tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 21-08-2016

  • Cập nhật : 21/08/2016

Dự án sân bay Long Thành: Mỗi hộ dân được cấp 100-250 m2 đất

Hiện Đồng Nai đã quy hoạch hai khu tái định cư gồm Lộc An - Bình Sơn(trên 282 ha) và Bình Sơn (282 ha). Vị trí hai khu tái định cư nằm phíabắc của cảng hàng không quốc tế Long Thành, tiếp giáp trục đường chính.

Ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, cho biết khi trả lời TTXVN ngày 19-8.

Cả hai khu tái định cư đã cơ bản hoàn thành hồ sơ, thủ tục, chỉ chờ bố trí vốn là xây dựng. Việc phân chia đất cho người dân ở khu tái định cư tỉnh Đồng Nai cũng đã được tính toán kỹ. Theo đó, những hộ ở phía trong, mỗi hộ sẽ được cấp 250 m2 đất vừa xây nhà ở vừa có thể trồng cây, chăn nuôi nhỏ. Những người có nhu cầu buôn bán sẽ được tỉnh bố trí gần mặt đường, mỗi hộ được cấp 100 m2. Kinh phí xây dựng hai khu tái định cư khoảng 5.000 tỉ đồng.

Tỉnh Đồng Nai cũng đang triển khai xây dựng hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt để phục vụ cảng hàng không quốc tế Long Thành. Được biết để xây sân bay, Nhà nước sẽ thu hồi 5.000 ha đất, có trên 4.700 hộ dân với gần 15.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng.(PLO)


Khởi tố nguyên Giám đốc Cảng vụ Đà Nẵng

Viện Kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng vừa phê chuyển quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Sáu, nguyên Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa Đà Nẵng.

Ông Lê Sáu bị khởi tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ chìm tàu Thảo Vân 2 , theo khoản 2 điều 285 Bộ luật Hình sự.

Theo điều tra ban đầu, trong khoảng thời gian còn giữ chức vụ Giám đốc cảng vụ đường thủy nội địa Đà Nẵng, ông Sáu đã thiếu trách nhiệm, quản lý lỏng lẻo dẫn đến việc tàu Thảo Vân 2 dù không đủ điều kiện hoạt động chở khách du lịch, chở quá số người quy định vẫn được phép rời cảng. Hậu quả, tàu Thảo Vân 2 bị lật chìm trong đêm 4/6, khiến 3 người bị thiệt mạng, nhiều người khác bị thương, phải nhập viện điều trị.

Trước đó, Hội đồng kỷ luật của UBND TP Đà Nẵng đã họp thống nhất cách chức Giám đốc Cảng vụ Đà Nẵng đối với ông Lê Sáu.

Liên quan đến vụ lật tàu Thảo Vân 2, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố và bắt tạm giam Lê Công Chí - thuyền trưởng tàu Thảo Vân 2, ông Võ Quốc Hùng - chủ tàu Thảo Vân 2 và ông Nguyễn Ngọc Quân là người trực tiếp bán vé, hướng dẫn và giới thiệu khách lên tàu Thảo Vân 2.(VTV)


Office-tel sẽ ảnh hưởng đến thị trường văn phòng truyền thống

Căn hộ văn phòng (office-tel, loại căn hộ vừa để làm việc vừa để ở) đang nổi lên như kênh đầu tư mới và nhận được nhiều quan tâm trong thời gian qua tại TP. HCM.

“Tuy nhiên, sẽ có một vài ẩn số liên quan đến các tác động của mô hình này đến thị trường BĐS cho đến khi các cấu trúc pháp lý đáng tin cậy được hình thành", ông Alex Crane, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Bất động sản Thương mại Cushman & Wakefield tại Việt Nam cho biết.

Theo ông, rõ ràng là mô hình này được thiết kế chủ yếu để sử dụng với chức năng văn phòng, nhưng vẫn có thể ở được như một căn hộ. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có quy định cụ thể về quyền sở hữu và sử dụng căn hộ giữa mục đích làm việc và lưu trú, các quy định về việc sở hữu căn hộ office-tel đối với người nước ngoài.

Sự phát triển mô hình này sẽ tạo ra một số thay đổi cho phân khúc văn phòng cho thuê truyền thống và căn hộ bán.

Còn theo ông Võ Văn Hữu Phước, Giám đốc Bộ phận Định giá & Nghiên cứu của Cushman & Wakefield Việt Nam, office-tel cung cấp các tiện ích văn phòng tiêu chuẩn như lối vào riêng, sảnh lễ tân, khu vực bảng tên công ty, hệ thống thang máy dành riêng cho khách văn phòng, hệ thống viễn thông cũng như an ninh và quản lý chuyên nghiệp.

“Diện tích nhỏ của office-tel thu hút các doanh nghiệp nhỏ, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp, cũng như các doanh nhân nước ngoài muốn mở công ty tại Việt Nam cùng với nhu cầu lưu trú có thời hạn tại đây. Rõ ràng xu hướng này ảnh hưởng đến nguồn cầu văn phòng cho thuê truyền thống,” ông Phước nói.

Thêm vào đó, tổng giá trị của một căn office-tel thường thấp hơn so với các căn hộ truyền thống do diện tích nhỏ (40 – 50m2), và vẫn được tiếp cận các tiện ích sinh hoạt chung của khu căn hộ gây ảnh hưởng đến nguồn cầu căn hộ bán.

Hạn chế của office-tel là không gian sinh hoạt có giới hạn và phải chia sẻ, tối ưu hóa với không gian làm việc. Ngoài ra, khách mua không được sở hữu vĩnh viễn căn hộ.

Đối với chủ đầu tư, hình thức office-tel được cho là đem lại lợi nhuận tốt hơn so với việc phát triển văn phòng cho thuê truyển thống, giúp dòng tiền quay vòng nhanh hơn. Vì vậy nhiều chủ đầu tư trong nước phát triển office-tel trong các dự án căn hộ như Novaland (RiverGate, The Tresor, Lexington Residence, Orchard Garden), Sacomreal (Charmington La Pointe), Hưng Thịnh (Florita), Vingroup.

“Mặt khác mô hình này cũng sẽ tác động đến nguồn cung bất động sản thương mại hoặc văn phòng trong tương lai. Nếu một nhà đầu tư chuyển hướng từ phát triển dự án văn phòng truyền thống sang mô hình này, họ có thể bán với giá nhà ở; loại hình đầu tư này mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với không gian văn phòng truyền thống, từ đó làm ảnh hưởng đến số lượng văn phòng truyền thống cung cấp cho thị trường,” ông Crane nói.

Tuy nhiên, không phải dự án căn hộ nào cũng phù hợp để phát triển office-tel. Chỉ những dự án có vị trí tốt, gần trung tâm, khu kinh doanh và thuận lợi về giao thông.

Cushman & Wakefield cho rằng nên hạn chế sự phát triển của mô hình office-tel ở khu vực ngoài trung tâm, vì khu vực này thích hợp cho các văn phòng quy mô lớn, cần thiết cho các công ty tạo ra nhiều việc làm hơn.

Theo đó, việc phát triển đúng mô hình office-tel có thể giảm bớt một phần số lượng các nhà phát triển xây dựng văn phòng hoặc khu bán lẻ với mục đích đầu cơ, thị trường không phải luôn luôn có nhu cầu đối với những sản phẩm này.

Chuyển đổi chúng thành các văn phòng diện tích nhỏ hơn để trở nên khả thi để mua hoặc thuê bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nhân khởi nghiệp là một bổ sung tuyệt vời cho nền kinh tế địa phương và xã hội cũng như tránh việc có các diện tích bị bỏ trống, không sử dụng tại các dự án lớn trong khu vực ngoài trung tâm như đã thấy trước đây.(CafeF)


"Ngoài cắt cỏ, cần xem Hà Nội còn lãng phí gì nữa không?"

Đại biểu Quốc hội khóa 13 Bùi Thị An đặt câu hỏi: Tại sao những năm qua Hà Nội không công khai số tiền cắt cỏ đó? Ngoài chuyện cắt cỏ thì cần phải xem Hà Nội còn lãng phí gì nữa không?

Trao đổi với chúng tôi, đại biểu Quốc hội khóa 13 Bùi Thị An, nguyên đại biểu HĐND thành phố Hà Nội cho biết, số tiền 53 tỷ chi cho việc chăm sóc, cắt cỏ ở đại lộ Thăng Long là chuyện mà bản thân bà và cả những người công nhân cắt cỏ cũng thấy hết sức lạ lùng.

Bà An nói: 53 tỷ cho 24 km trong một năm thì tôi không thể tưởng tượng được. Phải làm sao để vẫn tỉa được cây, cắt được cỏ, Thành phố vẫn xanh sạch đẹp nhưng phải chi hợp lý. Hãy tính xem 1 km có bao nhiêu cây, những loại cây gì, bao nhiêu nhân công, thiết bị là gì..., đều có thể tính được xem thực chi bao nhiêu, trội chi bao nhiêu, để xem trong những năm qua Hà Nội đã lãng phí bao nhiêu tỷ rồi? tại sao lại như vậy? nguyên nhân là gì? Do quản lý lỏng lẻo hay do cố tình, có để độc quyền không? có qua đấu thầu, từng hạng mục có kiểm duyệt kỹ không hay là để đội giá lên?... lúc đó sẽ quy được trách nhiệm, mới triệt tiêu việc chi ngân sách vô tội vạ.

Cần phải xem cách thức quản lý của các thành phố khác như thế nào. Thật là kỳ lạ. 53 tỷ làm được rất nhiều việc có ích, chẳng hạn như cầu ở Hà Nội còn đang thiếu, hay trạm y tế..., nhiều thứ cần thiết, cấp bách hơn. Cần phải xem lại cách tính toán xử lý.

Cũng may Chủ tịch Nguyễn Đức Chung phát hiện ra, nếu không thì không biết việc này sẽ còn tiếp diễn đến bao giờ nữa? Bây giờ, nhân chuyện cỏ này, phải xem lại trong tổng thể quản lý đô thị của Thành phố có những vấn đề gì nữa không để chấn chỉnh, tiết kiệm cho nhà nước, tiết kiệm cho dân.

Nhiều tỉnh nghèo, thu ngân sách mỗi năm cũng chỉ 800 tỷ thì Hà Nội chi phí như vậy là quá lớn. Dù Hà Nội có thuận lợi hơn, thu của Hà Nội bao giờ cũng tốt hơn, nhưng dù sao đó cũng là nguồn thu từ tiền đóng thuế của dân nên phải xem lại, để tiền đó chi vào những việc khác thiết thực hơn cho Thủ đô vì Thủ đô còn nhiều việc khác cần đến tiền hơn.

- Thưa bà, tiền thu ngân sách của Thành phố do thu thuế, do bán đất, cho thuê đất và được cho phép giữ lại một phần để tự chi. Vậy, về luật, Thành phố có quyền tự quyết định đem tiền đó để cắt cỏ, thay gạch vỉa hè hay làm bất cứ việc gì không?

Bà Bùi Thị An: Luật cho phép địa phương được thu ngân sách và phần giữ lại được phép tự chi, nhưng phải chi đúng luật, không thể chi lấy được! Phải chi hợp lý, đúng với quy hoạch, đầu mục, loại cây mà thành phố quy định... Phải tiết kiệm đến mức tối đa vì đó là tiền thuế của dân. Tiền bán đất cũng là tài sản của dân. "Anh" chỉ được tự quyết trong sự hợp lý, trong sự phát triển bền vững của địa phương mình, nếu không thì gay. Tiền cá nhân thì khác.

- Với con số mà bà cho là quá “lạ lùng” đó, theo bà có nên thanh kiểm tra lại toàn bộ vấn đề này hay không?

Tôi cho là phải xem lại toàn bộ, nếu có sự chênh lệch thì phải có thanh kiểm tra lại cho rõ ràng, vì tiền là tiền của dân, trong khi đó mức chi tiêu cho hoạt động cắt cỏ như vậy là rất bất hợp lý. Trong 1 năm 53 tỷ trong 24 km nghĩa là mất hơn 2 tỷ 1km. Họ đã làm cái gì với con số đó? Không thể để tiền rơi qua những lỗ hổng này nữa.

Trước hết, Chủ tịch Thành phố cho dừng lại là đúng, nhưng tôi đề nghị cần xem tiếp xem còn những cái khác lãng phí, bất hợp lý không. Thủ đô cũng nên đi đầu trong việc chống lãng phí.

- Nhiều người đang đặt ra câu hỏi, tại sao hàng năm Thành phố chi một số tiền lớn một cách bất hợp lý như vậy mà suốt bao nhiêu năm, bây giờ người dân mới biết. Vậy, về vấn đề công khai minh bạch tài chính, theo bà như vậy có vi phạm luật không?

Đúng là bao nhiêu năm không công khai nên bây giờ cần phải xem lại vì sao không công khai? Do cấp trên không thúc giục họ không công khai hay có lý do gì? Chính vì không công khai minh bạch mới dẫn đến chuyện đó. Công khai, nhưng phải minh bạch từ tiêu chí, đấu thầu, ai đấu thầu, ai nhận thầu... để dân giám sát.

- Bà đánh giá như thế nào về chức năng giám sát của HĐND Thành phố?

Giám sát của HĐND là rất cần, nhưng trong những năm qua, có thể chưa ai nghĩ số tiền cắt cỏ lại tiêu tốn đến như vậy, mà chắc họ cũng chưa bao giờ nghe báo cáo. Thường thì những cái đó nó ẩn trong chi tiêu chung nên mọi người không chú ý. Đề nghị tới đây trong việc rà soát chi tiêu ngân sách phải rõ ràng từng hạng mục cụ thể. Tôi tin rằng khóa HĐND lần này sẽ làm tốt việc đó.(Vnmedia)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục