tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 24-03-2016

  • Cập nhật : 24/03/2016

Đồng Nai: Quy hoạch đô thị mới Nhơn Trạch rộng hơn 41.000ha

Theo điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu đô thị mới rộng 41.078 ha này sẽ được chia làm 8 khu vực, trong đó có 4 khu vực đô thị.
do thi moi nhon trach se la mot trong nhung trung tam kinh te, van hoa, khoa hoc ky thuat cua tinh dong nai.

Đô thị mới Nhơn Trạch sẽ là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Đồng Nai.

Đô thị mới Nhơn Trạch có phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ phạm vi hành chính huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai rộng 41.078 ha với dân số đô thị dự báo đến năm 2025 đạt khoảng 26-28 vạn người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 60-65%; đến năm 2035 đạt khoảng 34-36 vạn người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 62-70%.
Không gian đô thị mới Nhơn Trạch được chia thành 8 khu vực trong đó có 4 khu vực phát triển đô thị; 3 khu vực phát triển công nghiệp, cảng và dịch vụ hậu cần cảng; 1 khu vực bảo tồn sinh thái rừng ngập mặn.
Trong đó, khu vực 1 là khu vực trung tâm, thuộc các xã Long Tân, Phú Thạnh, Phú Hội và Vĩnh Thanh có tổng diện tích đất khoảng 2.509 ha, riêng đất xây dựng đô thị khoảng 1.453 ha với tổng dân số khoảng 96.800 người. Đây sẽ là trung tâm hành chính - chính trị, văn hóa huyện Nhơn Trạch giai đoạn ngắn hạn. Phát triển đô thị nén với chức năng chính là nhà ở, thương mại dịch vụ, công viên cây xanh; ưu tiên xây dựng các khu nhà ở xã hội, các khu đô thị mới trên tuyến đường 25B, 25C, tạo không gian đô thị lõi làm hạt nhân phát triển đô thị Nhơn Trạch.
Quy hoạch cũng nêu rõ định hướng xây dựng các khu, cụm công nghiệp, cảng và dịch vụ hậu cần cảng nhằm lấp đầy khu công nghiệp Nhơn Trạch, khu công nghiệp Ông Kèo và cụm công nghiệp Phú Thạnh - Vinh Thanh với tổng diện tích 3.460 ha. Xây dựng mới khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An diện tích khoảng 375 ha và hệ thống cảng dọc sông Nhà Bè với tổng diện tích khoảng 183 ha.
Ngoài ra, sẽ xây dựng các khu du lịch sinh thái với diện tích khoảng 1.175 ha; hình thành các khu đô thị du lịch với diện tích 1.006 ha tại Đại Phước, Long Tân. Phát triển dịch vụ du lịch và giải trí, nhà ở sinh thái mật độ thấp, duy trì hành lang xanh ven sông, kênh, rạch. Khai thác phát triển du lịch trên sông Đồng Nai, Nhà Bè, Đồng Tranh kết hợp với du lịch miệt vườn và tham quan rừng ngập mặn.  

Hàng Trung Quốc giả mạo xuất xứ Việt Nam

Theo tin từ Cục Hải quan TP.HCM, đơn vị vừa phát hiện và tạm giữ một lô hàng gạch men nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng trên sản phẩm lại ghi hàng được sản xuất tại Việt Nam.
gach men trung quoc nhap lau do cuc hai quan tp.hcm phat hien. anh: t.h.

Gạch men Trung Quốc nhập lậu do Cục Hải quan TP.HCM phát hiện. Ảnh: T.H.

Lô hàng nêu trên do Công ty TNHH H.T. (TP.HCM) làm thủ tục nhập khẩu qua cảng Cát Lái. Theo khai báo của doanh nghiệp, mặt hàng nhập khẩu là gạch ốp lát không tráng men, mới 100%, xuất xứ Trung Quốc, được đóng trong gần 5.000 carton, trị giá trên 290 triệu đồng.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế hàng hóa, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện trên bao bì sản phẩm thể hiện chữ made in Việt Nam; nhãn hiệu ROYALGRES PORCELLANATO, sản xuất tại khu công nghiệp Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành, Bà Rịa- Vũng Tàu.

Qua thông tin xác minh tại Công ty TNHH Gạch men Hoàng Gia có địa chỉ và sản phẩm như thông tin thể hiện trên sản phẩm nhập khẩu nêu trên, công ty này khẳng định không có bất cứ mối quan hệ làm ăn, mua bán hay đặt gia công với Công ty TNHH H.T. và cũng không xuất khẩu mặt hàng gạch lát nền nhãn hiệu ROYALGRES vào thị trường Trung Quốc.

Với kết quả nêu trên, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 xác định Công ty TNHH H.T. nhập khẩu hàng hóa có chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất đóng gói hàng hóa trên nhãn, bao bì hàng hóa.


Thuế sẽ trở thành công cụ chống “móc” tài nguyên

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế sẽ dùng thuế để làm công cụ khuyến khích doanh nghiệp gia tăng hàm lượng chế biến sản phẩm xuất khẩu.

Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế vừa được Quốc hội thảo luận ngày hôm qua (22/3/2016) thì không thực hiện hoàn thuế GTGT đối với sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác. Sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên cũng không được hoàn thuế GTGT.

se han che tinh trang tai nguyen, khoang san duoc tuyen loai so qua roi dem xuat khau. anh: duc thanh

Sẽ hạn chế tình trạng tài nguyên, khoáng sản được tuyển loại sơ qua rồi đem xuất khẩu. Ảnh: Đức Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, không hoàn thuế GTGT đối với các sản phẩm kể trên khi xuất khẩu là nhằm khuyến khích doanh nghiệp chế biến sâu, tăng hàm lượng GTGT với tài nguyên thiên nhiên và hạn chế tình trạng doanh nghiệp chỉ “móc” tài nguyên, khoáng sản ở dưới đất lên, sau đó tuyển loại sơ qua rồi đem xuất khẩu (chủ yếu là bán cho Trung Quốc). “Thực tế cho thấy, đối với sản phẩm hàng hóa có tổng trị giá tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng (gồm chi phí điện, xăng, dầu, than) chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên, thì cơ bản vẫn là sản phẩm thô, GTGT trong nước thấp nên chưa thể là sản phẩm được chế biến sâu trong nước. Việc không cho hoàn thuế mà được kết chuyển sang kỳ tiếp theo nhằm thực hiện chính sách hạn chế xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô, khuyến khích chế biến sâu tạo giá trị gia tăng lớn hơn ở trong nước”, ông Hiển nhấn mạnh.  

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng, muốn khuyến khích doanh nghiệp chế biến sâu trong nước, thì phải sử dụng các chính sách khác chứ không nên sử dụng chính sách thuế vì thế cần phải hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp khi xuất khẩu khoáng sản đã qua chế biến hoặc giảm tỷ lệ giá tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng trong tổng giá trị xuất khẩu xuống mức hợp lý hơn.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Anh Dũng nói thẳng, nếu không hoàn thuế GTGT cho sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên như xuất khẩu tài nguyên thô là không hợp lý.

“Trên thực tế, có rất nhiều sản phẩm chế biến từ khoáng sản có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% - 80% là những sản phẩm chế biến rất sâu, thậm chí đã đến sản phẩm hàng hóa cuối cùng cho người tiêu dùng. Đơn cử như sản phẩm phân bón, hóa chất đều phải đầu tư nhà máy lên tới hàng trăm triệu USD, với kỹ thuật, công nghệ phức tạp, tiên tiến mới sản xuất ra sản phẩm cuối cùng phục vụ nông nghiệp có tỷ lệ nguyên liệu cộng với năng lượng rất trong giá thành sản phẩm rất cao như phân lân nung chảy là 80%, đạm urê là 55% hay supe lân là 60%... Các sản phẩm trên ngoài đáp ứng đủ nhu cầu trong nước còn xuất khẩu, tăng hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp. Nếu không hoàn thuế GTGT sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng cạnh tranh và có thể không xuất khẩu được”, ông Dũng lo lắng.

Cũng theo Dự thảo, doanh nghiệp sẽ không được hoàn thuế GTGT, mà được kết chuyển số thuế chưa được khấu trừ của dự án đầu tư sang kỳ tiếp theo nếu không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; kinh doanh ngành, nghề có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư, hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động.

Theo ông Hiển, việc không hoàn thuế GTGT đối với những trường hợp trên nhằm bảo đảm minh bạch về vốn, lành mạnh hoá các hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo đảm lợi ích của các bên liên quan. “Hơn nữa, quy định này cũng nhằm để đồng bộ với với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, đồng thời để quản lý chặt chẽ, lành mạnh hoá các hoạt động kinh tế”, ông Hiển giải thích.

Tuy nhiên, theo ông Hà Sỹ Đồng, không hoàn thuế GTGT đối với dự án không góp đủ số vốn điều lệ; kinh doanh ngành, nghề có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh là không hợp lý.

“Doanh nghiệp vi phạm luật nào thì xử bằng luật đó. Ví dụ, doanh nghiệp vi phạm giao thông đường bộ thì xử lý bằng Luật Giao thông đường bộ; vi phạm trong cạnh tranh thì xử lý bằng Luật Cạnh tranh… chứ không thể xử lý bằng luật thuế. Doanh nghiệp không góp đủ vốn điều lệ, chưa bảo đảm đủ điều kiện kinh doanh tức là vi phạm Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư thì xử lý bằng 2 luật này, còn nếu vì vi phạm mà không cho hoàn thuế, khác gì doanh nghiệp vi phạm trong đầu tư, kinh doanh lại xử bằng luật thuế”, ông Đồng phát biểu.


Hà Nội duyệt quy hoạch khu nhà ở rộng gần 17ha tại Đông Anh

Khu nhà được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân cụm công nghiệp vừa và nhỏ tại xã Nguyên Khê, nhà ở tái định cư của các dự án xây dựng tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Đông Anh và nhà ở xã hội.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500 khu nhà ở tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Theo quyết định, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch chủ yếu thuộc địa giới hành chính xã Nguyên Khê và một phần nhỏ (nằm trong phạm vi đường quy hoạch) thuộc thị trấn Đông Anh - huyện Đông Anh. Quy mô diện tích đất nghiên cứu quy hoạch khoảng 16,72ha; Quy mô dân số dự kiến khoảng 7.690 người.
Quy hoạch nhằm mục tiêu cụ thể hóa đồ án quy hoạch phân khu đô thị N5 đã được UBND thành phố phê duyệt và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, việc xây dựng khu nhà cũng nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân khu công nghiệp vừa và nhỏ tại xã Nguyên Khê, nhà ở tái định cư của các dự án xây dựng tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Đông Anh và nhà ở xã hội...

Đà Nẵng hướng đến đô thị quy mô 2 triệu dân theo mô hình Nhật?

UBND TP. Đà Nẵng đang triển khai Chương trình hợp tác ba bên giữa TP. Đà Nẵng, JICA và chính quyền TP. Yokohama nhằm phát triển bền vững Đà Nẵng từ quy mô 1 triệu dân thành đô thị cấp vùng với quy mô 2-3 triệu dân, đồng thời có sức cạnh tranh và có bản sắc riêng so với Hà Nội và TP.HCM.
da nang se phat trien cac mui nhon kinh te mang tinh canh tranh va khac biet voi ha noi va tp.hcm.

Đà Nẵng sẽ phát triển các mũi nhọn kinh tế mang tính cạnh tranh và khác biệt với Hà Nội và TP.HCM.

Theo cổng thông tin TP. Đà Nẵng, ngày 22/3, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn vừa chủ trì buổi làm việc với ông Nakajima Tetsuya, Giám đốc điều hành Cục Hợp tác phát triển, TP. Yokohama (Nhật Bản) liên quan đến việc triển khai Chương trình hợp tác ba bên giữa TP. Đà Nẵng, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và chính quyền TP. Yokohama về phát triển bền vững TP. Đà Nẵng.
Chương trình hợp tác 3 bên được triển khai với mục tiêu là phát triển bền vững Đà Nẵng từ quy mô 1 triệu dân thành đô thị cấp vùng với quy mô 2-3 triệu dân, đóng vai trò là động lực tăng trưởng và phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đồng thời có sức cạnh tranh và có bản sắc riêng so với Hà Nội và TP.HCM.
Ông Nakajima Tetsuya cho biết, để thực hiện những mục tiêu nêu trên, chương trình đã đề ra 6 kế hoạch hành động liên ngành bao gồm: cụ thể hóa các chiến lược phát triển đô thị bền vững thông qua các dự án mang tính liên kết ở cấp thành phố và cấp vùng; xác định lại các mũi nhọn kinh tế mang tính cạnh tranh và khác biệt với Hà Nội và TP.HCM; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cho thấy rằng Đà Nẵng hoàn toàn có thể hiện thực hóa đề án “Thành phố môi trường”; tạo cơ chế cấp vốn bền vững và kế hoạch sử dụng cụ thể để phát triển hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường quản lý quy hoạch không gian theo cụm đô thị.
Tương ứng với 6 kế hoạch trên, phía chính quyền TP. Yokohama cũng đề xuất 6 chương trình/dự án cụ thể, gồm: đẩy mạnh và xúc tiến các dự án cải thiện môi trường; phát triển hệ thống cảng Đà Nẵng (cảng Tiên Sa và cảng Liên Chiểu) có sự gắn kết với hệ thống vận tải vùng và các cụm công nghiệp; phát triển mạng lưới vận tải công cộng và đặc biệt là tuyến đường sắt trong tương lai; xây dựng các khu đô thị mới đa chức năng, hỗn hợp kết nối với các nhà ga trung chuyển; tăng cường năng lực phòng tránh thiên tai và cải tạo khu trung tâm đô thị hiện hữu.
Đại diện chính quyền TP Yokohama cũng mong muốn không chỉ dừng lại ở bước lập kế hoạch hành động mà sẽ chuyển qua giai đoạn triển khai thực hiện.
Cụ thể, là sẽ triển khai nghiên cứu tiếp theo với mục tiêu đảm bảo xây dựng hạ tầng đô thị cơ bản, bao gồm xây dựng trục giao thông xương sống, phát triển các khu đô thị mới gắn kết với trục vận tải xương sống và hình thành cấu trúc không gian cốt lõi đảm bảo quy mô tăng trưởng 2 triệu dân trong tương lai của Đà Nẵng dựa trên bài học kinh nghiệm từ TP Yokohama.
Bên cạnh đó, TP Yokohama cũng sẽ đề nghị JICA cử chuyên gia đến làm việc tại Đà Nẵng để thực hiện các khảo sát cần thiết và tư vấn thực hiện các kế hoạch hành động đã đề ra.
Trước đề xuất từ phía đại diện TP Yokohama, Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, 6 chương trình/dự án được đề xuất trong khuôn khổ hợp tác ba bên có tính khả thi cao và nhiều trong số đó đã được TP Đà Nẵng triển khai một bước; đồng thời, việc triển khai thực hiện nghiên cứu tiếp theo trong năm 2016 là rất cần thiết đối với thành phố.
Do đó, ông Tuấn giao nhiệm vụ cho Sở Kế hoạch-đầu tư thành phố phối hợp Sở Ngoại vụ và các đơn vị liên quan nhanh chóng xúc tiến các thủ tục tiếp nhận chuyên gia của JICA đến làm việc tại Đà Nẵng, đồng thời chuẩn bị để ký kết gia hạn bản ghi nhớ hợp tác giữa 2 thành phố trong khuôn khổ chương trình.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục