tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 29-03-2016

  • Cập nhật : 29/03/2016

Gần 10.000 tỷ đồng xây cảng hàng không vùng Tây Bắc

Cục Hàng không Việt Nam sẽ đầu tư hơn 9.813 tỷ đồng xây dựng các cảng hàng không khu vực Tây Bắc gồm Cảng Hàng không Nà Sản, tỉnh Sơn La, sân bay Lai Châu và Cảng hàng không Lào Cai.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Theo kế hoạch, Cảng Hàng không Nà Sản, tỉnh Sơn La sẽ được đầu tư xây dựng là cảng hàng không nội địa cấp 4C, sân bay quân sự cấp I với quy mô theo đúng chức năng trong mạng lưới cảng hàng không dân dụng toàn quốc.
Dự kiến dự án sẽ khởi công năm 2017 và hoàn thành vào năm 2019 bằng vốn ngân sách nhà nước từ Bộ Quốc phòng với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 sẽ là hơn 1.984 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp là hơn 1.284 tỷ đồng. Đến năm 2020, khu hàng không dân dụng sẽ đáp ứng nhu cầu phục vụ 0,9 triệu hành khách (HK)/năm và 1,5 triệu HK/năm đến năm 2030.
Đối với dự án sân bay Lai Châu, dự kiến cũng sẽ khởi công năm 2017 và hoàn thành vào năm 2022 với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 4.783 tỷ đồng, chi phí xây lắp là hơn 4.066 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn xây dựng khu bay và các công trình sẽ lấy từ nguồn vốn ngân sách của Bộ Quốc phòng, còn xây dựng khu hàng không dân dụng bằng nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.
Dự án sân bay Lai Châu sẽ được xây dựng là cảng hàng không nội địa cấp 3C, đáp ứng nhu cầu phục vụ 40.000 hk/năm và sân bay quân sự cấp III với quy mô theo đúng chức năng trong mạng lưới cảng hàng không dân dụng toàn quốc.
Dự kiến Cảng Hàng không Lào Cai có tổng mức đầu tư giai đoạn I hơn 3.046 tỷ đồng và chi phí xây lắp, thiết bị hơn 1.891 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa theo hình thức đầu tư trực tiếp hoặc hợp tác công – tư (hợp đồng BOT). Dự án cũng sẽ khởi công năm 2017 và hoàn thành vào năm 2019. Cảng Hàng không Lào Cai sẽ được xây dựng là cảng hàng không nội địa cấp 4C đáp ứng nhu cầu phục vụ 560.000 (hk/năm) và sân bay quân sự cấp II.

Tín dụng đen vùng biển lại bùng phát

Vay tiền "nóng" theo hình thức tín dụng đen lại bùng phát ở vùng biển các tỉnh Nam Trung bộ, khi thời điểm này đang là cao điểm của mùa khai thác hải sản.

anh minh hoa.

Những hệ lụy kéo theo khi ngư dân vay tiền "nóng" là nợ nần chồng chất và nguy cơ thua lỗ ở những chuyến biển. Điều đáng nói là mặc dù đã có những chính sách tín dụng cho ngư dân vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67 và sau đó là Nghị định 89 nhưng đến mùa biển này, tín dụng đen vẫn tiếp tục có "đất" sống ở vùng biển.

 

Một trong những nội dung của Nghị định 67 là cho ngư dân vay vốn lưu động. Ngư dân được vay tối đa 70% chi phí chuyến khai thác với lãi suất 6,5%/năm. Điều kiện vay là những đối tượng hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể. Thế nhưng, trong thực tế, không phải ngư dân nào cũng tiếp cận nguồn vốn này.

 

Đây cũng là thực tế phổ biến ở các vùng biển nên con đường cuối cùng là ngư dân buộc phải vay tiền "nóng". Tín dụng đen vì thế vẫn có "đất" sống ở vùng biển.

Không khó để nhận diện bản chất tín dụng đen kéo dài nhiều năm qua ở vùng biển nhưng lại không dễ để ngăn chặn. Nhiều ý kiến cho rằng, tín dụng đen chỉ được chặn đứng một cách triệt để nếu như không còn tình cảnh ngư dân "đói" vốn. Nhưng cái khó lâu nay là ngay cả những ngư dân nhiều năm làm nghề biển cứ bước vào chuyến biển mới lại phải ngược xuôi tìm vốn.


Mê trận gạo lạ

Không chỉ có gạo trắng thông thường, hiện trên thị trường xuất hiện vô số sản phẩm lạ như gạo thảo dược, gạo trái cây... với giá dao động 30.000-80.000 đồng một kg.
thi truong xuat hien rat nhieuloai gao. anh: hong chau.

Thị trường xuât hiện rất nhiềuloại gạo. Ảnh: Hồng Châu.

Tại cửa hàng gạo chợ Văn Thánh, Bình Thạnh, TP HCM chỉ riêng gạo tám cũng có cả chục loại như: tám Thái, tám xoan Hải Hậu, tám Điện Biên, thậm chí còn có cả tám Lào, tám Campuchia, tám Thái xanh nhập khẩu… Với gạo lứt thì có lứt đỏ, lứt tím, lứt bắc hương, hay gạo mầm cũng xuất hiện 4-5 sản phẩm như gạo mầm nghệ, gạo mầm thanh long, gạo mầm omega … 

Chủ cửa hàng tại đây cho biết, mặc dù các sản phẩm này cùng được sản xuất ra từ một chủng loại gạo tương đồng, tuy nhiên, tùy vào giá trị cộng thêm của mỗi loại gạo và đơn vị cung cấp mà sản phẩm có mức giá chênh lệch nhau. Cụ thể, gạo lứt Bắc hương có giá 18.000 đồng một kg, nhưng gạo lứt đỏ lại tới 27.000-28.000 đồng, gạo lứt omega 3 có giá 34.000-35.000 đồng một kg.

“Các sản phẩm này mới chỉ bán ở thị trường một năm trở lại đây nhưng được khá nhiều khách ưa chuộng, ngay cả các nhà hàng, khách sạn cũng đặt mua”, chủ cửa hàng này cho biết. 

Bên cạnh các sản phẩm gạo lứt, tại cửa hàng ở quận 5, còn xuất hiện khá nhiều sản phẩm gạo dinh dưỡng với đủ các chủng loại, kết hợp với các loại trái cây như gạo mầm nghệ, gạo mầm thanh long, gạo mầm tỏi đen, gạo mầm gấc… giá dao động 60.000-80.000 đồng hộp 1kg. Các sản phẩm này cũng thuộc dòng gạo lứt nhưng được lên men, kích hoạt tạo nhiều chất dinh dưỡng. Hơn nữa, gạo còn bổ sung tinh chất nghệ tươi hay các loại trái cây khác giúp phát huy thêm những tính năng tốt cho sức khỏe.

Cùng với dòng sản phẩm gạo thông thường, gạo mầm, thì dòng gạo nếp gần đây cũng đa dạng chủng loại. Ngoài nếp cái hoa vàng, nếp Điện Biên, còn xuất hiện các loại gạo lứt nếp, gạo nếp Tú Lệ… giá cả hấp dẫn hơn nhiều so với các dòng trước đây, dao động 20.000-40.000 đồng một kg. 

Chủ một cửa hàng chuyên bán gạo ở chợ Hòa Bình cho biết, nếu trước đây các doanh nghiệp chỉ chú trọng vào dòng sản phẩm có giá trị thấp thì nay người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. Đặc biệt, các sản phẩm gạo "lạ" có mặt trên thị trường dày đặc hơn so với những năm trước đó.

“Nếu trước đây tôi chỉ bán gạo lứt thông thường thì nay dòng này tại cửa hàng có 4-5 loại được nhập từ nhiều nơi khác nhau, giá chênh 4.000-6.000 đồng một kg", tiểu thương này nói.

Là đơn vị đi đầu trong nghiên cứu dòng sản phẩm mới, lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời cho biết, cũng đang hỗ trợ nông dân tham gia vào việc cung cấp nguyên liệu để tạo ra những sản phẩm lạ cho thị trường Việt, đồng thời, có thể xuất ra nước ngoài. Riêng với dòng sản phẩm gạo mầm trái cây, công ty đang thử nghiệm và mới chỉ xuất hiện số lượng nhỏ trên thị trường, đa phần là để giới thiệu.

Ông cũng cho hay, trước đó, đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm gạo mầm có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Để làm ra sản phẩm này, các công đoạn trong sản xuất luôn mất thời gian hơn so với các sản phẩm thông thường, nên giá cao hơn.

"Mặc dù các sản phẩm này chưa phổ biến nhiều trên thị trường nhưng thời gian tới công ty vẫn tiếp tục nghiên cứu đưa ra nhiều dòng sản phẩm lạ hơn nữa để góp phần gia tăng giá trị cho gạo Việt, tạo sự đa dạng trên thị trường", lãnh đạo đơn vị này nói.

Ngoài Lộc Trời, hiện trên có 3-4 doanh nghiệp cùng nông dân tiến hành nghiên cứu cho ra thị trường các chủng loại gạo thảo dược tốt cho sức khỏe, đặc biệt, nhiều đơn vị còn đưa tên của chính mình vào tên gọi của sản phẩm để làm phong phú thêm cho thị trường gạo trong nước.

Đánh giá về thị trường gạo thời gian gần đây, Giáo sư Võ Tòng Xuân nhìn nhận, thị trường gạo trong nước đã có nhiều nhân tố lạ với sự xuất hiện của nhiều sản phẩm mới trên thị trường. Đặc biệt, đối với các sản phẩm gạo có thêm các gia vị riêng như gạo nghệ, gạo thanh long... đa phần là những sản phẩm có nét giống với gạo của Italy. Tuy nhiên, để sản xuất đại trà với số lượng lớn thì doanh nghiệp nên cẩn trọng, bởi lẽ, các sản phẩm này thường có đối tượng khách hàng riêng và số lượng này cũng không quá lớn. 

"Gạo Việt dù đã có nhiều nỗ lực nhưng thực sự tới nay vẫn chưa có một thương hiệu nào để lại dấu ấn trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Các sản phẩm mới làm ra đa phần của các doanh nghiệp nhỏ, thiếu sự hướng dẫn và hỗ trợ của các cơ quan ban ngành nên tôi nghĩ các sản phẩm lạ xuất hiện trên thị trường nếu không có cách truyền thông, bán hàng tốt thì cũng chỉ lóe lên rồi vụt tắt", ông Xuân nói.

Bên cạnh đó, Giáo sư Xuân cũng nhận định thị trường gạo Việt còn thiếu chuyên nghiệp. Nếu như Campuchia, Thái Lan mua bán gạo có kế hoạch, lộ trình và được kiểm tra khắt khe bởi những bộ quy chuẩn thì Việt Nam chưa làm được điều này. Thêm vào đó, các doanh nghiệp Việt làm gạo theo kiểu mua đại trà của thương lái với đủ loại sản phẩm rồi đặt cho chúng nhiều cái tên khác nhau khiến sản phẩm tụt lại phía sau, trong khi các nhà nhập khẩu ngày càng đưa ra yêu cầu cao, đòi hỏi sản phẩm ngon và có thương hiệu.


Vắt sữa bò ra... nước mắt!

Nhiều hộ nông dân nuôi bò sữa ở xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) đang có ý định bỏ chuồng, bỏ nghề bởi lý do nhiều năm nay, khi giá sữa giảm xuống, việc thu mua bấp bênh dẫn đến tình trạng càng nuôi càng lỗ đã khiến nhiều hộ chán nản.
gia dinh ong vu van dan dang tinh den viec ban bot dan bo sua neu tiep tuc lo.. anh: h.v.

Gia đình ông Vũ Văn Đản đang tính đến việc bán bớt đàn bò sữa nếu tiếp tục lỗ.. Ảnh: H.V.

Tuy chưa chịu sức ép trực tiếp của quá trình hội nhập, nhất là tác động của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), song ngành chăn nuôi bò sữa trong nước đang chịu tác động lớn do giá sữa trong nước giảm. Nhiều hộ chăn nuôi bò sữa đứng trước nguy cơ phá sản, bỏ nghề…

Không dám nuôi nhiều

Chị Nguyễn Thị Hồng Vân (ở xóm Từa, thôn Phù Dực 2) là một trong những nông dân có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa ở thôn. Chị kể: “Gia đình tôi bắt đầu nuôi bò sữa từ năm 1998. Ngày đó đầu tư, vay mấy trăm triệu đồng để mua 6 con bò sữa. Những năm đó, sữa tươi được thu mua với giá cao, thu nhập khá mới xây được cơ ngơi như ngày hôm nay. Còn mấy năm nay, nuôi bò sữa chỉ lấy công làm lãi, giờ chỉ nuôi có 4 còn bò cho sữa để gọi là giữ nghề chứ không thì cũng chẳng biết làm gì”.

Chị Vân còn nhớ những ngày đầu tiên bắt đầu nuôi bò sữa, doanh nghiệp thu mua nhiều, bà con trong thôn đua nhau nuôi, đua nhau vắt sữa bởi nhà nào có sản lượng sữa nhiều là được khen thưởng. Có những ngày gia đình chị thu về 3 triệu đồng tiền sữa. Nhưng chỉ vài năm gần đây, giá sữa xuống còn 10.000 đồng/kg thấp hơn so với trước là rất nhiều, những con bò giống trước đây bán được 50-60 triệu đồng/con, giờ giá bán chưa được một nửa. Nhà chị cũng như nhiều nhà trong thôn bắt đầu lo sợ không dám nuôi nhiều vì sợ lỗ nhiều.

Chị Vân chia sẻ: “Chẳng nói xa gần ở đâu cả, bà con chúng tôi chỉ mong được thu mua với giá sữa ổn định chứ giá sữa đã xuống thấp rồi mà công ty họ không thu gom thì chúng tôi biết bán đi đâu. Thế nên nhiều lúc nghĩ cũng tủi, cũng rớt nước mắt. Bao công chăm sóc, bệnh dịch không có mà sữa cứ thế đổ đi. Chất lượng sữa là do công ty đánh giá độ sữa đạt tiêu chuẩn công ty họ đo đạc, họ làm chứ nông dân mình thì cũng có biết gì đâu. Con nào con đó có chất lượng hay không mình cũng không biết. Chăm sóc chỉ đến vậy thôi, cũng có con sữa đặc, sữa loãng”.

Gia đình ông Vũ Văn Đản (ở xóm Nông, thôn Phù Đổng 2) đang nuôi 9 con bò sữa. Mỗi ngày, một con bò sữa của gia đình ông cho từ 23-25kg sữa. Ông Đản cho biết, sữa chuẩn theo tiêu chuẩn của công ty thu mua thì bán được giá 13.000-14.000 đồng/kg. Có những đợt, bò cho nhiều sữa bán không được cho công ty thu mua nên ông phải đem bán cho mấy cửa hàng ngoài chợ chỉ có giá từ 5.000 - 8.000 đồng/kg để mong thu được lại tiền thức ăn cho bò ngày hôm đó.

“Ngày trước chăm sóc kỹ hơn để bò cho nhiều sản lượng, còn bây giờ thì phải cho bò ăn ít đi để kìm lại cho ít sữa thôi, nhiều thì người ta cũng có mua cho đâu. Có ngày nhà tôi còn bị “cắt trả lại” cả chục cân sữa, tính ra thu nhập cả tháng mất 2-3 triệu đồng, bà vợ tôi nước mắt ngắn nước mắt dài. Mà sữa thì có phải lúc nào cũng ăn uống thay cơm được đâu, chạy ngược chạy xuôi đem bán mà còn khó khăn”, ông Đản nói. Theo tính toán của ông Đản, nếu thời gian tới tiếp tục lỗ thì ông cũng bán bớt đàn bò sữa đi để chuyển sang chăn nuôi gà lợn.

Chuyện không thu mua hết sữa, ép giá đã làm người chăn nuôi bò sữa lâu năm ở Phù Đổng phải điêu đứng, nhưng họ còn phải đối mặt với những khó khăn về dịch bệnh, đồng cỏ. Gặp chị Nguyễn Thị Vinh (ở xóm Nông, thôn Phù Dực 2) đang cắt cỏ đem về cho bò ăn. Ruộng cỏ nhà chị những ngày này ngày nào cũng có người “canh gác” cẩn thận bởi thời tiết khiến nhiều ruộng cỏ chưa mọc kịp, thức ăn cho bò sữa khan hiếm, tình trạng mất trộm cỏ xảy ra liên tục.

Chị cho biết: “Ở Phù Đổng mỗi nhà có vài sào ruộng, cấy lúa không được chuyển sang trồng cỏ nhưng cũng chỉ đủ cho bò ăn trong 2 tháng. Có những ruộng, người dân thử trồng rau muống nhưng cũng chẳng ăn thua nên bò nhiều khi cũng thiếu ăn mà không có cỏ thì làm gì có sữa”.

Khó khăn vì làm ăn nhỏ lẻ

Ông Trần Xuân Tĩnh – Chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho biết, nghề chăn nuôi bò sữa là ngành kinh tế mũi nhọn của xã Phù Đổng, tập trung chính ở 3 thôn là thôn Phù Dực 1, Phù Dực 2 và thôn Phù Đổng. Toàn xã có hơn 700 hộ chăn nuôi bò sữa, tổng đàn là 1.988 con, mỗi ngày cho sản lượng khoảng 20 tấn sữa tươi, giá trị đạt trên 200 triệu đồng/ngày đem lại kinh tế cho xã đạt trên 70 tỷ đồng/năm (năm 2015). Trung bình mỗi hộ chăn nuôi 2 - 4 con, nhà nhiều nhất 10-12 con, nếu giá sữa được thu mua ổn định sẽ cho mỗi hộ thu nhập khoảng 50 - 70 triệu đồng/tháng.

Ông Tĩnh cho hay: “Với giá sữa trung bình hiện nay là 10.000 - 12.000 đồng/kg, thiệt hại về kinh tế cho các hộ dân trong xã là khá lớn. Nhiều người điêu đứng lỗ vì sữa là do tình trạng đầu ra của sản phẩm mà phía công ty thu mua đánh giá là chưa đảm bảo chất lượng. Để tiến tới phát triển nghề nuôi bò sữa theo hướng bền vững, có một đơn vị đang đề xuất xây dựng cơ sở chế biến sữa tại địa phương. Để bà con yên tâm chăn nuôi sản xuất, xã sẽ có chủ trương tập trung hỗ trợ để nâng cao chất lượng sữa cho đàn bò”.

Trao đổi với PV, ông Phùng Xuân Việt – Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cho biết: “Toàn huyện Gia Lâm có hơn 3.100 con bò sữa trong đó xã Phù Đổng chiếm hơn một nửa. Phù Đổng là một trong những xã trọng điểm chăn nuôi bò sữa của huyện Gia Lâm và của TP.Hà Nội. Tuy nhiên, theo tình hình sản xuất trong những năm gần đây thì có thể thấy tại địa phương, bà con chăn nuôi bò sữa vẫn mạnh ai người đó làm, chăn nuôi nhỏ lẻ chưa đảm bảo chất lượng sản phẩm. Nếu chăn nuôi theo hướng hiện nay thì việc thụ sữa cũng khá khó khăn vì các thương hiệu sữa lớn họ đã đầu tư các trang trại lớn đảm bảo kỹ thuật, sản lượng và chất lượng”.


TP.HCM: Cần 1.000 tỷ đồng lát đá granite toàn bộ vỉa hè quận 1

Thông tin trên được ông Trần Thế Thuận – Chủ tịch UBND quận 1 cho biết vào sáng ngày 27/3. Nếu được UBND TP.HCM phê duyệt dự án này sẽ bắt đầu từ 2016 và hoàn thành vào 2019.
theo ke hoach, toan bo via he tai quan 1 se duoc lat da granite nhu duong nguyen hue.

Theo kế hoạch, toàn bộ vỉa hè tại quận 1 sẽ được lát đá granite như đường Nguyễn Huệ.

Theo ông Thuận, đây là dự án thuộc kế hoạch chỉnh trang đô thị, đồng bộ hóa hạ tầng tất cả 134 tuyến đường thuộc địa bàn quận này. Hiện quận đang hoàn thành báo cáo và chuẩn bị trình lên để UBND TP xem xét phê duyệt.
Ông Thuận cũng cho biết đá dùng để lát vỉa hè dự kiến sẽ là loại đá granite như đã dùng tại phố đi bộ Nguyễn Huệ với tổng kinh phí cho dự án vào khoảng 1.000 tỷ đồng. “Các doanh nghiệp đã cam kết bỏ tiền trước để đầu tư và quận sẽ trả chậm từ 3 đến 5 năm mà không tính lãi”, ông Thuận nói.
Cũng theo lãnh đạo quận 1, nếu được TP đồng ý về chủ trương nơi này sẽ tiến hành làm việc với các sở ngành liên quan như điện, nước, viễn thông để lên kế hoạch ngầm hóa hạ tầng đồng bộ, tránh việc phải đào đi đào lại sau này.
Kế hoạch mà quận 1 đã lập cho thấy sẽ có 80/134 tuyến đường thực hiện trước, trong đó ngay quý II/2016 sẽ bắt đầu làm thí điểm tại 5 tuyến là Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thái Học, Phùng Khắc Khoan, Đồng Khởi và Công xã Paris.
Số liệu thống kê cho thấy hiện quận 1 đang quản lý 936.000m2 vỉa hẻ, tuy nhiên trong số này chỉ có vài tuyến được lát đá, số còn lại được đánh giá là không đảm bảo mỹ quan, xuống cấp.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục