Nguyên phụ liệu gần như phải nhập khẩu hoàn toàn là “rào cản” cho ngành dệt may trong việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do.
Có nên đầu tư vào… xi măng?
- Cập nhật : 21/02/2019
Sau khi ngành xi măng trải qua một giai đoạn dư cung - thiếu cầu, hiện nay đã có những bước đột phá mới nhờ xuất khẩu. Những con số kinh doanh ấn tượng của các doanh nghiệp niêm yết đã ghi nhận giá trị cao trong mắt nhà đầu tư.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá xuất khẩu xi măng trung bình trong năm 2018 đạt 39,3 USD/tấn. Trong khi đó, số liệu khảo sát dựa trên báo cáo từ Liên sở Xây dựng - Tài chính Nam Định và Đồng Nai giá bán xi măng bao trong nước dao động từ 950.000 - trên 1.000.000 đồng/tấn tương đương với mức 41-43 USD/tấn, cao hơn so với giá xuất khẩu.
Thị trường xuất khẩu vẫn đang thiên về sản phẩm clinker (nguyên liệu chính làm ra xi măng) nhiều hơn do các đối tác lớn của Việt Nam dù có nhà máy nhưng thiếu hụt nguyên liệu. Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc vẫn được xem là thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng với DN Việt. Bởi đến thời điểm này, Trung Quốc vẫn đang có chính sách cắt giảm sản lượng các ngành công nghiệp nặng, bao gồm sắt, thép, kính và xi măng.
Công suất lắp đặt của Trung Quốc hiện tại là 1.484 triệu tấn/năm và với việc cắt giảm 10% trong năm 2018 đã tạo ra một khoảng trống hơn 100 triệu tấn/năm cho các nước khác. Nhờ đó xuất khẩu xi măng và clinker sang Trung Quốc đạt 9,8 triệu tấn, chiếm 31% sản lượng xuất khẩu ngành này của Việt Nam.
Trên cơ sở thúc đẩy sản lượng, Việt Nam cũng tạo điều kiện thuận lợi để xi măng và clinker có thể xuất ngoại. Chính phủ đã có Nghị định số 146, trong đó đưa thuế suất xi măng về 0% và hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho DN xuất khẩu xi măng có hiệu lực kể từ đầu năm ngoái đã giúp DN xi măng tăng hiệu quả xuất khẩu. Để dễ dàng hơn cho việc xuất khẩu clinker, Bộ Xây dựng cho biết, mặt hàng clinker không phải là tài nguyên khoáng sản, do sản phẩm được hình thành sau khi nung luyện hỗn hợp nguyên liệu được nghiền mịn từ đá vôi, đất sét và một số phụ gia đến nhiệt độ khoảng 1.450-15000C.
Trong số những DN sản xuất xi măng và clinker, Vincem đang được đánh giá là DN dẫn đầu thị trường. Số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), trong năm 2018 tổng sản lượng xi măng trong nước đạt 96,73 triệu tấn, tăng trưởng 19% so với năm 2017. Như vậy với mức sản xuất 29,2 triệu tấn, Vincem đã chiếm tới 30% tổng sản lượng xi măng của cả nước trong 2018. Năm 2019, tập đoàn này đặt ra mục tiêu sản xuất và tiêu thụ được 31 triệu tấn xi măng; đưa doanh thu tăng 10% so với 2018, đạt mức 40.000 tỷ đồng.
Mặc dù có khá nhiều lợi thế, song có thể những DN sản xuất xi măng như Vincem hay các DN khác cũng không tránh khỏi những khó khăn tồn đọng cần giải quyết. Chẳng hạn như việc Philippines áp thuế tự vệ lên xi măng Việt Nam. Đây là thị trường khá quan trọng đối với các DN sản xuất xi măng Việt Nam với sản lượng nhập khẩu đạt 6,6 triệu tấn/năm và giá trị hơn 300 triệu USD. Theo đó, để bảo vệ ngành xi măng nội địa, Philippines quyết định áp dụng thuế tạm thời đối với xi măng nhập khẩu từ các nước - trong đó có Việt Nam là 210 peso/tấn (khoảng 4 USD/tấn) để bảo vệ và thúc đẩy ngành sản xuất nội địa.
Trong khi động lực tăng trưởng chủ yếu của ngành xi măng Việt Nam vẫn là tăng trưởng của ngành xây dựng, nhất là mảng xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngành xây dựng đã tăng trưởng 9% trong năm 2018 và đang có dấu hiệu chững lại. Ngoài ra, việc vận hành các dây chuyền mới có thể tạo áp lực thêm việc dư cung trong thời gian tới. Điều này xuất phát từ công suất lắp đặt của Việt Nam đã leo lên vị trí thứ 3 trên thế giới, với 148 triệu tấn/năm.
Việc đưa thêm các dây chuyền mới vào hoạt động sẽ làm tăng sản lượng cung, trong khi lượng cầu không thay đổi đáng kể. Những dây chuyền mới của xi măng Long Sơn (dây chuyền 3), Thành Thắng (dây chuyền 4 và 5) và Hà Tiên 1 có thể vận hành trong năm 2020-2022, thêm 5 triệu tấn vào tổng sản lượng sản xuất.
Mặc dù năm 2018 ngành xi măng đã có những khởi sắc nhất định nhưng vẫn còn phải chịu nhiều áp lực về chính sách, đồng thời các công ty xi măng luôn phải đối mặt sự trồi sụt của thị trường bất động sản.
Nguồn: Trần Minh Anh/Thời báo Ngân hàng