tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 06-05-2016

  • Cập nhật : 06/05/2016

Chủ đầu tư BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ bị tố gian lận thu phí

Với số tiền thu phí khoảng 1,2 tỷ đồng mỗi ngày trên cao tốc huyết mạch phía đông Hà Nội, cổ đông Cienco 1 đã nghi ngờ Công ty BOT Pháp Vân - Câu Giẽ không thu phí trung thực.

Theo thông cáo báo chí ngày 5/5, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) -  cổ đông của Công ty CP BOT Pháp VânCầu Giẽ (MPC) đánh giá, công tác thu phí tại dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ có nhiều điểm chưa hợp lý. Tuyến đường với mật độ phương tiện cao, nhưng doanh thu thu phí hàng tháng trung bình 36 tỷ đồng, tức là khoảng 1,2 tỷ đồng mỗi ngày. Đặc biệt tháng 2/2016 là dịp Tết Nguyên đán, phương tiện đông hơn lại thấp hơn những tháng khác, chỉ đạt 35 tỷ đồng. Chia sẻ với báo chí, ông Đinh Ngọc Đàn, Phó tổng giám đốc Cienco1 cho biết, từ tháng 1/2016 đến nay, MPC đã liên tục bác bỏ đề xuất của Cienco1 từ việc cung cấp báo cáo tình hình thu phí với mức thu cụ thể theo từng ngày đến việc được thành lập tổ kiểm tra độc lập để cùng tham gia quản lý việc thu phí.

cienco 1 dat camera dem xe da bi cong ty cp bot phap van cau gie cu nguoi ngan chan. anh: xuan hoa

Cienco 1 đặt camera đếm xe đã bị Công ty CP BOT Pháp Vân Cầu Giẽ cử người ngăn chặn. Ảnh: Xuân Hoa

Để đảm bảo có số liệu đối chứng, Cienco 1 đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Frontier Solution lắp đặt thiết bị hệ thống giám sát lưu lượng trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với giá trị 7,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư BOT thường xuyên cử người cản trở, dùng biển báo hoặc xe tải che chắn camera. Qua đó, Cienco 1 đánh giá doanh nghiệp dự án không minh bạch trong việc thu phí. 

"Việc đầu tư công nghệ kiểm soát thu phí của Cienco 1 có chi phí lớn, song sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt được thực tế thu phí. Kết quả này sẽ tránh những hoài nghi của riêng Cienco 1 cũng như dư luận đến chủ trương đúng đắn của Nhà nước", ông Đinh Ngọc Đàn, Phó tổng giám đốc Cienco 1 chia sẻ.  

Trả lời Cienco 1 việc phối hợp kiểm tra thu phí cuối tháng 3, Tổng giám đốc MPC Nguyễn Thị Cẩm Tú cho rằng, đề nghị giám sát thu phí của Cienco1 là can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của Công ty, không phù hợp với quyền của cổ đông được quy định trong điều lệ Công ty và Luật Doanh nghiệp. 

Thay vào đó, Công ty này đã báo cáo cổ đông Cienco 1 về số tiền phí thu được hàng tháng như tháng 12/2015 thu trên 36 tỷ đồng, tháng 1 thu hơn 41 tỷ, tháng 2 là 35,9 tỷ đồng.

Trong văn bản mới nhất gửi tới Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cienco1 đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp, đứng về phía cổ đông nhỏ, người tham gia giao thông để cùng làm rõ nghi vấn “thất thoát phí” tại tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Trao đổi với VnExpress ngày 5/5, một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết, những khúc mắc giữa các cổ đông Công ty CP BOT Pháp Vân Cầu Giẽ là vấn đề nội bộ doanh nghiệp, cần được giải quyết theo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, để giám sát việc thu phí chính xác, thanh tra Tổng cục Đường bộ sẽ tiến hành thanh tra công tác thu phí tại dự án này


Đàn bò mang về hơn 1.200 tỷ đồng cho Hoàng Anh Gia Lai

Bán bò đem lại nguồn tiền lớn nhất cho Hoàng Anh Gia Lai trong quý I, đạt 1.233 tỷ đồng.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HAG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016. Trong kỳ, doanh thu của tập đoàn tăng gần gấp đôi lên 1.972 tỷ đồng. Tuy nhiên do chi phí vay lãi quá lớn lên tới 304 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế sụt giảm mạnh chỉ còn 90 tỷ trong khi cùng kỳ đạt 303 tỷ đồng.

co cau doanh thu cua hoang anh gia lai trong quy dau nam 2016. don vi: ty dong

Cơ cấu doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai trong quý đầu năm 2016. Đơn vị: tỷ đồng

Trong đó, doanh thu từ bán bò góp phần lớn nhất đạt 1.233 tỷ đồng, cùng kỳ tập đoàn chưa ghi nhận doanh thu từ lĩnh vực này. Đây là ngành mới triển khai của Hoàng Anh Gia Lai song luôn đứng vị trí số 1, đem lại doanh thu lớn cho tập đoàn.

Hoàng Anh Gia Lai là một trong số ít doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đầu tư trọng điểm vào nuôi bò công nghệ cao. Công ty đã dành tới 6.300 tỷ đồng vào dự án chăn nuôi với tổng đàn 236.000 con, trong đó có 120.000 con bò sữa.

Hoàng Anh Gia Lai còn hợp sức cùng Tập đoàn An Phú thành lập Công ty cổ phần Bình Hà. Mới đây, Bình Hà cho biết  đã hoàn thành giai đoạn I của dự án chăn nuôi bò lớn nhất Việt Nam tại Hà Tĩnh.

Công trình có vốn đầu tư lên tới 4.582 tỷ đồng, nằm trên diện tích 5.000 ha với khoảng 3.000 lao động. Dự kiến đến năm 2017, tổng đàn bò tại đây là 217.000 con. Mục tiêu dự án là phát triển chăn nuôi bò giống và bò thịt theo quy trình công nghệ cao, phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Sau khi hoàn thành, trang trại này sẽ đem lại khoảng 1.000-1.500 tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm.

Mía đường, bắp ngô cũng mang lai doanh thu lần lượt là 246 và 88 tỷ đồng. Doanh thu từ bán căn hộ và đầu tư bất động sản đạt 225 tỷ đồng. Đầu tư lớn nhất vào cao su song lĩnh vực này vẫn chưa đem lại doanh thu cho tập đoàn.

Chi phí đầu tư dở dang của tập đoàn trong kỳ đã tăng lên hơn 25.000 tỷ đồng. Chiếm phần lớn trong chi phí đầu tư là lĩnh vực trồng cao su và cọ dầu đạt 12.938 tỷ đồng. Chi phí dự án Khu phức hợp Hoàng Anh Gia lai Myanmar là 5.766 tỷ đồng, các nhà máy thuỷ điện là 3.473 tỷ, dự án nuôi bò chỉ 156 tỷ đồng, hồ tiêu 95 tỷ đồng. Học viện bóng đá HAGL - Arsenal JMG là 28 tỷ đồng.

Tính đến 31/3, tổng tài sản tập đoàn tăng lên trên 52.000 tỷ đồng, trong đó chi phí vay nợ trên 28.000 tỷ. Ngân hàng BIDV, Công ty Chứng khoán BSC,  Eximbank, Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Liên doanh Lào Việt, Sacombank, VPbank…là các chủ  nợ lớn của Hoàng Anh Gia Lai. Lượng tiền mặt công ty cũng tăng lên 1.719 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tiền gửi ngân hàng.

Mới đây, chủ nợ lớn nhất của Hoàng Anh Gia Lai là BIDV đã cho biết tập đoàn vẫn có khả năng chi trả và vay nợ rất sòng phẳng.

Chủ tịch Trần Bắc Hà cho biết, 10 ngân hàng là chủ nợ của Hoàng Anh Gia Lai đều đề nghị giữ nguyên nhóm nợ, kéo dài thời gian trả nợ và đang đề xuất kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép việc này. Hiện 10 ngân hàng đã có báo cáo hướng xử lý trọn gói, cấu trúc lại nợ, tạo điều kiện cho tập đoàn cấu trúc lại hoạt động, trả nợ các ngân hàng.


Lương cán bộ, công chức, viên chức tăng bao nhiêu sau 14 lần điều chỉnh?

Sau 14 lần điều chỉnh, lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tăng từ 120.000 đồng lên 1.210.000 đồng.  
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, từ 1/5/2016, lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được tăng từ 1.150.000 đồng lên 1.210.000 đồng (tăng 5%).
Nguồn tiền tăng lương được các bộ, ngành, địa phương cân đối trên cơ sở dự toán ngân sáchnhà nước được giao năm 2016. Ngân sách trung ương hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương nghèo, ngân sách khó khăn theo quy định của Chính phủ.
Đây là thông tin vui đối với những người làm công ăn lương, sau 3 năm “giậm chân tại chỗ” ở mức 1.150.000 đồng.
Sau 14 lần điều chỉnh, lương cơ sở tăng từ 120.000 đồng lên 1.210.000 đồng.  

Dù mức tăng không lớn (60.000 đồng/1 bậc lương) song việc cố gắng tăng lương cơ bản sau 3 năm trì hoãn được cho là cố gắng lớn của Chính phủ. Để đảm bảo cho khoản tăng này, ngân sách nhà nước sẽ phải chi thêm 11.000 tỷ đồng trong năm 2016.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, với tổng thu NSNN dự toán năm 2016 là 1.019.200 tỷ đồng, tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.273.200 tỷ đồng và mức bội chi ngân sách nhà nước là 254.000 tỷ đồng, tương đương 4,95% GDP của năm 2016, việc tăng lương cũng không gây áp lực nặng lên cân đối NSNN.
Tuy nhiên, tăng lương luôn đồng nghĩa với hệ quả khiến vị trí việc làm trong khu vực nhà nước thêm hấp dẫn và “đắt đỏ”; làm tăng sức kéo, nán níu một bộ phận cán bộ người lao động thuộc khu vực này, nhất là nhóm người có năng lực và trách nhiệm thấp, khiến tăng chi thường xuyên và chậm quá trình giảm biên chế, tinh gọn bộ máy.
Bởi vậy, theo ông Nguyễn Minh Phong, tăng lương cần đi đôi với việc giảm thiểu tình trạng “nuôi báo cô” những biên chế thừa bằng tiền thuế người dân.

Người Việt làm bao lâu mới đủ trả nợ công?

Tính theo thu nhập bình quân, thời gian mỗi người Việt Nam làm việc liên tục (không ăn không tiêu) để tất toán được toàn bộ số nợ công là 6 tháng.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Với mức lương cơ sở mới là 1,2 triệu đồng/tháng, mỗi người Việt sẽ phải làm liên tục trong 1,5 đến 2 năm mới đủ trả hết nợ công. Còn nếu tính theo thu nhập bình quân, thời gian tối thiểu là 6 tháng.

Báo cáo nợ công toàn cầu cập nhật hàng ngày của Economist cho biết, nợ công của Việt Nam tính đến ngày 4/5 là hơn 94,8 tỷ USD. Trung bình mỗi người dân Việt Nam gánh khoảng 1.040 USD nợ, tương đương hơn 23 triệu đồng.

Trong khi đó, dự báo của WorldBank cho biết, GDP Việt Nam năm 2016 sẽ tăng khoảng 6,5%, trong khi nợ công sẽ đạt tới ngưỡng 63,5% GDP. Do đó, đến cuối năm 2016, mỗi người Việt sẽ gánh nợ khoảng 1.400 USD, tức khoảng 31 triệu đồng.

Con số thống kê trong nước của báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội mới đây cho hay, nợ công trên đầu người tại Việt Nam đến cuối năm 2015 là khoảng 28,4 triệu đồng. Trong khi đó, thu nhập bình quân (tính theo GDP) của người Việt được Tổng cục thống kê công bố trong năm 2015 là khoảng 45 triệu đồng.

Như vậy, với mức lương cơ sở vừa được điều chỉnh áp dụng từ ngày 1/5/2016 là 1,2 triệu đồng/tháng, một người Việt có thu nhập đúng bằng lương cơ sở sẽ phải mất từ 1,5 năm đến 2 năm mới có thể trả hết số nợ công. Còn nếu tính theo thu nhập bình quân, thời gian làm việc liên tục để tất toán được toàn bộ số nợ là 6 tháng.


Hà Nội duyệt quy hoạch cải tạo tập thể Ngọc Khánh và khu vực lân cận

UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết cải tạo tập thể Ngọc Khánh và khu vực lân cận, tỷ lệ 1/500.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Theo quyết định, tổng diện tích khu đất nghiên cứu quy hoạch trên khoảng 24ha; quy mô dân số căn cứ theo số liệu điều tra hiện trạng thực tiễn, phù hợp với yêu cầu của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch phân khu đô thị H1-2 tỷ lệ 1/2000.
Khu đất nghiên cứu lập lập quy hoạch có phía Bắc là đường Kim Mã; phía Nam là đường Nguyễn Công Hoan và Đài truyền hình Việt Nam; phía Đông là đường Ngọc Khánh; phía Tây là đường Nguyễn Chí Thanh.
 
UBND TP Hà Nội nêu rõ, quy hoạch phải xác định tổng mặt bằng sử dụng đất, cũng như xác định cụ thể chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất và yêu cầu về kiến trúc công trình đối với từng lô đất phù hợp quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế, các quy hoạch liên quan và các quy định hiện hành của nhà nước và thành phố về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư. Cải thiện điều kiện sống tốt hơn cho một bộ phận dân cư đô thị, giải quyết được nhu cầu tái định cư tại chỗ cho các hộ dân đang sống trong các nhà chung cư cũ, giảm mật độ xây dựng.
Không gian kiến trúc cảnh quan phải được tổ chức hài hòa giữa khu vực cải tạo và khu dân cư hiện có chỉnh trang. Xác định các vị trí công trình điểm nhấn kiến trúc ở các vị trí có tầm nhìn và không gian lớn tại các tuyến đường chính trong khu vực, tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại, phù hợp với cảnh quan chung theo quy hoạch tại khu vực. Tổ chức cây xanh công cộng, sân vườn cây xanh đường phố và mặt nước trong khu vực quy hoạch. Đề xuất các hạng mục công trình cần ưu tiên đầu tư xây dựng, định hướng xác định nguồn lực và cơ chế để thực hiện.
Quy hoạch cải tạo xây dựng lại các nhà chung cư cũ theo hướng cao tầng, mật độ xây dựng thấp, tạo nhiều không gian mở trong đô thị, không gia tăng quy mô dân số, bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và các tiện ích công cộng. Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan phù hợp với yêu cầu của Quy hoạch phân khu, Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc công trình cao tầng tại khu vực…

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục