tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 27-05-2016

  • Cập nhật : 27/05/2016

Việt Nam đề xuất xây dựng bộ quy tắc dành cho máy bay ở Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đề xuất xây dựng bộ quy tắc dành cho máy bay trên Biển Đông tại hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN - Trung Quốc ở Lào. 
bo truong quoc phong ngo xuan lich (chinh giua) tai hoi nghi. anh: vov

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (chính giữa) tại hội nghị. Ảnh: VOV

Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN - Trung Quốc lần 6 hôm qua diễn ra tại thủ đô Vientiane, Lào. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 10 (ADMM 10). 

Theo TTXVN, tại hội nghị, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, nêu đề xuất tăng cường duy trì trao đổi, tham vấn để chia sẻ thông tin qua nhiều hình thức, cả song phương và đa phương, tích cực nghiên cứu khả năng thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN và bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc.

Ngoài ra, bộ trưởng cho rằng cần tiếp tục thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin qua các hoạt động trên thực địa, đặc biệt là trên biển. Theo ông, cần phải nghiên cứu việc mở rộng phạm vi áp dụng Bộ Quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) cho tàu công vụ của ASEAN và Trung Quốc cũng như xây dựng một Bộ Quy tắc tương tự dành cho máy bay tại khu vực Biển Đông. Nếu được triển khai, điều này sẽ góp phần quan trọng vào giảm bớt nguy cơ có thể dẫn đến những tính toán sai lầm.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cũng đề nghị các nước ASEAN và Trung Quốc cần tăng cường hợp tác, thông qua các hoạt động tuần tra chung, chống khủng bố, diễn tập trên biển.

Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Trung Quốc đánh giá tình hình khu vực hòa bình và ổn định, tuy nhiên đang tiềm ẩn những nguy cơ đe dọa. Các bộ trưởng khẳng định thực hiện các cam kết khu vực, giải quyết các vấn đề bằng phương pháp hòa bình, không đe dọa và sử dụng vũ lực, đồng thời tiến hành hợp tác thực chất, cụ thể hơn.


Formosa dính nghi vấn chuyển giá

Hải quan cho rằng Formosa Hà Tĩnh đã nâng khống giá trị thiết bị lên cả triệu USD và nghi vấn chuyển giá tại doanh nghiệp này.
he thong cac nha may trong cong truong formosa. anh: duc hung

Hệ thống các nhà máy trong công trường Formosa. Ảnh: Đức Hùng

Trong một báo cáo gửi Tổng cục Hải quan gần đây, Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh thông tin về nhiều tờ khai của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) có trị giá hàng hóa lớn hơn nhiều so với con số đã được đăng ký trong danh mục miễn thuế.

Cụ thể, Formosa đã nhập khẩu rất nhiều hàng hóa là máy móc thiết bị tạo tài sản cố định, phục vụ các hạng mục của Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh. Tuy nhiên, công ty khai với hải quan nhập khẩu vỏ của thiết bị lọc bụi trọng lực, lắp đặt dạng tháo rời với giá 1,63 triệu USD nhưng giá của thiết bị này lại được khai trong danh mục miễn thuế là 1,48 triệu USD. Như vậy có sự chênh lệch tới gần 155.000 USD.

Theo giải trình của Formosa, sở dĩ có sự chênh lệch này là thời điểm nhập khẩu đến khi đăng ký danh mục miễn thuế khá dài nên đó chỉ là con số kê khai tạm tính. Formosa cho biết sắp tới có thể còn phát sinh nhiều trường hợp tương tự.

Mặc dù vậy, theo quan điểm của Cục Hải quan Hà Tĩnh, với những trường hợp chênh lệch trị giá quá lớn như của Formosa, cũng có thể đặt vấn đề nghi vấn về việc khai tăng trị giá hàng hóa, chuyển giá.

Cũng theo Hải quan Hà Tĩnh, Formosa còn thuê một công ty riêng (Công ty Tiếp vận SAS Vũng Áng) khai thuê tờ khai hải quan theo loại hình xuất nhập khẩu tại chỗ để nâng khống giá trị máy móc. Sau kiểm tra, cơ quan này đã phát hiện trị giá hàng hóa ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng là 348.659 USD trong khi trên hóa đơn thương mại từ nước ngoài là 1,42 triệu USD.

Khi bị yêu cầu bổ sung chứng từ, Formosa vẫn không thể thực hiện nên đã hủy bản cũ, mở tờ khai mới với giá trị hàng hóa chỉ còn 470.690 USD (thay vì 1,42 triệu USD như trước đó). Do đó, Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh cho rằng có thêm cơ sở để nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá, nâng giá máy móc thiết bị nhập khẩu nhằm tăng chi phí đầu vào của Formosa.

Trước đó, sau khi kiểm tra hoàn thuế năm 2013, 2015 và 2016, Formosa liên tiếp bị cơ quan thuế yêu cầu truy thu. Cụ thể, kiểm tra từ tháng 8 đến tháng 12/2013, cơ quan chức năng truy thu hơn 283 tỷ đồng của Formosa do thiếu chứng từ thanh toán qua ngân hàng, hợp đồng kèm theo dịch vụ chưa được kê khai đầy đủ...

Tương tự, sau kiểm tra hoàn thuế năm 2015, cơ quan thuế nhận định Formosa nâng giá trị công trình thông qua các nhà thầu nước ngoài để tăng giá trị hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, điều chỉnh giảm giá trị công trình hơn 4.000 tỷ đồng và thu hồi số thuế 225 tỷ đồng đã hoàn. Mới đây nhất, kết quả kiểm tra hoàn thuế cuối tháng 2/2016 cũng phát hiện gần 20.000 hóa đơn đưa vào khấu trừ và hoàn thuế không đúng quy định.


Cienco 5 thay Tổng giám đốc, bổ nhiệm tân Tổng giám đốc sinh năm 1972

Sau khi miễn nhiệm ông Hà Hùng, Hội đồng quản trị Cienco 5 bổ nhiệm ông Lê Quang Vinh giữ chức Tổng giám đốc.

Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5-CTCP (Cienco5) vừa có nghị quyết miễn nhiệm Tổng giám đốc đối với ông Hà Hùng và giao nhiệm vụ này cho ông Lê Quang Vinh. Trước đó, ông Vinh giữ chức Phó tổng giám đốc công ty. 

Sinh năm 1972, là Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, kỹ sư xây dựng cầu đường bộ, kỹ sư xây dựng thuỷ lợi, ông Vinh có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng giao thông và kinh doanh bất động sản.

Tình hình hoạt động của Cienco 5 gần đây nhận được khá nhiều chú ý sau khi Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Thanh thông tin về việc đã hoàn tất thương vụ mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 (Cienco5 Land). Đây là doanh nghiệp thành viên của Cienco5 - đơn vị sở hữu dự án Khu đô thị Thanh Hà, quận Hà Đông, Hà Nội. 

Tuy nhiên, ngay sau đó, một số cổ đông của Cienco5 có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị dừng chuyển giao dự án Khu đô thị Thanh Hà, đồng thời không chuyển công tác của một số lãnh đạo doanh nghiệp vì cho rằng đơn vị này còn nhiều tồn tại nổi cộm cần làm rõ trách nhiệm. Các cổ đông này cũng cho rằng có dấu hiệu mất vốn Nhà nước trong thương vụ. Tại Cienco 5, ngoài Nhà nước sở hữu 40% vốn, còn có 2 cổ đông lớn khác là Công ty Hải Phát (nắm hơn 23% vốn) và Công ty Nam Trí (nắm 15,5% vốn điều lệ).

Trao đổi với PV ngày 25/5, ông Vũ Anh Minh - Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định không có chuyện thất thoát vốn Nhà nước tại Cienco 5.

"Từ năm 2010 đến nay, Cienco 5 vẫn duy trì vốn góp 5% tại Cienco5 - Land. Các thông tin về việc chuyển nhượng 95% vốn góp vừa qua là chuyện chuyển nhượng vốn của các cổ đông khác, ngoài Cienco 5, không phải chuyển nhượng phần vốn Nhà nước tại đây", ông Minh cho hay. 

Cũng theo lãnh đạo Vụ, một số vấn đề phát sinh chỉ diễn ra sau khi hoàn thành công tác thoái vốn. Khi đó, các nhà đầu tư có tỷ lệ vốn góp vào Cienco 5 tăng lên trong khi tỷ lệ vốn Nhà nước giảm xuống, quyền lực có sự thay đổi tương ứng với vốn góp chứ không có chuyện thất thoát.


Nợ thuế tại Hà Nội dẫn đầu cả nước

Bốn tháng đầu năm, cả nước có 76.000 tỷ đồng nợ thuế, trong đó dẫn đầu là Hà Nội với hơn 23.000 tỷ đồng. 

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến 30/4, cả nước có 76.000 tỷ đồng nợ thuế, trong đó ngân sách trung ương là 15.760 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 60.240 tỷ. Riêng 13 địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, số tiền nợ tính đến cuối tháng 4 là 55.951 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 73,6% tổng số tiền nợ thuế của cả nước. Một số tỉnh, thành phố có số tiền nợ lớn là: Hà Nội hơn 23.000 tỷ đồng, Bình Dương hơn 2.000 tỷ, Đồng Nai 1.900 tỷ, Đà Nẵng hơn 1.700 tỷ đồng,...

no thue tinh den 30/4 len den 76.000 ty dong. 

Nợ thuế tính đến 30/4 lên đến 76.000 tỷ đồng. 

Để đảm bảo cuối năm chỉ tiêu tổng nợ thuế không vượt quá 5% tổng thu ngân sách Nhà nước, Tổng cục Thuế đã giao chỉ tiêu thu hồi cho các địa phương để đảm bảo cân đối thu ngân sách từ nay đến cuối năm 2016. Theo đó, 13 cục thuế có điều tiết ngân sách về trung ương phải thu được ít nhất 19.500 tỷ đồng. Cụ thể: Hà Nội 6.720 tỷ, TP HCM 7.075 tỷ, Đà Nẵng 468 tỷ, Bình Dương 1.090 tỷ, Đồng Nai 967 tỷ đồng…

Thời gian qua, việc thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tài khoản ngân hàng được cho là gặp khó khăn do kê khai thông tin về tài khoản của người nộp thuế chưa đầy đủ. Một số người nợ thuế không chấp hành tốt việc cung cấp cho cơ quan thuế đầy đủ các tài khoản có dòng tiền, chỉ cung cấp những tài khoản không có số dư…

Tổng cục Thuế cho biết sắp tới sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm túc việc phối hợp với cơ quan thuế trong công tác cưỡng chế tài khoản, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin tài khoản cho cơ quan thuế.

Cụ thể, cho phép các cơ quan thuế khai thác thông tin về đăng ký tài khoản của doanh nghiệp để phục vụ cho công tác xác minh thông tin tài khoản để cưỡng chế nợ thuế. Đồng thời, cơ quan thuế có thể gửi thông báo về số nợ phải cưỡng chế của người nộp thuế đến Ngân hàng Nhà nước; khi các doanh nghiệp nợ thuế phát sinh dòng tiền tại bất kỳ ngân hàng nào thì Ngân hàng Nhà nước có thể chỉ đạo các nhà băng tự động trích tiền để nộp vào ngân sách đến khi hết nợ.

Báo cáo cũng cho biết, tổng số 63 cục thuế đã đôn đốc, thu hồi được 14.250 tỷ đồng nợ thuế của năm 2015 chuyển sang, bằng 19,6% tổng nợ đến 31/12/2015. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ thu được 10.990 tỷ đồng; bằng biện pháp cưỡng chế là 3.260 tỷ.


Trưởng đoàn 7 đoàn kiểm tra việc xử lý tham nhũng là ai?

Bảy đoàn công tác sẽ kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm ở 14 tỉnh trên cả nước trong thời gian hai tháng.
tong bi thu nguyen phu trong chu tri phien hop thu 10 cua ban chi dao trung uong ve phong, chong tham nhung. anh: tri dung/ttxvn

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: TRÍ DŨNG/TTXVN

 

Ngày 26-5, Vietnam+ cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN), vừa ký quyết định thành lập bảy đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. 

Theo đó, đoàn công tác số 1 do ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, làm trưởng đoàn, sẽ làm việc tại các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn. 

Đoàn công tác số 2 do Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, làm trưởng đoàn, làm việc tại các tỉnh Phú Thọ, Sơn La. 

Đoàn công tác số 3 do ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, làm trưởng đoàn, làm việc tại các tỉnh Bắc Ninh, Tây Ninh. 

Đoàn công tác số 4 do ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, làm trưởng đoàn, làm việc tại các tỉnh Hậu Giang, Bến Tre. 

Đoàn công tác số 5 do ông Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND Tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, làm trưởng đoàn, sẽ làm việc tại các tỉnh Phú Yên, Bình Phước. 

Đoàn công tác số 6 do ông Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, sẽ làm việc tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. 

Đoàn công tác số 7 do bà Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, làm trưởng đoàn, sẽ làm việc tại các tỉnh Long An, Tiền Giang. 

Theo kế hoạch, việc kiểm tra, giám sát tập trung vào các nội dung công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng đối với việc phát hiện và xử lý tham nhũng; việc phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế của các cơ quan, đơn vị chức năng ở một số địa phương; việc thi hành án phần thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; công tác tham mưu, đề xuất xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế của Ban Nội chính Tỉnh ủy...

Các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tiến hành kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo (qua Ban Nội chính Trung ương) trong thời gian từ ngày 20-8 đến 20-10.

Thông qua kiểm tra, giám sát, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN nắm tình hình, đánh giá kết quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng; trọng tâm là kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là những vụ việc, vụ án nghiêm trọng phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; phương pháp, biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục