tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 21-05-2016

  • Cập nhật : 21/05/2016

Sau Phú Quốc, hàng tỷ đô la đang đổ vào Cam Ranh

Sự phát triển sôi động của Cam Ranh đã thu hút được rất nhiều đơn vị quản lý quốc tế như Accor, Carlson Residor và Mövenpick.
hang loat sieu du an da do ve ban dao cam ranh

Hàng loạt siêu dự án đã đổ về bán đảo Cam Ranh

Báo cáo thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nửa đầu năm 2016 của Savills Việt Nam cho biết, các thương hiệu quốc tế tiếp tục đặt nhiều kỳ vọng ở thị trường nghỉ dưỡng ven biển tại Việt Nam.

Theo ghi nhận của Savills, dự kiến trong vòng một vài năm nữa, sẽ có nhiều dự án nghỉ dưỡng hạng sang sẽ được ra mắt đặc biệt là ở Khánh Hòa và Phú Quốc.

Trong đó, bán đảo Cam Ranh là một điểm đến mới với nhiều tiềm năng du lịch. Tính đến cuối năm 2015, có hơn 30 dự án được cấp phép đầu tư, 13 dự án trong số đó hiện đang trong quá trình xây dựng và dự kiến ra mắt trong một vài năm tới.

Sự phát triển sôi động của Cam Ranh đã thu hút được rất nhiều đơn vị quản lý quốc tế như Accor, Carlson Residor và Mövenpick. Với sự xuất hiện của nhiều siêu dự án, hầu hết các dự án nằm dọc Bãi Dài và thuộc phân khúc 4 đến 5 sao.

Mặc dù phát triển muộn hơn nhưng thị trường Phú Quốc được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng nhanh chóng. Hiện nguồn cung khách sạn 5 sao tuy còn khá hạn chế trong giai đoạn hiện tại nhưng đã thu hút rất nhiều các khoản vốn đầu tư lớn.

Ghi nhận thực tế cho thấy, có khá nhiều dự án 5 sao được phát triển trong giai đoạn 2016-2017, bao gồm Crowne Plaza Hotel, Novotel Resort, Sonasea Villas & Resort, và Sunset Sanato Premium Complex.

Các dự án này đều được phát triển theo tiêu chuẩn phòng và dịch vụ của các thương hiệu khách sạn quốc tế như InterContinental, JW Marriott, Accor và Starwood.

Đồng thời, nhiều dự án nghỉ dưỡng mở bán sản phẩm biệt thự ven biển cao cấp, được quản lý bới các thương hiệu quốc tế và đi kèm chương trình cho thuê lại.

Mức lợi nhuận cho thuê được các chủ đầu tư cam kết trong thời hạn 3-10 năm là 6-10%/năm. Tình hình kinh doanh của loại hình này khá khả quan nhờ thu hút được sự quan tâm của các người mua trong nước lẫn nước ngoài đang tìm kiếm một kênh đầu tư ổn định và tiềm năng.

Giá của các căn biệt thự này dao động từ 400 ngàn đến hơn 5 triệu USD. 

Theo tính toán của các chuyên gia Savills, Việt Nam là một trong những điểm đến du lịch có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, nhờ vào nhiều yếu tố thuận lợi như lượng khách du lịch tăng, các thương hiệu khách sạn quốc tế mới gia nhập thị trường, chính sách thị thực được nới lỏng cùng sự phát triển của cơ sở hạ tầng.

Việt Nam được UNWTO xếp trong danh sách top 5 các nước ASEAN có lượng khách du lịch quốc tế cao nhất, ước tính đạt tám triệu lượt, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 9%/năm trong năm năm vừa qua.

Với khí hậu nhiệt đới và bờ biển dài, khu vực ven biển là điểm đến ưa thích của khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam; trong thập kỷ vừa qua, hơn 70% khách quốc tế lựa chọn du lịch biển Việt Nam trong các kỳ nghỉ của mình.

Phần lớn lượng khách du lịch này đến từ các nước ôn đới như Hoa Kỳ, châu Âu, Nga và Trung Quốc. Vì thế, các thành phố biển miền Nam và Trung bộ với khí hậu ấm áp quanh năm là những điểm đến được yêu thích nhất.

Từ năm 2010 đến 2015, lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng, Khánh Hòa và Phú Quốc tăng trưởng mạnh, xấp xỉ 23% mỗi năm, và chiếm 30% tổng lượng khách cả nước.

Sự tăng trưởng lượng khách từ các quốc gia phát triển kéo theo nhu cầu nghỉ dưỡng tại các cơ sở lưu trú tiêu chuẩn, đặc biệt là phân khúc cao cấp.

Đầu tư xây dựng du lịch bùng nổ trong những năm vừa qua, đặc biệt năm 2015 ghi nhận số lượng phòng khách sạn 5 sao tăng vọt 37% theo năm, đạt mức tăng trưởng 24.000 phòng; trong đó 30% số phòng tại Đà Nẵng, Khánh Hòa và Phú Quốc.


Học giả Nga đánh giá cao chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Học giả Nga nhận định việc ông Nguyễn Xuân Phúc dành chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trên cương vị Thủ tướng để đến Nga cho thấy Moscow chiếm vị thế ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Hội thảo khoa học thực tiễn với chủ đề Triển vọng phát triển quan hệ Nga - Việt trong giai đoạn mới.

Hội thảo khoa học thực tiễn với chủ đề “Triển vọng phát triển quan hệ Nga - Việt trong giai đoạn mới”. Ảnh: Minh Đức

Nhận lời mời của Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Dimitry Medvedev, từ ngày 16/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm chính thức Nga và dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN - Nga. Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng đã thu hút sự chú ý đặc biệt của giới học giả Nga.

Ngày 13/5, ngay trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng, Trung tâm Đông Nam Á, Châu Úc và Châu Đại dương - Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga đã tổ chức cuộc Hội thảo khoa học thực tiễn với chủ đề “Triển vọng phát triển quan hệ Nga - Việt trong giai đoạn mới”.

Cuộc hội thảo thu hút các chuyên gia, học giả Nga, những nhà Việt Nam học nổi tiếng và đã gắn bó nhiều năm với công tác nghiên cứu, giảng dạy bộ môn Việt Nam học ở một số Viện, học viện thuộc các cơ quan, các trường đại học có tiếng của Nga. Nhiều sinh viên Nga đang theo học chuyên ngành Việt Nam học, Phương Đông học cũng tới tham dự hội thảo.“Những diễn biến tình hình gần đây cùng với chuyến thăm Nga của Thủ tướng Việt Nam và việc diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nga - ASEAN cho thấy tầm quan trọng của việc thúc đẩy các mối quan hệ giữa Nga với các nước Phương Đông trong chính sách đối ngoại hướng Đông", Tiến sĩ Dmitry Mosyakov, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phương Đông phát biểu khai mạc. 

thu tuong nguyen xuan phuc hoi kien voi tong thong vladimir putin tai sochi. anh: chinhphu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Tổng thống Vladimir Putin tại Sochi. Ảnh: Chinhphu

Trưởng Ban tổ chức Hội thảo, bà Astafieva Ekaterina Mikhailovna, Thư ký khoa học của Trung tâm Đông Nam Á, châu Úc và châu Đại dương - Viện Nghiên cứu Phương Đông bày tỏ quan điểm về quan hệ hợp tác Việt - Nga: “Việt Nam là người bạn lớn, thực sự là điểm tựa cho chúng tôi không chỉ ở ASEAN mà cả ở Đông Á. Bởi vì chúng tôi có quan hệ đối tác cả với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng Việt Nam là người bạn, là nước mà chúng tôi luôn có thể trông cậy khi thực hiện một dự án nào đó mà chúng tôi cần sự giúp đỡ. Tôi hy vọng là Việt Nam cũng có quan điểm như vậy và có thể trông cậy vào sự ủng hộ của chúng tôi và phát triển quan hệ chính trị, đối tác chiến lược”.

Tại Hội thảo Tiến sĩ Grigori Lokshin, nhà Việt Nam học kỳ cựu thuộc Trung tâm nghiên cứu ASEAN, Viện Viễn Đông, Viện Hàn Lâm khoa học Nga khẳng định đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Thủ tướng, và quan trọng là chuyến thăm này diễn ra ngay trước thềm của Hội nghị thượng đỉnh Nga - ASEAN lần đầu tiên diễn ra tại Nga.

"Việt Nam vẫn được xem là cầu nối của Nga vào Đông Nam Á… Tầm quan trọng của phát triển quan hệ với Việt Nam đối với Nga được xác định bởi nhiều nội dung: Lợi ích và những quan ngại về bối cảnh quốc tế hiện nay nói chung và tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và an ninh tại Biển Đông nói riêng, sự cần thiết đảm bảo điều kiện hòa bình để phát triển kinh tế, cần thiết đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại của Nga tại châu Á, cũng như hội nhập có hiệu quả vào kinh tế châu Á - Thái Bình Dương; Những lợi ích từ hợp tác kinh tế - thương mại với các nước ASEAN dựa trên trụ cột là Việt Nam”.

Nhiều tờ báo khoa học, chính trị có uy tín của Nga đã đăng tải bài viết đánh giá cao vai trò cá nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Liên bang Nga - Việt Nam.

Trang mạng Portalus.ru (Diễn đàn nghiên cứu khoa học của giới trí thức toàn Nga) đã đăng bài viết: “Giai đoạn mới đầy triển vọng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện LB Nga - Việt Nam” của GS.TS Kinh tế Anosova L.A, Phó thư ký khoa học Phân Viện khoa học xã hội, Viện Hàn lâm khoa học Nga.

Bài báo nhấn mạnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nhiều kinh nghiệm trong giai đoạn 1997-2006 trên cương vị Chủ tịch tỉnh Quảng Nam và trên cương vị Phó thủ tướng chính phủ nước CHXHCN Việt Nam những năm sau đó.

"Trên cương vị Phó Thủ tướng chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có những đóng góp đáng kể vào công việc của chính phủ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu và an toàn giao thông. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã dành chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của mình đến Liên bang Nga trên cương vị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Điều này là minh chứng cho việc Nga chiếm vị thế ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính phủ Việt Nam”, bài báo viết. 

Tổng biên tập Tạp chí “Thế giới đa cực” ông Vinogradov B.P, người đã từng có nhiều năm gắn bó với Việt Nam với vai trò phóng viên Ban nước ngoài của tờ báo Tin tức (Izvestia) thường trú tại Việt Nam (1979 - 1982 và 1986 - 1992) đã có nhiều bài viết nhân chuyến thăm của Thủ tướng đăng trên tạp chí.

Như các học giả Nga khác, trong bài viết “Nga - Việt Nam chuẩn bị cho giai đoạn mới trong phát triển hợp tác”, ông nhận xét: “Tân Thủ tướng Việt Nam là một nhà lãnh đạo nhiều kinh nghiệm và là nhà quản lý chắc chắn. Cùng với tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang và tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tạo nên một dàn lãnh đạo đảm bảo cho Việt Nam có sự lãnh đạo đúng đắn đưa đất nước phát triển đi lên trong vòng 5 năm tới".

Về kết quả chuyến thăm của Thủ tướng, ông Vinogradov khẳng định: “Quan hệ giữa hai nước chúng ta luôn có mức độ tin cậy cao và sự cảm tình sâu sắc lẫn nhau. Không còn nghi ngờ gì nữa là những mối quan hệ này sẽ có được xung lực mới cho sự phát triển tiếp tục và hoàn thiện". 


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đi Nhật dự hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm làm việc tại Nhật và dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng với tư cách khách mời vào tuần tới. 
thu tuong nguyen xuan phuc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

"Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm làm việc tại Nhật Bản và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng tại Mie, Nhật Bản từ ngày 26 đến 28/5", Bộ Ngoại giao hôm nay phát thông cáo. 

Thủ tướng Phúc, trong cuộc gặp Đại sứ Nhật hồi tháng trước, bày tỏ mong muốn Việt Nam và Nhật Bản có thể trao đổi sâu rộng các nội dung nhằm tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược thông qua các cuộc găp song phương bên lề hội nghị.

“Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để cùng Nhật Bản tiếp tục đưa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực ngày càng phát triển mạnh mẽ và sâu rộng. Hai bên cũng tăng cường cơ chế đối thoại, phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới,” Thủ tướng nói.

Nhật Bản năm nay giữ vai trò chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh G7. Trong thông điệp chào mừng, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết cộng đồng quốc tế đang đối mặt nhiều thách thức.

"Sự phát triển kinh tế toàn cầu suy giảm, chủ nghĩa khủng bố đe doạ sinh mạng người dân, làn sóng người tị nạn, và những hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng thông qua cưỡng bước nằm trong số những thách thức ảnh hưởng đến hoà bình, thịnh vượng chúng ta đang hưởng trong cuộc sống thường ngày", ông Abe nói.  

Thủ tướng Nhật cho rằng các nước G7, vốn chia sẻ các giá trị căn bản như tự do, dân chủ, pháp quyền và nhân quyền, phải có quan điểm toàn cầu để đem lại lộ trình phù hợp nhất nhằm giải quyết những thách thức này với tầm nhìn rõ ràng. 


Sống khổ trong khu đô thị mới

Bỏ tiền tỷ để về ở tại những khu đô thị (KĐT) mới, nhưng cư dân phải chịu trận vì chủ đầu tư chỉ quan tâm bán nhà thay vì làm đúng theo quy hoạch. Nhiều KĐT đưa vào sử dụng gần chục năm nhưng thiếu đủ thứ và môi trường sống bị ô nhiễm, vì không có hệ thống xử lý nước thải.
khu dat quy hoach lam truong tieu hoc tai kdt moi me tri ha (nam tu liem, ha noi) den nay van la bai dat khong.

Khu đất quy hoạch làm trường tiểu học tại KĐT mới Mễ Trì Hạ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đến nay vẫn là bãi đất không.

Thiếu trường học, chợ dân sinh

Theo quy hoạch chi tiết, 2 khu đất mang ký hiệu CXTT và NT trong KĐT Mễ Trì Hạ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) với tổng diện tích hơn 10.000m2 do Công ty Tu tạo và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư xây chợ dân sinh và trường học. Tuy nhiên, sau hơn chục năm, KĐT đi vào sử dụng nhưng trường và chợ vẫn chưa thấy đâu, dù đã có quyết định thu hồi từ năm 2002. Tấm biển hiệu: Dự án xây Trường Tiểu học Lômôlôxôp mờ dần theo năm tháng.

Chị Bích Hằng, cư dân KĐT Mễ Trì Hạ chia sẻ, gia đình chị có hai cháu nhỏ bậc tiểu học và mầm non. Tuy nhiên, tại KĐT không có trường học công lập từ mầm non cho đến các bậc cao hơn. Trường mầm non tư nhân ở gần nhà đều có học phí cao, từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng trong khi thu nhập của vợ chồng chị có hạn. Vì thế, chị phải xin cho con đi học tại khu vực quận Cầu Giấy, cách nhà tới hơn 5 km. Đường xa lại hay tắc nên việc đưa con đi học xa hằng ngày khiến gia đình rất vất vả.

Ông Đỗ Huy Hùng, Tổ trưởng dân phố số 5 Mễ Trì Hạ cho biết: “Cư dân KĐT rất bức xúc do thiếu trường học, chợ dân sinh là những nhu cầu thiết yếu của người dân. Xung quanh KĐT hiện có rất nhiều siêu thị cao cấp nhưng bà con không đủ điều kiện kinh tế để mua sắm ở đó. Con cháu chúng tôi phải đi học ở  Xuân Đỉnh, Cầu Diễn hay Trung Văn”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hứa Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) xác nhận, theo quy hoạch, KĐT Mễ Trì Hạ có một trường mầm non và một trường tiểu học. Hiện trường mầm non đang xây dựng và sẽ đưa vào hoạt động vào cuối năm nay còn trường tiểu học chưa biết bao giờ triển khai.

Theo UBND quận Nam Từ Liêm, hiện trên địa bàn quận có trên 10 KĐT với hàng chục ngàn căn hộ, biệt thự… đã được xây dựng nhưng đều trong tình trạng thiếu trường học. Một lãnh đạo quận cho rằng, hầu hết các dự án đều chậm trễ đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, đặc biệt là xây dựng các trường học. Sở dĩ chậm vì các chủ đầu tư lấy lý do kinh phí xây trường học là từ nguồn xã hội hóa nên phải chờ các nhà đầu tư thứ cấp. KĐT Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2 đã thực hiện tốt việc xã hội hóa trong phát triển trường học, xây nhiều trường tư nhưng hầu hết do học phí quá cao nên nhiều người dân không đủ sức cho con theo học.

Tình trạng thiếu trường diễn ra phổ biến tại những KĐT lớn như: Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội), Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội)... dù theo quy hoạch phê duyệt đều có đầy đủ trường học.

Ô nhiễm

Tại Công văn số 115 (ngày 8/1/2008) của UBND tỉnh Hà Tây nêu rõ, yêu cầu chủ đầu tư KĐT Mỗ Lao (Hà Đông) đặt trạm xử lý nước thải tại khu đất ký hiệu LK-11B. Tuy nhiên, đến nay bóng dáng trạm xử lý nước thải vẫn chưa thấy đâu. Hàng nghìn cư dân sống tại KĐT này không hề hay biết, mọi nước thải sinh hoạt của cư dân đều đổ thẳng ra sông Nhuệ.

Hiện con sông này chảy qua KĐT Mỗ Lao đã đen kịt và bốc mùi hôi thối. Anh Nguyễn Huy, cư dân tòa T1 Euroland cho hay: “Căn hộ của tôi nhìn thẳng ra sông Nhuệ nên mỗi lần trời mưa nước sông bốc mùi khiến gia đình tôi không chịu nổi. Không ngờ bỏ ra tiền tỷ để về nơi được quảng cáo là văn minh, hiện đại lại sống trong cảnh ô nhiễm nặng nề”.

Trong khi đó, cũng tại KĐT mới Mỗ Lao, tòa Mulberry Lane do Công ty TNHH Đầu tư Capital Hoàng Thành làm chủ đầu tư từng bị xử phạt vì xả thải gây ô nhiễm môi trường. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Doãn Hữu Châu, Trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường (CA TP Hà Nội) cho biết, trước đây, tại những KĐT mới chỉ có duy nhất KĐT Mỹ Đình có nơi xử lý nước thải, ngay đến những KĐT hiện đại như Ciputra cũng chây ì xây dựng khu xử lý này. Nay, nhiều KĐT mới cũng bắt đầu đưa trạm xử lý nước thải vào sử dụng nhưng số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chủ đầu tư biện đủ lý do không đưa trạm xử lý nước thải vào sử dụng nhưng cơ quan chức năng chưa xử phạt ai.

“Chúng tôi chỉ có chức năng xử phạt tòa nhà xả thải gây ô nhiễm còn việc KĐT mới có đưa vào sử dụng trạm xử lý nước thải hay không là nhiệm vụ của cấp cao hơn nữa”, ông Châu nói. Trong khi đó, chủ đầu tư KĐT mới Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) cố tình xây thô để đó cho qua mặt cơ quan chức năng khi nghiệm thu. Hàng nghìn cư dân sống trong KĐT thấp thỏm trước nguy cơ mắc nhiều bệnh tật, bởi hằng ngày sống trong ô nhiễm từ xả thải của KĐT ra môi trường xung quanh.

Ông Hứa Vĩnh Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sông Đà Thăng Long, chủ đầu tư KĐT này cho biết, cách đây 5 năm, Sông Đà Thăng Long ký hợp đồng với một công ty lắp thiết bị xử lý nước thải công suất 1.800m3/ngày đêm với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty thiết bị thấy Sông Đà Thăng Long gặp khó khăn về tài chính nên không thực hiện đúng như hợp đồng. Từ đó đến nay, khu xử lý bỏ hoang nên người dân chiếm dụng làm chỗ rửa xe.


Sẽ có gói 300 - 400 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Siết tín dụng có đáng lo?
Thời gian qua, việc Ngân hàng Nhà nước sẽ siết tín dụng đối với bất động sản như dự thảo sửa đổi Thông tư 36 đã khiến thị trường dấy lên nhiều lo ngại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc siết tín dụng này nên hết sức thận trọng.
Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, Hiệp hội là tổ chức đầu tiên phát văn bản lên Thủ tướng, Thống đốc NHNN, Bộ Xây dựng kiến nghị dự thảo Thông tư 36, trong đó có 2 nội dung: Giảm vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn; và tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc từ 150 lên 250%.
Trong văn bản, Hiệp hội đã phân tích: Hiện nay, nguồn vốn cho các dự án bất động sản, theo quy định các chủ đầu tư phải có từ 15 – 20% nguồn vốn bởi đối với các dự án quy mô vài trăm héc ta thì cần vài chục đến hàng trăm nghìn tỷ.
Thông thường, việc huy động của khách hàng qua các giai đoạn, luật quy định chỉ được thu đến 70%. Do vậy, nguồn vốn vay từ ngân hàng đến từ 40 – 50% tổng mức đầu tư dự án. Một số ít DN BĐS huy động được vốn qua thị trường chứng khoán nhưng vẫn phải phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Các quỹ tín thác, đầu tư ở VN về cơ bản chưa hình thành nên nguồn vốn ngân hàng vẫn là chủ lực và quan trọng nhất với thị trường bất động sản.
"Thị trường bất động sản là đầu kéo nên hết sức thận trọng. Thị trường hiện nay đang phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường nên không có lý do gì để hạn chế", ông Nam cho hay.
Các ngân hàng thương mại đang hướng dòng tiền của mình vào thị trường BĐS vì họ thấy dự án khả thi, dễ thu hồi được dòng vốn. Theo ông Nam, lãnh đạo Chính phủ đã có chỉ đạo là thông tư 36 cần phải có lộ trình thích hợp và thời điểm áp dụng hợp lý. Tuy hiện nay Hiệp hội chưa nhận được phản hồi chính thức từ phía ngân hàng nhưng các động thái về việc sửa đổi và ban hành thông tư 36 có vẻ như đã tiếp thu ý kiến của cộng đồng DN.
Hiện lĩnh vực xây dựng và BĐS là điểm sáng, lôi kéo nhiều ngành nghề khác, kéo GDP tăng cao và đang là điểm sáng gần như là duy nhất.
"Tôi cũng xin nói thêm, gói 30.000 tỷ không liên quan gì đến thị trường bất động sản, chỉ tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội và phục vụ nhu cầu người nghèo đô thị về nhà ở. Khi phân khúc này phát triển sẽ lan tỏa đến các phân khúc khác của thị trường bất động sản", ông Nam nhấn mạnh.
Còn theo ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng),  việc sửa đổi thông tư 36 là thuộc thẩm quyền của NHNN. Như chúng ta đã biết, NHNN đã có dự thảo thông tư để sửa đổi thông tư 36 này và cũng đã tổ chức một số cuộc hội thảo để lấy ý kiến của doanh nghiệp và xã hội về vấn đề này.
Hiện, NHNN đang xem xét các ý kiến để quyết định ban hành thông tư. Về việc sửa đổi thông tư này, tôi đã tham dự một số hội thảo và cũng đồng tình với hầu hết các ý kiến cho rằng việc NHNN nên xem xét sửa đổi thông tư 36 nhưng phải bảo đảm giữ ổn định, không gây sốc cho thị trường. Do vậy cần phải xem mức điều tiết, lộ trình điều tiết cho phù hợp.
Bà Đỗ Thu Hằng - Phó Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội, sau giai đoạn phát triển tích cực của thị trường bất động sản trong năm 2014 – 2015, chúng tôi thấy rằng việc đưa ra dự thảo sửa đổi thông tư 36 giúp cho các bên tham gia trên thị trường cùng nhìn nhận lại việc phát triển về mặt lâu dài. Các doanh nghiệp cần phải tính thêm các nguồn vốn huy động ngoài nguồn tín dụng ngân hàng để có thể chủ động cho kế hoạch phát triển kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự phát triển bền vững chung.
Liệu có gói hỗ trợ tiếp theo?
Theo ông Nguyễn Trần Nam, hiện Thủ tướng đã có chỉ đạo và ngân hàng triển khai tiếp việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng cho đến khi hết cam kết số tiền trong hợp đồng.
Số lượng hộp đồng hiện nay ký trên 34.000 tỷ, vượt quá con số quy định. Tỷ lệ giải ngân được 75% (trên 20.000 tỷ). Do vậy, người dân đã ký hợp đồng thì không có gì phải lo lắng cả.
Còn DN thì vẫn có nhiều vấn đề. Khi chuyển sang lãi suất thương mại thì DN phải tính vào sản phẩm của họ nên giá bán tăng. Do vậy, Hiệp hội tiếp tục kiến nghị Chính phủ, nếu các DN đã ký hợp đồng rồi tiếp tục được giải ngân với lãi suất như quy định.
Trong Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển, quản lý nhà ở xã hội của Chính phủ đã quy định 2 nguồn vốn cho DN và người dân để phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại quy mô nhỏ giá rẻ.
Trên thực tế, NHNN đã có những bước triển khai ban đầu. Những ngân hàng thương mại do nhà nước nắm cổ phần chi phối phải dành 3% tổng dư nợ của mình để cho vay với các điều kiện ưu đãi cho DN, hợp tác xã và người dân trong việc mua bán nhà ở xã hội. 3% tương đương 300 – 400.000 tỷ đồng là con số tương đối lớn. Gói này không có giới hạn khi nào dừng.
NHNN chỉ định 4 ngân hàng thương mại do nhà nước nắm cổ phần chi phối như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank phải làm việc này và ban hành Thông tư số 25 hướng dẫn điều kiện, cách thức, đối tượng cho vay, nội dung giống gói 30.000 tỷ đồng.
Hiện nay, các ngân hàng thương mại chưa triển khai vì họ phải giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. Ngân hàng chính sách xã hội được cấp vốn từ chính sách, huy động vốn từ thị trường để cho DN và người dân mua nhà ở xã hội vay. Ngân hàng chính sách xã hội chịu trách nhiệm xây dựng đề án, báo cáo Chính phủ với những điều kiện như gói 30.000 tỷ đồng.
Thay vì gói 30.000 tỷ, giờ có 2 nguồn vay là các ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách, hiện Bộ Xây dựng đang phối hợp cùng ngân hàng chính sách để hoàn thiện gói vay này để trình Chính phủ.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục