tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 05-05-2016

  • Cập nhật : 05/05/2016

Cảnh báo tình hình cướp biển gia tăng

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết vừa có công văn khẩn gửi các cảng vụ hàng hải địa phương về thông tin cướp biển xảy ra đối với các tàu lai dắt ở khu vực Đông Sabah và Nam Philippines.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Theo đó, Cục Hàng hải đã nhận được báo cáo đặc biệt từ trung tâm chia sẻ thông tin Recaap về tình hình cướp biển xảy ra đối với các tàu lai dắt trong vùng biển Đông Sabah và Nam Philippines thời gian gần đây.
Cục Hàng hải yêu cầu các cảng vụ hàng hải thực hiện tuyên truyền, phổ biến với các chủ tàu, công ty quản lý khai thác tàu về tình hình cướp biển và yêu cầu các chủ tàu và công ty quản lý khai thác vận tải biển nghiêm túc thực hiện kế hoạch an ninh tàu biển đã được Cục đăng kiểm Việt Nam phê duyệt.
Cụ thể, tăng cường trực ca khi neo đậu; giữ chiếu sáng xung quanh tàu và bật các đèn pha cao áp; nâng cao cảnh giác, tăng cường xoay tua trực ca và bấm còi báo động khi phát hiện có người lạ tới gần hoặc đang ở trên tàu; duy trì trực ca liên tục để nhận các khuyến cáo được phát trên NAVTEX; báo cáo tất cả các vụ việc theo Thông tri 1334 của IMO; chuyển hướng hoặc tránh vào khu vực này nếu có thể; duy trì thông tin liên lạc liên tục với các đơn vị chấp pháp tại khu vực.
Thông tin từ cơ quan chức năng hàng hải Philippines cho biết, trong khoảng 3 tuần (26/3 - 15/4) đầu mối thông tin Recaap đã thông báo cho Recaap ISC, 3 vụ liên quan đến bắt cóc thuyền viên các tàu lai dắt trong vùng biển Đông Sabah và Nam Philippines.
Cụ thể, ngày 26/3, tàu Brahma 12 treo cờ Indonesia kéo sà lan Anand 12, chở 7.000 tấn than rời cảng Kalimantan, Indonesia đến nhà máy thủy điện Philippines đã bị 17 tên cướp trang bị súng đột nhập lên tàu từ một tàu cao tốc có 3 máy ngoài và một tàu vỏ gỗ động cơ đẩy thủy lực. Bọn cướp bắt toàn bộ 10 thuyền viên người Indonesia.
Ngày 1/4, tàu Massive 6 quốc tịch Malaysia với 9 thuyền viên đang trên đường từ Manila, Philippines đi Tawau để tiếp nhiên liệu. Lúc 18 giờ 15 - 18 giờ 40, tại khu vực cách Semporna, Sabah, Đông Malaysia khoảng 27 hải lý, 8 tên cướp trang bị súng đã tiếp cận và lên tàu, bắt 4 thuyền viên người Malaysia.
Ngày 15/4, tàu Henry, quốc tịch Indonesia kéo theo sà lan Christi khi đang trên đường đến Cebu, Philippines đi Tarakan, Indonesia đã bị một số tên cướp có vũ trang sử dụng xuồng cao tốc tiếp cận và lên tàu tại vị trí cách đảo Sitangkai, Tawi-Tawi khoảng 25 hải lý về phía tây nam. Tàu bị tấn công bằng súng khiến 1 thuyền viên bị thương và 4 người khác bị bắt.

Lạm phát tiến sĩ và bài toán đào tạo nhân lực cao cấp

Thời gian vừa qua, dư luận xã hội bàn tán khá nhiều đến vấn đề khoa bảng tại nước ta sau khi một thông tin xuất phát từ Học viện Khoa học Xã hội cho biết từ đầu năm đến tháng 4/2016 đã có 58 tiến sĩ bảo vệ thành công luận án và chỉ tiêu đào tạo tại cơ sở này trong năm nay là 350 tiến sĩ.
nhieu nguoi tre vua ra truong gap kho khan khi tim viec lam

Nhiều người trẻ vừa ra trường gặp khó khăn khi tìm việc làm

Con số nói trên được xem là quá nhiều, nhưng có lẽ vẫn chưa phản ánh đúng tình hình thực tế nên có người đã trích dẫn thống kê cho cả năm vừa qua để minh họa cho nhận định này. Cụ thể từ tháng 1/2015 đến 31/12/2015, Học viện Khoa học Xã hội cho ra lò 165 tiến sĩ, nếu tính theo cơ học thì cứ 1 ngày 3 giờ 55 phút có một tiến sĩ ra lò từ học viện này.

Sáng 22/4 vừa qua, trong cuộc họp báo giải thích thông tin về “lò sản xuất tiến sĩ”, Giáo sư Võ Khánh Vinh - Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội cho biết con số trên vẫn còn… khiêm tốn, học viện có khả năng đào tạo nhiều hơn và khẳng định hiện nay Việt Nam vẫn còn ít tiến sĩ, ngược với nhận định của giới chuyên môn trong ngành giáo dục là đang có tình trạng lạm phát văn bằng tiến sĩ ở nước ta.

Đây không phải là vấn đề mới phát sinh. Hai năm trước đây đã có không ít câu hỏi đặt ra về số lượng tiến sĩ quá lớn của chúng ta đang làm gì? Câu trả lời đáng tin cậy nhất, theo thống kê của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, vào thời điểm năm 2014 Việt Nam có hơn 24,5 nghìn tiến sĩ thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó khoảng 12,3 nghìn tiến sĩ đang nghiên cứu khoa học, nhiều nhất là ở khu vực đại học với 7.959 người (65%), tiếp đến là các viện, trung tâm nghiên cứu và phát triển với 3.367 người (27%).

Về đầu ra của tiến sĩ được đào tạo tại học viện, giáo sư Vinh cho rằng không nên băn khoăn vì các nghiên cứu sinh gần như 100% là cán bộ đi học để nâng cao chất lượng, tầm nhìn. Hơn nữa nghiên cứu sinh tiến sĩ không chỉ đơn thuần làm công việc nghiên cứu mà còn được cung cấp luận cứ, kiến thức để phân tích và hoạch định chính sách.

Quan điểm này của người đứng đầu học viện dường như chưa đủ sức thuyết phục khi không ít đề tài luận án tiến sĩ mà nơi đây bảo vệ thành công cho thấy chất lượng chỉ hơn luận văn tốt nghiệp cử nhân đôi chút, đại loại như luận án “Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch ủy ban nhân dân xã”. Đây là những đề tài dễ dãi và là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm phát tiến sĩ ở nước ta.

Giáo sư Trần Văn Thọ (Đại học Wasuda – Tokyo) nói rõ trong một bài viết rằng: Luận án tiến sĩ không nhằm nghiên cứu một vấn đề thực tiễn áp dụng ngay cho việc phát triển xã hội, kinh tế, như làm sao thu hút đầu tư nước ngoài, hoặc làm sao một địa phương có thể trồng lúa 3 vụ. Luận án tiến sĩ phải có tính học thuật (academic), triển khai bằng ngôn ngữ khoa học, bằng những khung lý luận cơ bản trong ngành và gói ghém có phê phán tất cả các lý luận, các kết quả mà các công trình nghiên cứu trước đã đạt được liên quan đến đề tài của mình.

Quan trọng nhất luận án phải có tính độc sáng (originality), đặt ra được những vấn đề mới, đưa ra được những giả thuyết hay lý luận mới và kiểm chứng bằng những tư liệu mới.

Bằng tiến sĩ không phải nhằm đào tạo nhà quản lý hoặc lãnh đạo mà là bước cơ bản nhằm đào tạo đội ngũ khoa học có trình độ cao để phục vụ giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học.

Còn nghiên cứu sinh không cần phải có đề tài mới để được nhận vào chương trình tiến sĩ, nhưng phải có đủ trình độ để từ quá trình học, nắm được phát triển lý thuyết cơ bản và kiểm chứng lý thuyết bằng thực tiễn trong ngành trên thế giới, từ đó biết được vấn đề gì đã được nghiên cứu và cái gì chưa được giải đáp và từ đó có đóng góp mới về mặt học thuật.

Thế nhưng trong kế hoạch đào tạo 20.000 tiến sĩ đến năm 2020, những người làm kế hoạch có suy nghĩ đơn giản là: để phục vụ nhu cầu công nghiệp hóa phải có một đội ngũ những nhà khoa học, cụ thể là đội ngũ những người có học vị tiến sĩ.

Chính vì vậy nhà nước đã cấp kinh phí cho quan chức đi làm nghiên cứu sinh để lấy bằng tiến sĩ, xem văn bằng này là một trong những tiêu chuẩn đề bạt lên chức vụ cao hơn. Điều này dẫn đến tình trạng quan chức tranh nhau đi học, học giả lấy bằng thật và tập quán “phong bao” trở nên phổ biến trong các kỳ bảo vệ luận án.

Việc chạy theo số lượng trong khi điều kiện đào tạo chưa đủ đáp ứng đã đưa chuẩn mực cao nhất trong nghiên cứu khoa học xuống mức thấp so với các nước, đồng thời dẫn đến tình trạng lạm phát văn bằng tiến sĩ - sản phẩm của một cơ chế đào tạo nặng về thành tích, xem nhẹ chất lượng.

Theo quy chế hiện hành thì thời gian đào tạo tiến sĩ là 3 năm tập trung đối với người có bằng thạc sĩ và 4 năm đối với người có bằng cử nhân, nhưng không phải lúc nào các đại học cũng tuân thủ quy định ấy. Điều này khác với cách đào tạo ở nước ngoài là không tùy thuộc vào thời gian mà chủ yếu là chất lượng nghiên cứu, nhất là không có nước nào đào tạo tiến sĩ trong vòng 2 năm.

Liên quan đến thực trạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết đến hết tháng 3/2016, cả nước có 192.500 người trình độ đại học trở lên thất nghiệp, chiếm 1/5 số người thất nghiệp của cả nước.

Nếu so với thống kê cuối năm 2015, chỉ mới 156.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp, thì trong vòng 3 tháng qua, danh sách này đã tăng thêm 36.000 người. Thời gian gần đây tình trạng thất nghiệp của sinh viên ra trường tăng đáng kể, nhiều người cả 2, 3 năm vẫn chưa tìm được việc làm và chấp nhận những công việc trái tay để kiếm sống. Một số đông bạn trẻ sau khi tốt nghiệp đại học hiện đang làm những công việc không cần bằng cấp đại học.

Tình trạng càng bức bách hơn khi phần lớn doanh nghiệp cho biết kỹ năng chuyên ngành của sinh viên tốt nghiệp còn thấp chưa thể đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Thực tế này đã được dự báo từ lâu và nguyên nhân đã được làm rõ qua nhiều tổng kết của các chuyên viên trong ngành đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Trước tiên là số lượng sinh viên đầu ra mỗi năm quá nhiều. Hiện tại, Việt Nam có hơn 500 trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Việc mở cửa ồ ạt các trường đại học với chất lượng đầu vào thấp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh viên tốt nghiệp mỗi năm tăng vọt. Đại học chúng ta chú ý đầu vào mà coi nhẹ đầu ra. Tâm lý người đi học là sau 4 năm ngồi ghế nhà trường thế nào cũng được cấp bằng.

Thứ hai, thực tế vấn đề việc làm ở Việt Nam cũng đang gặp khó khăn. Trong bối cảnh nền kinh tế khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, một số doanh nghiệp giải thể, đóng cửa.

Thứ ba, nguyên nhân xuất phát từ chính nguồn nhân lực được đào tạo không đáp ứng được yêu cầu công việc. Sinh viên sau khi tốt nghiệp không đủ năng lực, trình độ đảm nhận các vị trí trong doanh nghiệp, khiến các nhà tuyển dụng từ chối hoặc phải đào tạo lại như các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đang áp dụng.

Lời giải cho bài toán này là cần quan tâm hơn đến chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng mà đầu tiên là ở chất lượng đầu vào. Giáo dục đại học cần hướng tới năng lực và kỹ năng mà sinh viên thu nạp được sau 4 năm học. Nên nghiên cứu chương trình “thực tập sinh xí nghiệp” của Canada qua đó sinh viên được làm quen với một xí nghiệp nào đó trong suốt các kỳ nghỉ hè của 4 năm học tập. Điều này tạo sự gắn kết giữa đào tạo nguồn nhân lực và nhu cầu của doanh nghiệp, nhà tuyển dụng biết mình cần gì, để hướng tới mục tiêu đào tạo nhân lực tương lai cho mình.

Việc đào tạo đại học, cao đẳng cần mang tính ứng dụng thực tế, tránh tình trạng sinh viên sau khi ra trường vẫn chỉ có một lượng kiến thức lý thuyết mà chưa biết áp dụng như thế nào?

Để làm được điều đó, phải có sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, nhà trường nên dựa vào nhu cầu tuyển dụng trong tương lai của doanh nghiệp để đề ra chỉ tiêu tuyển sinh.

Với người lao động, trước tiên phải có định hướng việc làm tương lai ngay trong thời gian học tập, để tìm cách tiệm cận với thực tế công việc đó, trau dồi cho bản thân những kỹ năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu.

Thực hiện được những điều trên đây, chúng ta có khả năng giải quyết được tình trạng thất nghiệp của sinh viên ra trường, cũng như hạn chế lãng phí nguồn vốn của xã hội.


Bộ NN&PTNT: Tạm ngưng thả nuôi thủy hải sản

Trong khi chờ các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân hiện tượng hải sản chết bất thường, Bộ NN&PTNT đã ban hành công văn yêu cầu các cơ sở nuôi cá lồng và các cơ sở sản xuất giống, nuôi thương phẩm trong ao đầm ven biển tạm thời chưa thả giống.

Ngày 2-5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Vũ Văn Tám đã ban hành công văn hướng dẫn các biện pháp cấp bách ứng phó với hải sản chết bất thường tại các tỉnh Bắc Trung bộ.

cong van yeu cau cac co so nuoi ca long tam thoi chua tha giong trong khi cho xac dinh nguyen nhan gay hien tuong ca chet hang loat.

Công văn yêu cầu các cơ sở nuôi cá lồng tạm thời chưa thả giống trong khi chờ xác định nguyên nhân gây hiện tượng cá chết hàng loạt.

Đối với các cơ sở sản xuất giống, nuôi thương phẩm trong ao đầm ven biển, công văn cũng yêu cầu tạm thời chưa thả giống trong khi chờ xác định nguyên nhân, tập trung xử lý, cải tạo ao đầm, chuẩn bị con giống.

Đối với các ao đầm đang thả nuôi, cần thường xuyên theo dõi và kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi như oxy hòa tan, pH, H2S, NH3… nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý phù hợp; tạm thời di chuyển lồng cá đến khu vực nước sâu hơn, đảm bảo đáy lồng cách nền đáy ít nhất 1m; tăng cường vệ sinh đáy ao, sử dụng các loại chế phẩm sinh học có khả năng cải thiện chất lượng môi trường ao nuôi. Hạn chế cấp nước bổ sung trong khi chưa xác định nguyên nhân.

Các cơ sở nuôi cá nên san thưa đối với những lồng nuôi dày, giữ cá với mật độ thích hợp theo quy định (không quá 10 kg/m3); giãn thưa khoảng cách giữa các lồng nuôi; hạn chế sử dụng thức ăn tươi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nên thay bằng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm cao, kết hợp trộn thêm vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cá; khẩn trương thu hoạch đối với cá nuôi đạt kích thước thương phẩm để hạn chế thiệt hại.

Nếu trong trường hợp bắt buộc phải lấy nước biển vào vùng nuôi thì chỉ lấy nước tầng mặt, lúc đỉnh triều, không cấp trực tiếp nước biển vào ao đầm, bể nuôi; phải lấy nước biển qua ao chứa, ao lắng và thực hiện quy trình xử lý nước trước khi cấp vào ao đầm, bể nuôi. Đồng thời, trước khi cấp nước vào ao nuôi cần thử bằng cách thả cá, tôm giống trực tiếp vào mẫu nước đã xử lý lấy từ ao lắng.


Campuchia khánh thành công trình do quân đội Việt Nam viện trợ

Bộ Quốc phòng Campuchia đã long trọng tổ chức lễ khánh thành và đưa vào sử dụng Hội trường Trường Sĩ quan tạo nguồn Quân đội Hoàng gia Campuchia, được xây dựng bằng nguồn kinh phí viện trợ từ Bộ Quốc phòng Việt Nam.

cong trinh duoc khanh thanh dua vao su dung.

Công trình được khánh thành đưa vào sử dụng.

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, sáng 4/5, Đại tướng Pon Saruon, Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia; Đại tá Nguyễn Anh Dũng, Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Campuchia cùng đông đảo tướng lĩnh, sĩ quan và học viên Trường Sĩ quan tạo nguồn quân đội Hoàng gia Campuchia tham dự buổi lễ tại tỉnh Kampong Speu. 

Đại tướng Pon Saruon, Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia nhấn mạnh, quân đội Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng Khmer Đỏ và từ đó đến nay, quân đội Việt Nam luôn sát cánh, giúp đỡ, hỗ trợ quân đội và nhân dân Campuchia trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. 

Thay mặt Chính phủ và quân đội Campuchia, Đại tướng Pon Saruon bày tỏ biết ơn sự giúp đỡ tận tình của Bộ Quốc phòng Việt Nam dành cho Quân đội Campuchia, nhấn mạnh sự sự giúp đỡ này góp phần quan trọng vào công tác xây dựng lực lượng quân đội ngày một chính quy, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng của Campuchia. 

Công trình Hội trường, trụ sở làm việc Trường Sĩ quan tạo nguồn Quân đội Hoàng gia Campuchia là tòa nhà 2 tầng, được xây dựng kiên cố trên diện tích 600m2, có tổng kinh phí xây dựng 240.000 USD, từ nguồn viện trợ của Bộ Quốc phòng Việt Nam cho quân đội Campuchia trong năm 2015. 

Hội trường này có thể phục vụ hoạt động sinh hoạt, học tập và làm việc cho khoảng 450 giảng viên, học viên. Theo Nghị định thư hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng đã được lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam và Campuchia ký kết, trong năm 2015, Quân đội Việt Nam hỗ trợ Quân đội Hoàng gia Campuchia khoảng 4 triệu USD cho hoạt động xây dựng cơ bản. 

Ngay sau lễ khánh thành Hội trường Trường sĩ quan tạo nguồn Campuchia, Đại tướng Pon Saruon và Đại tá Nguyễn Anh Dũng cùng tham dự lễ khai giảng khóa học Sĩ quan tạo nguồn khóa 20, những học viên đầu tiên được học tập tại hội trường mới.


Thêm hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Trường Sa

Không chỉ đưa văn công, quân đội Trung Quốc còn ngang ngược phái cả tàu chiến khủng tới đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Quân đội Trung Quốc vừa đưa đoàn văn công, trong đó có cả ca sĩ nổi tiếng Tống Tổ Anh, tới biểu diễn phục vụ các sĩ quan hải quân và công nhân xây dựng trên Đá Châu Viên, hòn đảo mà Bắc Kinh mới xây dựng trái phép ở Biển Đông. Động thái này cho thấy rõ rằng Trung Quốc đang ngày càng tự tin trong những yêu sách chủ quyền (phi pháp) của mình.
hinh anh ve buoi bieu dien cua doan van cong trung quoc.

Hình ảnh về buổi biểu diễn của đoàn văn công Trung Quốc.

Chuyến thăm của đoàn văn công được ghi lại qua những bức ảnh loan tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông nhà nước ngày 4/5, qua đó cho thấy một cái nhìn hiếm hoi về các công trình khổng lồ mà Trung Quốc đang thực hiện trái phép trên những rạn san hô ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, như hải đăng, bến cảng và các tòa nhà. 

Chú thích kèm theo một số bức ảnh ghi những tấm hình này đã được chụp hôm 3/5 trên Đá Châu Viên. Ở phần hậu cảnh người ta có thể nhìn thấy một tàu đổ bộ khổng lồ Type 071 của hải quân đang neo đậu. Tàu này có thể chở 4 trực thăng và tới 800 binh sĩ.

Theo Tân Hoa xã, nhóm nghệ sĩ trên cũng đã có buổi biểu diễn mang tên "Những tiến bộ của Hải quân Trung Quốc" vào tối 2/5 trên Đá Chữ Thập, nơi Trung Quốc đã xây dựng trái phép một đường băng có khả năng cho hạ cánh máy bay quân sự lớn nhất của nước này.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục