tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 05-05-2016

  • Cập nhật : 05/05/2016

Hải Phòng đòi nợ ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng cho sân bay Cát Bi

Dự án Sân bay Cát Bi đã gần hoàn thành nhưng đến nay ngân sách mới bố trí 27% số tiền đã được phê duyệt, nên Hải Phòng đề nghị Trung ương trả lại phần vượt thu năm 2015 để trang trải.
mo hinh cang hang khong quoc te cat bi (hai phong), du kien se hoan thanh vao ngay 13/5.

Mô hình Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng), dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 13/5.

UBND thành phố Hải Phòng vừa có công văn gửi Bộ Tài chính xin cấp lại phần vượt thu từ hoạt động xuất nhập khẩu để bù đắp chi phí xây dựng Sân bay Cát Bi đang thiếu hụt. Theo đó, Dự án đầu tư mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi với tổng mức đầu tư là 3.660 tỷ đồng, đã hoàn thành 96% khối lượng công việc.

Theo phân bổ đầu tư được Thủ tướng phê duyệt, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ 80% tổng chi phí (tương đương 2.928 tỷ đồng), phần còn lại khoảng 732 tỷ do ngân sách Thành phố lo. Tuy nhiên, dù dự án sắp được đi vào sử dụng nhưng ngân sách Trung ương mới bố trí 800 tỷ đồng (khoảng 21% tổng mức đầu tư).

Để đảm bảo tiến độ thi công, Hải Phòng đã phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và dùng ngân sách thành phố để bố trí 1.746 tỷ đồng cho dự án này. Do đó, Hải Phòng đề nghị Bộ Tài chính hỗ trợ cho ngân sách Thành phố từ nguồn vượt thu hoạt động xuất nhập khẩu năm 2015 - tương đương 1.679 tỷ đồng.


Khan hiếm nước có thể khiến GDP giảm 6%

Theo báo cáo công bố ngày 4/4 của Ngân hàng Thế giới (WB), những tác động từ việc biến đổi khí hậu có thể khiến tăng trưởng GDP của các quốc gia giảm tới 6%, nếu họ không kiểm soát được nguồn nước của mình.

WB cho biết lượng mưa thất thường liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu đang khiến nguồn cung cấp nước ngọt rơi vào tình trạng khan hiếm. Và tình trạng này có thể sẽ tồi tệ hơn do tăng trưởng dân số, mở rộng đô thị và nhu cầu cạnh tranh từ các dự án nông nghiệp và năng lượng.

Theo báo cáo này, gần 1/4 dân số thế giới đang sống tại các quốc gia khan hiếm nước. Nếu các chính sách quản lý nguồn nước hiện nay vẫn tiếp tục được áp dụng trong khi các mô hình dự báo khí hậu chính xác, tình trạng thiếu nước sẽ lan rộng ra những vùng mới và trầm trọng hơn tại những vùng đang diễn ra tình trạng này.

van de thieu nuoc dang dien ra tren toan the gioi

Vấn đề thiếu nước đang diễn ra trên toàn thế giới

Các nguồn nước không được quản lý tốt nhiều khả năng sẽ tác động tới sức khỏe của người dân và nông nghiệp của vùng bị ảnh hưởng, đẩy giá lương thực lên cao. Điều này có nguy cơ thổi bùng những xung đột tiềm ẩn và đẩy mạnh làn sóng di cư.

WB cho rằng những ảnh hưởng trên có thể khiến tốc độ tăng trưởng GDP của các vùng đang thiếu hụt nguồn nước như Trung Đông hay Châu Phi giảm khoảng 6% cho tới năm 2050. Tuy nhiên, do đóng góp của những khu vực này ở mức thấp nên GDP toàn cầu sẽ chỉ mất khoảng 0,37-0,49%.

Năm 2015, Bank of America Merrill Lynch dự báo rằng tác động của sự biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu giảm 1,5%/năm cho tới năm 2020, đặc biệt ảnh hưởng tới các thị trường mới nổi và các quốc gia nghèo. Tháng 8/2015, Citigroup cho rằng nếu thế giới không có hành động kịp thời, 44.000 tỷ USD sẽ bốc hơi khỏi GDP cho tới năm 2060.

Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng Richard Damania của WB cho rằng vẫn còn có những điểm sáng. Những thiệt hại đã giảm đáng kể, thậm chí biến mất hoàn toàn tại mốt số vùng nhờ việc chính phủ tăng hiệu quả sử dụng và phân bổ lại nguồn nước hợp lý.

Những giải pháp được đưa ra có thể khá tốn kém nhưng nếu chúng ta không hành động, cái giá phải trả sẽ còn đắt hơn nhiều. Ông Damania cho rằng việc cải thiện vấn đề quản lý nguồn nước sẽ mang lại lợi ích kinh tế về sau.


Nợ như “chúa chổm”, Nông trường sông Hậu không còn nơi nào vay tiền

Nợ tồn đọng khoảng 300 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu âm khoảng 254 tỷ đồng, Nông trường Sông Hậu (NTSH - TP.Cần Thơ) đang bị ngân hàng treo nợ, không giao dịch vay vốn được với tất cả các ngân hàng.

Theo báo cáo tổng kết quý I.2016, NTSH đang gặp nhiều khó khăn về tài chính, sản xuất kinh doanh không có lợi nhuận. Nghiêm trọng là NTSH bị ngân hàng NN&PTNT “treo nợ” (phân loại nợ nhóm 5), không giao dịch vay vốn được với tất cả các ngân hàng. Dù cố gắng duy trì hoạt động, lấy thu bù chi song NTSH cũng sắp cạn nguồn tiền trả lương (có thời gian, 90 cán bộ công nhân viên chỉ được giải quyết ứng lương cơ bản). Nếu tình trạng khó khăn trên kéo dài có khả năng NTSH phải xin tạm ngừng hoạt động.

Theo tờ trình của NTSH gửi UBND TP.Cần Thơ, tuy có danh nghĩa là DNNN nhưng vốn chủ sở hữu Nhà nước cấp không đáng kể, nguồn vốn lưu động chủ yếu từ vốn vay ngân hàng. Do tình trạng kinh doanh thua lỗ nhiều năm, lãi vay phát sinh tăng nên NTSH không có khả năng trả.

Theo hồ sơ phóng viên Dân Việt nắm được: Tính đến nay, NTSH vẫn còn khoản nợ tồn đọng khoảng 300 tỷ đồng (hơn 150 tỷ đồng nợ gốc và gần 150 tỷ đồng lãi); và nguồn vốn chủ sở hữu bị âm khoảng 254 tỷ đồng chưa được cấp bổ sung.

Từ năm 2010 đến nay, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị, cơ quan có liên quan, cụ thể nhất là Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý tài chính của NTSH nhưng việc xử lý vẫn chưa được. Vì vây, NTSH không có pháp nhân rõ ràng, chưa được công nhận là Công ty TNHH MTV trong khi Luật DNNN đã hết thời hiệu từ tháng 10.2010.

Để hỗ trợ NTSH giải quyết khó khăn, giữa năm 2015, UBND TP.Cần Thơ đã có văn bản xin Chính phủ xoá khoản nợ ngân hàng còn tồn đọng cho nông trường, bởi đất của NTSH là đất công, không thể bán để trả nợ cũng không thể cổ phần hóa vì có thể xảy ra tranh chấp. Nếu không được xóa khoản nợ trên và trước tình hình hoạt động thua lỗ trong sản xuất kinh doanh của nông trường thì không đủ điều kiện để chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Thanh Phú – Giám đốc NTSH cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị khẩn với UBND TP.Cần Thơ, theo đó đề xuất nhận bồi hoàn tiền bàn giao điện, đường, trường, trạm do NTSH đầu tư và đã bàn giao về địa phương quản lý từ năm 2005 (tổng giá trị bàn giao trên 42,6 tỷ đồng). Trong khi tiếp tục chờ chuyển đổi sang Công ty TNHH MTV, nông trường xin cấp bổ sung vốn điều lệ Nhà nước”.

Ông Phú thông tin thêm, nhằm giảm bớt áp lực tài chính hiện tại, NTSH tiếp tục đề nghị UBND TP.Cần Thơ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ xem xét xóa lãi, còn nợ gốc thì thực hiện khoanh nợ để sau khi chuyển đổi sang công ty, NTSH được củng cố, có lãi sẽ trả nợ dần theo từng năm. Đồng thời cũng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Quỹ đầu tư và Phát triển thành phố tạo điều kiện giúp NTSH có thể giao dịch vay vốn tại đây.

Về những khó khăn, vướng mắc trên, đặc biệt là việc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi, tăng cường khả năng quản lý, sử dụng gần 7.000ha đất của của NTSH, ông Lê Văn Tâm – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho biết: “Ngành chức năng thành phố sẽ tập trung giải quyết nhanh những tồn đọng ở NTSH trong thời gian tới. Đây là một việc làm trọng tâm cần thực hiện với quyết tâm cao”.

NTSH là 1 trong 3 DNNN ở TP.Cần Thơ được sắp xếp tái cơ cấu theo hướng giữ nguyên 100 vốn sở hữu Nhà nước. Tuy nhiên, do quá hạn lộ trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp như Chính phủ phê duyệt (thực hiện trong giai đoạn 2011-2015) nên UBND TP.Cần Thơ đã phải tiếp tục xin Chính phủ gia hạn đến ngày 30.6.2016.

NTSH có diện tích đất gần 7.000ha (diện tích lớn nhất so với các nông trường khác trong cả nước). Đất này được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng từ năm 1999 với tư cách pháp nhân là DNNN với 100% vốn Nhà nước và do UBND TP.Cần Thơ quản lý. Nơi đây giao khoán phần đất trên cho 2.515 hộ dân sản xuất nông – ngư kết hợp. Đây cũng là nơi nằm trong quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao của TP.Cần Thơ.


Tàu câu mực với 34 ngư dân bị đâm chìm ở Hoàng Sa

Trưa 4/5, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Đà Nẵng MRCC) cho hay đã điều động tàu SAR 412 ra Hoàng Sa đón 34 ngư dân bị đâm chìm tàu.
tau ca qna 95959. anh: nguyen chung,.

Tàu cá QNa 95959. Ảnh: Nguyễn Chung,.

Trước đó, khoảng 23 giờ ngày 3/5, tàu cá QNa 95959 do ông Phạm Phú Thành (50 tuổi ngụ xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) làm thuyền trưởng đang câu mực ở khu vực đông bắc Hoàng Sa thì bị một tàu chưa rõ lai lịch đâm chìm.
Rất may, tàu cá QNa 94998 do ông Phạm Phú Trung (cùng ngụ xã Bình Minh) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng đang hành nghề gần đó đã nhanh chóng đến hiện trường ứng cứu, đưa 34 ngư dân lên tàu và hướng về Đà Nẵng.
Theo Đà Nẵng MRCC, vị trí tàu cá bị nạn cách Đà Nẵng hơn 370 hải lý thuộc đông bắc Hoàng Sa.
Tàu SAR 412 khởi hành sáng 4/5 và dự kiến khuya cùng ngày mới tiếp cận được tàu QNa 94998 và đến chiều 5/5, SAR 412 mới đón các ngư dân bị nạn về đến Đà Nẵng.

“Mục tiêu 6,7% GDP năm nay có thể không đạt”

Có nhiều yếu tố bất lợi khiến cho mục tiêu GDP 6,7% của năm nay khó đạt...
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải có giải pháp để thực hiện bằng được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay.

Tuy nhiên, báo cáo trước Chính phủ tại phiên họp thường kỳ sáng 4/5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tăng trưởng của nền kinh tế “có thể không đạt mục tiêu 6,7% trong năm 2016”.

Theo cơ quan này, việc GDP năm nay khó đạt được 6,7% bởi các lý do sau:

Năm 2015, nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi khá rõ nét, với GDP tăng nhanh sau từng quý và quý 4 tăng tới 7,01%. Nhưng sang quý 1/2016, GDP chỉ tăng 5,46%, thấp hơn 1,55 điểm % so với tốc độ tăng của quý 4/2015. Sự giảm sút tốc độ tăng trưởng không chỉ trong nông nghiệp, là ngành bị thiệt hại nặng do thiên tai; mà cả trong công nghiệp chế biến, được dự báo là ngành phục hồi nhanh và có tốc độ tăng trưởng cao nhất.

Về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Tình hình thiên tai (rét hại, băng giá ở các tỉnh phía Bắc, hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long) là nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng quý 1/2016 âm (-) 1,23%; riêng nông nghiệp (chiếm trên 70% giá trị tăng thêm khu vực 1) giảm tới 2,69%.

Giá trị sản xuất quý 1/2016 giảm với 2,5%, trong đó: ngành trồng trọt mà chủ yếu là lương thực giảm tới 6% so với quý 1/2015. Sản lượng lúa cả nước (vụ Đông Xuân) ước bị giảm khoảng 700 nghìn tấn; năng suất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm 5,6% (4 tạ/ha) so với Vụ Đông Xuân năm trước. 

Theo thống kê sơ bộ, tính đến ngày 26/4, diện tích lúa, hoa màu, cây công nghiệp, cây ăn quả, thủy sản bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn là 429,2 nghìn ha; ước tổng thiệt hại khoảng 8.116 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường biển làm cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung vừa qua đã tác động xấu đến hoạt động sản xuất nuôi trồng, khai thác hải sản và hoạt động du lịch trên địa bàn, nhất là du lịch biển.

Về sản xuất công nghiệp: chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 giảm 1,7% so với tháng trước và 4 tháng đầu năm chỉ tăng 7,3%, thấp hơn 2,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, do công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm (-) 1,7% và sự giảm sút của tốc độ tăng công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ đạt 9,6%, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với tốc độ tăng cùng kỳ năm trước. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, trong thời gian tới, nếu giá dầu thô tiếp tục phục hồi, kéo theo sự tăng giá các nguyên nhiên vật liệu đầu vào, thì ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ còn khó khăn hơn; tốc độ tăng trưởng công nghiệp có thể còn bị giảm thấp hơn so với những tháng đầu năm.

Về xuất nhập khẩu: kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tháng 4/2016 đều giảm so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 6%, thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ các năm kể từ năm 2011 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu cả năm đề ra là 10%; trong đó, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến chỉ bằng một nửa so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước. Khó khăn lớn nhất của xuất khẩu nước ta là giá xuất khẩu giảm (dầu thô, cà phê, cao su,…) và khả năng cạnh tranh yếu kém. 

Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2015, cũng là mức thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ các năm kể từ năm 2011. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư và sản xuất hàng xuất khẩu trong thời gian tới.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng dự báo, việc cân đối và huy động vốn đầu tư công trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cao sẽ giảm sút; hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; đời sống người dân ở các vùng bị thiên tai, hạn hán và xâm nhập mặn, vùng biển bị ô nhiễm gây cá chết hàng loạt,... gặp rất nhiều khó khăn; nhiều diện tích trồng lúa, cây ăn quả, cây công nghiệp bị thiệt hại, mất trắng…

Nông dân, ngư dân không còn vốn để sản xuất, trong khi các khoản vay của ngân hàng đã đến hạn, nhưng không có khả năng trả nợ; đòi hỏi phải có biện pháp xử lý kịp thời, giảm thiểu thiệt hại và hỗ trợ phục hồi sản xuất.

Đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng “nhìn chung ổn định nhưng chưa vững chắc”. Nhiều yếu tố bao gồm các yếu tố "chi phí đẩy" và "cầu kéo", thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn,... có thể tác động đẩy chỉ số giá lên cao trong thời gian tới…cũng là những rào cản khiến GDP năm nay khó đạt 6,7%.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục