tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh tối 20-05-2016

  • Cập nhật : 20/05/2016

4 tàu chiến Ấn Độ sẽ cập cảng Cam Ranh

4 tàu chiến Ấn Độ vừa được triển khai tới Biển Đông và tây bắc Thái Bình Dương, dự kiến cập cảng các nước, trong đó có Việt Nam. 
tau chien ins satpura cua an do. anh: wikipedia

Tàu chiến INS Satpura của Ấn Độ. Ảnh: Wikipedia

Khinh hạm tàng hình tên lửa dẫn đường INS Satpura và Sahyadri, tàu hậu cần INS Shakti và tàu hộ vệ tên lửa dẫn đường INS Kirch hôm qua rời cảng Ấn Độ để triển khai tới Biển Đông và tây bắc Thái Bình Dương.

Theo Hindustan Times, trong đợt triển khai dài hai tháng rưỡi, các tàu chiến sẽ cập cảng Cam Ranh ở Việt Nam, đến Vịnh Subic ở Philippines, thành phố Sasebo ở Nhật, Busan ở Hàn Quốc, Vladivostok ở Nga và cảng Klang ở Malaysia. 

Một phát ngôn viên hải quân Ấn Độ cho biết động thái này nhằm thể hiện "phạm vi hoạt động của hải quân và cam kết với chính sách hướng Đông của Ấn Độ". 

Năm 2007, Việt Nam và Ấn Độ chính thức nâng quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược, cho phép mở rộng và triển khai tất cả các lĩnh vực hợp tác, trong đó có an ninh, quốc phòng. Hai nước đã chính thức ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ.

Bộ trưởng Quốc phòng hai nước năm ngoái ký kết "Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn 2015-2020" và chứng kiến lễ ký "Bản ghi nhớ giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ về thiết lập quan hệ phối hợp nhằm phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và phát triển hợp tác chung".


Chuyên gia cảnh báo nạn buôn bán phụ nữ Việt có thể lan khắp Đông Nam Á

Hầu hết nạn nhân buôn người ở Việt Nam là phụ nữ và bé gái, trong đó phần lớn bị bán sang Trung Quốc làm vợ, gái mại dâm hay công nhân, trong khi số khác bị đưa sang Malaysia hay Campuchia.

Reuters dẫn lời bà Mimi Vu, thuộc Quỹ Liên kết Thái Bình Dương, một tổ chức phát triển ở California, cho hay trước đây, hầu hết phụ nữ bị bán sang Trung Quốc đến từ khu vực gần biên giới ở miền bắc Việt Nam. 

Tuy nhiên, trong năm qua, nạn buôn người đã lan rộng về phía nam khi giới chức phát hiện nhiều nạn nhân thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. "Những kẻ buôn người sẵn sàng bất chấp nguy hiểm để bằng mọi cách đưa các nạn nhân từ Việt Nam sang Trung Quốc", bà Vu nói, nhận định điều này cho thấy "việc buôn bán cô dâu Việt đang ngày càng mang lại lợi lộc lớn".

may na moi 13 tuoi khi bi chu cua minh dua qua bien gioi trung quoc va ban cho mot nguoi dan ong lam vo. co be sau do bo tron va duoc canh sat trung quoc giup hoi huong. anh: afp

May Na mới 13 tuổi khi bị chú của mình đưa qua biên giới Trung Quốc và bán cho một người đàn ông làm vợ. Cô bé sau đó bỏ trốn và được cảnh sát Trung Quốc giúp hồi hương. Ảnh: AFP

Trung Quốc là điểm đến hấp dẫn cho những kẻ buôn người bởi sự thiếu hụt phụ nữ sau chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ qua. Năm ngoái, nước này đã xóa bỏ lệnh cấm và cho phép tất cả các cặp vợ chồng được sinh hai con.

Theo bà Vu, tăng trưởng kinh tế Việt Nam và Đông Nam Á cũng đang tạo ra nhiều cơ hội cho tội phạm nhắm đến các lao động rời quê đi tìm việc làm ở những khu công nghiệp.

Trong bối cảnh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang hướng đến thành lập một cộng đồng chính thức và thúc đẩy tự do thương mại, bà dự đoán nạn buôn bán phụ nữ và bé gái có nguy cơ gia tăng.

Ngày càng nhiều nhà máy ở Malaysia tuyển lao động người Việt và những kẻ buôn người đang góp phần tạo ra xu hướng bằng việc dụ dỗ, hứa hẹn với các nạn nhân về việc làm tại các nhà máy điện tử.  

"Thực tế, khi họ đến đó, hộ chiếu của họ sẽ bị tịch thu và họ buộc phải bán dâm hoặc làm vợ cho đàn ông bản địa", bà Vu nói, nhấn mạnh rằng nhiều phụ nữ cũng bị bán lại vào các nhà máy. "Họ có thể bị bán làm vợ, sinh được một đứa con trai rồi sau đó lại bị bán vào nhà chứa hoặc nhà máy, hay bán cho một gia đình khác để lại tiếp tục làm nhiệm vụ sinh con. Họ giống như một mặt hàng có giá trị vô thời hạn".

Năm 2013, Quỹ Liên kết Thái Bình Dương đã phát triển một chương trình chống buôn người dành cho các chủ nhà máy, các nhà quản lý và lao động, với sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp tuân thủ Luật Minh bạch trong Chuỗi Cung ứng California.

Luật đi vào hiệu lực từ năm 2012, yêu cầu các nhà bán lẻ và các nhà sản xuất lớn đang làm ăn ở Mỹ công khai các biện pháp được áp dụng để loại trừ lao động cưỡng ép và buôn người khỏi chuỗi cung ứng của họ.

Chương trình nâng cao nhận thức của nhà máy trong việc chống buôn người (FACT) đào tạo cho các nhà quản lý về luật pháp quốc tế và địa phương cũng như những chiến thuật mà tội phạm buôn người dùng để lừa các công nhân ở nhà máy hay khu công nghiệp. Họ cũng được dạy cách ứng phó và trình báo nếu các vụ việc này xảy ra.

Quỹ Liên kết Thái Bình Dương đã đào tạo cho 9.000 công nhân và đặt mục tiêu tối thiểu là gấp đôi con số này vào cuối năm nay.


Nghị sĩ Mỹ McCain thúc giục dỡ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ mong muốn Tổng thống Barack Obama dỡ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
chu tich uy ban quan vu thuong vien my john mccain. anh: afp

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John Mccain. Ảnh: AFP

Trong thông cáo đăng hôm qua về chuyến thăm Việt Nam vào ngày 23/5 của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thượng nghị sĩ McCain cho rằng Việt Nam cần được mua các trang thiết bị trên bộ và trên biển, giúp lực lượng vũ trang hoạt động hiệu quả hơn trên không và trên biển, trong vùng lãnh hải. Ông cho biết "đến lúc dỡ hoàn toàn lệnh cấm này".

"Khi Trung Quốc có hành động gây hấn trong khu vực, cần cho phép Việt Nam có vũ khí để tự vệ trong khu vực hàng hải, nơi khả năng đối đầu tồn tại", Los Angeles Times dẫn lời ông McCain trong một cuộc phỏng vấn đăng hôm qua. Ông hy vọng Obama sẽ dỡ lệnh cấm vận và Việt Nam sẽ cho hải quân Mỹ quyền tiếp cận nhiều hơn với vịnh Cam Ranh. 

Theo thông cáo đăng trên trang web, cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam này cho rằng trong những năm tới, điều Washington cần đầu tiên là tiếp tục làm việc với các đối tác như Việt Nam, nhằm thúc đẩy chia sẻ thông tin hàng hải và nâng cao năng lực phản ứng ở Biển Đông.

Giới chức Mỹ đã đưa ra Sáng kiến An ninh Hàng hải, hỗ trợ nửa tỷ USD cho các nước như Việt Nam và Philippines nhằm tăng cường năng lực.

Thượng nghị sĩ Mỹ cũng hối thúc Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ và Quân chủng Hải quân Việt Nam mở rộng quan hệ, tăng cường các chuyến thăm cảng Việt Nam của tàu hải quân Mỹ và sự tham gia của hải quân Việt Nam trong các cuộc diễn tập hàng hải song phương, thậm chí đa phương. 


Nga đang nghiên cứu khôi phục căn cứ ở Cam Ranh

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Viktor Ozerov cho biết vấn đề khôi phục căn cứ hải quân Nga ở Vịnh Cam Ranh của Việt Nam đang được thảo luận ở cấp Bộ Quốc phòng.

tau khu truc chong ngam do doc panteleyev thuoc ham doi thai binh duong cua nga. anh: hai quan nga

Tàu khu trục chống ngầm Đô đốc Panteleyev thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga. Ảnh: Hải quân Nga

Trong một bản tin phát đi vào chiều 19/5, hãng tin Sputnik của Nga dẫn lời Thượng nghị sĩ Viktor Ozerov cho biết vấn đề khôi phục căn cứ ở Cam Ranhđã được vạch ra từ lâu và điều này đã được thảo luận trong chuyến thăm Việt Nam lần trước của Ủy ban Quốc phòng và An ninh Thượng viện Nga.

 

Thượng nghị sĩ Viktor Ozerov nhấn mạnh phía Nga đã nêu vấn đề này và nhận được sự hiểu biết, thông cảm từ phía Việt Nam. Hiện nay, vấn đề đang được thảo luận ở cấp Bộ Quốc phòng.

 

“Bây giờ đơn giản là tìm con đường và phương pháp chuyển chủ đề bàn luận lý thuyết vào bình diện thực tế”, ông Viktor Ozerov chia sẻ.


Người nuôi tôm Cà Mau thiệt hại khoảng 260 tỷ đồng

Hơn 3 tháng sau khi Cà Mau công bố thiên tai cấp độ 1 đối với lúa, Bộ Nông nghiệp đề nghị địa phương này xem xét công bố thiên tai đối với tôm nuôi.

Ngày 18/5, ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn dẫn đầu đoàn công tác của Bộ đến làm việc với UBND tỉnh Cà Mau, xoay quanh vấn đề tôm nuôi ở địa phương này bị thiệt hại hàng loạt, nhằm tìm giải pháp khắc phục.Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, tính đến nay Cà Mau có trên 52.000 ha diện tích tôm nuôi bị thiệt hại (chiếm 20% tổng diện tích). “Căn cứ vào diện tích bị thiệt hại, quân bình 1ha tôm nuôi bị chết, nông dân mất khoảng 5 triệu đồng tiền đầu tư, thì con số thiệt hại về tài sản sẽ khoảng 260 tỷ đồng”, đại diện Sở Nông nghiệp nói.

nhieu dam tom o ca mau bi bo hoang vi do man tang cao.

Nhiều đầm tôm ở Cà Mau bị bỏ hoang vì độ mặn tăng cao.

Sau khi nghe báo cáo, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá tình trạng tôm nuôi ở Cà Mau bị thiệt hại trong thời gian qua là rất nghiêm trọng và đề nghị chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau xem xét công bố bổ sung thiên tai đối với tôm nuôi, nhằm có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho người nuôi tôm.

Ông Tám cũng lưu ý, trong trường hợp chưa đến mức công bố thiên tai, thì Chủ tịch tỉnh cần xác nhận thiệt hại để người dân được hỗ trợ.

Cũng tại buổi làm việc, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau bày tỏ lo lắng việc nắng hạn kéo dài trong thời gian tới sẽ làm diện tích bị thiệt hại tăng lên khoảng 100.000 ha. Theo dự báo, nếu sang đầu tháng 6 mà không có mưa, thì ở những vùng nuôi cách xa các tuyến kênh, ngoài việc thiếu nước, độ mặn sẽ tăng lên cao vượt ngưỡng 50%, con tôm không thể phát triển được, hoặc bị chết.

Thứ trưởng đề nghị, ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường cử các cán bộ chuyên môn, kỹ thuật về cơ sở nhằm giúp người nuôi tôm vượt qua khó khăn hiện nay. Song song đó, các cơ quan chức năng thuộc Bộ cần đẩy mạnh việc phối hợp với các địa phương trong công tác kiểm tra nguồn tôm giống ở các tỉnh miền Trung và tại các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm đảm bảo chất lượng con giống tốt khi đến tay người nuôi.

Hồi cuối tháng 2, UBND tỉnh Cà Mau đã công bố thiên tai hạn hán cấp độ 1 trên địa bàn tỉnh, với diện tích hơn 49.000 ha lúa bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục