tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Trung Quốc: Kinh tế tư nhân quan trọng, nhưng mối lo chính trị còn cao hơn

  • Cập nhật : 19/10/2017

Chính phủ Trung Quốc và lĩnh vực tư nhân không đối đầu nhưng nếu mối lo về chính trị cao hơn lợi ích kinh tế, chắc chắn chính phủ không để yên.

anh: gensler

Ảnh: Gensler

 

Đầu tháng Mười, lần đầu tiên Đảng Cộng sản Trung Quốc phát đi một thông báo không khỏi khiến giới doanh nhân mừng rỡ. Lần đầu tiên họ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của doanh nghiệp đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Những lời ngọt ngào đó khiến không ít người tin rằng chính phủ sẽ đưa ra nhiều cải cách quan trọng để giúp giảm bớt sự quản lý của nhà nước đối với lĩnh vực tư nhân. 

Tuy nhiên, thật đáng tiếc, sẽ thật sai lầm nều tin vào thông điệp đó. Suy cho cùng, nói bao giờ cũng dễ, nhưng chỉ hành động mới cho thấy ý định thật sự, theo khẳng định của bài báo mới được Nikkei đăng tải. 

Năm nay là một năm rất nhạy cảm về chính trị đối với Trung Quốc. Trung Quốc tổ chức Đại Hội Đảng lần thứ 19, một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng. Lần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ được thông báo tiếp tục tại vị thêm năm năm nữa, củng cố thêm vị thế nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc tính từ thời ông Đặng Tiểu Bình. 

Sự kiện diễn ra, chắc chắn đảng của Trung Quốc sẽ bằng mọi cách giảm thiểu mọi rủi ro tài chính. Vào đầu năm nay, đồng nhân dân tệ giao dịch ở mức thấp nhất trong nhiều năm, dự trữ ngoại hối giờ đã giảm khoảng 1 nghìn tỷ nhân dân tệ tính từ mức đỉnh. 

Người ta nói rất nhiều đến việc dòng vốn đang chạy khỏi Trung Quốc thông qua hàng loạt hợp đồng mua doanh nghiệp nước ngoài, trong đó bao gồm các công ty điện ảnh, khách sạn, câu lạc bộ bóng đá và nhiều bất động sản. 

Những tập đoàn đi đầu trong xu thế trên bao gồm Dalian Wanda, Fosun International, HNA và Anbang Insurance. Người Trung Quốc mua cả thế giới – người ta có thể tiếp tục nói câu đó cho đến khi kịch hạ màn và niềm vui vụt tắt. Những công ty này trở thành mục tiêu của chính phủ trong nỗ lực giảm thiểu các rủi ro tài chính.

Các doanh nghiệp được nói đến kể trên luôn cởi mở với mục tiêu của họ, những thương vụ của họ được báo chí truyền thông đưa lên tiêu điểm, thế nhưng dường như giới chức Trung Quốc chưa ý thức đủ nhanh về những rủi ro tiềm tàng từ hoạt động này. 

Phần lớn các thương vụ được thực hiện bằng tiền đến từ nguồn quỹ có kết nối với các sản phẩm quản lý tài sản được bán cho nhà đầu tư trong nước. Nếu các thương vụ ở nước ngoài thất bại, chắc chắn nhiều nhà đầu tư đại lục sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Ngoài ra, đằng sau các doanh nghiệp Trung Quốc có thể là không ít các chính trị gia, chính vì vậy nếu thương vụ thất bại, nhóm này cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Lĩnh vực bảo hiểm tại Trung Quốc chịu tác động nặng nề. Việc Chủ tịch Ủy ban Bảo hiểm Trung Quốc, ông Xiang Junbo, vào bị bắt giam cho thấy điều đó. Lý do được khẳng định là do Anbang và nhiều doanh nghiệp khác đã nhận được sự hỗ trợ từ lãnh đạo ngành bảo hiểm để thực hiện các thương vụ ở nước ngoài.

Ngoài ra, khi chính phủ Trung Quốc bổ nhiệm ông Guo Shuqing vào vị trí chủ tịch Ủy ban quản lý ngành ngân hàng Trung Quốc, chính phủ đã phát đi thông điệp rõ ràng về việc kiểm soát chặt chẽ rủi ro bong bóng tín dụng. 

Xét từ phương diện chính trị, rõ ràng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã chiến thắng, tuy nhiên từ góc độ doanh nghiệp, việc họ thắt chặt chính sách với doanh nghiệp tư nhân cho thấy tâm lý còn vô cùng cẩn trọng. Các thương vụ trong lĩnh vực tư nhân, có những thương vụ nhỏ giá trị ước chỉ khoảng 1 tỷ USD, đã bị ngăn lại không phải vì lý do kinh tế mà mang nhiều mục đích chính trị.

Giới chức Trung Quốc cũng từng nói đến việc đồng nhân dân tệ sẽ được quốc tế hóa, thế nhưng một khi phải va chạm với thực tế rằng sự quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và việc cởi mở lĩnh vực tài chính sẽ mang đến điều gì, họ dường như lại trở nên vô cùng dè dặt.

Vào tháng Tám, chính phủ Trung Quốc đưa ra chỉ dẫn rõ ràng về việc lĩnh vực nào sẽ chịu hạn chế khi đầu tư ra nước ngoài, lĩnh vực nào được khuyến khích. Việc đưa ra những quy định đó sau khi thực hiện hàng loạt các biện pháp siết chặt cho thấy nó cũng không phải cách quản lý doanh nghiệp đổi mới cho lắm.

Các biện pháp thắt chặt quản lý với doanh nghiệp tư nhân cho thấy không hề có sự phân biệt nào giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ Trung Quốc quản lý chặt chẽ tất cả các mặt của xã hội Trung Quốc, dù rõ ràng Trung Quốc giờ đây đã cởi mở hơn rất nhiều. Tư nhân có quyền sở hữu nhưng chưa bao giờ hoàn toàn có quyền quản lý doanh nghiệp của họ.

Chính phủ Trung Quốc rõ ràng đã gửi đến thông điệp rõ ràng đến lĩnh vực tư nhân: “Bạn có quyền được tự do miễn bạn tuân thủ quy định của chúng tôi, và quan trọng hơn nữa, đáp ứng nhu cầu cũng như đầy đủ các chuẩn mực của chúng tôi.”

Chính phủ và lĩnh vực tư nhân không đối đầu nhưng nếu mối lo về chính trị cao hơn lợi ích kinh tế, chắc chắn chính phủ không để yên. 

TRUNG MẾN
Theo Bizlive.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục