tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 01-06-2016

  • Cập nhật : 01/06/2016

5 tháng đầu năm: 10 tỷ USD vốn FDI rót vào những dự án nào?

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm đang có nhiều dấu hiệu tích cực khi vốn đăng ký và giải ngân đều cao hơn cùng kỳ các năm trước.

Theo Cục đầu tư nước ngoài (FIA), tính đến ngày 20/5, tổng vốn đăng ký đạt 10,16 tỷ USD, tăng 136% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này bao gồm 7,5 tỷ USD cấp mới cho 907 dự án và 2,5 tỷ USD tăng vốn ở các dự án cũ.

Vốn giải ngân thực tế cũng đạt mức cao nhất so với cùng thời điểm so với 3 năm liền trước. Cụ thể, hơn 5,8 tỷ USD đã được các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư trong 5 tháng đầu năm.

Các nhà đầu tư như LG Display, Samsung Electronics và Kunhwa (Dự án Điện gió tại Trà Vinh)… dẫn đầu về quy mô các dự án được cấp phép và đưa Hà Quốc trở thành đối tác dẫn đầu về vốn FDI vào Việt Nam trong 5 tháng qua.

Tổng giá trị các dự án có vốn của Hàn Quốc là 3,4 tỷ USD, chiếm 34% tổng vốn FDI của Việt Nam từ đầu năm. Năm 2015, quốc gia này cũng dẫn đầu vốn FDI vào Việt Nam với con số gần 7 tỷ USD.

Hãng di động Vietnamobile được chuyển đổi thành công ty cổ phần, xác lập quy mô vốn 1,248 tỷ USD, trong đó đối tác nước ngoài Hutchison Telecommunications nắm giữ 49%, là một trong các dự án lớn được cấp phép.

Lĩnh vực bất động sản góp mặt dự án Midtown quy mô 225 triệu USD tại TP.HCM do nhóm nhà đầu tư Nhật Bản gồm Daiwa House Industry, Nomura Real Estate Development và Sumitomo Forestry hợp tác đầu tư.

Ngoài ra trong số các dự án lớn còn có nhà máy Giấy Đại Dương của nhà đầu tư Đài Loan trị giá 220 triệu USD và dự án mua sắm thiết bị kinh doanh xổ số của Berjaya Corporation Berhad (Malaysia) trị giá 210 triệu USD.

Trong năm nay, kỳ vọng từ hiệp định TPP và FTA Vietnam-EU và những kết quả tích cực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia, đồng thời giữ ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn FDI đăng ký và mức giải ngân khoảng 15 tỷ USD. Các con số này tăng nhẹ với năm 2015 (vốn đăng ký là 24 tỷ USD, vốn giải ngân là 14,5 tỷ USD).


Đừng chạy theo giá dầu

Trong tuần trước, giá dầu đã lần đầu tiên vượt mốc 50 USD/thùng kể từ tháng 10/2015. Tuy nhiên, nhà phân tích hàng đầu của Strategas Research Partners cho rằng đây không phải là tín hiệu để mua vào.

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, kỹ thuật viên Chris Verrone của Strategas Research Partners cho rằng các nhà đầu tư không nên chạy theo đà phục hồi của giá dầu. Vấn đề hiện nay là rủi ro và lợi nhuận. Ông Verrone cho rằng không có biểu đồ nào quan trọng như biểu đồ giá dầu vào thời điểm này.

ong chris verrone

Ông Chris Verrone

Theo nhà phân tích này, độ dốc của chuyển động giá dầu trong thời gian gần đây đang khiến ông lo ngại. Cụ thể, trong 72 ngày qua, giá dầu đang nằm cao hơn 20% so với đường trung bình 200 ngày. Những bước tiến bất ngờ này của giá dầu nhiều khả năng sẽ dừng lại và Strategas Research Partners dự báo rằng mặt hàng chiến lược này sẽ giảm giá để kiểm tra lại ở mức 39-40 USD/thùng.

Đường trung bình 200 ngày của giá dầu

Một rắc rối nữa được ông Verrone chỉ ra rằng khi giá dầu lên cao, cổ phiếu năng lượng và đồng Peso – có liên hệ mật thiết với giá dầu – lại không tăng trưởng được như vậy.

Sau khi đạt đỉnh vào ngày 27/4, cổ phiếu của các công ty năng lượng lại liên tục giảm mặc dù giá dầu tăng đến 12% trong cùng thời điểm. Còn giá trị của đồng Peso chỉ tăng 8% kể từ đầu năm, một tỷ lệ ít ỏi nếu so với mức phục hồi 33% của giá dầu.

Trong tuần trước, các nhà phân tích tại Bank of America Merrill Lynch đã cảnh báo về việc đồng USD tiếp tục tăng giá có thể kích hoạt hàng loạt những yếu tố khiến giá dầu quay đầu giảm. Ngân hàng này cho rằng những sự kiện “thiên nga đen” như việc Ảrập Xêút loại bỏ tỷ giá hối đoái cố định có thể khiến giá dầu Brent rơi xuống mức 25 USD/thùng. Bên cạnh đó, Merrill Lynch cũng đưa ra dự báo giá dầu cuối năm nay sẽ đạt mức 46 USD/thùng, tức xấp xỉ so với mức giao dịch trong thời gian gần đây.

Diễn biến giá dầu (xanh nước biển), cổ phiếu năng lượng (xanh lá cây) và đồng Peso (đỏ)


Ngành dệt may đang và sẽ làm lợi nhiều hơn người ta nghĩ

Dù có thể là ngành dệt may đang chỉ mang lại đồng lương khiêm tốn cho công nhân nhưng thử tưởng tượng nếu ngành dệt may ở Việt Nam không phát triển như bây giờ thì vài triệu nhân lực trong ngành này sẽ đi về đâu, làm gì, sống ra sao?

Lâu nay chúng ta vẫn được nghe những lời phàn nàn, cảnh báo của nhiều người trong và ngoài ngành rằng ngành dệt may mang lại giá trị gia tăng thấp, do chủ yếu dựa vào gia công với tiền lương rẻ mạt, nên dù Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thành hiện thực thì ngành dệt may Việt Nam cũng khó có thể tận dụng được cơ hội mà TPP mang lại.

Đầu tiên, cần phải thừa nhận ngay rằng một bộ phận lớn trong ngành dệt may vẫn dựa trên gia công, sử dụng nhiều lao động với tiền lương chỉ vài triệu đồng/người/tháng, nên quả là giá trị gia tăng cho toàn ngành ở Việt Nam còn thấp, đặc biệt so với những phân khúc khác như thiết kế, phân phối và bán lẻ đa phần do người nước ngoài nắm giữ.

Nhưng cũng phải nhìn nhận một cách công bằng rằng giá trị gia tăng ngành dệt may không chỉ dừng lại ở tiền lương, và cho công nhân trong ngành dệt may. Ngành dệt may phát triển còn mang đến nhiều cơ hội phát triển lan truyền như những ngành sản xuất phụ kiện, bao bì, vận tải, phân phối, dịch vụ, năng lượng, xây dựng v.v... Đến lượt chúng, những ngành này lại lôi kéo theo sự phát triển của những ngành khác. Cứ như thế, các ngành liên quan sẽ thúc đẩy nhau cùng tăng trưởng, tạo ra giá trị gia tăng vượt trội hơn là nếu chỉ nhìn vào từng ngành riêng lẻ tự thân phát triển.

Thứ hai, cũng không thể bỏ qua đóng góp của ngành dệt may từ một vấn đề hết sức hiển nhiên nhưng hầu như không ai nghĩ đến khi bàn luận về sự đóng góp của ngành dệt may. Đó là ngành này mang lại cho ngân sách một khoản thu không hề nhỏ dưới dạng thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp, các loại phí theo quy định. Lấy ví dụ về thuế nhập khẩu, thuế suất ưu đãi nhập khẩu vải bông là 12%; một số loại vải nhập từ Trung Quốc còn có thuế suất cao hơn, lên đến 15%-20%. Do vậy, nếu tính sơ sơ thì riêng tiền thuế, phí các loại nộp vào ngân sách đã lên đến cả chục USD hoặc hơn tính cho một cái áo sơ mi có giá bán ở nước ngoài là 100 USD.

Cùng một lý do như vậy, tiền thuế và phí thu được các ngành “ăn theo” nói trên cũng nên và cần được tính vào đóng góp của ngành dệt may cho nền kinh tế Việt Nam.

Thứ ba, ngành dệt may là một trong những nền tảng ban đầu cần thiết để tạo ra bước chuyển biến trong cơ cấu kinh tế của hầu như bất cứ một nền kinh tế đang phát triển, dư thừa nhiều lao động với trình độ và tay nghề thấp, giá rẻ như Việt Nam trong những thập kỷ qua. Ngay cả những “con rồng châu Á” như Hong Kong, Đài Loan cũng từng có ngành dệt may phát triển khá thịnh trước khi đi vào suy vong vì giá nhân công ngày càng tăng lên đến mức đắt đỏ phi kinh tế theo đà tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế những vùng lãnh thổ này, buộc họ phải “di dời” ngành này ra các nước ở trình độ phát triển kém hơn, có chi phí nhân công rẻ hơn.

Với Việt Nam, cho dù có thể là ngành dệt may đang chỉ mang lại đồng lương khiêm tốn cho công nhân nhưng thử tưởng tượng nếu ngành dệt may ở Việt Nam không phát triển như bây giờ thì vài triệu nhân lực trong ngành này, cộng thêm một số lượng không nhỏ nữa trong những ngành “ăn theo”, liên đới sẽ đi về đâu, làm gì, sống ra sao?

Và cho dù có là ngành có giá trị gia tăng thấp thì ngành dệt may vẫn đang là “mảnh đất hứa”, một chiến trường cạnh tranh khốc liệt với nhiều quốc gia đang phát triển như Việt Nam, gồm Campuchia, Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan, và Myanmar… Không có mấy nước đang phát triển lại coi rẻ, từ chối cơ hội phát triển của ngành này nếu có. Bằng chứng thực tế là nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang lên tiếng lo ngại về việc mất đơn đặt hàng vào tay các doanh nghiệp ở Campuchia và Bangladesh với giá nhân công rẻ hơn, trong khi những người ngoài cuộc thì lại cứ như muốn bàn ra về tương lai của ngành này ở Việt Nam.

Đương nhiên giải pháp trên giấy thì bao giờ cũng dễ, cũng hiển nhiên. Không ai không biết rằng trong công đoạn từ nguyên liệu ra đến sợi, vải, thiết kế, cắt, may, phân phối, bán lẻ thành phẩm thì khâu cắt may là khâu mang lại giá trị gia tăng kém nhất. Nhưng để nắm, thâu tóm được các khâu khác có giá trị gia tăng cao hơn thì không phải tự nhiên mà đa phần chỉ có các doanh nghiệp FDI ở các nước phát triển mới có thể làm được, khi họ trước đây cũng đã phải trải qua quá trình như Việt Nam hiện tại. Vậy thì không nên kỳ vọng sự phát triển thần kỳ theo kiểu nhảy vọt, đốt cháy giai đoạn trong ngành này ở Việt Nam, tuy các chất xúc tác như nêu ở điểm thứ tư dưới đây có thể thúc đẩy sự phát triển diễn ra nhanh hơn.

Thứ tư, có thể coi TPP là một chất xúc tác mạnh thúc đẩy sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam. TPP mang đến hiệu quả giảm thuế nhập khẩu về 0% vào thị trường chính là Mỹ. Nhờ thuế giảm về 0%, sức cạnh tranh của sản phẩm dệt may của Việt Nam so với các đối thủ hiện tại như Campuchia, Bangladesh và kể cả Trung Quốc tự nhiên tăng vọt sau một đêm (khi TPP có hiệu lực).

Giả sử cùng có giá bán lẻ là 100 USD ở Mỹ, một cái áo sơ mi của Việt Nam trước đây có giá xuất khẩu FOB là 60 USD, của Trung Quốc là 55 USD, và đều chịu thuế nhập khẩu vào Mỹ, ví dụ, là 10%. Khi được nhập khẩu vào Mỹ, áo của Việt Nam có tổng chi phí là 66 USD, lại càng cao hơn của Trung Quốc là 60,5 USD. Nhưng khi TPP có hiệu lực, áo của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ chỉ còn chi phí đúng 60 USD nên thậm chí còn rẻ hơn cả áo của Trung Quốc vẫn có chi phí là 60,5 USD.

Câu chuyện hiệu quả của giảm thuế chưa dừng ở đây. Khi áo của Việt Nam trở nên rẻ hơn các đối thủ khác thì người Mỹ sẽ quay sang mua áo của Việt Nam nhiều hơn, mua của đối thủ khác ít hơn. Quy mô đơn đặt hàng vì thế tăng lên, giúp nhà sản xuất Việt Nam có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất (và việc làm), cắt giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, tạo điều kiện tái đầu tư, trang bị thiết bị tiên tiến hơn, thuê nhiều chuyên gia để “lấn” sang những khâu có giá trị gia tăng cao hơn như tự thiết kế, tự sản xuất hoặc mua nguyên liệu và tự bán sản phẩm. Nhưng cũng cần phải lặp lại rằng quá trình này cũng không thể tăng tốc đột ngột trong ngày một ngày hai, mà cần phải có thời gian tính bằng năm.

Chưa hết, TPP còn thúc đẩy sự phát triển công nghiệp thượng nguồn trong ngành dệt may với quy tắc “Từ sợi trở đi”. Đương nhiên là một bộ phận lớn ngành công nghiệp thượng nguồn này bước đầu (như hiện tại) sẽ nằm trong tay doanh nghiệp FDI, từ Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Malaysia hay Mỹ nhưng đó không phải là điều xấu (hổ) vì nó là hiển nhiên như với hầu hết mọi ngành công nghiệp khác trong giai đoạn nền kinh tế đang chuyển mình, đang phát triển, khi các nhà đầu tư trong nước chưa đủ tiềm lực tài chính, năng lực quản lý và công nghệ để cạnh tranh được với nhà đầu tư nước ngoài.

Nhưng chí ít thì các doanh nghiệp nước ngoài trong ngành công nghiệp thượng nguồn này cũng là một bộ phận cấu thành khăng khít của nền kinh tế nội địa, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu, đồng thời cũng nộp thuế, tạo công ăn việc làm, làm lan truyền vào chuyển giao công nghệ, thu hút những doanh nghiệp vệ tinh của địa phương v.v…tạo ra những nền tảng mới cho sự chuyển dịch cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Nói cách khác, ngành dệt may Việt Nam đã và đang đóng góp nhiều hơn, và có tầm quan trọng lớn hơn những gì mà nhiều người đang nhìn nhận. Vai trò và đóng góp này còn được kỳ vọng sẽ ở mức cao hơn nhiều khi TPP có hiệu lực.(cafeF)


Siêu ủy ban 5 triệu tỷ: Không có lợi ích nào hơn lợi ích quốc gia

Một Ủy ban chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu DNNN sẽ được xây dựng và trình Quốc hội vào quý III/2016, được học tập mô hình của Trung Quốc và Singapore. Đây là cơ quan Nhà nước nhưng không phải cơ quan quản lý Nhà nước.

Đó là thông tin được TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (Ciem) đưa ra khi trao đổi với chúng tôi về việc thành lập cơ quan quản lý vốn Nhà nước theo chủ trương đã được Chính phủ phê duyệt.

Theo số liệu năm 2014 của gần 800 DN mà nhà nước nắm 100% vốn, CIEM cho biết, tổng tài sản của số DN này lên tới hơn 3 triệu tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là hơn 1,2 triệu tỷ đồng. Nếu tính toàn bộ các DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn và trên 50% vốn thì con số này lên đến 5 triệu tỷ đồng. Con số “khổng lồ” này, theo ông Cung, tính theo giá thị trường lớn hơn rất nhiều.

Thưa ông, sự khác biệt của mô hình cơ quan chuyên trách là gì và có thể giải quyết những bất cập hiện nay trong quản lý DNNN, đặc biệt trong tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN?

Việc bàn luận và thành lập một cơ quan chuyên trách là thực hiện theo kết luận của Đại hội lần XII nhằm thực hiện quyền chủ sở hữu Nhà nước. Việc thành lập cơ quan này nhằm ba mục tiêu:

Thứ nhất là tránh xung đột lợi ích trong việc thực hiện các chức năng của Nhà nước, từ đó tách các chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu Nhà nước ra khỏi chức năng làm chính sách và chức năng điều tiết thị trường.

Ba chức năng đều là của nhà nước nhưng khi thực hiện, tập trung vào một Bộ thì xung đột về mặt lợi ích, dẫn tới một môi trường kinh doanh không công bằng, không bình đẳng, thiếu cạnh tranh và tạo ra sự méo mó của thị trường. Từ đó, việc phân bố nguồn lực méo mó và nền kinh tế kém hiệu quả, kém năng lực cạnh.

Thứ hai,cơ quan chủ sở hữu vốn và tài sản Nhà nước nhằm thực hiện chức năng của người đầu tư, nhà đầu tư nên phải chuyên trách, chuyên nghiệp, với vai trò của người đầu tư chứ không phải là vai trò của cơ quan quản lý hành chính Nhà nước.

Thứ ba, khi tập trung về một đầu mối thì sẽ đánh giá đầy đủ là có bao tiền, bao tài sản một cách rõ ràng, từ đó tập trung nguồn lực. Theo đó, việc sử dụng nguồn lực này sẽ hiệu quả hơn để phục vụ mục tiêu chiến lược của nền kinh tế chứ không phân tán nhiều nơi, nhiều cấp như hiện nay.

Một cơ quan cũng sẽ tạo ra động lực nhanh hơn, mạnh hơn trong tái cơ cấu DNNN hơn là để phân tán nhiều bộ. Bởi hiện nay mỗi bộ có quyền hành riêng và sẽ chậm hơn trong cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN.

Thứ tư, đồng ý là sẽ đảm bảo hoạt động cho DNNN, nhưng yêu cầu đặt ra là DNNN phải minh bạch, đảm bảo trách nhiệm giải trình, công bằng và đảm bảo tính trung lập của nền kinh tế, không làm méo mó thị trường.

Do đó, cần phải tách biệt chức năng chủ sở hữu ra khỏi chức năng quản lý Nhà nước khác, thành lập cơ quan có chức năng chuyên trách để thực hiện quyền sở hữu này. Đó là yêu cầu của hội nhập, cũng là yêu cầu nội tại của việc thúc đẩy cải cách kinh tế, thay đổi vai trò của Nhà nước, thay đổi cách thực thực hiện chức năng nhiệm vụ của Nhà nước.

Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là xử lý vấn đề lợi ích nhóm khi thành lập ủy ban này, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Không có lợi ích nào hơn lợi ích quốc gia, việc này chính là cải cách, là sự sắp xếp bộ máy, thay đổi cơ cấu quyền lợi của nhiều cơ quan Nhà nước. Vì vậy những người mất chức năng nhiệm vụ trong việc thực hiện quyền sở hữu Nhà nước, có thể đồng ý bên ngoài nhưng bên trong không đồng ý và biện nhiều lý do.

Nhưng hiện nay Nghị quyết của Đảng đã có và Chính Phủ đã có kế hoạch để thực hiện chủ trương này. Quan trọng giờ là chúng ta hành động, phải làm. Thời hạn là quý III năm nay sẽ trình Quốc hội về việc thành lập cơ quan chuyên trách, với mô hình học hỏi từ Trung Quốc và Singapore.

Trong quá trình làm đương nhiên có vấn đề khó khăn nhưng không vì thế mà dừng lại. Việc đóng góp của chuyên gia, công chúng và các bên có liên quan là rất quan trọng. Nếu vì lợi ích quốc gia thì không có gì không vượt qua được.

Bên cạnh lợi ích nhóm thì có khó khăn hay rào cản pháp lý nào không, thưa ông?

Có lẽ là tư duy, đây là cơ quan Nhà nước nhưng không phải cơ quan quản lý Nhà nước, mang nặng tính kinh doanh đầu tư vốn Nhà nước. Do đó, thiết kế bộ máy của cơ quan này phải giống như một công ty, chứ không phải một cơ quan quản lý Nhà nước. Kỹ năng và kiến thức, công cụ thực hiện của những cơ quan này không phải là hành chính Nhà nước.

Điều cuối cùng là tiêu chí, cách thức đánh giá và hoàn thành, từ đó trả lương và trả thưởng theo mức như người đầu tư kinh doanh trong các doanh nghiệp chứ không phải lấy chế độ công chức. Lương thì không nên có giới hạn mà phụ thuộc vào kết quả hoạt động.

Theo ông có nên lo ngại về sự lạm quyền của cơ quan chuyên trách này hay không?

Tài sản và nguồn vốn của DNNN là một khối lượng vốn, tài sản có giá trị lớn nên việc thành lập cơ quan này sẽ tăng hiệu quả sử dụng vốn. Chúng tôi nhìn đây như tiềm năng, dư địa cần cho thúc đẩy phát triển kinh tế trong giai đoạn 2016 – 2020, bởi chỉ cần tăng 1% hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước, thì ta đạt được tăng trưởng 8%, so với mức 6,5% như hiện nay, đó là khu vực mà ta có nhiều tiềm năng nhưng lại sử dụng kém.

Rõ ràng, bất cứ ai có quyền đều lạm quyền nên cần thiết là phải lập thể chế giám sát cả bên trong và bên ngoài, bên trên và bên dưới. Do đó, báo chí, cơ quan truyền thông và chuyên gia là những bên giám sát hiệu quả. Phải cung cấp thông tin, công khai và mịnh bạch, mục tiêu năm nay là gì, làm gì để đạt được điều đó, đánh giá hiệu quả thế nào và công bố thông tin, từ đó đối chiếu xem có đạt được điều đó hay không?(CafeF)


SCIC chưa buông “bò sữa” Vinamilk, Bảo Minh, FPT Telecom

2016 là năm mà cả thị trường chờ đợi các cuộc thoái vốn lịch sử tại nhiều doanh nghiệp lớn, nhưng SCIC không làm như vậy...

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố kế hoạch bán vốn năm 2016. Trong năm 2015, SCIC đã bán vốn thành công tại 120 doanh nghiệp thu về 4.491 tỷ đồng trên giá vốn 1.682 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2015, SCIC còn nắm giữ vốn tại 197 doanh nghiệp với tổng các khoản đầu tư là 19.740 tỷ đồng.

2016 là năm mà cả thị trường chờ đợi các cuộc thoái vốn lịch sử tại 10 doanh nghiệp như Vinamilk, FPT Telecom, Bảo hiểm Bảo Minh, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, FPT, Công ty Xuất nhập khẩu Sa Giang, Công ty Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, Công ty Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang, Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam, theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt từ tháng 10/2015.

Ước tính giá trị thoái vốn có thể lên tới 3,5 tỷ USD.

Ngay bản thân các doanh nghiệp trong diện thoái vốn cũng đã có nhiều chuẩn bị cho lộ trình này. Tiêu biểu như Vinamilk mới đây đã không giới hạn room ngoại, thực hiện các cuộc tiếp xúc nhà đầu tư ở nước ngoài…

Tuy nhiên, kế hoạch thoái vốn của SCIC trong năm 2016 đã khiến không ít các nhà đầu tư thất vọng bởi những doanh nghiệp mà họ thực sự chờ đợi thoái vốn như: Vinamilk, Bảo hiểm Bảo Minh, Nhựa Bình Minh, FPT Telecom…lại không xuất hiện.

Cụ thể, theo kế hoạch, năm 2016, SCIC sẽ tiến hành bán vốn ở 120 doanh nghiệp, trong đó Tập đoàn FPT và Công ty Xuất nhập khẩu Sa Giang được thoái vốn theo quyết định của Chính phủ từ tháng 10/2015.

ke hoach thoai von tai 10 doanh nghiep da duoc chinh phu phe duyet thang 10/2015.

Kế hoạch thoái vốn tại 10 doanh nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt tháng 10/2015.

SCIC hiện đang nắm giữ 6% vốn tại FPT, tương đương sở hữu 23,9 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp này. Theo thị giá hiện nay của FPT (40.800 đồng/cổ phiếu), số tiền mà SCIC dự kiến thu về lên tới hơn 975 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số các doanh nghiệp lớn mà SCIC dự định sẽ bán vốn trong năm 2016 như Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng (Vinaconex), Nhiệt điện Quảng Ninh, Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh, Tổng công ty Cơ điện xây dựng, Nhiệt điện Hải Phòng, Công ty Nông sản Thực phẩm xuất khẩu Cần Thơ, Công ty Khoáng sản và Đầu tư Khánh Hoà,… Trong đó, có nhiều doanh nghiệp mà SCIC đã bán cổ phần năm 2015 nhưng bị ế.

Trở lại việc SCIC chưa vội buông vốn ở các doanh nghiệp như Vinamilk, Nhựa Bình Minh hay Bảo Minh…có thể là do đây đang là những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất của SCIC.

Nhiều nhà đầu tư gọi những doanh nghiệp này là “gà đẻ trứng vàng” hay “bò sữa” cho SCIC khi mỗi năm thu từ cổ tức lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Năm 2015, SCIC nhận về 5.062 tỷ đồng cổ tức, tăng 40% so với năm 2014.

Trong đó, riêng Vinamilk đã trả cho SCIC 2.705 tỷ đồng cổ tức. Năm 2014, con số này cũng ở mức 1.502 tỷ đồng. FPT Telecom cũng mang về nguồn cổ tức lớn. Danh sách cổ tức lớn còn có Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong…

Điều đáng nói là năm 2016, các “gà đẻ trứng vàng” lại lên kế hoạch chi trả cổ tức khủng bằng tiền. Cụ thể, Vinamilk, dự định trả cổ tức bằng tiền cao kỷ lục lên tới 60%, Nhựa Bình Minh bằng tiền tỷ lệ 45%, Nhựa Tiền Phong trả cổ tức 25% bằng tiền, FPT Telecom cổ tức bằng tiền 20% và 10% bằng cổ phiếu…

Với những “món tiền tươi thóc thật” này, SCIC đã đặt kế hoạch năm 2016 đạt doanh thu 12.528 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 8.414 tỷ đồng, trong đó lãi cổ tức là 4.428 tỷ đồng.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 02-06-20161

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 02-06-2016

    Samsung được dự báo lãi “khủng” nhờ Galaxy S7
    Thủy sản Nam Việt: Chưa thể thoái vốn khỏi Ngân hàng Hàng Hải
    Năm 2015, HNX lãi ròng 146 tỷ đồng, giảm 25,3%
    Thế giằng co ở Bibica
    “Vận đen” vẫn đeo bám ngành sòng bạc Macau

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 02-06-20162

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 02-06-2016

    Trung Quốc truy lùng người xô thị trường chứng khoán “đổ sập”
    Đồng USD dịch chuyển trái chiều sau báo cáo tiêu dùng
    Doanh nghiệp thích Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU hơn TPP
    Bầu Thắng lãi hàng trăm tỷ nhờ “đá hiệp phụ” với Kinh Đô
    Đề xuất của Vietnam Arilines lập hãng hàng không mới “bỏ quên” nhiều văn bản pháp lý?

  • Tin kinh tế đọc nhanh 02-06-20163

    Tin kinh tế đọc nhanh 02-06-2016

    Gỗ Việt sẽ gặp rắc rối với TPP
    PMI tháng 5 tăng nhờ lượng đơn đặt hàng mới vượt mạnh nhất 1 năm
    Doanh nghiệp Đức ở Việt Nam tin tưởng vào kinh tế vĩ mô hơn ở Trung Quốc
    “Mở hầu bao” cho trái phiếu Chính phủ
    Thời kỳ “trăng mật” của nhân dân tệ sắp đến hồi kết

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 01-06-20164

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 01-06-2016

    Đề xuất thành lập sàn giao dịch hồ tiêu VN
    EVFTA: Thời cơ chín muồi để tranh thủ lợi thế
    Thực phẩm ngoại đang “sống khỏe”
    USD có tháng tăng tốt nhất trong 6 tháng nhờ kỳ vọng tăng lãi suất
    Các nhà kinh tế nhận định, Brexit sẽ gây tổn hại nặng cho kinh tế Anh

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 01-06-20165

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 01-06-2016

    Việt Nam xuất siêu sang nhóm G7 gần 20 tỷ USD mỗi năm
    5 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 9,1%
    Vàng: Thảm bại trong tháng 5, u ám trong tháng 6
    Quan chức Fed: Thế giới sẵn sàng đón nhận làn sóng tăng lãi suất
    Cho vay ngoại tệ hỗ trợ xuất khẩu: Cửa mở kịp thời!

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 01-06-20166

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 01-06-2016

    Châu Á nhập khẩu dầu thô của Iran tăng 13% trong tháng 4
    Indonesia sẽ giảm sản lượng than trong năm tới
    Nội địa vẫn là thị trường trọng điểm tiêu thụ vải thiều
    Sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng 7,5%
    Tổng sản lượng thủy sản 5 tháng đầu năm tăng 1,6%

  • Tin kinh tế đọc nhanh 01-06-20167

    Tin kinh tế đọc nhanh 01-06-2016

    Nhật Bản chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang Đông Nam Á
    NHNN đã mua vào khoảng 7 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay
    Nhờ thiên thời địa lợi, các ông lớn ngành xây dựng tăng mạnh lợi nhuận
    Bán nước C2, Rồng Đỏ nhiễm chì, Công ty URC Hà Nội bị phạt hơn 5,8 tỷ đồng
    Việt Nam muốn xuất khẩu sữa sang Trung Quốc

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 31-05-20168

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 31-05-2016

    Giấc mơ thị trường mới nổi đã kết thúc?
    Australia đấu giá 11,5 triệu USD bitcoin
    TP HCM bàn cách giữ thị phần bán lẻ cho doanh nghiệp nội
    Hãng dầu phá sản 2 lần trong 9 tháng
    “Cải cách quyết liệt 20 năm nữa Việt Nam mới đuổi kịp Hàn Quốc của năm 2000”

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 31-05-20169

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 31-05-2016

    Giá ô tô sang nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng mạnh?
    Hàng điện gia dụng và linh kiện xuất xứ từ Thái Lan chiếm 58,3% thị phần
    Xuất khẩu sang Áo, điện thoại và linh kiện chiếm trên 80%
    Việt Nam xuất siêu 1,3 tỉ USD trong 5 tháng
    Hơn 28.500 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 5 tháng

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 31-05-201610

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 31-05-2016

    Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 5 tháng đầu năm 2016
    Sản lượng sữa Australia giảm
    Trung Quốc: tăng trưởng lợi nhuận công nghiệp chậm lại trong tháng 4
    Niềm tin kinh doanh của Nhật Bản chạm mức thấp 3 năm
    Điều tra công ty Trung Quốc vì dùng bí mật thương mại ăn cắp của Mỹ