tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Triển khai Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi): Trường hợp nào sẽ được miễn thuế theo định mức?

  • Cập nhật : 16/05/2016

(Tin kinh te)

Quy định về các trường hợp miễn thuế theo định mức, tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi) đã dành 5 điều để quy định cụ thể 5 trường hợp miễn thuế theo định mức.

hang hoa mua ban, trao doi cua cu dan bien gioi la 1 trong 5 truong hop duoc mien thue theo dinh muc. trong anh: kiem tra hang hoa cua cu dan bien gioi tai cua khau quoc te mong cai. (anh: t.trang)

Hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới là 1 trong 5 trường hợp được miễn thuế theo định mức. Trong ảnh: Kiểm tra hàng hóa của cư dân biên giới tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. (Ảnh: T.Trang)

Các trường hợp được miễn thuế theo định mức:

Miễn thuế đối với hàng hóa XNK của tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ.

Miễn thuế đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh.

Miễn thuế đối với tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân.

Miễn thuế đối với quà biếu, tặng.

Miễn thuế đối với hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới.

Theo phân tích của Cục Thuế XNK- Tổng cục Hải quan (ban soạn thảo Nghị định), tại dự thảo Nghị định sẽ quy định về rõ đối tượng, định mức, tiêu chuẩn, điều kiện được miễn thuế theo định mức trên cơ sở kế thừa quy định pháp luật hiện hành đang thực hiện ổn định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (như Quyết định 52/2015/QĐ-TTg ngày 20-10-2015 về hàng hóa mua bán của cư dân biên giới, Quyết định 31/2015/QĐ-TTg ngày 4-8-2015 quy định về định mức hành lý, tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng, hàng mẫu được miễn thuế, xét miễn thuế, không chịu thuế).

 

Bên cạnh đó, học tập kinh nghiệm một số nước phát triển để thực hiện cam kết quốc tế, tại dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể trường hợp vượt định mức miễn thuế, xét miễn thuế thì phải nộp đủ các loại thuế theo quy định của pháp luật đối với số lượng hàng hóa vượt định mức và đảm bảo các quy định của pháp luật về chính sách XNK hàng hóa tại thời điểm XNK. Riêng đối với quà biếu, quà tặng có số lượng hoặc trị giá vượt quá định mức miễn thuế, dự thảo Nghị định quy định cụ thể nghĩa vụ thuế phải nộp đối với phần vượt, trừ trường hợp đơn vị nhận là cơ quan, tổ chức được ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động, Bộ Tài chính xem xét giải quyết miễn thuế từng trường hợp cụ thể.

Hàng miễn trừ ngoại giao

Phân tích quy định về miễn thuế đối với hàng hóa miễn trừ ngoại giao, ban soạn thảo phân tích, hàng hóa XK, NK của tổ chức quốc tế và thành viên tổ chức quốc tế được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo quy định tại Điều 39, Điều 40, Điều 41 Pháp lệnh về quyền ưu đãi miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam thì các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc, Cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế Liên chính phủ ngoài hệ thống Liên hợp quốc, Cơ quan đại diện của các tổ chức phi Chính phủ và thành viên của cơ quan của các tổ chức này, cũng như thành viên gia đình cùng sống chung với họ thành một hộ được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết với tổ chức quốc tế.

Theo quy định hiện hành về danh mục và  định lượng các vật dụng được NK, XK, tạm nhập, tái xuất hoặc mua miễn thuế tại Việt Nam được quy định cụ thể. Tuy nhiên, ban soạn thảo cho biết, hiện định mức, tiêu chuẩn, điều kiện miễn thuế đối với trường hợp hàng hóa của đối tượng ưu đãi, miễn trừ; hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới được quy định tại một số văn bản gồm: Quyết định số 53/2013/QĐ-TTg ngày 13-9-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm NK, tái XK, tiêu hủy, chuyển nhượng đối với xe ô tô, xe hai bánh gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam; Thông tư liên tịch số 03/2007/TTLT-BCT-BTC-BNG ngày 15-10-2007 hướng dẫn việc tạm NK, NK hoặc mua miễn thuế tại Việt Nam, XK, tái XK, chuyển nhượng và tiêu hủy những vật dụng cần thiết phục vụ cho nhu cầu công tác và sinh hoạt của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam.

Qua rà soát các mặt hàng được miễn thuế có định lượng khá lớn, hơn nữa, việc quy định ở nhiều văn bản với các cấp độ pháp lý khác nhau dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận và nắm bắt các quy định này. Mặt khác, quá trình thực hiện thời gian qua cho thấy một số quy định đã phù hợp với thực tế, cần đưa vào Nghị định để nâng cao giá trị pháp lý, một số quy định chưa phù hợp với tình hình biến đổi kinh tế - xã hội của đất nước, cần được sửa đổi cho phù hợp.

Vì vậy, để bảo đảm phù hợp với cam kết quốc tế và các văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn, nâng cao tính pháp lý, đảm bảo tính minh bạch, thống nhất, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ cho phép kế thừa quy định cụ thể danh mục mặt hàng và định lượng vật dụng cần thiết cho tổ chức quốc tế và thành viên tổ chức quốc tế được hưởng ưu đãi, miễn trừ như như hiện hành. Nhưng có giảm bớt về danh mục mặt hàng và định lượng miễn thuế đối với một số đối tượng như nhân viên hành chính kỹ thuật vì đối tượng này đang được hưởng ưu đãi tương đương như các đối tượng là viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự, cụ thể: Được miễn thuế trong vòng 6 tháng đối với rượu các loại 40 lít, bia các loại 400 lít … 

Quà biếu, quà tặng

Phân tích quy định về miễn thuế đối với quà biếu, quà tặng, ban soạn thảo cho biết, theo quy định hiện hành về định mức miễn thuế tại khoản 2 Điều 5 Quyết định số 31/2015/QĐ-TTg ngày 4-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ thì: Quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho cá nhân Việt Nam; quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân Việt Nam cho cá nhân ở nước ngoài có trị giá không vượt quá 2 triệu đồng hoặc có trị giá hàng hóa vượt quá 2 triệu đồng nhưng tổng số tiền thuế phải nộp dưới 2 trăm nghìn đồng được miễn thuế XK, thuế NK và không chịu thuế GTGT.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các nước quy định miễn thuế đối với hàng trị giá nhỏ như tại Trung Quốc: Tiền thuế không vượt quá 50NDT (7,7 USD);  tại Philippines: Tiền thuế không quá 10PHP (0,3 USD) hoặc trị giá hàng hoá dưới 15 USD; Malaysia: Trị giá hàng hoá dưới 500 MYR (130 USD); Thái Lan: 1.000 THB (29 USD); Indonesia: 50 USD; Singapore: Miễn thuế NK, trừ rượu, thuốc lá, ô tô và xăng dầu, GST miễn đối với hàng hóa trị giá dưới 400 SGD; Ấn Độ: Không miễn thuế hàng trị giá nhỏ; Nhật Bản: 10.000 Yen (91 USD); Hàn Quốc: 150.000 won (140 USD), có một số loại trừ về diện mặt hàng và kèm theo một số điều kiện. Ví dụ như đối với hàng hoá là đồ gia dụng như lò nướng, tủ lạnh, máy sấy... chỉ được miễn 1 lần cho 1 hộ gia đình; Hoa Kỳ: 100 USD; Canada: 20 CAD (16 USD);  EU: 150 EURO, không miễn VAT.

Từ căn cứ kết quả rà soát quy định miễn thuế của các nước, và để nâng cao tính pháp lý, đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch, tạo chính sách thuế tương đồng giữa các đối tượng giống nhau, tại dự thảo Nghi định dự kiến điều chỉnh giảm định mức miễn thuế đối với quà biếu, quà tặng của tổ chức nước ngoài cho cá nhân Việt Nam, quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân Việt Nam cho cá nhân ở nước ngoài từ 2 triệu xuống còn 1 triệu hoặc có trị giá hàng hóa có trị giá hàng hóa trên 1 triệu đồng nhưng tổng số tiền thuế phải nộp dưới 1 trăm nghìn đồng được miễn thuế không quá 1 lần 1 tháng.

Cùng với đó, dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định để làm rõ đối tượng được miễn thuế đối với hàng quà biếu, quà tặng là cơ quan hành chính, sự nghiệp công, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, tổ chức khác có sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước.



Thu Trang
(Theo Báo Hải Quan) 
Trở về

Bài cùng chuyên mục