tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 24-08-2016

  • Cập nhật : 24/08/2016

Cần 75.000 tỷ phát triển giao thông và hệ thống logistic ĐBSCL

Đối với vận tải biển, 80% hàng hóa xuất khẩu của vùng phải thực hiện thông qua TPHCM hoặc khu vực Đông Nam Bộ.

Sáng nay (22/8), tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị chuyên đề về “Huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

pho thu tuong vuong dinh hue chu tri hoi nghi. anh: vgp/thanh chung

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung

Hội nghị do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì.

Đây là một trong những hội nghị lớn của vùng nhằm thực hiện Kết luận số 196/TB-VPCP ngày 26/7/2016 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo.

Trong những năm qua, mặc dù đạt được một số kết quả đáng khích lệ về phát triển giao thông vận tải nhưng so với tình hình chung của cả nước thì kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn còn kém phát triển, vấn đề liên kết vùng chưa được chú trọng khi công tác đầu tư các trục giao thông chính nhằm gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế.

Tình hình đầu tư cũng như thu hút đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn yếu, chưa tạo sự đột phá và chưa quan tâm đến việc đầu tư phát triển lĩnh vực đường thủy nội địa, đường biển là thế mạnh của vùng, dẫn đến tình trạng tốc độ tăng trưởng của vận tải thủy nội địa, vận tải biển có xu hướng giảm so với vận tải đường bộ.

Đây là nguyên nhân tác động mạnh mẽ đến các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong vùng, khiến cho sự tăng trưởng của khu vực luôn dưới tiềm năng. Do vậy, việc xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2016-2020 nhằm cụ thể hóa các chiến lược, quy hoạch nhằm lựa chọn được các dự án giao thông trọng điểm có tính kết nối vùng là vô cùng cần thiết, giúp giảm thiểu tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, trong bối cảnh vốn đầu tư công ngày càng hạn hẹp.

Theo Bộ Giao thông vận tải, giao thông thủy của vùng chiếm tới 70% chiều dài đường thủy của cả nước nhưng giá trị khai thác thì rất thấp, cần phải phát triển hệ thống này kết hợp với logistics, nhất là việc kết nối vận chuyển hàng hóa sang Campuchia, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về hải quan, thông quan.

Đối với vận tải biển, 80% hàng hóa xuất khẩu của vùng phải thực hiện thông qua TPHCM hoặc khu vực Đông Nam Bộ.Do đó, việc hoàn thiện dự án luồng vào cảng trên sông Hậu, nâng cấp cảng Cái Cui, nâng cấp đồng bộ hệ thống cảng và luồng tàu sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển của vùng. Ngoài ra, cần xem xét xây dựng cảng biển tại đảo Hòn Khoai, Cà Mau - là giải pháp cảng nước sâu duy nhất cho đồng bằng này.

Giao thông bộ theo các trục ngang và dọc cũng có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của toàn vùng nhưng cần tới 75.000 tỷ đồng trong 5 năm tới. Đường hàng không cũng cần phải tính toán cho giai đoạn sau năm 2020 đi liền với việc tăng cường đầu tư, phát triển các dịch vụ, du lịch, lưu trú. Bộ Giao thông vận tải cũng đặt ra việc nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt nối TPHCM tới Cần Thơ để gia tăng việc vận chuyển hàng hóa.

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Hội nghị này cũng đặt ra phương thức đầu tư giao thông vận tải và logistics cho vùng. Hiện tại, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông đang mất cân đối khi 80-90% nguồn lực đầu tư tập trung cho đường bộ, hàng không chỉ chiếm 1% và còn lại là dành cho đường thủy. Nguồn vốn nhà nước đầu tư vào giao thông trong vùng thì 70-80% sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn BOT chỉ chiếm 16%. Tuy nhiên, do đặc thù về tự nhiên, xã hội của vùng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đầu tư vào ĐBSCL thì nguồn lực ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và vốn vay vẫn là chủ đạo nhưng cần tăng cường tỉ lệ BOT lên để đáp ứng được nhu cầu của vùng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng mong muốn các bộ, ngành, địa phương và các nhà đầu tư hiến kế về các cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả nguồn lực cho phát triển hạ tầng của khu vực.

Sau Hội nghị này, các cơ quan sẽ trình tới Chính phủ kế hoạch và giải pháp phát triển giao thông và dịch vụ logistics toàn vùng để Chính phủ bố trí nguồn lực vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Trên toàn vùng ĐBSCL, đường bộ hiện có 4.718,8 km quốc lộ, 2.030,41 km đường tỉnh, 72.851,8 km đường huyện và giao thông nông thôn, bảo đảm giao thông đường bộ thông suốt, an toàn. Về đường thuỷ nội địa, với trên 13.000 km đường thủy (trong đó khoảng 7.000 km đã được đưa vào cấp quản lý) được phân bổ đồng đều trên toàn vùng là lợi thế lớn về khai thác vận tải đường thủy nội địa, tuy nhiên vẫn chưa phát huy được.

Về đường biển, hiện chưa phát huy được lợi thế do một số cửa biển bị bồi lấp, các tuyến vận tải sông pha biển cũng chưa được quan tâm phát triển, chưa hình thành các tuyến vận tải sông pha biển, do đó ảnh hưởng lớn đến khả năng khai thác vận tải đường biển.

Về hàng không, hiện có 2 cảng quốc tế là Cần Thơ, Phú Quốc và 2 sân bay Rạch Giá, Cà Mau với năng lực khai thác 5,05 triệu lượt hành khách, đáp ứng được nhu cầu vận tải đến sau năm 2020.

Giai đoạn từ năm 2010-2015, tổng khối lượng vận tải toàn vùng đạt khoảng 4.657,23 triệu lượt khách và 468,25 triệu tấn hàng hóa, tốc độ tăng trưởng bình quân lần lượt đạt 4,4%/năm đối với hành khách và 4,9%/năm đối với hàng hoá.(NDH)


Ưu tiên vốn cho dự án giao thông kết nối vùng ĐBSCL

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong hoàn cảnh ngân sách còn khó khăn, phải tính toán, tận dụng và hài hòa các nguồn lực của ngân sách, xã hội để phát triển hiệu quả nhất hạ tầng giao thông vận tải và logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì Hội nghị chuyên đề về “Huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông và hệ thống logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long” vào sáng nay (22/8), tại Cần Thơ. Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ cũng nêu ra các dự án quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Hạ tầng giao thông mất cân đối

Theo Viện Chiến lược và phát triển hạ tầng giao thông (Bộ Giao thông vận tải), việc đầu tư phát triển giao thông trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) những năm qua còn mất cân đối, nặng về đầu tư phát triển đường bộ mà không quan tâm phát triển hệ thống đường thủy vốn là một thế mạnh của vùng.

Trong 5 năm qua, 80-90% nguồn vốn đầu tư dành cho xây dựng đường bộ trong vùng, trong khi đường thủy chỉ chiếm 1,7%. Trong cơ cấu vốn dành cho đường bộ, vốn Nhà nước chiếm tới gần 70%, vốn BOT rất thấp, chỉ 16%. Thậm chí, số vốn dành cho các công trình BOT lại tập trung ở khu vực duyên hải  - là những địa phương khó khăn nhất vùng (các cây cầu dọc tuyến QL60) tạo ra gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.

Đầu tư cho giao thông thủy cũng thiếu đồng bộ, chỉ tập trung đầu tư, xem nhẹ việc duy tu, bảo trì luồng lạch, trang thiết bị đường thủy, nâng cao năng lực bốc xếp, kho bãi… Do đó, 80% hàng hóa xuất khẩu của vùng phải qua TPHCM hoặc cảng Cái Mép-Thị Vải, trong đó 90% phải sử dụng đường bộ.

Trong khi đó, hệ thống cảng biển, cảng sông trên địa bàn cũng manh mún và các trung tâm logistics cũng không gắn kết với hệ thống cảng, khó đáp ứng được yêu cầu thu mua nông sản tập trung của doanh nghiệp.

Đại tá Phạm Thế Dương, Giám đốc khu vực Tây Nam Bộ của Tổng Công ty Tân Cảng cho biết, do thiếu năng lực vận tải thủy mà doanh nghiệp xuất khẩu tới TPHCM bằng đường bộ mất thêm tới 60% chi phí. Đồng thời chi phí vận chuyển có thể tăng lên khi mà nhân lực cho ngành logistics của vùng rất yếu và thiếu.

Ngân sách còn rất khó khăn

Tìm kiếm nguồn lực về vốn cho phát triển hạ tầng được các bộ, ngành quan tâm nêu ý kiến khi mà ngân sách Nhà nước đang rất khó khăn trong bố trí thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết, cả nước đã có gần 1.000 km đường cao tốc nhưng toàn vùng ĐBSCL mới có 45 km (từ TPHCM-Trung Lương). “Đoạn còn lại từ Trung Lương về Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ dự khởi công 3 lần mà vẫn không triển khai được. Trong khi cao tốc Trung Lương được đầu tư 10.000 tỷ đồng, sau khi bán quyền thu phí thì mỗi năm thu 2.000 tỷ đồng, sau 5 năm là lấy lại vốn. Có gì khó khăn trong việc này nếu cho ĐBSCL thực hiện một cơ chế đặc thù?”, ông Chí nói. Ông cũng cho rằng sự chậm trễ này đã gây tác động từng ngày tới sự phát triển của các tỉnh trong vùng.

Ông Nguyễn Hữu Chí cho rằng cách thức đầu tư vẫn là nhỏ giọt và đề nghị Bộ Tài chính và Bộ GTVT rà soát lại từng dự án, tập trung đầu tư cho dự án nào xứng tầm để tiết kiệm chi phí xã hội, bảo đảm tiến độ dự án.

Đối với lĩnh vực thu hút đầu tư logistics, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định cần xây dựng một trung tâm logistics của vùng, nhưng kinh phí từ ngân sách rất hạn hẹp nên địa phương cần phải xã hội hóa hoàn toàn. “Chính quyền chỉ tập trung lập quy hoạch địa điểm và doanh nghiệp đầu tư xây dựng”, ông Hải nói và cho biết một số doanh nghiệp đang tìm hiểu để đầu tư trung tâm logistics tại cảng Cái Cui (Cần Thơ).

Trước xu hướng nhiều doanh nghiệp nước ngoài tập trung đầu tư hệ thống logistics tại vùng, ông Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ Công Thương đang tiến hành sửa đổi Nghị định 140 của Chính phủ về phát triển logistics.

Trong khi đó, ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết ở địa phương ngân sách rất hạn hẹp, chỉ phụ thuộc vào nguồn thu phí từ người dân sử dụng hạ tầng và thu phí từ đất đai. Nhưng để có quỹ đất cho nhà đầu tư thì lại vướng về quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, khó định giá thanh toán cho chủ đầu tư và định giá đất khi đã có hạ tầng.

Do đó, ông Bi đề nghị Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính phải có cơ chế huy động nguồn lực hết sức cụ thể cho địa phương thực hiện; đồng thời Bộ TN&MT cũng phải tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong việc định giá các loại đất.

Nghiên cứu một cảng nước sâu cho vùng ĐSBCL

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nhìn nhận hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của vùng còn nhiều bất cập, thiếu tính đồng bộ và phát triển mất cân đối, đang ảnh hưởng lớn tới tiềm năng và sự phát triển của vùng.

Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, việc thực hiện Nghị định 15 của Chính phủ về cơ chế hợp tác công tư (PPP) bộc lộ nhiều bất cập nên ảnh hưởng tới việc huy động nguồn vốn cho phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics của ĐBSCL. Do đó, Phó Thủ tướng cho biết cần phải có Luật về hợp tác công-tư, bảo đảm sự minh bạch, rạch ròi trong PPP hay BOT với mức độ đầu tư cao hơn, nhất là trong lĩnh vực logistics và không nên dựa quá nhiều vào ngân sách của Nhà nước.

Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ GTVT, KH&ĐT, Tài chính căn cứ đề xuất trong Đề án huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông và logistics của vùng, phối hợp với các tỉnh rà soát công trình có tính chất liên vùng để đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 theo thứ tự ưu tiên và khả năng cân đối nguồn lực Nhà nước gồm các nguồn ODA, trái phiếu Chính phủ, ngân sách đầu tư công tập trung, các chương trình mục tiêu... để giải quyết hạ tầng cho vùng, trình Chính phủ cho ý kiến.

Qua báo cáo và ghi nhận ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng cũng nêu ra các công trình trọng yếu cần thu xếp đầu tư gồm: Dự án đầu tư xây dựng hoàn thiện QL60 qua Trà Vinh-Sóc Trăng tổng vốn đầu tư 1.142 tỷ đồng, sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ; cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh-Sóc Trăng giá trị hơn 8.000 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA; cầu Rạch Miễu 2 giá trị 3.700 tỷ đồng cũng đã đàm phán vay vốn Hàn Quốc; dự án nâng cấp QL91C kết nối lên Campuchia đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ; mở rộng tuyến QL1 đoạn Cà Mau-Năm Căn; cầu Mỹ Thuận 2 nối Tiền Giang-Vĩnh Long bằng vốn ODA của Nhật Bản; tuyến nối thành phố Vị Thanh đi Bạc Liêu.

Ngoài ra tuyến Cao tốc Trung Lương-Cần Thơ đang bế tắc trong triển khai thì phải rà soát lại nhà đầu tư BOT về năng lực, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và TP. Cần Thơ tổ chức hội nghị thu hút nhà đầu tư logistics vào vùng và công bố các chính sách, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và tìm được các nhà đầu tư chiến lược vào vận tải cho vùng.

Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế và chính sách đủ mạnh thu hút đầu tư nguồn lực xã hội vào vùng ĐBSCL như cơ chế đặc thù cho phát triển hạ tầng và cả vận tải, logistics, chính sách thuế, thu tiền sử dụng đất...

Trưởng Ban chỉ đạo nhấn mạnh các tỉnh trong vùng phải coi đây là vấn đề quan trọng. “Ngoài công trình quan trọng trong tỉnh thì phải quan tâm tới các công trình kết nối vùng này trong tổ chức mặt bằng, quản lý, khai thác các dự án giao thông; kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn, tắc trong khai thác vận hành”, Trưởng Ban chỉ đạo nói.

Đối với cảng biển nước sâu của vùng - lối ra cho hàng hóa xuất khẩu, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cũng phải đặt ra phương án nghiên cứu một cảng nước sâu, trong đó có vị trí cảng Hòn Khoai tại Cà Mau (là vị trí tiếp giáp Biển Đông và Biển Tây, cách đường hàng hải quốc tế 12 hải lý, cách mũi Cà Mau 15 km và cách đường Hồ Chí Minh 14 km, có thể đáp ứng cho tàu 250.000 tấn). Theo Phó Thủ tướng nếu chỉ nạo vét luồng lạch cho tàu biển thì sẽ tốn kém và khó kiểm soát hiệu quả của công việc.

Đồng thời lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị ngành hàng không quan tâm mở rộng năng lực khai thác của Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, có tính đến các nhu cầu phát triển “nóng” trong ngành này thời gian tới.

Theo kế hoạch đầu tư trung hạn kết cấu hạ tầng giao thông ĐBSCL được Bộ GTVT trình tại hội nghị, giai đoạn 2016-2020 sẽ đầu tư hơn 91.000 tỉ đồng (trong đó ngân sách Nhà nước hơn 28.000 tỉ, còn lại là vốn ODA và xã hội hóa) cho các dự án hạ tầng giao thông và logistics trên địa bàn.

Cụ thể, lĩnh vực đường bộ sẽ có 39 dự án với tổng vốn 75.000 tỉ đồng (ngân sách Nhà nước 24.900 tỉ, vốn xã hội hóa hơn 12.800 tỉ, vốn ODA 23.600 tỉ); đường biển 22 dự án khoảng 18.000 tỉ đồng; đường thủy nội địa 14 dự án, tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỉ và đường hàng không hơn 1.700 tỉ đồng.(CP)


Tiền Giang: Mở rộng trồng thanh long trên đất lúa

Theo VOV, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với han, mặn, gần đây nông dân vùng ngọt hóa huyện Gò Công (tỉnh Tiền Giang) đã nhận rộng mô hình trồng cây thanh long thương phẩm trên vùng đất lúa.

Vùng ngọt hóa Gò Công có gần 500ha cây thanh long, tập trung ở các vùng thường bị nhiễm mặn ven sông, ven biển của huyện Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Gò Công Đông. Theo nông dân, cây thanh long rất thích hợp với điều kiện đất đai, nguồn nước của khu vực này và cho năng suất cao. Với mức giá thanh long (ruột trắng) trên 10.000 đ/kg, người trồng thanh long có thu nhập khá. Riêng thanh long ruột đỏ bán gái cao, cho lãi cao từ 7-10 lần so với trồng lúa.

Bắt quả tang lượng lớn tôm đang bơm tạp chất tại Công ty Quốc Ái

Trưởng đoàn Nguyễn Đình Thụ, Giám đốc Cơ quan Chất lượng Nam bộ cho biết: Tại hiện trường thu được hơn 70 kg tôm có tạp chất; khoảng 120 kg tạp chất (agar); 15 bộ xi lanh, kim tiêm và 6 thiết bị bơm tạp chất khác. Đoàn kiểm tra đã tiến hành niêm phong tôm tạp chất...

Chiều tối ngày 20/8, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Cơ quan Chất lượng Nam Bộ, Trung tâm Chất lượng NLTS Vùng V, Cục An ninh Kinh tế NL Ngư nghiệp kết hợp cùng Cơ quan Công an địa phương đột xuất kiểm tra Công ty TNHH Chế biến Xuất nhập khẩu Thủy sản Quốc Ái (Cty Quốc Ái). Thu giữ hàng chục kg tôm tạp chất và nhiều thùng tạp chất (Agar).

Tháp tùng cùng đoàn, chúng tôi ghi nhận sự bất hợp tác của đơn vị này. Khoảng 18h30 đoàn tiến hành kiểm tra trụ sở Cty Quốc Ái (ấp Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, Cà Mau). Cty này không hợp tác với đoàn kiểm tra, không cho đoàn liên ngành vào làm việc, lực lượng công an phải tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để tiến hành kiểm tra.

Khi cơ quan chức năng vào được bên trong. Nhân viên Cty tiến hành đóng cửa xưởng sản xuất. Các cán bộ công an đã nhanh tay ngăn lại. Tại nhà xưởng thứ nhất, cơ quan chức năng thu giữ 1 thùng lớn tôm tạp chất và phát hiện nhân viên Cty đang tiến hành tẩu tán tạp chất. Tại hiện trường, vẫn còn 6 thùng Agar và nhiều dấu vết agar vương vãi được ghi nhận.

Ngay sau đó Cty này gặp “sự cố” cúp điện khi đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra nhà xưởng thứ 2. Sau thời gian đấu tranh khoảng 1 tiếng, điện được mở lại, đoàn liên ngành kịp bắt quả tang 1 rổ tôm có tạp chất đang được mang đi tẩu tán.

Theo nhận định của ngành chức năng, trong thời gian bị cúp điện, một số lượng lớn agar và tôm tạp chất đã bị tẩu tán. Không lâu sau Cty này lại bị cúp điện lần thứ 2. Tiếp theo hơi ga bị xì ra (theo quản lý của Cty đây là một “sự cố”), gây khó khăn cho cơ quan chức trong việc bảo về hiện trường. Nhân lúc này, các công nhân của Cty đã tìm đủ mọi cách mang những thùng agar đi tẩu tán nhưng bị lực lượng chức năng ngăn cản.

Trong suốt khoảng thời gian trên, Đoàn liên ngành đã liên lạc với chủ Cty Quốc Ái để làm việc nhưng không được và đơn vị này cũng không cử người tiếp đoàn. Đến khoảng 21 giờ, ông Hồ Văn Tường, Phó GĐ Cty Quốc Ái mới có mặt, đại diện đơn vị làm việc với cơ quan chức năng. Ông Tường thống nhất ký vào biên bản làm việc.

Trưởng đoàn Nguyễn Đình Thụ, Giám đốc Cơ quan Chất lượng Nam bộ cho biết: Tại hiện trường thu được hơn 70 kg tôm có tạp chất; khoảng 120 kg tạp chất (agar); 15 bộ xi lanh, kim tiêm và 6 thiết bị bơm tạp chất khác. Đoàn kiểm tra đã tiến hành niêm phong tôm tạp chất và hiện vật thu được, giao Cty lưu dữ. Vụ việc trên sẽ bàn giao cho cơ quan chức năng địa phương xử lý.(NNVN)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục