tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 31-03-2016

  • Cập nhật : 31/03/2016

Gia Lai: 4 nhà máy thuỷ điện đã ngừng hoạt động vì cạn nước

Công ty cổ phần Điện Gia Lai cho biết, 4/14 nhà máy thủy điện do công ty quản lý đã dừng hoạt động vì nước xuống ở mức chết.
anh minh hoa. nguon: internet

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Bốn nhà máy này gồm: Ia Drăng 1 (công suất 0,6MW), Ia Lốp (0,27MW), Ia Puch 3 (6,6MW) và Ia Meur 3 (1,8MW). Do lượng nước tích trữ trong hồ quá thấp, các nhà máy khác cũng chỉ vận hành cầm chừng, trung bình mỗi ngày chạy 2-3 giờ, công suất so với cùng kỳ năm ngoái đạt 30-50%. Cụ thể, các nhà máy như: Ayun Thượng A phát điện chỉ đạt 32% công suất, thời gian phát 3 giờ mỗi ngày; H’mun phát 31% công suất, 2 giờ một ngày; Đắk Pi Hao 2 công suất 47%, thời lượng phát 2 giờ trên ngày…

Theo Công ty Điện Gia Lai, trong thời gian các nhà máy thủy điện dừng hoạt động, công ty sẽ tiến hành kiểm tra, sửa chữa, bảo quản các thiết bị nhà máy và sửa chữa kênh mương, đập nhà máy. Các nhà máy còn nước chỉ phát điện ở mức cầm chừng cho hết mùa khô.

Một báo cáo mới đây của Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) cũng cho hay, tại thời điểm ngày 11/3 có đến 15 trong số 51 nhà máy tham gia thị trường phát điện cạnh tranh đã phải tạm ra khỏi thị trường này. Lý do chính là bởi hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên khiến các hồ thủy điện phải ưu tiên nước cho sinh hoạt, thủy lợi ở vùng hạ du.

Hàng chục thủy điện ở miền Trung, Tây Nguyên, trong đó có những nhà máy với công suất khá lớn như Hàm Thuận, Buôn Tua Srah... đã phải hoạt động cầm chừng hoặc ngưng phát điện.


Chủ động giãn nợ ở các tỉnh chịu thiên tai

Mới chỉ 20 ngày sau khi Chỉ thị 03 về hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai được NHNN được ban hành, hệ thống các TCTD ở các địa phương đã rất chủ động và tích cực trong việc rà soát, đánh giá thiệt hại và bước đầu đã có những hỗ trợ cụ thể.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Cuối tuần qua, Cà Mau là địa phương thứ 5 tại khu vực ĐBSCL công bố tình trạng thiên tai trên địa bàn toàn tỉnh sau khi có khoảng 50.000 ha lúa tại các địa phương của tỉnh này bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn.

Trước đó, các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Long An và Sóc Trăng đã công bố tình trạng thiên tai trên địa bàn tỉnh mình và kêu gọi toàn hệ thống chính trị vào cuộc hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do thiên tai, hạn hán gây ra.

Hưởng ứng những phát động hỗ trợ người dân ở các địa phương nói trên, đồng thời tiên phong triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị 03 vừa mới được Thống đốc NHNN ban hành, hiện các TCTD trên địa bàn 5 tỉnh khu vực ĐBSCL nói trên đã bắt đầu đưa ra các thống kê thiệt hại về tín dụng và quyết định các giải pháp hỗ trợ cụ thể.

Ghi nhận tại Kiên Giang, đại diện NH Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh cho biết, đến thời điểm hiện nay đơn vị đã thống kê xong số lượng vốn tín dụng bị thiệt hại với tổng số tiền là trên 40.400 triệu đồng. Hầu hết số vốn này được cho vay theo các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và cho vay chương trình nước sạch.

Trước mắt, NHCSXH tỉnh sẽ phân loại các khoản vay bị thiệt hại. Sau đó sẽ hỗ trợ khoanh nợ, giãn nợ theo các quy định tại Quyết định 50/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, nếu trường hợp nào thiệt hại về vốn và tài sản dưới 40% sẽ tiến hành gia hạn nợ; thiệt hại từ 40-80% sẽ khoanh nợ 3 năm; thiệt hại từ 80-100% sẽ khoanh nợ 5 năm.

Tại Bến Tre, báo cáo nhanh cho thấy rằng hiện nay dư nợ của NHCSXH tỉnh ước khoảng trên 1.700 tỷ đồng đối với tất cả các chương trình tín dụng chính sách. Hiện đơn vị đang rà soát số lượng vốn bị thiệt hại ở 160/164 xã, phường đã công bố thiên tai. Sau đó sẽ đưa ra các giải pháp hỗ trợ.

Trong khi đó, đại diện NHNN Chi nhánh tỉnh Bến Tre cho hay, hiện Chi nhánh Agribank tại địa phương đã công bố dành 500 tỷ đồng vốn trung hạn (lãi suất 9%/năm) để cho vay hỗ trợ người dân mua sắm dụng cụ trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt. Ngay trong tuần tới các chi nhánh các TCTD trên địa bàn sẽ hoàn thành đánh giá thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.

Theo những thống kê ban đầu của NHCSXH Việt Nam, đến thời điểm đầu tháng 2/2016, chỉ tính riêng dư nợ cho vay theo chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường đã đạt khoảng gần 21.000 tỷ đồng với 2,3 triệu lượt khách có dư nợ. Hiện số nợ quá hạn từ chương trình này đã đạt khoảng 32 tỷ đồng, nợ đã được khoanh là 15 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết tiếp tục khắc nghiệt, nhu cầu nước sạch sinh hoạt của người dân ở các tỉnh đã công bố thiên tai là rất cấp thiết. Vì vậy NHCSXH sẽ tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh tỉnh, thành phố rà soát cụ thể từng khoản vay để tiếp tục gia hạn nợ, khoanh nợ từ 3-5 năm đối với các khách hàng bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước sinh hoạt.

Song song đó, đối với các khoản nợ khác từ các chương trình tín dụng học sinh sinh viên, tín dụng hộ nghèo và cận nghèo, NHCSXH cũng sẽ chỉ đạo giãn nợ, khoanh nợ theo quy định của NHNN nhằm đảm bảo mục tiêu không để học sinh sinh viên nào đang vay vốn từ NHSCXH phải nghỉ học do gia đình bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn.

Như vậy, có thể thấy, mới chỉ 20 ngày sau khi Chỉ thị 03 về hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai được NHNN được ban hành, hệ thống các TCTD ở các địa phương đã rất chủ động và tích cực trong việc rà soát, đánh giá thiệt hại và bước đầu đã có những hỗ trợ cụ thể.

Điều này cho thấy, ngành NH luôn là đơn vị đi tiên phong đối với các hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội và đóng góp quan trọng cho thành công chung của các chính sách mà Chính phủ đặt ra.


Chủ tịch nước tiếp Giám đốc Quốc gia World Bank

Ngày 30/3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đến chào từ biệt nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác.
chu tich nuoc truong tan sang tiep giam doc quoc gia wb tai viet nam, victoria kwakwa. anh: ttxvn

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, Victoria Kwakwa. Ảnh: TTXVN

Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo WB với Việt Nam thông qua việc duy trì đều đặn các cuộc thăm và làm việc tại Việt Nam; cảm ơn WB và cá nhân bà Kwakwa đã giúp đỡ Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là trong các giai đoạn đất nước khó khăn nhất.

Chủ tịch nước cho rằng các dự án của WB đã giúp Việt Nam xóa đói giảm nghèo, hoàn thành Mục tiêu Thiên niên kỷ, góp phần thay đổi đời sống kinh tế-xã hội ở nhiều địa phương của Việt Nam.

Thông báo về tình hình tăng trưởng kinh tế, sử dụng vốn vay của Việt Nam, Chủ tịch nước nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần có thêm nguồn lực vật chất, trong đó sự giúp đỡ của WB là hết sức hữu ích.

Chủ tịch nước mong muốn cùng với giúp đỡ về tài chính, WB tiếp tục tham vấn về chính sách, giúp Việt Nam bổ sung kinh nghiệm quốc tế trong hoạch định chính sách. 

Đề cập diễn biến của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam, Chủ tịch nước cũng thông báo với WB về chương trình quy hoạch hệ thống kênh mương, đê bao chống xâm nhập mặn được các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện và đề nghị WB quan tâm giúp Việt Nam khắc phục. 

Về phía mình, bà Kwakwa đánh giá cao sự ủng hộ tích cực cùng những ý kiến phản biện sâu sắc của Chủ tịch nước, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động của WB tại Việt Nam. 

Bà Kwakwa khẳng định WB sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương Việt Nam để đưa ra các giải pháp hữu hiệu trong ứng phó biến đổi khí hậu. Thông báo về một số chương trình trọng tâm sắp triển khai của WB, bà Kwakwa đề nghị phía Việt Nam quan tâm, cùng phối hợp.

Bà Kwakwa cũng đề nghị Chủ tịch nước ủy quyền đàm phán về các dự án giao thông nông thôn, an toàn hồ đập, tín dụng quản lý kinh tế, giảm nhẹ ngân sách. 

Chia sẻ với những đề nghị của Chủ tịch nước, bà Kwakwa khẳng định WB luôn tạo mọi điều kiện và sẵn sàng ủng hộ Việt Nam. Bên cạnh đó, trên cương vị phụ trách khu vực Đông Á theo sự phân công của WB, cá nhân bà sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam với tình cảm gắn bó thân thiết.


Dùng quỹ đất sạch, ưu đãi "ngọt" thu hút nhà đầu tư vào Hòa Bình

Tỉnh Hòa Bình đang “trải thảm đỏ”, chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch lớn, đầy đủ hạ tầng, vận dụng cơ chế chính sách ưu đãi linh hoạt thu hút doanh nghiệp vào đầu tư.

 Dành quỹ đất sạch thu hút FDI

Với lợi thế giáp ranh thủ đô Hà Nội, giao thông thuận tiện, lao động dồi dào, nguồn nguyên liệu phong phú,  Hòa Bình đang là một “điểm đến” yêu thích của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Báo cáo mới nhất của tỉnh Hòa Bình, trong năm 2015, tỉnh Hòa Bình có 31 dự ánđược cấp phép đầu tư, trong đó có 4 dự án FDI vốn đăng ký 4 triệu USD, 27 dự án đầu tư trong nước vốn đăng ký 2.549 tỷ đồng. Số lượng các dự án trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến nay có 421 dự án, trong đó có 31 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 468 triệu USD, 389 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 46.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, con số này chưa xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh Hòa Bình. Nguyên nhân được xác định là do công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án còn chậm, chất lượng các quy hoạch còn thấp, thủ tục hành chính còn rườm rà, trình độ nguồn nhân lực địa phương còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; công với việc, một số nhà đầu tư còn thiếu năng lực về tài chính và điều kiện thực hiện dự án…

thi cong xay dung ha tang kcn bo trai song da.

Thi công xây dựng hạ tầng KCN Bờ trái Sông Đà.

Để giải bài toán nâng cao số lượng và chất lượng nguồn vốn FDI, tỉnh Hòa Bình đã xác định thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng các cơ chế mở, chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư là yếu tố ưu tiên hàng đầu. Tỉnh Hòa Bình cũng vừa ban hành quy định trình tự giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư dự án có sử dụng đất ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Ngay trong năm 2016 có 50 ha quỹ đất sạch phục vụ cho công tác thu hút đầu tư. Về cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp có bước tiến mới, có 4 KCN từ chỗ chậm hoặc ngừng thi công thì nay đã cơ bản hoàn thành để đón các nhà đầu tư. Đặc biệt như, KCN Bờ trái Sông Đà được đầu tư cả hạng mục nhà ở cho công nhân lao động, giá trị khối lượng ước tính đạt khoảng 180 tỷ đồng.

Khuyến khích đầu tư vào du lịch, nông nghiệp

Năm 2015, tỉnh Hòa Bình đã đón hơn 2,5 triệu lượt khách tham quan du, trong đó, khách quốc tế là  hơn 222.000 lượt, mang lại doanh thu hơn  du lịch đạt 830 tỷ đồng. Trong đó chỉ riêng doanh thu từ “nhánh”dịch vụ du lịch sinh thái tại Hòa Bình đã đạt gần 50 tỷ đồng. Mai Châu, Kim Bôi, Lòng hồ Sông Đà…đang là những điểm du lịch được du khách trong và ngoài nước ưa thích.

Chính vì vậy, UBND tỉnh Hòa Bình đang tăng cường thu hút đầu tư, hợp tác quảng bá hình ảnh du lịch Hòa Bình,đẩy nhanh các dự án đầu tư cho du lịch, tập trung mở rộng các loại hình du lịch cộng đồng, phát triển các loại hình du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế hiệu quả.

Bên cạnh đó,  tỉnh Hòa Bình vừa ban hành Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND Quy định thực hiện chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả thu hút đầu tư do Tỉnh ủy Hòa Bình tổ chức mới đây, ông Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình đã chỉ đạo, việc cải thiện môi trường đầu tư phải  có tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo để thực hiện các giải pháp cụ thể. Trong đó tập trung rà soát các cơ chế, chính sách, giảm đến mức tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Cần tăng cường vai trò của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch để trở thành đầu mối cung cấp thông tin, hướng dẫn nhà đầu tư khi vào tỉnh lập dự án, hỗ trợ nhà đầu tư gặp khó khăn khi thực hiện.

Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đã thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư và thương mại du lịch, đơn vị được xác định là đầu mối quan trọng kết nối giữa lãnh đạo tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan có vị trí quan trọng giúp lãnh đạo tỉnh Hòa Bình giải quyết những đề nghị chính đáng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, và chỉ đạo nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trước mắt là để thu hút các doanh nghiệp dệt may và lâu dài là đón nhận làn sóng đầu tư TPP trong thời gian tới.(BĐT)


Sai phạm gây thất thoát tiền tỷ tại chợ Bà Rịa

Cách đây một năm, ngày 16/3/2015, Thanh tra UBND TP. Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã ra Kết luận thanh tra số 16/BC - TTr, thanh tra việc thu, chi và quản lý tài sản năm 2012, 2013 tại Ban quản lý chợ Bà Rịa. Theo kết luận, Ban quản lý chợ đã mắc nhiều sai phạm về thu - chi và biển thủ số tiền hơn 1 tỷ đồng không nộp cho Nhà nước. Vậy nhưng, đến nay số tiền vẫn chưa thu hồi được.

Che dấu thu - chi hơn 1 tỷ đồng

Đoàn thanh tra đã chỉ ra nhiều sai phạm của Ban quản lý chợ Bà Rịa như: tất cả các tài sản đều ghi theo dõi vào năm 2012 là không đúng theo năm phát sinh tài sản. Số quỹ tiền mặt không theo dõi, không cập nhật kịp thời các nghiệp vụ phát sinh thu.

Đặc biệt, đơn vị không công khai tài chính theo quy định về hình thức, thời gian và nội dung công khai. Trong việc thu hộ tiền điện, tiền nước, Ban quản lý chợ không thể hiện tổng số thu, tổng số chi trong sổ kế toán, chỉ thể hiện số chênh lệch thu - chi và được quyết toán đối với số tiền chênh lệch.

chi trong 2 nam, ban quan ly cho ba ria da thu - chi sai che do, khong dung muc dich so tien gan 1,14 ty dong

Chỉ trong 2 năm, Ban quản lý Chợ Bà Rịa đã thu - chi sai chế độ, không đúng mục đích số tiền gần 1,14 tỷ đồng

Thu tiền cho thuê 2 điểm giữ xe trên vỉa hè hành lang chợ chính và chợ tươi sống khoảng 254 triệu đồng, thu tiền cho thuê mặt bằng tổ chức Hội chợ và Chợ tết năm 2012 và năm 2013 là 208,87 triệu đồng. Đối với hai khoản thu này, thanh tra kết luận: ông Nguyễn Minh Hoàng (Trưởng ban quản lý chợ), bà Trần Minh Thư (Kế toán trưởng), bà Trần Thị Nhàn (kế toán thu), bà Trương Thị Hồng Thanh (kế toán chi), ông Dương Tòng Hạ (Tổ phó Tổ nghiệp vụ thu phí) có hành vi che dấu nguồn thu và giữ lại nguồn thu của ngân sách sai chế độ, sử dụng các nguồn thu được để lại không đúng mục đích.

Ngoài ra, tiền thu mặt bằng bến xe khách do UBND tỉnh tạm giao cho Ban quản lý chợ quản lý với tổng số tiền là 249,6  triệu đồng cũng được kết luận là bị Ban quản lý che dấu nguồn thu và giữ lại nguồn thu của ngân sách sai chế độ, sử dụng các nguồn thu được để lại chi không đúng mục đích.

“Ban quản lý chợ Bà Rịa thừa nhận có việc hợp thức hóa chứng từ để chi cho các khoản không đúng nội dung ghi trên hóa đơn”, Kết luận thanh tra nêu rõ.

Bên cạnh đó, thanh tra đã đưa ra việc chi sai chế độ, không đúng mục đích, không đúng dự toán ngân sách được giao với tổng số tiền là 586.933.250 đồng, trong đó, năm 2012 chi hơn 264,229 triệu đồng, năm 2013 hơn 203,849 triệu đồng. Đồng thời, Đoàn thanh tra cũng kiểm tra thấy nhiều chứng từ chi không đúng mục đích như mua thiết bị kỹ thuật hơn 58 triệu đồng, mua dụng cụ vệ sinh hơn 21 triệu đồng, mua nước suối hơn 21 triệu đồng, tiền sửa xe hơn 13 triệu đồng…

“Ban quản lý chợ Bà Rịa chưa chấp hành, chưa tuân thủ đúng các quy định pháp luật về tài chính, kế toán, đã vi phạm vào Điều 6 Luật Ngân sách năm 2002 “các khoản thu - chi của ngân sách nhà nước phải được hạch toán kế toán, quyết toán đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ”, Kết luận thanh tra nêu rõ.

Thanh tra đã kiến nghị Chủ tịch UBND TP. Bà Rịa ban hành văn bản chỉ đạo ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban quản lý chợ Bà Rịa phải có trách nhiệm nộp ngân sách nhà nước số tiền 1.137.203.250 đồng vào Kho bạc Nhà nước, thời hạn nộp là 30 ngày, kể từ ngày có Kết luận thanh tra. Nếu quá hạn mà ông Hoàng không nộp đủ số tiền trên, đề nghị UBND Thành phố chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Thanh tra cũng kiến nghị Chủ tịch UBND TP. Bà Rịa kiểm điểm xử lý kỷ luật đối với các cá nhân gồm: ông Nguyễn Minh Hoàng, bà Trần Minh Thư, bà Trần Thị Nhàn, bà Trương Thị Hồng Thanh, bà Huỳnh Thị Thu Lan (thủ quỹ)… Các cá nhân nêu trên đã có hành vi sai phạm nguyên tắc tài chính, đề nghị chuyển công tác khác, không liên quan đến công tác tài chính.

Sai phạm vẫn thăng chức

Tính tới thời điểm này, đã quá hạn Ban quản lý chợ Bà Rịa phải đóng số tiền hơn 1 tỷ đồng theo như Kết luận thanh tra, nhưng số tiền vẫn chưa được nộp Kho bạc Nhà nước.

Ngày 29/9/2015, ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch UBND TP. Bà Rịa đã ký văn bản số 944/KL-UBND, giao Phòng Nội vụ căn cứ vào các thực tế vi phạm và các quy định pháp luật để tham mưu cho UBND Thành phố xử lý đối với các cá nhân tại Ban quản lý chợ Bà Rịa.

Sau đó, ông Nguyễn Minh Hoàng, nguyên Trưởng ban quản lý chợ Bà Rịa được đưa về làm chuyên viên tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Bà Rịa. Bà Trần Minh Thư, nguyên Kế toán trưởng Ban quản lý chợ được điều về làm Phó tổng giám đốc Công ty Môi trường đô thị TP. Bà Rịa.

Người dân tại TP. Bà Rịa thắc mắc, vì sao một sai phạm đã có kết luận thanh tra rõ ràng, mà tới nay số tiền hơn 1 tỷ đồng vẫn không được thu hồi lại cho Nhà nước, còn các vị lãnh đạo trong Ban quản lý chợ Bà Rịa làm sai, đáng phải kỷ luật và hạ chức vụ, nhưng với bà Thư là thăng chức chứ đâu phải kỷ luật.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên trong số báo tiếp theo.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục