tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh tối 03-03-2016

  • Cập nhật : 03/03/2016

Đường 12 làn của Dubai mất 4 triệu USD/km, dùng 50 năm còn đường Việt Nam mất 20 triệu USD/km, dùng 2 năm

duong 12 lan cua dubai mat 4 trieu usd/km, dung 50 nam con duong viet nam mat 20 trieu usd/km, dung 2 nam

Đường 12 làn của Dubai mất 4 triệu USD/km, dùng 50 năm còn đường Việt Nam mất 20 triệu USD/km, dùng 2 năm


“Một con đường đẹp như mơ của Dubai với 12 làn xe có chi phí xây đường là 4 triệu USD/km, dùng trong 50 năm. Còn ở Việt Nam, chi phí xây đường trung bình là hơn 20 triệu USD/km, dùng trong 2 năm, thử hỏi làm sao phát triển được”.

Nói về cơ hội và thách thức của hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) tới Việt Nam, ông Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) đã kể lại một câu chuyện đón đoàn đại biểu Việt Nam trước khi kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ vào năm 2011.

Ông Khai đã giới thiệu với đoàn đại biểu do nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc làm trưởng đoàn 2 địa điểm.

Thứ nhất, con đường xuyên Emirates - một đại lộ với 12 làn xe (mỗi bên 6 làn) đẹp như mơ, không hạn chế tốc độ, chi phí xây dựng tiêu tốn 4 triệu USD cho 1 km đường.

Vậy mà ở Việt Nam, chi phí xây đường trung bình gấp 5 lần con số trên, tới 20 triệu USD/km.

“Tuổi thọ đường của Dubai là 50 năm, còn đường Việt Nam chạy xe 2 năm đã hỏng. Như vậy làm sao Việt Nam phát triển được?”, nguyên Đại sứ Khai đặt câu hỏi.

Điểm thứ 2 ông Khai đưa đoàn đến là Bộ Ngoại giao của UAE – một khu vực gồm 6 villas, rất thưa người. Bộ trưởng của họ cởi mở và sẵn sàng tiếp khách.

“Trong khi đó, Bộ của mình to ra sao? Có bao nhiêu người?”, ông Khai tiếp tục đặt dấu hỏi.

“TPP không phải cây gậy thần. Dubai không có TPP, không có FTA… và họ là thành phố số 1 thế giới. Ngoài mức thuế hải quan 5%, doanh nghiệp không phải chịu một loại thuế gì”.

“Doanh nghiệp muốn vào Dubai, visa tự do. Doanh nghiệp muốn vào Việt Nam thì sao? Phải xin visa hết 7 ngày, thì ai vào?”

Dubai là một mẫu hình rất nhiều điều đáng học, TS. Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định.Ông Thành cho rằng, Việt Nam cần tự thân vận động, phải tự tin, học hỏi và kết nối để tận dụng được cơ hội và vượt qua những thách thức do TPP mang lại.


Danh sách 30 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 ở Hà Nội

Ủy ban bầu cử TP Hà Nội công bố danh sách các đơn vị, số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Theo đó, số đơn vị bầu cử gồm 30 đơn vị. Số đại biểu được bầu: 105 đại biểu.

Danh sách các đơn vị bầu cử và số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị như sau:

Đơn vị bầu cử số 1 – quận Ba Đình; số đại biểu được bầu: 3 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 2 – quận Hoàn Kiếm; số đại biểu được bầu: 3 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 3 – quận Đống Đa; số đại biểu được bầu: 5 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 4 – quận Hai Bà Trưng; số đại biểu được bầu: 4 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 5 – quận Tây Hồ; số đại biểu được bầu: 3 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 6 – quận Cầu Giấy; số đại biểu được bầu: 4 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 7 – quận Thanh Xuân; số đại biểu được bầu: 4 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 8 – quận Hoàng Mai; số đại biểu được bầu: 4 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 9 – quận Long Biên; số đại biểu được bầu: 4 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 10 – quận Hà Đông; số đại biểu được bầu: 4 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 11 – quận Bắc Từ Liêm; số đại biểu được bầu: 4 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 12 – quận Nam Từ Liêm; số đại biểu được bầu: 3 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 13 – huyện Chương Mỹ; số đại biểu được bầu: 4 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 14 – huyện Thanh Oai; số đại biểu được bầu: 3 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 15 – huyện Ứng Hòa; số đại biểu được bầu: 3 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 16 – huyện Mỹ Đức; số đại biểu được bầu: 3 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 17 – huyện Phú Xuyên; số đại biểu được bầu: 3 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 18 – huyện Thường Tín; số đại biểu được bầu: 3 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 19 – huyện Thanh Trì; số đại biểu được bầu: 3 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 20 – huyện Gia Lâm; số đại biểu được bầu: 4 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 21 – huyện Đông Anh; số đại biểu được bầu: 5 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 22 – huyện Mê Linh; số đại biểu được bầu: 3 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 23 – huyện Sóc Sơn; số đại biểu được bầu: 4 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 24 – huyện Hoài Đức; số đại biểu được bầu: 3 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 25 – huyện Đan Phượng; số đại biểu được bầu: 3 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 26 – huyện Quốc Oai; số đại biểu được bầu: 3 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 27 – huyện Thạch Thất; số đại biểu được bầu: 3 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 28 – huyện Phúc Thọ; số đại biểu được bầu: 3 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 29 – thị xã Sơn Tây; số đại biểu được bầu: 3 đại biểu.

Đơn vị bầu cử số 30 – huyện Ba Vì; số đại biểu được bầu: 4 đại biểu.


Hết gói 30 nghìn tỷ, người nghèo vay tiền ở đâu mua nhà?

het goi 30 nghin ty, nguoi ngheo vay tien o dau mua nha?

Hết gói 30 nghìn tỷ, người nghèo vay tiền ở đâu mua nhà?


Thời gian qua, gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng đã thực sự trở thành “cứu cánh”, biến giấc mơ an cư của hàng nghìn người thu nhập thấp trở thành hiện thực. Thời hạn giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng sắp đóng lại (dự kiến tháng 6 năm nay), trong khi vẫn chưa có gói tín dụng tương tự nào ra đời khiến nhiều người thu nhập thấp lo lắng.

Những ngày này, chị Vũ Thanh Hoa (quận Long Biên, Hà Nội) đang tất bật làm nốt những thủ tục cuối cùng để vay gói 30 nghìn tỷ đồng mua nhà ở xã hội (NƠXH). Chị Hoa lo lắng: “Hồ sơ của mình đã hoàn thiện, đang chờ các cơ quan chức năng xem xét. Mình hy vọng sẽ xong sớm để còn có thể vay gói 30 nghìn tỷ đồng trước khi gói tín dụng này đóng lại. Nếu không được ngân hàng giải ngân, một mình mình không thể đủ tiền mua nhà”.

Nhưng không phải ai cũng được may mắn như chị Hoa - chỉ chờ hoàn thiện thủ tục là được vay tiền. Nhiều người vẫn chưa tiếp cận được với gói tín dụng này bởi các lý do khác nhau. Anh Vũ Văn Hùng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Mình đã làm hồ sơ mua NƠXH nhưng không đủ điểm nên chưa được mua. Với giá nhà ở thương mại cao như hiện nay, nếu không mua NƠXH thì mình không thể nào mua được nhà.

Hiện mình đang chờ xem thời gian tới có dự án nào khởi công không để mình tiếp tục nộp hồ sơ. Tuy nhiên, điều mình lo lắng nhất là tháng 6 tới, gói tín dụng này sẽ đóng lại. Trong khi đó, vẫn chưa có gói tương tự nào triển khai. Nếu không được vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi và thời gian dài như gói 30 nghìn tỷ, những người làm công ăn lương như mình không thể nào mua được nhà”.

Anh Hùng cũng không phải là người duy nhất có tâm trạng lo lắng như vậy. Rất nhiều người có nhu cầu khác cũng đang băn khoăn, mong ngóng về một gói tín dụng tương tự sẽ hình thành.

Không chỉ có người mua nhà, DN BĐS đầu tư vào phân khúc NƠXH cũng cùng chung tâm trạng như vậy. Đại diện Cty Địa ốc Hoàng Quân (TP.HCM) cho biết: “Với tốc độ giải ngân như hiện nay, thì gói 30 nghìn tỷ đã sắp hết. Khi chúng tôi tiếp cận các ngân hàng, hỏi xem sau khi gói này hết thì như thế nào nhưng các ngân hàng cũng rất lúng túng. Chúng tôi mong là sẽ sớm có gói tín dụng tương tự để không chỉ DN mà người mua nhà đều có thể được vay tiền từ gói này”.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu cũng đã bày tỏ lo ngại về việc hết gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, sẽ không còn gói nào hỗ trợ cho người thu nhập thấp mua nhà, trong khi nhu cầu vẫn còn rất lớn.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã khẳng định: “Không như nhiều đại biểu lo ngại, trong Luật Nhà ở đã ghi rất rõ: Nhà nước có chính sách để hỗ trợ trực tiếp cho những DN tham gia xây dựng NƠXH, và người dân mua NƠXH được vay nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. NHNN sẽ chỉ định các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện công việc này”.

“Như vậy thì việc hỗ trợ cho người dân để vay mua nhà với lãi suất thấp là công việc lâu dài chứ ko chỉ có gói 30 nghìn tỷ. Đây là gói mà trong lúc thị trường BĐS khó khăn Chính phủ có giải pháp hỗ trợ. Nhưng hết gói này sẽ có chương trình dài hạn cho người dân vay với lãi suất thấp để cải thiện nhà ở”, Bộ trưởng khẳng định.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến cuối năm 2015, số tiền mà các ngân hàng cam kết cho vay gói 30 nghìn tỷ đã lên tới 27 nghìn tỷ đồng (chiếm 90% gói tín dụng), trong đó số tiền đã giải ngân là gần 18 nghìn tỷ đồng (đạt 59%).

Như vậy, lượng tiền từ gói 30 nghìn tỷ chỉ còn không đáng kể. Dư luận và đặc biệt là người thu nhập thấp đang mong muốn, Chính phủ và các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm có một gói tín dụng tương tự như gói 30 nghìn tỷ đồng trong thời gian sớm nhất, để giấc mơ an cư của người thu nhập thấp sớm trở thành hiện thực.


Dự kiến các trạm thu phí sẽ được quản lý trực tuyến theo đề xuất của Tổng cục Đường bộ

du kien cac tram thu phi se duoc quan ly truc tuyen theo de xuat cua tong cuc duong bo

Dự kiến các trạm thu phí sẽ được quản lý trực tuyến theo đề xuất của Tổng cục Đường bộ


Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang lập đoàn khảo sát một số trạm thu phí và sau đó sẽ hoàn thiện tiêu chí cho việc xây dựng phần mềm quản lý các trạm thu phí trực tuyến.

Ông Đinh Cao Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, Tổng cục đang đề nghị Bộ Giao thông Vận tảicho xây dựng phần mềm để quản lý trực tuyến đối với các trạm thu phítrên toàn quốc.

Trong tháng 3, Bộ Giao thông Vận tải sẽ thành lập đoàn khảo sát tại một số trạm thu phí trên đường Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh. Ngay sau khi có kết quả khảo sát, các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoàn thiện các tiêu chí cho việc xây dựng phần mềm quản lý các trạm thu phí trực tuyến.

Ông Đinh Cao Thắng khẳng định, khi đưa phần mềm này vào hoạt động, tất cả các dữ liệu của trạm thu phí sẽ được truyền về trung tâm chỉ huy, vì vậy các đơn vị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ quản lý được tình trạng hoạt động của các trạm thu phí như công tác thu phí có diễn ra đúng quy định, quy trình hay không, công tác đảm bảo an toàn giao thông, công tác chống ùn tắc...

Cùng với việc xây dựng phần mềm quản lý trực tuyến đối với tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang chỉ đạo các đơn vị khẩn trương cho áp dụng công nghệ thu phí không dừng đối với các trạm thu phí, trước mắt là trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh để giảm ùn tắc giao thông và minh bạch trong công tác thu phí.

Trước đó, qua kiểm tra đột xuất trước Tết Nguyên đán 2016 tại trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài về công tác an toàn giao thông, thu phí, đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phát hiện hệ thống thu phí một dừng của trạm này vẫn chưa được sửa chữa, khắc phục theo tiêu chuẩn trạm thu phí một dừng. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 khẩn trương khắc phục và báo cáo kết quả trước ngày 15/3 tới.

Như vậy, có thể thấy rằng việc chậm khắc phục phần mềm hệ thống thu phí một dừng của trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài làm cho việc kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước khó khăn hơn đối với các vấn đề như tiền thu phí, việc chấp hành các quy định pháp luật...


WB tạo thuận lợi về vốn để phát triển giao thông đô thị Hà Nội

Tại cuộc họp chiều 1/3 với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Bà Victory Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đã đánh giá cao những dự án đang hợp tác thực hiện tại Việt Nam.

Đến nay, WB đang hỗ trợ cho 11 dự án tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam với tổng trị giá từ 220-250 triệu USD. Tại Hà Nội - thành phố đông dân cư, giao thông đô thị khó khăn đã tác động trực tiếp đến đời sống của người dân nên WB sẽ quan tâm hỗ trợ phát triển lĩnh vực này.

Bà Victory Kwakwa cho biết thời gian qua, WB đã hỗ trợ nhiều dự án cơ sở hạ tầng, giao thông đem lại sự thuận tiện cho người dân Thủ đô như dự án thành phần đường vành đai 2 với việc đẩy nhanh thực hiện đoạn Cầu Giấy-Bưởi-cầu Nhật Tân đi sân bay Nội Bài; phát triển xe buýt nhanh BRT...

Mặc dù vẫn còn các hạng mục thi công chậm tiến độ nhưng thành phố Hà Nội đã sớm khắc phục nhược điểm này. Vì vậy, WB đã quyết định kéo dài thời hạn giải ngân đến hết năm 2016.

Hiện WB đang rà soát, đánh giá tính hiệu quả, khả thi của các dự án để có sự đầu tư hợp lý, đúng hướng; chọn lựa dự án đầu tư trong giai đoạn tiếp theo đích ngắm là đường vành đai 3, phía Đông Nam và phía Tây Hà Nội; đoạn từ Kim Mã đi sân bay Nội Bài.

Cùng đó, Bà Victory Kwakwa lưu ý hiện tiến độ các hạng mục dự án phát triển xe buýt nhanh như nhà ga chính, bến đỗ đã tốt nhưng để vận hành tất cả các gói thầu liên quan thì Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; nhanh chóng hoàn thành các điểm dừng đỗ để tháng Sáu năm nay có thể bàn giao hệ thống xe buýt đưa vào hoạt động.

WB mong muốn nhận được sự hợp tác từ nhiều phía để các bên hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy nhanh hơn các dự án trong tương lai.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, cho biết thành phố hiện đang quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu và cơ quan chức năng vào cuộc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình. Đây là những công trình quan trọng, cấp bách nên cần được ưu tiên giải phóng mặt bằng.

Thành phố đã cho thông xe kỹ thuật và sẽ quyết tâm hoàn thành đoạn từ cầu Nhật Tân-Bưởi-Cầu Giấy trước tháng Năm tới. Đối với dự án phát triển hệ thống xe buýt nhanh, thành phố sẽ thực hiện hoàn thành sớm các điểm đỗ, cầu vượt.

Hà Nội sẽ sớm tổ chức họp với các bộ, ngành để đánh giá, rà soát lại tất cả các công việc nhằm chỉ đạo thực hiện nhanh những hạng mục cần thiết; tiếp tục đề nghị những dự án mới, ưu tiên cho phía Đông Tây thành phố và tuyến Kim Mã-Nội Bài.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng muốn phát triển giai đoạn tiếp theo thì trước tiên phải quản lý thật tốt các dự án đã và đang làm. Đây là nền tảng tạo sự động bộ, kết nối liên hoàn giao thông trọng điểm, để giảm ách tắc; trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển giao thông công cộng./.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục