tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 28-05-2016

  • Cập nhật : 28/05/2016

Chính sách trói thực thi

“Nội dung gì thuộc lĩnh vực quản lý rủi ro của cơ quan hải quan thì thực hiện, không thì buông, nếu không hải quan sẽ tự làm khó mình”

“Chúng tôi cũng chẳng thích kiểm tra DN nhiều đâu!”, lãnh đạo cơ quan Hải quan ở một tỉnh phân trần tại hội thảo tham vấn “Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13”.

Hội thảo do Tổng cục Hải quan, Bộ tài chính phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 26/5.

Khổ vì “trên đe dưới búa”

Cho tới nay, thủ tục hải quan vẫn được coi là gây nhiều phiền hà, tốn kém nhất cho DN. Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm cần cải cách mà Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã đặt ra. Tuy nhiên, trái với tiếng xấu là bị mắc bệnh “nghiện kiểm tra”, công chức hải quan cho biết chính các quy định rườm rà trong luật hiện nay đã khiến họ không thể làm khác.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Đại diện Cục hải quan tỉnh Thanh Hoá đã đề cập tới nhiều vấn đề bất cập và đề nghị gỡ khó. Vị này cho rằng trong quy trình thủ tục hoàn thuế, nên bỏ khâu kiểm tra trước và sau hoàn thuế vì đây không phải là lĩnh vực chuyên môn của cán bộ hải quan.

“Chi cục ít người và không phải ai cũng học tài chính-kế toán, có khi đọc báo cáo tài chính còn không được thì kiểm tra cái gì. Vì vậy nhiều khi chỉ xuống ký nhận văn bản rồi về”, cán bộ của Cục hải quan Thanh Hoá cho biết.

Vì vậy theo vị này, nên chăng cán bộ chi cục chỉ cần thực hiện đúng trình tự thủ tục hoàn thuế, DN thực hiện không đúng thì trả lại hồ sơ. Còn nhiệm vụ kiểm tra thì trả lại cho bộ phận chuyên ngành của thanh tra, hoặc kiểm tra sau thông quan. Như vậy vừa thông thoáng cho DN, vừa không trói buộc chính cán bộ hải quan.

Vướng mắc thực tế khác mà quy định mới chưa giải quyết được đó là quy định nộp thuế quá chặt chẽ khiến DN mất nhiều thời gian thông quan. Đại diện Cục hải quan Thanh Hoá cho biết, có trường hợp DN chưa kịp nộp khoản tiền 13.000 đồng thuế tài nguyên, nhưng cơ quan hải quan theo đúng quy định không thể giải quyết thủ tục thông quan cho DN được vì quy trình đã cài đặt tự động, phải có đầy đủ chứng từ.

“Nhiều trường hợp DN bất khả kháng và xin chúng tôi linh động vì khoản tiền thực ra quá nhỏ và họ sẽ nộp bù sau, nhưng cán bộ không thể làm khác được”, vị này phân trần. Vì vậy ông kiến nghị nên đặt ra ngưỡng với các khoản thuế phải nộp dưới 50.000 đồng hoặc 100.000 đồng mà DN chưa kịp nộp thì giải quyết cho thông quan trước, trả thuế sau. Như vậy sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho DN, đặc biệt là DNNVV.

“Nội dung gì thuộc lĩnh vực quản lý rủi ro của cơ quan hải quan thì thực hiện, không thì buông, nếu không hải quan sẽ tự làm khó mình”, các ý kiến đồng loạt kiến nghị.

Sẽ thay đổi để đặt đúng người đúng việc

Tiếp thu ý kiến của các cơ quan hải quan các địa phương, ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đánh giá, các ý kiến đã đặt ra nhiều vấn đề cốt lõi đối với hoạt động của ngành hải quan trong thời gian tới. Theo đó, câu chuyện đặt ai vào vị trí nào cho đúng người đúng việc, về tổ chức bộ máy con người… sẽ được Tổng cục Hải quan tiếp tục xem xét trong thời gian tới.

Ông Vũ Ngọc Anh thừa nhận, đúng là có thực trạng một bộ phận cán bộ, công chức hải quan “thích kiểm tra” nhưng kiểm cũng không nổi vì không đủ trình độ chuyên môn. Vì vậy, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp thu và nghiên cứu thay đổi để đảm bảo cơ cấu tổ chức bộ máy mới sẽ phù hợp với công việc.

Tuy nhiên, ông Vũ Ngọc Anh cũng nhấn mạnh, các quy định trong Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cũ cũng đã hoàn thành tốt vai trò, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu, hỗ trợ dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Giai đoạn 2005-2015, luật đã góp phần bảo hộ hợp lý, có chọn lọc đối với một số nhóm mặt hàng, ngành nghề phù hợp với tiến trình hội nhập và định hướng phát triển của Nhà nước; giải quyết miễn thuế cho khoảng gần 3.500 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư.

Bà Lỗ Thị Nhụ, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan bổ sung, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu mới cũng đã có nhiều sửa đổi tiến bộ để phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Theo đó, luật giúp giảm đáng kể các thủ tục hành chính và chi phí cho DN.

Chẳng hạn theo luật mới các nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hoá xuất khẩu được miễn thuế. Trong khi đó, theo luật cũ thì các DN phải nộp thuế nhập khẩu sau đó mới được hoàn thuế trong vòng 270 ngày sau khi nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện phục vụ sản xuất và xuất khẩu sản phẩm hoàn thiện.

Ngoài ra, những hàng hoá nhập khẩu có giá trị nhỏ hoặc tổng số tiền thuế phải nộp có giá trị nhỏ theo quy định trong luật sẽ được miễn thuế. Điều này giúp giảm thiểu gánh nặng tuân thủ cho các DN, đặc biệt là DNNVV, theo đó giảm chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh.(TBNH)


Hơn 5.535 tỷ đồng xây cầu Mỹ Thuận 2

Nguồn vốn được xác định vay ODA Nhật Bản khoảng 5.251 tỷ đồng, phần còn lại là vốn đối ứng của VN dùng cho công tác giải phóng mặt bằng.

Sáng 27-5, Ban quản lý dự án 7 (PMU7) cho biết, vừa trình Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phương án xây dựng cầu dây văng Mỹ Thuận 2 với vốn đầu tư 5.535 tỷ đồng. Nguồn vốn được xác định vay ODA Nhật Bản khoảng 5.251 tỷ đồng, phần còn lại là vốn đối ứng của VN dùng cho công tác giải phóng mặt bằng.

Theo đề xuất của PMU 7, cầu Mỹ Thuận 2 cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu khoảng 350m về phía thượng lưu, tổng chiều dài tuyến là 6,81km, thiết kế kiểu cầu dây văng rộng 25m với 6 làn xe. Trong giai đoạn 1 khai thác 4 làn xe (mỗi làn rộng 3,75m) và 2 làn xe hạn chế (mỗi làn rộng 3,5m).

Cầu Mỹ Thuận 2 cách cầu Mỹ Thuậnhiện hữu (ảnh) khoảng 350m về phía thượng lưu. Ảnh T.L

Giai đoạn 2 sẽ khai thác 5 làn xe, mỗi làn rộng 3,5m. Phần đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 km/h. Sau giai đoạn 2, nền đường sẽ có bề rộng 32,25m, cầu An Hữu nằm trên đường dẫn cũng được đầu tư để tương ứng với 
bề rộng mặt đường.

Theo PMU 7, cầu Mỹ Thuận 2 là một phần của tuyến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Hiện nay, các cây cầu lớn trong khu vực như Cổ Chiên, Cao Lãnh, Vàm Cống được đưa vào khai thác, nếu không xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 thì cầu Mỹ Thuận hiện có trên quốc lộ 1 sẽ bị quá tải, gây ùn tắc giao thông.


76.000 tỷ 'ngâm' trong nợ thuế

Theo Tổng cục Thuế, tính hết 30/4, các doanh nghiệp, tổ chức trong cả nước nợ 76.000 tỷ đồng thuế, tăng 3.123 tỷ đồng so với cuối năm 2015.

Trong đó, số nợ thuế thuộc ngân sách trung ương là 15.760 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 60.240 tỷ đồng. Số tiền nợ thuế từ 90 ngày trở lên là 36.729 tỷ đồng; các khoản thuế, phí là 24.594 tỷ đồng; các khoản nợ liên quan về đất là 12.135 tỷ đồng.

Các khoản tiền phạt và tiền chậm nộp là 23.921 tỷ đồng. Số nợ thuế năm 2015 tới nay thu hồi được 14.250 tỷ đồng. Một số tỉnh thành có số nợ thuế lớn như Hà Nội, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bình Dương…

Để thu hồi nợ thuế, Tổng cục Thuế đã giao chỉ tiêu thu hồi nợ thuế cho các địa phương, đồng thời thành lập tổ rà soát và xử lý nợ thuế; rà soát, sửa đổi quy trình quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.


WB cấp bổ sung 119 triệu USD cho dự án cấp nước sạch của Việt Nam

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 26/5 đã phê duyệt khoản tài chính bổ sung trị giá 119 triệu USD cho một dự án ứng phó với những thách thức lớn trong phát triển đô thị, với trọng tâm là đáp ứng nhu cầu nước sạch và xử lý nước thải ở một số khu đô thị ở Việt Nam.

Khoản cho vay bổ sung cho Dự án Cấp nước và Xử lý Nước thải Việt Nam chủ yếu sẽ được sử dụng cho một tiểu dự án xử lý nước thải và thoát nước tại tỉnh Bình Dương.

Khoản tài trợ này cũng sẽ được sử dụng để bù vào chi phí gia tăng do đồng USD tăng giá, và để hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ xây dựng trong việc chuẩn bị một dự án đầu tư mới về cấp nước tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự kiến sẽ có thêm 65.872 hộ gia đình với 450.382 nhân khẩu sẽ được đấu nối với nguồn nước sạch, và 312.051 cư dân thành thị sẽ được hưởng lợi nhờ điều kiện vệ sinh môi trường được cải thiện từ khoản tài trợ này.

Ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia của WB đánh giá, với khoản tài trợ bổ sung này, những thành tựu trong dự án ban đầu sẽ được củng cố hơn nữa và sẽ có thêm nhiều người dân ở Bình Dương, miền Nam của Việt Nam có hệ thống xử lý nước thải tốt hơn.

Khoản tài trợ bổ sung bao gồm một khoản tín dụng trị giá 50 triệu USD từ nguồn IDA (Hiệp hội Phát triển Quốc tế) – nguồn vốn ưu đãi của Nhóm các Tổ chức thuộc WB dành cho các nước có thu nhập thấp, và một khoản vay trị giá 69 triệu USD từ nguồn IBRD (Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế) – tức nguồn vốn vay của Nhóm các Tổ chức thuộc WB dành cho các nước có thu nhập trung bình.

Dự án ban đầu được Ngân hàng Thế giới phê duyệt vào tháng 5/2011, và đã tài trợ cho 7 tiểu dự án cấp nước và xử lý nước thải ở 10 tỉnh, với quy mô dân số trung bình là 100.000 người ở các trung tâm đô thị.


Siết hoàn thuế từ 1.7: Ngành thuế làm khó doanh nghiệp!

Từ 1.7, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) có hiệu lực, quy định doanh nghiệp có số thuế GTGT đầu vào âm liên tục 12 tháng do vẫn còn hàng tồn kho sẽ không còn được hoàn thuế GTGT như trước. Việc này, cơ quan soạn thảo luật cho rằng tiết kiệm thời gian, giảm chi hoàn thuế hàng chục nghìn tỉ cho ngân sách. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng ngành thuế đang tạo ra cơ chế để chiếm dụng vốn doanh nghiệp, đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó càng thêm khó!

Ngại doanh nghiệp “rút ruột” ngân sách (?!)

Theo báo cáo tác động Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT trình Quốc hội, cơ quan soạn thảo cho rằng, việc quy định hoàn thuế GTGT sau ít nhất 12 tháng liên tục khi có số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết, có nghĩa là ngân sách nhà nước “bù lỗ” cho những doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh phát sinh GTGT âm, trong thực tế nhiều trường hợp doanh nghiệp chưa kịp được hoàn (thậm chí có trường hợp vừa lập hồ sơ hoàn thuế) nhưng đã phát sinh số thuế phải kê khai, tính nộp. Theo cơ quan soạn thảo, quy định hoàn thuế cũ làm tăng thủ tục và lãng phí thời gian để tuân thủ chính sách đối với doanh nghiệp làm ăn chân chính, đồng thời làm tăng khối lượng công tác đối với cơ quan thuế, thanh tra, kiểm toán.

”Vì vậy, Chính phủ đề nghị quy định việc doanh nghiệp thực hiện khấu trừ đối với số thuế GTGT đầu vào thay cho việc quy định hoàn thuế GTGT sau ít nhất 12 tháng hoặc 4 quý liên tục để góp phần thúc đẩy tính hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần cải cách thủ tục hành chính, hạn chế khả năng lợi dụng để gian lận trong hoàn thuế GTGT”, báo cáo dự thảo luật đề xuất.

Theo cơ quan soạn thảo luật, dự kiến, việc bổ sung quy định hoàn thuế này sẽ làm giảm khối lượng, hồ sơ hoàn thuế hàng năm từ 18-20%, tương ứng với số giảm hoàn thuế vào khoảng 16.000 tỉ đồng và số thuế này sẽ được chuyển sang khấu trừ vào số thuế GTGT đầu ra của những kỳ tiếp theo.

Giải thích về việc doanh nghiệp có số thuế GTGT đầu vào âm liên tục 12 tháng do vẫn còn hàng tồn kho sẽ không còn được hoàn thuế GTGT, một lãnh đạo Bộ Tài chính nói với PV Báo Lao Động rằng, phải hiểu bản chất của vấn đề là doanh nghiệp sẽ không mất số tiền hoàn thuế. “Sau này bán ra (hàng tồn kho - PV) sẽ thu lại. Nếu quy định như trước, cũng đã có doanh nghiệp chiếm dụng vốn của Nhà nước để xoay vòng, ảnh hưởng đến ngân sách, lợi dụng chính sách hoàn thuế để chiếm dụng vốn” - vị này nói. Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế - bổ sung, có một số tình trạng doanh nghiệp lợi dụng cơ chế hoàn thuế để rút ruột và gian lận. “Bởi vậy, bỏ quy định hoàn thuế 12 tháng thì rõ ràng doanh nghiệp có thiệt một chút nhưng lợi về quản lý chung” - bà Cúc nói

“Chiếm dụng vốn doanh nghiệp”

Nói về sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT, ông Nguyễn Hải Minh - GĐ Cty Tư vấn thuế Mazars - cho rằng, ngành thuế ngày càng đặt ra những quy định ngặt nghèo để siết doanh nghiệp, cụ thể trước đây thuế GTGT âm đầu vào 3 tháng vẫn được hoàn thuế, sau này lên thành 12 tháng, rồi sắp tới bỏ quy định được hoàn thuế âm đầu vào. Nói về quy định mới có hiệu lực từ 1.7, ông Minh nói: “Đơn giản như việc doanh nghiệp nhập vào 100 đồng, chỉ bán ra được 20 đồng, tồn 80 đồng. Như vậy ngoài việc đang thua lỗ 80 đồng thì thuế chỉ hoàn thuế 2 đồng (10% của 20 đồng bán ra - PV) mà đáng ra phải được hoàn thuế thêm 8 đồng nữa”. Theo ông Minh, với thực trạng hơn 95% số doanh nghiệp trong nền kinh tế là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc quay vòng vốn là rất quan trọng, việc này đã đẩy những doanh nghiệp trong trường hợp đã khó khăn thì càng khó
khăn hơn.

Trong khi đó, một chủ doanh nghiệp sản xuất ngành nhựa dẫn ra thực tế kể cả với doanh nghiệp bán hàng chạy nhưng không hoàn thuế với hàng tồn thì doanh nghiệp vẫn khó khăn với việc xoay vòng vốn. Vị chủ doanh nghiệp này nói, Cty có doanh thu 20 tỉ đồng/năm, hàng tồn luôn từ 10-30% tùy giai đoạn. Với quy định hoàn thuế mới thì ngành thuế đang chiếm dụng của Cty 200 triệu đến 600 triệu đồng. “Giờ cạnh tranh khốc liệt, một đồng cũng quý, nhưng cứ giữ tiền của doanh nghiệp như thế. Để bù vào số tiền đó chúng tôi phải vay ngân hàng. Quy định như vậy, doanh nghiệp làm sao dám trữ hàng”.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhìn nhận, trong môi trường kinh doanh hiện nay không chỉ cần tạo môi trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp và cần bình đẳng giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước. Ông Phú nói thẳng: “Việc không hoàn thuế với hàng tồn là không sòng phẳng với doanh nghiệp. Đừng nói tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, không ai chấp nhận cả đâu”.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục