tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh tối 19-01-2016

  • Cập nhật : 19/01/2016

Tiền đóng BHXH của người dân đang được đổ vào đâu?

Tổng đầu tư của quỹ này đến cuối năm 2014 đạt khoảng 369 ngàn tỷ, tăng hơn 82 ngàn tỷ so với năm 2013.

Với một quỹ có nguồn thu khoảng 7 tỷ USD mỗi năm, lấy từ 26% tổng quỹ lương toàn xã hội, BHXH chắc chắn không phải là một quỹ nhỏ.

Tuy nhiên, đôi khi chúng ta - những người trích một tỉ lệ không nhỏ tiền lương để đóng bảo hiểm, chắc chắn cũng sẽ có lúc thắc mắc số tiền mình gửi vào quỹ đang được đầu tư, quản lý như thế nào, chi tiêu ra sao, có đảm bảo an toàn hay không,...

Đặc biệt, liệu quỹ BHXH có trả được đủ tiền cho tôi sau mấy chục năm trời tôi đóng góp không, đặc biệt là khi các chuyên gia dự báo quỹ BHXH có thể vỡ trong vài năm nữa.

Trong vai trò là một quỹ, BHXH cũng có chức năng mang tiền đi đầu tư. Và số liệu dưới đây cho thấy các khoản đầu tư của quỹ này đang càng ngày càng lãi.

Có thể thấy, số dư đầu tư của BHXH qua các năm càng ngày càng lớn. Tính đến hết năm 2014, số dư đầu tư của quỹ BHXH đạt 369,5 nghìn tỉ đồng. Tăng trưởng gần 4,5 lần chỉ trong vòng 6 năm.

Vậy quỹ BHXH đầu tư vào đâu?

Quỹ BHXH đầu tư vào 3 lĩnh vực chính: Cho Ngân sách Nhà nướcvay, Mua trái phiếu chính phủ và cho Ngân hàng thương mại vay. 3 khoản này chiếm tỉ trọng trên 90% tổng đầu tư của quỹ này vào cuối năm 2014.

Trong đó, đa phần tiền đầu tư là cho Ngân sách Nhà nước vay. Tỉ trọng ngày đang chiếm càng ngày càng lớn trong những năm gần đây.

Nếu trong năm 2008, đa phần tiền đầu tư của quỹ BHXH mang cho các ngân hàng thương mại vay, sau đó là mua trái phiếu Chính phủ và rất ít là cho ngân sách vay thì những năm gần đây, diễn biến đang đi ngược lại.

Theo đó, trong vòng 6 năm, từ việc quỹ BHXH chỉ cho Ngân sách vay khoảng 10% quỹ đầu tư (khoảng 8.000 tỉ đồng) vào năm 2008 thì tới năm 2014, con số này đã là 274.000 tỉ đồng, tương ứng với 74% số đầu tư của BHXH. Trái lại, phần cho NHTM vay ngày càng ít đi.

Ông Bùi Sỹ Lợi, phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về xã hội từng đánh giá, chủ trương cho vay đầu tư là theo luật định và có sự chỉ đạo của Hội đồng quản lý quỹ, tuy nhiên tỉ lệ cho ngân sách vay và mua trái phiếu Chính phủ chiếm hơn 70% là chưa thật hợp lý. Nguyên do vì lãi suất cho ngân sách nhà nước vay sẽ thấp hơn so với đầu tư cho ngân hàng thương mại và các hình thức đầu tư khác.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, những khoản đầu tư này đều đang sinh lời. Riêng năm 2014, ước số lãi thu được từ đầu tư của Quỹ BHXH lên đến 25.550 tỉ đồng. Trong đó, lãi từ ngân sách nhà nước trả là 17.200 tỉ đồng, lãi trái phiếu chính phủ là 3.988 tỉ đồng, lãi cho các ngân hàng vay là 3.061 tỉ đồng.

Theo luật BHXH, các hình thức đầu tư của quỹ BHXH được cho phép theo Luật BHXH là: mua trái phiếu Chính phủ; gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các NHTM và cho NSNN vay.

Tại dự thảo luận BHXH sửa đổi gần nhất, cơ quan này đề xuất được bổ sung nghiệp vụ ủy thác đầu tư vào các hình thức đầu tư của quỹ BHXH. Tuy nhiên đề xuất không được Quốc hội thông qua.


Khởi tố Hạt trưởng kiểm lâm bị tố vòi tiền 'chung chi'

hat kiem lam huyen dien chau, nghe an - anh: nghia dan

Hạt kiểm lâm huyện Diễn Châu, Nghệ An - Ảnh: Nghĩa Đàn


Ngày 18.1, Công an tỉnh Nghệ An đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Diễn Châu để làm rõ về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Diễn Châu bị khởi tố là ông Nguyễn Trọng Lễ. Hiện ông Lễ được cho tại ngoại, bị cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ điều tra.
Theo trung tá Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46 - Công an tỉnh Nghệ An), ông Lễ là bị can thứ ba bị khởi tố vì có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến vụ việc công dân tố cán bộ vòi tiền “chung chi”. Trước đó, ngày 18.11.2015, Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Nguyễn Hữu Dương (Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Diễn Châu) và ông Hồ Xuân Tục (cán bộ pháp chế Hạt kiểm lâm huyện Diễn Châu) để điều tra về hành vi trên.
Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 1.9.2015, bà Nguyễn Thị Thắm (41 tuổi, ngụ xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) gửi đơn tố cáo hành vi vòi tiền “chung chi” của một số cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Diễn Châu đến các cơ quan chức năng tại Nghệ An.

Phá đường dây ma túy đá "khủng" từ Trung Quốc

Cơ quan công an đã thu giữ số ma túy đá "khủng" 18,5kg trong đường dây buôn bán ma túy từ Trung Quốc về TP.HCM do Đỗ Thái Dũng cầm đầu.

Ngày 18-1, phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) Công an TP.HCM cho biết vừa phối hợp Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47) Bộ Công an bắt 7 đối tượng trong đường dây vận chuyển ma túy từ Trung Quốc về TP.HCM.

Đường dây do Đỗ Thái Dũng (25 tuổi, quê Hải Phòng) cầm đầu. Công an đã thu giữ tang vật gồm 18,5kg ma túy đá, 99 viên thuốc lắc, 120gram heroin và gần 600 triệu đồng.

Theo cơ quan điều tra, do có quen biết từ trước nên Dũng móc nối với Đỗ Quang Hưng (36 tuổi), Vương Duy Hiển (37 tuổi, cùng quê Hưng Yên) thiết lập đường dây phân phối ma túy.

Sau khi tuồn ma túy trót lọt từ Trung Quốc về Việt Nam, Dũng giao cho Hưng vận chuyển vào TP.HCM phân phối cho các mối hàng.

Đầu năm 2016, thông qua mối quan hệ quen biết Dũng thu nạp thêm Võ Xuân Tú (58 tuổi, quê Hà Nội) vào đường dây buôn ma túy này.

Chuyến hàng đầu tiên, Dũng hướng dẫn Tú đến Hải Phòng nhận một valy chứa ma túy cùng 10 triệu đồng mang vào TP.HCM phân phối.

Chiều 9-1, khi Tú và Dũng vừa kết thúc giao dịch tại một khách sạn trên đường Tôn Thất Tùng (Q.1) thì bị trinh sát C47 bắt giữ. Cùng ngày, khi Hiển và Hưng vận chuyển ma túy vào TP.HCM và đang chuẩn bị giao dịch với một đầu mối ở Q.Tân Bình thì cũng bị bắt.

Cơ quan công an đang tiếp tục điều tra vụ án này.


Bắt tạm giam kẻ lừa đảo giả danh công an

nguyen hoang hon - anh do co quan cong an cung cap

Nguyễn Hoàng Hôn - Ảnh do cơ quan công an cung cấp


Chiều 18.1, Cơ quan CSĐT công an Q.Ninh Kiều,TP.Cần Thơ đã ký quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam Nguyễn Hoàng Hôn ( 27 tuổi), ngụ xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Cơ quan điều tra, thời gian từ 2007 - 2009, Hôn từng làm công an xã, sau đó bị kỷ luật cho nghỉ việc. Do không có việc làm ổn định nên Hôn thường lên mạng xã hội Zalo để chát làm quen với nhiều phụ nữ nhằm mục đích lừa đảo.
Tháng 12.2015, qua mạng Zalo, Hôn quen với chị T.T.D là nhân viên tại một cơ sở thẩm mỹ trên đường CMT8 (P.An Hòa,Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Trong những lần “chát”, Hôn tự giới thiệu tên là Thành, hiện là “cán bộ công an’’, nên được chị D tin tưởng. Ngày 30.12.2015, cơ sở thẩm mỹ của chị Dung có tổ chức tất niên nên chị D có mời Hôn cùng tham dự. Sau khi ăn uống xong, bạn bè chị D. đề nghị mọi người đi hát karaoke.
Vờ là phải "phá án gấp", Hôn lừa lấy điện thoại và xe máy mà chị D. đang đi, sau đó chạy xe thẳng về TP.Cà Mau thuê phòng trọ nghỉ. Sáng hôm sau Hôn đem điện thoại đi cầm được 3 triệu đồng,  rồi chạy về nhà người bạn tại ấp 6, xã Khánh Hòa, huyện U Minh chơi. Tại đây Hôn tiếp tục định lừa đảo nên giới thiệu với gia đình người bạn là đang công tác tại Bộ Công an. Do nghi ngờ, gia đình người bạn trình báo với công an địa phương.
Khi được công an mời lên làm việc, Hôn khai nhận chiếc xe đang sử dụng là do mới lừa lấy được ở  Cần Thơ. 
Bước đầu, qua điều tra, Công an quận Ninh Kiều xác định bằng thủ đoạn giả danh công an, ngoài vụ lừa đảo trên, Hôn còn thực hiện nhiều vụ khác tại các tỉnh ĐBSCL.

245 cán bộ nguồn ở Hà Nội về làm việc tại các xã, phường

UBND thành phố Hà Nội vừa có quyết định phân công 245 công chức nguồn của thành phố về làm việc tại các xã, phường, thị thấn.

Đây là những công chức đã vượt qua kỳ thi tốt nghiệp kết hợp thi tuyển công chức nguồn làm việc tại xã, phường, thị trấn thuộc thành phố năm 2015 đối với 258 học viên.

Cụ thể: 245 học viên đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp, trúng tuyển và được tuyển dụng vào công chức xã, thị trấn thuộc thành phố; 13 học viên chưa đủ điều kiện tốt nghiệp và chưa được tuyển dụng.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ Hà Nội, 245 công chức này đều là những người có độ tuổi rất trẻ, đã vượt qua chương trình đào tạo của thành phố trước khi được phân công về làm việc tại các xã, phường, thị trấn.

Nhiều trường hợp vừa tốt nghiệp đại học nhưng cũng có nhiều trường hợp đã có bằng thạc sĩ. Đồng thời, nguồn tốt nghiệp của các công chức này rất đa dạng, chủ yếu có chuyên ngành đào tạo về quản lý đất đai, kiến trúc, xây dựng, quản trị tài chính-kế toàn, luật học và văn hóa.

Trước mắt, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Nội vụ hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã quyết định tuyển dụng, tiếp nhận số lượng công chức nguồn kể trên, phân công công việc theo đúng quy định.

Chánh văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Tài chính, Nội vụ, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã liên quan và các cá nhân có tên chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Cũng theo UBND thành phố, sau quá trình làm việc tại các xã, phường, thị trấn, những công chức nguồn kể trên sẽ được cất nhắc về các cơ quan của quận, huyện và các sở ngành.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục