng viên về những thách thức trong kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, các yếu tố tác động đến CPI gồm yếu tố điều hành và yếu tố thị trường.

Trong đó, 6 tháng cuối năm, yếu tố điều hành tác động đến lạm phát có một số vấn đề đáng chú ý như: từ ngày 1/7/2018 sẽ tăng lương tối thiểu mức lương cơ sở sẽ ảnh hưởng đến khu vực sử dụng nhân công, giá dịch vụ giáo dục vào tháng 9/2018.

Nửa cuối năm có 1 yếu tố kiềm chế lạm phát, đó là dịch vụ y tế tháng 7/2018 có điều chỉnh định mức tiêu hao vật tư, theo đó một số dịch vụ có thể giảm, ví dụ như dịch vụ giường nằm… Đây là điểm tích cực.

Tuy nhiên, theo bà Ngọc, có nhiều yếu tố tiềm ẩn làm tăng lạm phát, đó là những yếu tố liên quan đến thị trường, thời tiết. Cụ thể, về yếu tố thị trường, giá thực phẩm, trong đó cụ thể là thịt lợn tăng cao trong 6 tháng đầu năm, đây cũng là yếu tố tiềm ẩn cho 6 tháng cuối năm. Tiêu dùng thực phẩm 6 tháng cuối năm cũng là yếu tố tiềm ẩn tác động đến lạm phát.

Giá xăng dầu cũng là yếu tố khó dự báo, là yếu tố rủi ro của 6 tháng cuối năm tác động tới lạm phát. Những ngày gần đây giá xăng dầu tăng theo các diễn biến kinh tế chính trị của thế giới. Trong đó, có việc OPEC cam kết tăng sản lượng nhưng đã không tăng như  con số dự kiến ban đầu.

Ngoài ra, yếu tố thiên tai 6 tháng cuối năm cũng là yếu tố tièm ẩn tác động đến CPI 6 tháng cuối năm.

 “Tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn theo dõi sát sao những diễn biến thị trường, giá cả trong nước và quốc tế, Ban điều hành giá đứng đầu là Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng theo dõi để kịp thời đưa ra các kịch bản về lạm phát nhằm tham mưu cho Chính phủ trong điều hành giá cả nhằm kiểm soát lạm phát, do đó, tin rằng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% của 2018 sẽ đạt đựợc”, bà Đỗ Thị Ngọc nói. (Baohaiquan)
--------------------------

Xuất khẩu gạo bất ngờ tăng vọt giá trị

 Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 6/2018 ước đạt 604.000 tấn, giá trị đạt 317 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,56 triệu tấn, giá trị đạt 1,81 tỷ USD, tăng 25% về khối lượng và tăng 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Phân tích từ Bộ NN&PTNT cho thấy hiện nay trên thị trường thế giới, giá gạo tại Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay do nhu cầu ảm đạm và triển vọng nguồn cung dồi dào, trong khi giá gạo Ấn Độ giảm do sức mua kém từ châu Phi và Bangladesh. Thị trường đường thế giới đến cuối tháng 6/2018 có xu hướng giảm bởi áp lực tiền tệ và nguồn cung toàn cầu dồi dào. Giá hạt tiêu Ấn Độ giảm do nguồn cung lớn trong khi nhu cầu yếu. Trong khi đó, giá cà phê tăng do sức mua trên sàn kỳ hạn có sự khởi sắc.

Số liệu cập nhật trong 5 tháng đầu năm 2018 cho thấy Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 30% thị phần (đạt 844.000 tấn và 499,4 triệu USD), đứng thứ 2 là Indonesia với 18,7% thị phần (đạt 596.000 tấn và 280 triệu USD). Trong 5 tháng đầu năm xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 21,3% (đạt 844.000 tấn). Các thị trường có mức xuất khẩu tăng là Indonesia 596.000 tấn, Iraq 150.000 tấn, Malaysia với 273.000 tấn (gấp 2,51 lần), và Hoa Kỳ với 26.200 tấn (gấp 2,36 lần) so với cùng kỳ năm 2017.

Trong tháng 6/2018, giá gạo xuất khẩu của các nước lớn đều giảm. Tuy nhiên, giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 450 USD/tấn, vẫn cao hơn so với sản phẩm cùng loại của Ấn Độ và Thái Lan. Giá gạo xuất khẩu cùng loại của Ấn Độ đạt 410 USD/tấn và của Thái Lan đạt 435 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu các nước xuất khẩu lớn đều giảm so với tháng trước do nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chính như Indonesia, Philippines, châu Phi, Bangladesh đều giảm.

Thông tin từ Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cũng cho hay, từ nay đến cuối năm, ngành còn thu hoạch thêm 3 vụ lúa. Nếu điều kiện thời tiết không bất thường, có khả năng lúa đạt 23,3 triệu tấn, nâng sản lượng lúa cả năm lên 43,9 triệu tấn, tăng ít nhất 1,2 triệu tấn so với năm 2017. Sản xuất cây công nghiệp tiếp tục phát triển, các cây ăn quả có thị trường và giá trị cao tăng mạnh. Xuất khẩu các mặt hàng chè, cà phê, cao su, tiêu, điều có khả năng đạt trên 5,5 tỷ USD, rau quả đạt từ 4,5-4,7 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, ngành tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn như cây ăn quả, các loại rau, hoa theo hướng công nghệ cao và sang nuôi trồng thủy sản, các sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả và ổn định sản xuất.

Đặc biệt, ngành sẽ tăng cường sử dụng giống tốt, giống chất lượng cao phù hợp với vùng sinh thái kết hợp với các quy trình thâm canh tốt, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng nhanh giá trị và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm.(Chinhphu)
---------------------------

Saudi Arabia - Nga thống trị các thị trường dầu mỏ khi Trump chống lại Iran

 Iran có thể là đồng minh của Nga trong xung đột Syria nhưng khi họ bước vào thị trường dầu mỏ, đối thủ của Tehran là Saudi Arabia được ưu tiên hơn.

Iran đã nỗ lực hết sức để các nhà sản xuất dầu giữ sản lượng ổn định khi các lệnh trừng phạt của Mỹ dự kiến gây thiệt hại cho xuất khẩu của họ, nghĩa là Tehran có ít lợi lộc từ việc tăng sản lượng của OPEC. Nhưng Saudi Arabia và Nga có ý kiến khác. Theo 3 nguồn tin gần gũi với OPEC và Nga, hai nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới trong tháng 5 đã đồng ý kết hợp chặt chẽ cùng nhau để tăng sản lượng dầu mỏ đáng kể - mặc dù với những lý do khác nhau.

Các sự kiện tại Vienna là ví dụ mới nhất về cách thức Nga và Saudi Arabia loại bỏ một cách hiệu quả OPEC, đang thúc đẩy chính sách để kết thúc vấn đề địa chính trị của họ, và trong trường hợp của Saudia Arabia thường theo lệnh của Mỹ.

Với việc kết thúc trò chơi của họ, trước tiên Nga đã đề xuất rằng sản lượng kết hợp của OPEC và các đồng minh ngoài tổ chức này như bản thân họ đã tăng 1,5 triệu thùng/ngày từ tháng 7. Chiến lược của họ là để Saudi Arabia đề xuất mức tăng khiêm tốn chưa tới 1 triệu thùng/ngày với hy vọng họ sẽ được Iran chấp thuận. Theo các quan chức Saudi Arabia gồm cả Bộ trưởng Năng lượng Khalid al-Falih, Saudi Arabia muốn tăng sản lượng để đáp ứng những lời kêu gọi từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và các khách hàng chủ chốt như Ấn Độ và Trung Quốc giúp hạ giá dầu và tránh tình trạng thiếu hụt.

Trong khi đó, Nga bị áp lực từ các công ty năng lượng của họ để tăng sản lượng và chống lại sự gia tăng mạnh giá nhiên liệu trong nước đang gây tổn hại cho sự nổi tiếng của Tổng thống Vladimir Putin.

Cuối cùng, Saudi Arabia đã thúc đẩy tăng 1 triệu thùng/ngày tại cuộc họp ở Vienna, phù hợp với kế hoạch họ đã nhất trí với Moscow hơn một tháng trước đó.

Trong khi động lực của Nga chủ yếu là lý do trong nước, kết quả này cũng vô tình giúp Trump giảm giá nhiên liệu trong nước trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ.

OPEC, tổ chức đã gây ra cú sốc dầu mỏ năm 1973 bằng cách hạn chế nguồn cung cho các nước hỗ trợ Israel trong cuộc chiến Yom Kippur, khi kiểm soát 40 tới 50% tổng sản lượng dầu mỏ thế giới và đã điều khiển toàn bộ các thị trường .

Hiện nay, OPEC sản xuất 1/3 lượng dầu thô trên thế giới, trong khi Saudi Arabia kết hợp với Nga ngoài tổ chức này và Mỹ bơm nhiều hơn thế. Hơn nữa tỷ trọng của họ trong thị trường toàn cầu chỉ tăng lên, khiến 3 nước này thậm chí có ảnh hưởng nhiều hơn đến địa chính trị dầu mỏ.

Trong một nỗ lực phục hồi giá dầu sau khi chúng giảm xuống khoảng 27 USD/thùng trong năm 2016, OPEC và các đồng minh của họ đã thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ 1,8 triệu thùng/ngày bắt đầu từ năm 2017. Hiệp ước này đã tái cân bằng thị trường và nâng giá dầu thô lên khoảng 75 USD/thùng.

Nhưng tình trạng thiếu hụt bất ngờ từ Venezuela, Libya và Angola đã tăng hiệu quả của việc cắt giảm sản lượng lên 2,8 triệu thùng/ngày trong những tháng gần đây, và các lệnh trừng phạt của Mỹ được dự kiến giảm sản lượng dầu của Iran khoảng 33%, tất cả đang đe dọa đẩy giá dầu cao hơn.

Saudi Arabia hồi tháng 4 còn khăng khăng tuyên bố còn quá sớm để kết thúc thỏa thuận này, nhưng Riyadh đã phản ứng ngược lại sau khi đồng minh Mỹ kêu gọi OPEC nâng sản lượng.

Với Nga cũng vậy vì mục đích riêng của mình, Iran phải được thuyết phục. Nhưng không phải không có một cuộc chiến, Riyadh và Moscow đã gây áp lực để đạt được mục đích.

Một ngày trước khi cuộc họp của OPEC diễn ra ngày 22/6, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh đã giận dữ với OPEC và các đồng minh ngoài OPEC, cho biết sẽ không đồng ý thỏa thuận. Nhưng trong cuộc đàm thoại cuối cùng sáng ngày 22/6 với ông Falid và Bộ trưởng nhà nước Saudi Arabia về vấn đề năng lượng hoàng tử Abdulaziz đã thuyết phục Zanganeh.

Các Bộ trưởng Saudi Arabia nghĩ họ có một lý do hợp lý: OPEC cần hành động để kiềm chế giá dầu cao gây thiệt hại cho người tiêu dùng và nếu Zanganeh từ chối đăng ký, Iran có nguy cơ bị cô lập bởi các nhà sản xuất khác, những người muốn nâng sản lượng.

Zanganeh cũng nói nếu thỏa thuận này bị Iran ngăn cản, có thể khiến Nga rút khỏi hiệp ước. Một trong những đồng minh thân cận nhất của Tehran, Moscow đang giúp Iran chiến đấu để giữ vững quyền lực của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Một nguồn tin năng lượng của Nga cho biết Iran cũng muốn giữ Moscow bên cạnh do họ hy vọng Nga sẽ giúp họ bán dầu thô khi bị các lệnh trừng phạt của Mỹ. Kuwait, Oman và UAE cũng tham gia nỗ lực thuyết phục Iran.

Các sự kiện kể từ cuộc họp này đã nhấn mạnh hơn nữa các thành viên OPEC ngày càng bị Saudi Arabia và Nga bỏ lại với các quyết định sản lượng quan trọng như thế nào.

Khi Tổng thống Trump ra quyết định áp các lệnh trừng phạt mới với Iran trong tháng 5, cùng ngày Saudi Arabia đã tuyên bố họ đã chuẩn bị để đối phó với bất kỳ tình trạng thiếu hụt nguồn cung nào. Riyadh đã được Washington thông báo một ngày trước các lệnh trừng phạt này và được yêu cầu đưa ra tuyên bố.

Khi Washington trong tuần qua đã yêu cầu các khách hàng ở châu Á và châu Âu giảm nhập khẩu dầu thô từ Iran xuống ngừng hẳn từ tháng 11, các nguồn tin thân cận với các nhà hoạch định chính sách dầu mỏ của Saudi Arabia đã báo cáo sản lượng dầu của Saudi Arabia tăng lên kỷ lục.(ViTIC)

Trở về

Bài cùng chuyên mục