tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 20-08-2016

  • Cập nhật : 20/08/2016

Hơn 92% tài sản tham nhũng bị tẩu tán không thu hồi được

Tội phạm tham nhũng thường tìm mọi cách để tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản nên việc xác minh điều kiện thi hành án vô cùng khó khăn.

Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng vừa được Thanh tra Chính phủ hoàn thiện, hơn 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Việc thu hồi tài sản các vụ án kinh tế, tham nhũng gặp rất nhiều khó khăn. Số tiền thu được còn quá ít so với tổng số phải thi hành. Một số trường hợp xử lý tài sản để thi hành án còn chậm.

Vụ án tham nhũng tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), theo quyết định của bản án, bị cáo Dương Chí Dũng phải bồi thường cho Vinalines số tiền là 110 tỷ đồng, nhưng cơ quan thi hành án mới xử lý tài sản kê biên và thu được hơn 14 tỉ đồng.

cuu chu tich tap doan vinashin pham thanh binh phai thi hanh an hon 600 ti dong nhung tai san cuoi cung chi co can ho chung cu tri gia khoang 5 ti dong. (anh: plo)

Cựu Chủ tịch Tập đoàn Vinashin Phạm Thanh Bình phải thi hành án hơn 600 tỉ đồng nhưng tài sản cuối cùng chỉ có căn hộ chung cư trị giá khoảng 5 tỉ đồng. (Ảnh: PLO)

Hay vụ Huỳnh Thị Huyền Như với số tiền phải thi hành án là gần 14.000 tỉ đồng nhưng ước tính sơ bộ, tài sản kê biên, phong tỏa để bảo đảm thi hành án chỉ khoảng hơn 500 tỉ đồng. Đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn khó có khả năng thu hồi tài sản.

Theo ông Hoàng Sỹ Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), việc xử lý tài sản liên quan đến các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn gặp rất nhiều khó khăn là do có vụ việc, số tiền phải thi hành án rất lớn nhưng tài sản để bảo đảm thi hành án lại có giá trị rất nhỏ.

Bên cạnh đó, hầu hết đương sự phải thi hành án phần trách nhiệm dân sự trong các vụ việc loại này phải chấp hành hình phạt tù với thời hạn dài, thậm chí bị tuyên án tử hình. Nhiều trường hợp không có tài sản, tiền, thu nhập để thi hành án hoặc gia đình, người thân không có khả năng hỗ trợ thi hành án.

“Án liên quan đến tham nhũng là những vụ án rất lớn nhưng rất khó thi hành. Trong quá trình điều tra truy tố, xét xử, việc áp dụng các biện pháp đảm bảo thi hành án là rất ít. Thậm chí mức phạt rất lớn nhưng khả năng thực tiễn thi hành có thể không có. Ví dụ, Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Tập đoàn Vinashin phải thi hành án hơn 600 tỉ đồng, nhưng tài sản cuối cùng chỉ có mỗi căn nhà ở Trung Hòa - Nhân Chính trị giá khoảng 5 tỉ, vợ 1 nửa, chồng 1 nửa. Chưa nói đến việc bán đấu giá tài sản liên quan đến thi hành án có ít người dân mua vì rủi ro rất cao”, ông Hoàng Sỹ Thành cho biết.

Cũng theo ông Hoàng Sỹ Thành, tội phạm tham nhũng thường tìm mọi cách để tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản nên việc xác minh điều kiện thi hành án, ngoài các tài sản đã được kê biên, tuyên xử lý trong bản án, quyết định của Tòa án thì cơ quan thi hành án dân sự khó có thể xác minh được thêm tài sản hoặc nguồn thu nhập nào khác.

Hơn nữa, cơ chế quản lý tài sản ở nước ta hiện nay còn thiếu minh bạch. Các giao dịch kinh tế, dân sự hiện nay vẫn chủ yếu được thực hiện bằng tiền mặt, nên khó kiểm soát được thu nhập, tài sản và cũng gây khó khăn cho việc áp dụng các biện pháp phong tỏa, kê biên tài sản của cơ quan có thẩm quyền.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, một trong những nguyên nhân là do những vướng mắc về thể chế, lỏng lẻo trong quản lý điều hành, do kết quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa cao.

“Nguyên nhân cốt yếu ở đây chính là thể chế đã được tích tụ từ lâu. ở vụ án Huyền Như, số tiền TAND TP HCM yêu cầu phải bổ sung công quỹ tại bản án sơ thẩm là 976 tỉ, trong khi bản phúc thẩm tuyên hơn 11.000 tỉ. Chênh lệch nhau hơn 11 - 12 lần. Chỉ cần nhìn vào sự chênh lệch này có thể thấy khó xác định được chân lý ở đâu, không biết bất hợp lý ở quy trình nào nên đội ngũ thi hành án gặp rất nhiều khó khăn”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.

Mới đây, những khó khăn, vướng mắc này đã được đại diện Bộ Tư pháp nêu lên tại hội nghị phối hợp công tác giữa Ban Nội chính Trung ương và Bộ Tư pháp. Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho rằng, để khắc phục tình trạng này, cũng như nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, thời gian tới, thể chế về phòng chống tham nhũng cần tiếp tục hoàn thiện, để bảo đảm quản lý, kiểm soát tài sản, thu nhập của tổ chức, cá nhân.

Đồng thời, tới đây cần thành lập đoàn giám sát, bao gồm Ban Nội chính Trung ương, Bộ Tư pháp, Tòa án, Viện Kiểm sát để kiểm tra, giám sát công tác thi hành án dân sự, nhất là đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, các vụ án phức tạp kéo dài.

Ông Phan Đình Trạc cho rằng, Viện KSND Tối cao cần tăng cường kiểm sát trong các phiên tòa dân sự, kinh tế, thương mại, hành chính và kể cả trong kiểm sát thi hành án dân sự. “Tôi đề nghị cần nâng cao chất lượng xét xử của tòa án, tính khả thi của bản án, tăng cường kê biên, phong tỏa tài sản trong quá trình tố tụng và kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ có chức vụ quyền hạn”, ông Trạc đề nghị.

Năm nay là năm đầu tiên tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự theo Nghị quyết số 11 của Quốc hội về công tác tư pháp. Để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, đòi hỏi hệ thống cơ quan thi hành án dân sự cần phối hợp với các cơ quan liên quan đưa ra các biện pháp, giải pháp hữu hiệu, sớm thu hồi tiền, tài sản cho nhà nước, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và kéo giảm số việc và số tiền phải thi hành án, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng./.(VOV)


Xu thế lớn toàn cầu và các tác động tới Việt Nam

Ngày 18/8, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra hội thảo “Xu thế lớn toàn cầu và các tác động tới Việt Nam”.

Nhà tương lai học Australia, TS. Stefan Hajkowicz - Nhà khoa học chủ chốt về Chiến lược và Tầm nhìn của Cơ quan nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) đã có những trao đổi với các quan chức, giới nghiên cứu, học giả và báo giới Việt Nam những nhận định của ông về xác xu thế lớn trên toàn cầu cả về kinh tế, dân số, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng tái tạo, tốc độ phát triển công nghệ, mức độ ăn sâu và phủ rộng của internet…

Những xu thế này sẽ tác động đến tất cả các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Theo TS. Stefan Hajkowicz, dù có rất nhiều thách thức nhưng các cơ hội mở ra cũng rất lớn và cơ hội này là mở cho tất cả các quốc gia. Do đó, dù là nước đi sau nhưng nếu tận dụng “nhảy cóc” tốt thì khả năng nắm bắt và vượt lên là hoàn toàn có thể.

Đơn cử với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, một DN không cần lớn vẫn có thể thành công nếu sáng tạo và nắm đúng thời cơ khi những thỏa thuận kinh doanh có thể được thực hiện chỉ bằng những cú bấm chuột máy tính.

Tuy nhiên, TS. Stefan Hajkowicz cũng lưu ý, không có công thức chung cho các quốc gia trong đón nhận, tận dụng cơ hội hay hóa giải những thách thức mà các xu thế này đặt ra. Nhưng kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, sự phân cực có thể diễn ra trong quá trình phát triển, trong đó sẽ có những người thất nghiệp, khoảng cách giàu – nghèo gia tăng…

Do đó, cách để hóa giải là phát triển cần theo hướng toàn diện, có sự tham gia của các bên và sự công bằng về cơ hội, điều kiện cho tất cả mọi người. “Có như vậy thì nền kinh tế sẽ vận hành nhịp nhàng hơn, năng suất cao hơn, tăng trưởng tốt và bền vững hơn” - TS. Stefan Hajkowicz nhận định.(TBNH)


“Túi tiền” Nhà nước 3 năm nay thu không đủ chi

Tỷ lệ thâm hụt ngân sách trong những năm từ 2013 – 2016 luôn ở mức rất cao.

Báo cáo mới đây của Chứng khoán Bảo Việt cho biết thâm hụt ngân sách luôn ở mức cao hơn so với dự toán.

Vào cuối tháng 7/2016, Quốc hội đã thông qua quyết toán ngân sách nhà nước 2014 với tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) là 1.130.609 tỷ đồng, tổng chi ngân sách là 1.339.489 tỷ đồng, và bội chi là 249.362 tỷ đồng. So với dự toán, mức bội chi này cao hơn 11%.

Đáng lưu ý, số liệu quyết toán năm 2013 cho thấy mức thâm hụt ngân sách trên thực tế còn cao hơn nhiều so với dự toán, lên tới 46%. Gần đây nhất, số liệu cập nhật ngân sách lần hai vào tháng 4/2016 của Bộ Tài chính cũng cho thấy mức thâm hụt ngân sách năm 2015 dự kiến cao hơn 13% so với dự toán.

Tỷ lệ thâm hụt ngân sách luôn ở mức rất cao trong mấy năm gần đây. Thống kê cho thấy, tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP của Việt Nam từ 2013 – 2016 lần lượt là 6,6%; 6,3%; 6,1% và ước tính (theo dự toán) 5,5% năm 2016.

Tỷ lệ thâm hụt ngân sách này có thể không phù hợp với thông lệ quốc tế khi nó bao gồm cả khoản chi trả nợ gốc của Việt Nam. Tuy nhiên, ngay cả khi loại trừ khoản chi trả nợ gốc thì mức thâm hụt của Việt Nam vẫn ở mức rất cao, từ 4,2 đến 5% GDP, cao hơn nhiều so với giới hạn cảnh báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) là 3%.

Áp lực gia tăng nợ công trong năm 2016 có thể lên đến 385.375 tỷ đồng và không chỉ đến từ thâm hụt ngân sách.

Theo quyết định số 1011/QĐ-TTg của Thủ tướng về kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2016, tổng kế hoạch vay nợ của Chính phủ là 452.000 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch vay để đảo nợ là 95.000 tỷ đồng, kế hoạch bảo lãnh tổng cộng là 85.025 tỷ đồng.

Trên thực tế, ngoài phần phát sinh do thâm hụt ngân sách, áp lực gia tăng nợ công còn có thể đến từ các khoản trái phiếu đầu tư trực tiếp của chính phủ, các khoản chính phủ đi vay để cho vay lại, và các khoản bảo lãnh của chính phủ.

Con số dự báo cho năm 2016 cho thấy áp lực ròng gia tăng nợ công đến từ thâm hụt ngân sách là 197,350 tỷ đồng, chiếm 51% tổng áp lực ròng gia tăng nợ công trong năm. Phần còn lại trong áp lực gia tăng nợ công đến từ các khoản trái phiếu đầu tư, cho vay lại và bảo lãnh của Chính phủ.

Theo đó, tổng áp lực gia tăng nợ công trong năm là 385.375 tỷ đồng (bằng tổng kể hoạch vay nợ trợ đi phần đảo nợ và trả nợ gốc, cộng với tổng bảo lãnh). Tổng áp lực gia tăng nợ công này có thể hiểu là mức tối đa tăng ròng nợ công trong năm 2016 theo kế hoạch, đặt trong giả thiết các khoản trái phiếu đầu tư, cho vay lại và bảo lãnh hoàn toàn phát sinh mới và được cộng dồn vào năm trước (không có số liệu đáo hạn của những khoản này).

Kết quả phát hành trái phiếu Chính phủ đến cuối tháng 7/2016 đã giúp Chính phủ nắm thế chủ động trong kế hoạch vay nợ năm 2016. Tính đến cuối tháng 7/2016, Chính phủ đã huy động được tổng cộng 207.379 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu Chính phủ (TPCP), đạt 83% so với kế hoạch năm (kế hoạch điều chỉnh tăng thêm 30.000 tỷ đồng, lên 250.000 tỷ đồng).

Nhờ việc hoàn thành tốt kế hoạch huy động trên thị trường trái phiếu, Chính phủ có thể chủ động điều hành kế hoạch vay nợ trong năm 2016. Tuy nhiên, ngay cả khi giả định nguồn huy động từ TPCP đạt kế hoạch, thì, theo quyết định 1011, Chính phủ vẫn cần huy động thêm tổng cộng 86.000 tỷ đồng từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) và từ tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).(Trithuctre)


14 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đang âm quỹ bình ổn​

Bộ Tài chính cho biết, cuối tháng 6/2016, tổng số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu còn hơn 1.495 tỷ đồng, giảm mạnh so với cuối quý 3/2015 và hồi đầu năm.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong quí 2, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đã sử dụng hết hơn 3.820 tỉ đồng để bình ổn giá xăng dầu.

Trong quí 2 vừa qua, Liên bộ Công Thương – Tài chính liên tục yêu cầu doanh nghiệp đầu mối giữ giá bán lẻ và cho phép sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp phần chênh lệch do giá cơ sở tăng cao. Mức trích lập trong giai đoạn này đạt hơn 1.525 tỉ đồng.

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến cuối quý 2, có tới 14 trong tổng số 21 doanh nghiệp bị âm số dư quỹ bình ổn giá. Cụ thể, Công ty cổ phần Hóa đầu Quân đội âm 35,7 tỷ đồng; Công ty Xăng dầu và Dịch vụ Hàng Hải STS âm hơn 43 tỷ đồng);Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cũng bị âm quỹ bình ổn giá 86,6 tỷ đồng. Riêng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam(Petrolimex) là doanh nghiệp có số dư quỹ bình ổn giá lớn nhất lên tới hơn 1.424 tỷ đồng, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội dư 218,5 tỷ đồng; Saigon Petro dư 172,3 tỷ đồng...

Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được sử dụng quỹ bình ổn giá khi có sự cho phép của cơ quan chức năng là liên bộ Công Thương – Tài chính, nhằm giữ giá bán lẻ trong nước thấp hơn giá cơ sở. Tuy nhiên, hiện tổng số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu đã giảm hơn 60% so với thời điểm 3 tháng trước đó.

Ngoài ra, phần lớn các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị âm quỹ bình ổn. Đây có thể là những lý do khiến giá xăng khó có thể giảm ở chu kỳ điều chỉnh vào ngày 19-8./.(VOV)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục