tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Kinh tế toàn cầu ì ạch và ảm đạm!

  • Cập nhật : 12/02/2016

(Tin kinh te)

Năm 2015 đã khép lại, nhân loại hứng chịu nhiều thảm họa, vui ít buồn nhiều. Trong bức tranh thế giới u ám ấy, có thể nói, những nỗ lực và thành công của Việt Nam là điểm sáng, là niềm vui và hy vọng lớn.

Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ. Thị trường chứng khoán lao dốc thổi bay 5.000 tỷ usd của quốc gia đông dân nhất thế giới. Trong khi 70% các nhà đầu tư Mỹ thua lỗ thì Thượng viện dỡ bỏ lệnh cấm xuất dầu thô được coi như đòn sấm sét ép giá dầu về 20 USD/thùng. Nước Nga vốn hao kiệt tài chính, lại thêm cú giá dầu sụt giảm thê thảm khiến nền kinh tế rơi tự do xuống thấp nhất trong hai thập niên gần đây.

Tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, hướng đến mục tiêu lâu dài biến đồng tiền in hình Mao Trạch Đông thành ngoại tệ dự trữ toàn cầu, cộng với kim ngạch xuất khẩu giảm, bảo vệ việc làm trong nước là nguyên nhân chính phủ Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ.

Nhưng thực ra về mặt lý thuyết, động thái thả nổi đồng nội tệ ở quê hương của tướng quốc - nhà buôn quan bán tước mọi thời đại Lã Bất Vi ấy là “một phần trong kế hoạch cải cách phương thức quản lý tỷ giá hối đoái” và “giữ cho đồng nội tệ ổn định về cơ bản và để các lực lượng thị trường đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế”. Tham vọng và hiện thực thành công bao giờ cũng là một khoảng cách xa vời.

Năm 2015, nỗi lo lắng của các nhà đầu tư không phải là cuộc khủng khoảng nợ nần của Hy Lạp mà là những biến động tài chính ở thị trường Trung Quốc và chỉ số chứng khoán tổng hợp Shanghai Composite như những đám mây đen trên bầu trời Thượng Hải.

Thị trường chứng khoán lao dốc, chỉ số sụt giảm chỉ còn một nửa khiến 5.000 tỷ USD bốc hơi. Các nhà đầu tư, đầu cơ “soái”, “sộp” ở Thượng Hải, Thâm Quyến bạc mặt, gần 100 triệu nhà đầu tư “tép riu” thường dân hoang mang. Người dân Trung Hoa đại lục mất tiền, công dân Mỹ, Nhật, Anh... có tham vọng tài chính ở Thượng Hải cũng... mất đau mất đớn.

Nhân loại khổ sở và hạnh phúc đã làm cuộc cách mạng số kết nối thành thế giới phẳng khiến mọi sự lồi lõm cong vênh vô hình bị san bằng. Nỗi cách xa thăm thẳm của không gian địa lý chẳng còn là điều trở ngại, không một cá nhân hay quốc gia nào đứng ngoài mỗi sự kiện bi thảm hay sáng sủa loài người thời hội nhập toàn cầu. Chỉ cần nhà nước đông dân nhất thế giới tuyên bố phá giá đồng nhân dân tệ là ngay sau đó cả thế giới... giật mình.

Giật mình vì nền kinh tế mới nổi có tổng thu nhập quốc dân (GDP) đứng thứ 2 thế giới đã rập rình nhiều lần định châm ngòi nổ quả bom phá giá nội tệ thì hôm 11/8/2015, bom mới phát nổ. Giật mình và nhiều quốc gia trong khu vực đã nháo nhác như “đàn gà” lo sợ cái bóng ma kinh tế “diều hâu” đang quần thảo trên đầu. Một số Chính phủ nước lân cận và quốc gia đang phát triển phải nhóm họp ngay lập tức để... đối phó, ngăn chặn cơn sóng đen tài chính tiền tệ sẽ tràn vào biên giới nước mình.

Phá giá 1,9% nhưng chỉ 3 phiên trên thị trường hối đoái tiếp theo, đồng bạc của người Hoa đã mất giá 4,4% và sụt giảm lớn nhất từ năm 1994 đến nay. Thả lỏng nhân dân tệ nhằm tự do hóa và phục hồi xuất khẩu, kích thích các nhà sản xuất kinh doanh nội địa đầu tư ra nước ngoài.

Nhưng chính phủ của Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng làm giảm sức mua của đồng bào ông. Nhà nước Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ không còn là thuộc về câu chuyện riêng trong một thế giới nhằng nhịt mối quan hệ song phương, đa phương.

14 quốc gia cùng chung biên giới Trung Quốc như Nga, Bắc Triều Tiên, Mông Cổ, Việt Nam, Lào, Ấn Độ, Nê pan, Myanmar, Afghanistan... và nhiều nước bị ảnh hưởng không thể ngồi yên khi hàng hóa giá rẻ ở Thâm Quyến, Quảng Đông, Thượng Hải... tràn qua biên giới vào nước họ.

Cũng giống như châu Âu và Bắc Mỹ đang lo ngại bởi những tốp người của dân tộc đông nhất hành tinh ồn ào đi trên các đường phố Paris, Rome... thì giày dép, đồ da, đồ may mặc sẵn... cũng đi theo tràn ngập các xứ sở với giá bèo.

Ngày 30/11/2015, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã được Quỹ Tiền tệ Quốc tế quyết định đưa vào giỏ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Chắc chắn điều này sẽ ảnh hưởng đến cuộc chiến tiền tệ trong tương lai gần.

Cuộc chiến Nga - Mỹ sau thời chiến tranh lạnh vẫn chưa có hồi kết. Và giá dầu vẫn là đòn quyết định của Mỹ mỗi khi quyết định trừng phạt người Nga. Ông Putin của thời 2015 khác hẳn hình ảnh hơn một thập niên trước đây. Tiếp nhận cơ đồ chính trị, xã hội, kinh tế như cái nhà trống gió bốn phương từ tổng thống tiền nhiệm thời hậu Xô viết Yeltsin, ông Putin chèo chống đưa nước Nga thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, hỗn loạn xã hội và lấy lại sức mạnh nước Nga cường quốc.

Nhưng, tài giỏi mấy mà 8 năm làm tổng thống, 4 năm thủ tướng và đang sắp hết nhiệm kỳ 4 năm tổng thống thì ông Putin cũng không tránh khỏi quy luật lão hóa của thời gian. Hai nhiệm kỳ đầu rực rỡ bao nhiêu thì gần 4 năm đương nhiệm lại ảm đạm tụt dốc bấy nhiêu: chỉ số cạnh tranh và điều kiện kinh doanh giảm, tăng trưởng thấp, tham nhũng tràn lan... Ông Putin đã tỏ ra mệt mỏi!

Nước Nga như cơn lên đồng khi giá dầu dao động... lao dốc rồi lại ngóc lên ở cái mốc 50 USD/thùng. Và nỗi kinh hoàng u ám đã xảy ra ở Điện Kremlin khi Thượng viện Mỹ hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô. Đồng minh của Mỹ ở châu Âu vốn phụ thuộc vào nguồn năng lượng dầu mỏ và khí đốt của nước Nga hân hoan như được tháo bỏ vòng kim cô. Nhưng người Nga thì hãi hùng giá dầu xuống đáy 36,05 USD/thùng vào cuối năm và đặc biệt khi ông lớn Hoa Kỳ ra đòn quyết định ép giá dầu xuống 20 USD/thùng.

Chưa bao giờ người Mỹ muốn người Nga trở thành siêu cường chính trị, quân sự và kinh tế. Cho đến lúc này, dù luôn luôn mang “thượng phương bảo kiếm dầu mỏ, khí đốt” đi đối ngoại, nước Nga dưới thời Putin vẫn chưa bao giờ là đối tác hàng đầu với bất cứ nền kinh tế nào trên thế giới. Một năm tài chính ảm đạm của nước Nga đến đỉnh điểm là 49% người dân được hỏi, kêu ca, phàn nàn về tình trạng triền miên thiếu tiền, 41% mức sống... đứng im, không cải thiện; thu nhập thực tế của người Nga giảm 4-5%.

Khủng hoảng vấn đề Ukraine, bị phương Tây cô lập, bàn tay thép của ông Putin càng lạnh hơn. Người đứng đầu Điện Kremlin quay sang phương Đông chìa bàn tay ấm áp ra ôm hôn ông Tập Cận Bình.

Quan hệ chính trị thì ấm áp, nhưng quan hệ kinh tế Nga - Trung thì lạnh giá: Kim ngạch thương mại sụt 30%, nước Nga rời khỏi nhóm 15 đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc; dự án đường sắt cao tốc Moscow - Bắc Kinh và hợp đồng mua khí gas 400 tỷ USD vẫn... nằm trên giấy.

150 tỷ USD là thỏa thuận hoán đổi tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nga và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc để hỗ trợ thanh toán thương mại bằng đồng rúp và nhân dân tệ thay vì giao dịch Mỹ kim, nhưng cũng ì ạch chỉ thực hiện ở các hợp đồng nhỏ và ngắn hạn. Hai nền kinh tế Nga - Trung rất có khả năng... li dị.

Kinh tế thế giới tưởng chừng sẽ rơi xuống vực thẳm khi cơn suy thoái mới bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tiền tệ Trung Quốc hồi tháng 8/2015, nhưng chỉ phải đứng bên miệng vực.

Sau gần một thập niên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản, đồng USD tiếp tục tăng giá; tỷ lệ thâm hụt ngân sách giảm hơn 6% kể từ năm 2009 đến nay. Chứng tỏ nền kinh tế lớn nhất hành tinh cũng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tiền tệ. Trong khi người dân Nhật Bản thắt lưng buộc bụng vì mức tăng trưởng giảm thì người dân Mỹ lại tưng bừng mua sắm.


Sương Nguyệt Minh
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục