tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 21-05-2016

  • Cập nhật : 21/05/2016

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Nga Putin

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam luôn sẵn sàng làm cầu nối để doanh nghiệp Nga mở rộng hoạt động tại thị trường các nước trong khu vực Đông Nam Á nói chung và ASEAN nói riêng.
thu tuong nguyen xuan phuc gap tong thong nga putin

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Nga Putin

Ngày 19/5/2016, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, tại thành phố Sochi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Tổng thống Liên bang Nga V. Putin.

Cuộc gặp diễn ra trong không khí hữu nghị, tin cậy và cởi mở. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng sang thăm chính thức Liên bang Nga, thông báo những nét lớn về tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam thời gian qua; kết quả Đại hội lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam; khẳng định Nga là ưu tiên chiến lược quan trọng trong triển khai chính sách đối ngoại đa phương hóa, hội nhập quốc tế của Việt Nam. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam sẽ chủ động thúc đẩy tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước theo hướng thực chất, hiệu quả.

Tổng thống V. Putin chúc mừng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được bầu giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, đánh giá cao vai trò của Việt Nam ở Đông Nam Á; khẳng định Việt Nam luôn là một trong những ưu tiên đối ngoại của Nga tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tổng thống V. Putin vui mừng đánh giá, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến đổi, hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch… cũng như tại các diễn đàn quốc tế thời gian qua phát triển tích cực, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân hai nước.

Hai nhà lãnh đạo đã rà soát việc thực hiện hợp tác song phương trong các lĩnh vực, nhất trí cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ và chú trọng nâng cao hiệu quả của các chương trình, dự án hợp tác trọng điểm, nhất là trong trao đổi thương mại, dầu khí, điện hạt nhân, du lịch làm cơ sở để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác. Tổng thống Liên bang Nga nhất trí sẽ thúc đẩy các nước thành viên còn lại của Liên minh kinh tế Á-Âu là Belarus, Armenia và Kyrgyzstan hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam để triển khai thực hiện, góp phần nâng tầm hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam luôn sẵn sàng làm cầu nối đểdoanh nghiệp Nga mở rộng hoạt động tại thị trường các nước trong khu vực Đông Nam Á nói chung và ASEAN nói riêng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã và đang ký kết, tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do với các nước và tổ chức.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chân thành cảm ơn Tổng thống Nga V.Putin đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan của Nga tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng Việt Nam tại Nga sinh sống và kinh doanh ổn định, phù hợp với luật pháp của Nga và bày tỏ mong muốn phía Nga tiếp tục hỗ trợ cộng đồng Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống V. Putin đã trao đổi về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, APEC, ASEM, ASEAN... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Liên bang Nga đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN - Nga và tin tưởng Hội nghị sẽ thành công tốt đẹp, đưa quan hệ ASEAN - Nga bước sang giai đoạn phát triển mới, khẳng định tiếp tục tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Nga trong khuôn khổ ASEAN - Nga.

Trao đổi về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông, Tổng thống Nga V. Putin chia sẻ, Nga quan tâm theo dõi tình hình ở Đông Nam Á nói chung và ở Biển Đông nói riêng, khẳng định lập trường của Nga là cần giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, ủng hộ việc ASEAN và Trung Quốc phối hợp xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trân trọng chuyển lời thăm hỏi, lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Tổng thống V. Putin thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị cấp cao APEC năm 2017.

Sau cuộc gặp, hai Nhà lãnh đạo đã chứng kiến Lễ trao Huân chương Hữu nghị của Việt Nam cho Chủ tịch Tập đoàn Rosneft I. Xê-chin và Huân chương Hữu nghị của Nga cho Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam Nguyễn Quốc Khánh.


Kinh tế Việt Nam có những chuyển biến tích cực

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương đưa ra tại Khóa họp đánh giá kinh tế Việt Nam đang chuyển biến tích cực, dự kiến năm 2016 đạt mức tăng trưởng 6,9%, cao hơn mức 6,7% năm 2015.

Khoá họp lần thứ 72 của Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc đã diễn ra từ ngày 17-19/5/2016 tại Băng-cốc, Thái Lan, với chủ đề “Khoa học, công nghệ và sáng tạo vì phát triển bền vững”. Tham dự có các nhà Lãnh đạo và đại diện của 45 nước thành viên, các thành viên liên kết, các tổ chức và thể chế quốc tế và khu vực. Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Khóa họp.

Tại Khóa họp, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế-xã hội bền vững và toàn diện. Các đại biểu nhất trí cần thúc đẩy hợp tác khu vực nhằm thực hiện đầy đủ Khung hành động Sen-đai về giảm rủi ro thiên tai, Chương trình hành động A-đi-xơ A-ba-ba về tài trợ cho phát triển, Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì phát triển bền vững và Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu. Các nước thành viên đã đồng thuận thông qua 12 nghị quyết nhằm tăng cường hợp tác khu vực về kinh tế, thương mại, xã hội; tăng cường kết nối giao thông; thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và sáng tạo; ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đoàn Việt Nam tham gia Khóa họp nhằm triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tham khảo kinh nghiệm quý báu của các nước về thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững và toàn diện. Tại Hội nghị, Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đã thông báo về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, khẳng định Việt Nam cam kết nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và cho rằng bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững. Trợ lý Bộ trưởng cũng thông báo về những tác động nghiêm trọng của El Nino và xâm nhập mặn tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ khẩn cấp cho những người dân Việt Nam tại các khu vực này.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương đưa ra tại Khóa họp đánh giá kinh tế Việt Nam đang chuyển biến tích cực, dự kiến năm 2016 đạt mức tăng trưởng 6,9%, cao hơn mức 6,7% năm 2015; cho rằng việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ tạo thêm cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.


Bí thư Thăng 'đòi' cơ chế để TP HCM phát triển

Chiều 20/5, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo TP HCM. Tại đây, các cơ chế đang bó buộc khát vọng trở lại vị trí Hòn ngọc Viễn Đông của TP được Bí thư Thăng nêu ra.

Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng khẳng định, TP HCM hoàn toàn có đủ điều kiện, tiềm năng để tăng trưởng một năm 2 con số. Nhưng hiện nay TP đang bị bó lại trong một cơ chế không thể vượt qua nổi, kìm hãm khả năng khai thác nguồn lực sẵn có.

"Bộ Chính trị xác định TP HCM là đầu tàu của cả nước. Nhưng hiện nay, đầu tàu đang vận hành cơ chế của toa tàu. Một cơ chế như vậy làm sao kéo được?", ông Thăng khẳng định.

Từ đó, Bí thư Thăng kiến nghị phải coi sự phát triển của TP HCM cũng chính là sự phát triển cả nước. Nhu cầu phát triển của TP HCM là nhu cầu của Chính phủ, bộ ngành. Nếu không thì sẽ trở lại với cơ chế xin cho.

Bí thư Thăng tiếp tục đề xuất việc tăng cường, phân cấp cho TP trên tất cả các lĩnh viẹc từ quy hoạch đến tài chính. “TP ở xa thế này, mỗi lần đi xin rất mất thời gian”, ông nói.

Ông Thăng nêu ví dụ liên quan đến việc xin cơ chế thu tiền để nạo vét kênh: “Một việc bé bằng cái móng tay mà nửa năm nay không giải quyết được thì đột phá gì? Đừng có sợ phân cấp, uỷ quyền là phía dưới họ làm sai”.

Ông Đinh La Thăng cũng đề nghị phải có sự phân công và phân chia nếu thực sự muốn hình thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. “Nếu không có phân công và phân chia thì mọi chuyện chỉ là nói miện thôi. Đáng ra cả vùng chỉ cần một nhà máy rác thật hiện đại, chứ không nơi nào cũng xây một nhà máy riêng", ông nói.

Cơ chế để giải quyết chung cư cũ cũng được Bí thư Thăng “kêu” với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Theo ông, TP HCM có 474 chung cư cũ cần tháo dỡ, trong khi đó 10 năm qua chỉ cải tạo xây mới được 22 cái. Với cơ chế hiện nay thì không biết bao giờ xong. Người dân sống trong cảnh nơp nớp lo sập.

Theo Bí thư Thành uỷ, chung cư cũ ở TP HCM cũng cần một cơ chế giống như Cầu Ghềnh. “Sà lan lao ầm một cái thế là được cấp tiền xây lại ngay. Một cây cầu bé tý, nhưng hội thảo, bàn đi bàn lại bao năm không giải quyết được”, ông Thăng nói.

nhieu co che bo buoc cua tp hcm dang cho doi chinh phu va cac bo - nganh tham gia thao go. anh: h.huong.

Nhiều cơ chế bó buộc của TP HCM đang chờ đợi Chính phủ và các bộ - ngành tham gia tháo gỡ. Ảnh: H.Hương.

Bí thư Thăng cũng “đòi” cơ chế để có thể xây dựng các cao tốc ở cửa ngõ TP. So sánh với Hà Nội, ông Thăng cho rằng, Trung ương đã đầu tư cho thủ đô một loạt cao tốc ở cửa ngõ như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên… trong khi TP HCM không có gì.

Từ đó, ông Thăng đề nghị Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cùng Chính phủ tạo điều kiện cấp vốn để đầu tư giao thông cửa ngõ. Ông cũng cho rằng, cân đối ngân sách địa phương của TP HCM hiện nay khiến TP không thể phát triển được.

Liên quan đến vốn, Bí thư Thăng cho rằng TP HCM cần đầu tư thêm cho đường sắt đô thị. Vệc tăng số lượng xe bus không phải là giải pháp để giải quyết vấn đề giao thông của TP. “Nếu xe bus dàn kín hết mặt đường TP HCM thì cũng chỉ phục vụ được hơn 30% nhu cầu. Còn đường sắt đô thị, với tốc độc và cách triển khai hiện nay thì càng chết”, ông Thăng nói.


Đại học Fulbright VN bắt đầu đào tạo từ tháng 9-2016

ba dam bich thuy - anh: viet dung

Bà Đàm Bích Thủy - Ảnh: VIỆT DŨNG


Trường đại học Fulbright Việt Nam (FUV) đã chính thức nhận được giấy phép thành lập. Bà Đàm Bích Thủy, chủ tịch FUV, đã chia sẻ như vậy trong cuộc trao đổi dành riêng cho Tuổi Trẻ.

20 triệu USD đã được Chính phủ Hoa Kỳ cam kết tài trợ cho FUV bên cạnh những nguồn đóng góp tài chính khác để đảm bảo ĐH này sẽ trở thành một trường ĐH tư thục không vì lợi nhuận, độc lập và thực hiện các chương trình đào tạo có chất lượng xuất sắc.

* Ngay sau khi chính thức nhận được giấy phép thành lập, FUV sẽ khởi động như thế nào? Trường có đi vào hoạt động ngay không, thưa bà?

- Sau khi được trao giấy phép, văn phòng dự án sẽ chính thức đi vào hoạt động tại TP.HCM. Trong năm nay, chúng tôi sẽ chuẩn bị kế hoạch để khởi động xây dựng campus chính của trường tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

Cùng với những bước chuẩn bị về cơ sở vật chất cho trường, FUV sẽ đánh dấu việc chính thức đi vào hoạt động bằng việc triển khai tuyển sinh cho chương trình đào tạo thạc sĩ chính sách công. Đây là sự tiếp nối hoạt động đào tạo của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright dưới danh nghĩa chính thức của FUV.

* Đến thời điểm nào FUV sẽ bắt đầu đa dạng hóa các chương trình đào tạo, đặc biệt sẽ bắt đầu tuyển sinh đào tạo cử nhân như dư luận đang chờ đợi?

- Chúng tôi hết sức cảm kích vì sự quan tâm và ủng hộ của những người bạn, người dân ở trong nước và nước ngoài cho dự án này. Đó cũng là một trách nhiệm hết sức nặng nề đối với chúng tôi là phải làm sao để có thể xứng đáng với những kỳ vọng đó.

Bên cạnh chương trình đào tạo và nghiên cứu chính sách công, tiếp nối từ thành công của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, ngay sau khi FUV được thành lập, bắt đầu từ tháng 9 tới, chúng tôi cũng sẽ chuẩn bị để đưa thêm một số chương trình đào tạo khác như quản lý, tài chính… vào năm 2017.

Riêng chương trình đào tạo cử nhân dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2018, tập trung vào một số ngành STEM gồm khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Các ngành khoa học xã hội và nhân văn sẽ được xây dựng trên nền tảng giáo dục khai phóng (liberal arts) của nền giáo dục đại học Mỹ.

* Trường sẽ áp dụng phương thức tuyển sinh như thế nào? Liệu việc áp dụng một phương thức tuyển sinh quá khác biệt có làm cả phía nhà trường và những thí sinh có nguyện vọng dự tuyển gặp khó khăn trong tuyển chọn những năm đầu, thưa bà?

- Về phương thức tuyển sinh, trường chúng tôi sẽ xem xét áp dụng phương thức tuyển sinh của các trường đại học Mỹ. Đó là xét chọn trên các tiêu chí như: điểm trung bình các môn học (GPA), bài luận cá nhân, phỏng vấn và có thể cả điểm SAT.

Chúng tôi không chỉ nhìn vào kết quả học tập mà sẽ xem xét đánh giá năng lực cá nhân, hoạt động xã hội, năng khiếu, sở thích... Đó sẽ là một phương thức tuyển sinh mở, tạo điều kiện cho sinh viên được thể hiện hết khả năng của đam mê của bản thân.

Với phương thức tuyển chọn này, tôi tin là công tác tuyển sinh của nhà trường sẽ hết sức thú vị và hi vọng sẽ chọn được những sinh viên thật sự có năng lực, khát vọng học tập trong một môi trường đào tạo tiên tiến.

Về phía người học, tôi cũng cho rằng đây sẽ là phương thức tuyển chọn nhận được sự ủng hộ vì nó tạo ra cơ hội cạnh tranh minh bạch, công bằng cho tất cả bạn trẻ.


Quận 3, quận 10 có lãnh đạo mới

Ông Võ Khắc Thái, Phó Chủ tịch UBND quận 3 được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND quận 3 – TP HCM

Ngày 20/4, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã trao quyết định của UBND TP bổ nhiệm ông Võ Khắc Thái, Phó Chủ tịch UBND quận 3 giữ chức vụ Chủ tịch UBND quận 3.

Thời gian giữ chức vụ theo quy định hiện hành. Ông Võ Khắc Thái sinh năm 1967; Cử nhân hành chính, Cao cấp chính trị.

Đồng thời, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng đã trao quyết định bổ nhiệm ông Bùi Thế Hải, Bí thư kiêm chủ tịch UBND phường 2, quận 10 giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND quận 10. Thời gian giữ chức vụ theo quy định hiện hành.

Ông Bùi Thế Hải sinh năm 1967, Cử nhân Xã hội học, Cử nhân chính trị chuyên ngành quản lý xã hội; Cao cấp lý luận chính trị.

chu tich ubnd tp nguyen thanh phong (thu hai tu phai qua) trao quyet dinh bo nhiem can bo cho ong bui the hai

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong (thứ hai từ phải qua) trao quyết định bổ nhiệm cán bộ cho ông Bùi Thế Hải

Phát biểu tại lễ bổ nhiệm nhân sự mới, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị ông Võ Khắc Thái và ông Bùi Thế Hải tiếp tục phấn đấu, phát huy vai trò quan trọng của người lãnh đạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục