tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 28-05-2016

  • Cập nhật : 28/05/2016

Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên còn cao

Ngày 26/5, tại Hà Nội, Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) công bố bản tin thị trường lao động quý I/2016, theo đó cả nước có 1,07 triệu người thất nghiệp.
thu truong bo ldtbxh doan mau diep gioi thieu net chinh thi truong lao dong viet nam quy i/2016.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp giới thiệu nét chính thị trường lao động Việt Nam quý I/2016.

 

Theo số liệu thống kê, quý I/2016, cả nước có hơn 53,2 triệu người có việc làm, tăng 1,64% so với cùng kỳ. Trong đó, lĩnh vực xây dựng, tài chính ngân hàng, dịch vụ có tỷ lệ tăng lao động nhiều nhất.

Tuy nhiên, trong quý 1/2016, cả nước có hơn 1,07 triệu lao động bị thất nghiệp, tăng thêm hơn 20.000 người so với quý 4/2016, đáng chú ý, tỷ lệ thanh niên (15 – 24 tuổi) không có việc làm lên đến hơn 540.000 người. Trong tổng số hơn 1,07 triệu lao động thất nghiệp, có đến hơn 441.000 người có chuyên môn kĩ thuật (CMKT) chiếm 41,1%.

Lý giải tình trạng lao động thất nghiệp vẫn ở mức cao, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện khoa học Lao động và Xã hội cho biết, nguyên nhân chính có hơn 1 triệu lao động bị thất nghiệp do nền kinh tế Việt Nam trong quý 1 tăng trưởng chậm, nhiều lĩnh vực kinh tế giảm nhu cầu lao động nên số lượng tạo việc làm giảm theo. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tăng nhu cầu với lao động phổ thông, lao động có tay nghề thấp nhưng lại giảm lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Hiện nay cơ cấu lao động Việt Nam đang lâm vào tình trạng bất cập “thừa thầy thiếu thợ”. Số công nhân lành nghề đang chiếm tỷ lệ quá thấp, trong khi số lao động có trình độ đại học, cao đẳng trở lên lại quá nhiều.

Một điểm đáng chú ý là số người tham gia bảo bảo hiểm xãhội (BHXH) là hơn 12,28 triệu người, xấp xỉ bằng số lượng người tham gia BHXH cuối năm 2015 nhưng tỷ lệ nợ BHXH tăng tới 68% so với quý quý 4/2015. Tổng nợ BHXH bắt buộc của các doanh nghiệp tính đến ngày 31/3/2016 lên đến hơn 9.537 tỷ đồng.


Hiệp hội BĐS Việt Nam kiến nghị dừng quy định chung cư phải có 3 tầng hầm

Thành phố Hà Nội vừa có văn bản quy định chung cư tại Hà Nội phải có 3 tầng hầm. Tuy nhiên, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) kiến nghị dừng quy định này vì cho rằng nó gây ách tắc toàn bộ hoạt động đầu tư các dự án bất động sản ở Hà Nội.

Ngày 14/4/2016, Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội có thông báo số 1823/TB-QHKT về việc bố trí tối thiệu 3 tầng hầm để xe và xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại các công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại theo chỉ đạo của Thành ủy.

Tuy nhiên, sau khi quy định này ra đời gặp phải nhiều ý kiến phản ánh từ các chuyên gia, doanh Hiệp hội BĐS Việt Nam

Hiệp hội Bất động sản cho biếtrất chia sẻ với sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND thành phố đối với việc giải quyết tình trạng thiếu hụt diện tích giao thông tĩnh, các bãi đỗ xe, các khu vệ sinh công cộng tại địa bàn thành phố đặc biệt là tại các khu trung tâm thành phố.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam vẫn còn một số điểm bất cập trong Thông báo1823/TB-QHKT

Thứ nhất: Thông báo chưa phù hợp về hình thức văn bản, thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là đối với các nội dung điều chỉnh thị trường bất động sản, một lĩnh vực lớn, có ảnh hưởng rộng đến sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước cũng như sự phát triển của thành phố, chưa phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành đã được ban hành.

Thứ hai:Thông báo không quy định rõ về quy mô, vị trí, tính chất công trình, dự án như ở nội đô, ngoại thành, hay nhà ở xã hội, nhà ở thương mại… Điều này gây khó khăn trong quá trình áp dụng, gây ách tắc toàn bộ hoạt động đầu tư các dự án bất động sản trên địa bàn thành phố.

Thứ a: Về vấn đề chuyển tiếp, với quy định của thông báo, các dự án đang bị dừng lại, hoặc trả về…đã thực sự gây khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Thêm nữa với việc quy định như vậy chi phí đầu tư sẽ bị đội lên, các thủ tục phải làm lại từ đầu…trong khi đó để dự án đi đến giai đoạn như quy định tại thông báo, chủ đầu tư đã phải làm nhiều thủ tục và tốn quá nhiều thời gian. Điều này là bất hợp lý khi áp dụng vào thực tế.

Chính vì những bất cập trên, Hiệp hội BĐS Việt Nam kiến nghị TP Hà Nội trước mắt có văn bản dừng quy định xây 3 tầng hâm của Sở Quy hoạch kiến trúc.

Vì quy định này đã và đang gây ách tắc hoạt động đầu tư và kinh doanh bất động sản trên địa bàn thành phố, gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp, đến khi TP có quyết định chính thức.

Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, cần phải xác định rõ quy mô, vị trí, tính chất… của các dự án, công trình khi áp dụng các quy định này và phải phù hợp với quy hoạch tổng thể của toàn thành phố trong việc bố trí mạng lưới giao thông tĩnh cũng như các khu vệ sinh công cộng.

Mặt khác, các quy định này cần phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành đã được ban hành trước đó như Quy chuẩn xây dựng nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành..


Chính thức tăng lương cho cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang

Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. 
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 Chính phủ vừa ban hành Nghị định 47/2016/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1/5/2016 mức lương cơ sở là 1.210.000 đồng/tháng.
Nghị định nêu rõ, mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (gọi chung là người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.
Người hưởng lương, phụ cấp nêu trên gồm:
1-  Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
2- Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
3- Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010.
4- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ  về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, gồm:
- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp;
- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong số lượng người làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo quyết định của Thủ tướngChính phủ.
5- Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
6- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ nghĩa vụ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.
7- Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.
8- Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
9- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.
Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng nêu trên; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Mức lương cơ sở được điều chỉnh trên cơ sở khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Kinh phí tăng lương
Nghị định quy định các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương sử dụng nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương chưa sử dụng hết năm 2015 chuyển sang, sắp xếp trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước được giao và nguồn thu (nếu có) để cân đối nguồn thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2016.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương và các khoản có tính chất lương) theo dự toán được cấp có thẩm quyền giao năm 2016 của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; sử dụng nguồn tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương và các khoản có tính chất lương) ngoài khoản tiết kiệm nêu trên; sử dụng một phần nguồn thu của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.
Bên cạnh đó, sử dụng 50% tăng thu ngân sách địa phương, không kể thu tiền sử dụng đất (bao gồm 50% tăng thu thực hiện so với dự toán thu năm 2015 do Thủ tướng Chính phủ giao và 50% tăng thu dự toán năm 2016 so với dự toán thu năm 2015 do Thủ tướng Chính phủ giao); nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2015 chưa sử dụng hết chuyển sang.
Đối với một số địa phương nghèo, ngân sách khó khăn, sau khi thực hiện quy định nêu trên mà vẫn thiếu nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2016 thì ngân sách trung ương bổ sung số thiếu để địa phương thực hiện.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ 15/7/2016. Mức lương cơ sở quy định tại Nghị định này được tính hưởng kể từ ngày 1/5/2016.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Bồi đắp đảo nhân tạo quy mô lớn đang đe dọa hòa bình, ổn định

"Các hành động đơn phương, trái pháp luật quốc tế và thỏa thuận khu vực, như bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn, làm thay đổi nguyên trạng và tăng cường quân sự hóa đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị G7.
thu tuong nguyen xuan phuc tai hoi nghi g7. anh:vgp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị G7. Ảnh:VGP

Theo tin từ Văn phòng Chính phủ, sáng nay (27/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự phiên họp thứ nhất Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng.
Hội nghị được tổ chức tại Ise-Shima, tỉnh Mie, Nhật Bản với sự tham gia của 7 nước công nghiệp phát triển (Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Canada và Italy), Liên minh châu Âu và các khách mời bao gồm: Việt Nam, Indonesia, Lào, Bangladesh, Sri Lanka, Papua New Guinea và một số tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, WB, IMF, OECD, ADB.
Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng bao gồm 2 phiên, tập trung thảo luận về cơ sở hạ tầng chất lượng cao, an ninh khu vực, thúc đẩy quyền phụ nữ, y tế, tăng cường hợp tác triển khai Chương trình nghị sự phát triển 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và hợp tác với châu Phi.
“Chúng tôi hoan nghênh những chủ đề ưu tiên trong chương trình nghị sự của Hội nghị. Đây thực sự là những vấn đề quan trọng và cấp bách đối với hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và cả thế giới nói chung”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mở đầu bài phát biểu của mình.
Thủ tướng cho rằng, phát triển bền vững trên cơ sở hội nhập khu vực và quốc tế hiệu quả là định hướng chiến lược phát triển của Việt Nam, trong đó cơ sở hạ tầng là một trong 3 đột phá của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
"Việt Nam đánh giá cao sáng kiến của Nhật Bản về đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng cao ở châu Á và Sáng kiến Kết nối Mekong-Nhật Bản; hoan nghênh sự hỗ trợ của các nước G7 khác, trong đó có Mỹ và Nhóm Những người bạn của Hạ nguồn Mekong (FLM) cho sự phát triển bền vững của lưu vực Mekong với sáng kiến mới về Chương trình cơ sở hạ tầng bền vững (SIP).
Việt Nam khẳng định lại cam kết chung tay hành động thực hiện thỏa thuận lịch sử đã đạt được tại COP-21 Paris vừa qua. Biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ rất nhanh chóng, Thủ tướng nhấn mạnh", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng mong các nước G7 và các tổ chức đa phương tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam và các nước Mekong tăng cường hợp tác quản lý và bảo vệ nguồn nước, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và chống hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long - hạ lưu sông Mekong.
“Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng hòa bình và phát triển của Việt Nam gắn chặt với hòa bình và thịnh vượng chung của thế giới. Đóng góp giải quyết các thách thức chung của khu vực và thế giới là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi quốc gia dù ở trình độ phát triển nào”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết và hoan nghênh những sáng kiến mới của Nhật Bản trong các lĩnh vực quan trọng như bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển ở Trung Đông, chăm sóc y tế, bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ, cũng như những nỗ lực của Nhật Bản hỗ trợ châu Phi trong đó có khuôn khổ Hội nghị quốc tế về phát triển châu Phi (TICAD).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Sự phồn vinh và phát triển bền vững ở Việt Nam, châu Á và trên thế giới chỉ có thể được bảo đảm nếu có một môi trường quốc tế hòa bình và ổn định. Chúng ta đang đứng trước những thách thức ngày càng lớn đối với hòa bình và an ninh của khu vực, trước hết là an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông.
Các hành động đơn phương, trái pháp luật quốc tế và thỏa thuận khu vực, như bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn, làm thay đổi nguyên trạng và tăng cường quân sự hóa đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực.
Tình hình đó đòi hỏi các quốc gia liên quan cần kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tuân thủ Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC), tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử (COC).
Cùng với các nước ASEAN, Việt Nam hoan nghênh các nước G7 đã có tiếng nói mạnh mẽ, ủng hộ các nỗ lực bảo đảm an ninh, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, thỏa thuận khu vực và mong muốn các nước G-7 và cộng đồng quốc tế tiếp tục đóng góp có trách nhiệm vào củng cố môi trường hòa bình và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Hội nghề cá đề nghị sớm công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung

Ông Phạm Việt Thắng – Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam vừa có công văn đề nghị Chính phủ và bộ ngành đẩy nhanh tiến độ xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt ở biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.

chua xac dinh duoc nguyen nhan ca chet, do vay nguoi dan ven bien tu ha tinh den thua thien hue chua the di danh ca ven bien. anh: tuoi tre

Chưa xác định được nguyên nhân cá chết, do vậy người dân ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế chưa thể đi đánh cá ven biển. Ảnh: Tuổi Trẻ

Theo lãnh đạo Hội nghề cá, càng kéo dài tiến độ xác định nguyên nhân thì chất độc trong trầm tích ở đáy biển sẽ bị pha loãng dần. Các mẫu cá ở thời điểm đầu tháng 4/2016 được lưu tại phòng kiểm nghiệm đã hết hạn và sẽ được tiêu hủy, khiến việc truy tìm nguyên nhân chính xác khó khăn hơn rất nhiều.
Việc xác định đúng nguyên nhân cá chết không chỉ giúp trấn an dư luận mà còn tuân thủ quy định tại Hiệp định về các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) mà Việt Nam là thành viên. Đó là tất cả mối nguy mất an toàn thực phẩm phải xuất phát từ đánh giá nguy cơ, các quốc gia và tổ chức không được võ đoán, áp đặt mối nguy gây mất an toàn thực phẩm.
Đại diện Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, hiện các gia đình ngư dân bị thiệt hại do cá chết đã được hỗ trợ mỗi người 15kg gạo/tháng (trong 1,5 tháng) và các chính sách giãn nợ, giảm lãi suất cho vay đã được áp dụng. Tuy nhiên, đến nay dù đã 2,5 tháng nhưng chưa xác định được nguyên nhân cá chết, do vậy người dân ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế chưa thể đi đánh cá ven biển, các hộ nuôi cá, nuôi tôm sử dụng nước biển chưa thể nuôi.
Do vậy, Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ mỗi thành viên của gia đình bị thiệt hại do cá chết đến khi xác định được nguyên nhân và sản xuất được phục hồi.
Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, nếu nguyên nhân cá chết do con người gây ra thì thủ phạm gây ra việc này ngoài việc phải chịu những hình phạt do pháp luật quy định, còn phải chi trả toàn bộ chi phí hỗ trợ cho ngư dân mà Chính phủ đã ứng trước, đồng thời phải chi trả cho Chính phủ những thiệt hại về tài nguyên sinh vật biển bị hủy hoại và chi phí phục hồi môi trường sinh thái của vùng biển chịu tác động của việc này.
Bên cạnh đó, Hội Nghề cá Việt Nam cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và môi trường, cũng như các Bộ ngành liên quan xem xét bổ sung những chính sách kiểm soát môi trường, đặc biệt là các chất thải của hoạt động sản xuất, kinh doanh để đảm bảo môi trường bền vững.
Liên quan đến vụ cá chết hàng loạt, mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Nguyễn Linh Ngọc khẳng định không có chuyện Bộ Tài nguyên và Môi trường "ém" thông tin về nguyên nhân cá chết.
Còn trước đó hôm 14/5, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Phạm Công Tạc cho biết đã có đủ căn cứ khoa học thuyết phục về nguyên nhân cá chết và kết luận cuối cùng sẽ sớm được công bố.
Ông Tạc cho biết, với tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành như hải dương học, địa chấn thủy văn, động lực học dòng chảy, hóa học, sinh học, bệnh học, sinh thái… việc xác định nguyên nhân cá chết là một vấn đề lớn, đặt ra yêu cầu tiếp cận, xử lý bài bản, khoa học, khách quan, chặt chẽ và đúng pháp luật.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục