tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

BĐS nghỉ dưỡng: FLC bám đuổi quyết liệt Vingroup, Novaland chính thức nhập cuộc đua

  • Cập nhật : 27/09/2016

(Bat dong san)

Nói tới thị trường bất động sản trong 2 năm gần đây bên cạnh phân khúc căn hộ cao cấp được nhiều đại gia đổ tiền đầu tư, thì bất động sản nghỉ dưỡng là mảng được quan tâm thứ 2, là “mỏ vàng” tỷ đô đang được nhiều “ông lớn” BĐS để mắt tới.

flc: cong ty co phan tap doan flc

FLC: Công ty cổ phần Tập đoàn FLC

Những tên tuổi lớn đều đang rầm rộ đẩy mạnh mảng thị trường này như Vingroup, FLC, Sungroup, Bim Group, CEO Group, hay mới đây có sự xuất hiện của ThaiGroup, Hoa Sen Group, Hòa Bình Group, Empire Group…Tuy nhiên, mỗi đơn vị lại có những cách đi riêng, lựa chọn phân khúc phù hợp cho chiến lược kinh doanh của mình.

Xét về quy mô thị trường trong phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp (4-5 sao) thì có thể khẳng định Vingroup là số 1, theo tìm hiểu của chúng tôi, số phòng 5 sao của Vingroup đã đạt con số trên 5000 phòng. Tuy nhiên, một số tên tuổi lớn khác cũng đang vươn lên mạnh mẽ.

Trong đó, đáng chú ý là FLC chỉ trong vòng 2 năm nay, đơn vị này liên tục đưa vào khai thác 3 khu nghỉ dưỡng lớn như FLC Sầm Sơn, FLC Vĩnh Thịnh và FLC Quy Nhơn cũng như nhiều dự án đang xây dựng. Theo tìm hiểu, FLC hiện đã hoàn thành và đưa vào khai thác khoảng trên 2000 phòng từ 4 đến 5 sao. Con số này có thể lên 4000 phòng trong vòng một hai năm sau từ những dự án đang xây.

Trong khi đó, Sungroup không những khẳng định mình ở mô hình sản phẩm hạng sang với nhiều dự án mang tầm quốc tế tại thành phố biển Đà Nẵng như InterContinental Danang Sun Peninsula (197 phòng), khu nghỉ dưỡng Premier Village Danang, Novotel Danang Premier Han River (323 phòng)…tập đoàn này còn đang khiến nhiều đại gia BĐS cũng phải thán phục với nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng để đời, với số vốn đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý nhất đó là quần thể du lịch nghỉ dưỡng mà Sungroup đang tấp nập thi công ở Phú Quốc với tổng kinh phí ước tính lên tới 10.000 tỷ đồng gồm có tuyến cáp treo dài nhất thế giới, khu biệt thự, condotel, khách sạn…và khu quần thể du lịch nghỉ dưỡng ở Hạ Long khoảng 6000 tỷ, cùng hàng nghìn tỷ đầu tư xây dựng khách sạn ở Sa Pa sau khi hoàn thành tuyến cáp treo Fansipan.

Tuy nhiên, sự nổi lên mạnh mẽ của FLC Group trong mảng BĐS nghỉ dưỡng trong 2 năm trở lại đây mới đáng nói hơn cả. Nếu xét về quỹ đất mà FLC đã và đang đầu tư xây dựng các quần thể du lịch nghỉ dưỡng ở 6 tỉnh, thành phố lớn khiến người ta phải giật mình, chừng khoảng trên 4000ha, cũng chẳng kém cạnh gì với nhiều “ông lớn” địa ốc khác.

Có thể nói tới như FLC Quy Nhơn đã đi vào hoạt động có tổng quỹ đất 1300ha, FLC Sầm Sơn 200ha, FLC Hạ Long 224ha đang xây dựng, FLC Vĩnh Phúc giai đoạn 2 khoảng 250ha đang xây dựng…

Một điều khá thú vị ở FLC đó là tập đoàn này dường như đang chạy đua theo mô hình nghỉ dưỡng của tập đoàn Vingroup. Những quần thể FLC đầu tư đều có diện tích rộng hàng trăm héc-ta, phần lớn ở các thành phố biển, có cảnh quan đẹp, du lịch phát triển và đặc biệt là các khu nghỉ đều gắn liền với sân golf. Một điểm khác biệt, đó là trong khi Vingroup và Sungroup đang đầu tư rất đồng bộ những khu nghỉ dưỡng có kết hợp với các khu vui chơi giải trí (BĐS du lịch giải trí) thì FLC hiện mới bắt đầu nhắm tới yếu tố này khi xây dựng vườn thú Safari ở dự án FLC Quy Nhơn.

Nói như ông Trần Ngọc Quang,Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, một tổ hợp nghỉ dưỡng phải đáp ứng cả 3 yếu tố là để ở, mua sắm (shoping) và vui chơi giải trí (entertainment) nhưng ở Việt Nam chưa có nhiều chủ dự án đủ tầm để triển khai như thế giới.

Thực tế, trên thị trường hiện cũng mới chỉ có Vingroup và Sungroup đang làm được những tổ hợp nghỉ dưỡng như vậy với số vốn đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ. Có thể FLC và một số đại gia BĐS khác cũng sẽ đầu tư theo mô hình này ở một vài dự án đang xây dựng trong thời gian tới.

Trong đó, những tên tuổi lớn trong ngành BĐS như Novaland, hay một số lĩnh vực khác như Hoa Sen Group và ThaiGroup cũng bắt đầu nhắm tới BĐS nghỉ dưỡng.

Mới đây, Novaland đã hé lộ về kế hoạch phát triển một khu đô thị ven biển ở vị trí “đất vàng” TP Đà Nẵng rộng tới 180ha. Dự án quy mô lớn này nằm ngay khu đất chân cầu Thuận Phước, có mặt tiền dọc đường Nguyễn Tất Thành hướng ra vịnh Đà Nẵng. Đây là dự án Novaland đã nhận chuyển nhượng lại từ Deawon Cantavil (Hàn Quốc) sau khi tập đoàn này rút lui. Dự án có tên là The Sunrise Bay, đánh dấu bước mở rộng sang BĐS du lịch nghỉ dưỡng của Novaland.

Bên cạnh đó còn có Hoa Sen Group cũng đã lập ra 4 công ty chuyên về BĐS để đầu tư vào các dự án nghỉ dưỡng hàng trăm héc-ta ở Yên Bái, Bình Định, Phan Thiết…Nói như ông chủ Hoa Sen Lê Phước Vũ thì ở thời điểm này “ngu gì không làm bất động sản” bởi ông cho rằng công ty của ông có thể tận dụng lợi thế khi có thép, và sẽ có xi măng đồng thời lại gặp “thiên thời” dân số vàng, kinh tế phát triển như hiện nay. Tương tự thì tập đoàn ThaiGroup của bầu Thuỵ cũng nhảy vào BĐS nghỉ dưỡng với kế hoạch đầu tư một khu nghỉ dưỡng 250ha ở Phú Quốc.

Có thể nói BĐS nghỉ dưỡng đang là cuộc đua “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” của những ông chủ khét tiếng trong giới địa ốc. Cuộc đua này sẽ còn có sự góp mặt của nhiều “tay chơi” mới nổi khác trong thời gian tới.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục