tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chính quyền cấp giấy đỏ sai nhưng bắt dân gánh chịu

  • Cập nhật : 02/03/2016

(Tin kinh te)

Hàng chục hộ dân ở Đà Nẵng đang kêu trời vì bị phong tỏa giấy đỏ mà nguyên nhân là do quận Thanh Khê trước đây cấp sai luật.

ong bui ngoc huong va giay do bi phong toa. anh: le phi

Ông Bùi Ngọc Hương và giấy đỏ bị phong tỏa. Ảnh: LÊ PHI


Hàng chục hộ dân đang gửi đơn khiếu nại lên bí thư Thành ủy và chủ tịch UBND TP Đà Nẵng do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy đỏ) của họ bị phong tỏa xuất phát từ sai sót của chính quyền quận Thanh Khê.

Quận cấp giấy đỏ trái luật

Chị Đồng Thị Tỉnh (một hộ dân ở đây) bức xúc: “Đùng một cái, gia đình tôi nhận được thông báo bị phong tỏa giấy đỏ, cấm chuyển dịch hay cầm cố thế chấp. Đây là giấy đỏ tôi nhận chuyển nhượng lại, đã sang tên và làm xong nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước cả rồi. Cả khối tài sản nhà tôi vay mượn mới có, giờ không được xây dựng, cầm cố cũng không xong”.

Chị Tỉnh nói thêm: “Mới đây, gia đình tôi và 53 hộ dân khác lại nhận được thông báo muốn có giấy đỏ mới thì phải nộp thêm 30% tiền sử dụng đất. Chúng tôi không đồng tình. Vì sao lại bắt chúng tôi đóng tiền lần thứ hai?”.

Sự việc trên xuất phát từ sai phạm của lãnh đạo UBND quận Thanh Khê. Theo kết luận ngày 26-7-2012 của Sở TN&MT TP Đà Nẵng thì lãnh đạo quận Thanh Khê đã cấp trái pháp luật 54 giấy đỏ cho người dân. Đây vốn là đất nông nghiệp nhưng vào thời điểm đó quận Thanh Khê vẫn cấp giấy đỏ công nhận đất ở cho người dân.

Phải đóng thêm 30% tiền sử dụng đất!

Trước việc này, nhiều lần lãnh đạo TP đã họp bàn cách xử lý nhưng vẫn không tìm được lối ra. Đến ngày 22-9-2015, chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng đã ký thông báo kết luận cuộc họp giữa chủ tịch, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng Sở TN&MT.

Theo đó, UBND TP Đà Nẵng giao UBND quận Thanh Khê có biện pháp yêu cầu các cán bộ, công chức thuộc UBND quận, phường và 54 hộ dân nêu trên nộp bổ sung 30% tiền sử dụng đất để được cấp đổi giấy đỏ mới, nếu chậm nộp sẽ tính thu lãi suất vay ngân hàng. Đồng thời, yêu cầu UBND quận Thanh Khê phong tỏa giấy đỏ đã cấp trái pháp luật cho đến khi các hộ dân nộp đủ 30% số tiền sử dụng đất.

Tuy nhiên, cách giải quyết này khiến các hộ dân không đồng ý. Họ cho rằng trước đây đã thực hiện đủ các nghĩa vụ tài chính mới được sang tên và ra giấy đỏ. Các hộ dân bức xúc và đâm đơn khiếu kiện vì cho rằng đây là sai phạm của chính quyền quận Thanh Khê nhưng lại bắt họ gánh hậu quả.

“Như vậy là đã châm chước cho dân rồi” (?!)

Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, cho hay việc đóng thêm 30% là vì giá đất các hộ dân này nộp vào ban đầu thấp. “TP xử lý như thế là rất dung hòa. Các hộ dân này vẫn phải nộp thêm 30% vì đây là quyết định của UBND TP. Nộp xong thì hết bị phong tỏa” - ông Tĩnh nói.

Cũng theo ông Tĩnh, bây giờ không thể nào giải quyết đúng hết mọi ý kiến của người dân được. “Thực ra thì khi đó các hộ dân này thấy có giấy đỏ thì họ mua, đáng lẽ ngay từ đầu mình phải phong tỏa thì không còn bất cập đến giờ” - ông Tĩnh nói.

Ông Tĩnh cho hay những cán bộ có liên quan đều đã bị xử lý. “Chủ tịch quận trước đây cấp sai giờ đã bị chuyển công tác” - ông Tĩnh nói.

Còn ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, thì cho rằng sự việc trên cả người dân (người làm thủ tục chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở rồi bán - PV) và quận đều có sai phạm. “Người dân thừa biết là luật không cho phép UBND quận Thanh Khê cấp giấy đỏ trái luật nhưng họ vẫn đồng ý làm là đã góp phần vào cái sai của quận. Làm gì có chuyện quận có quyền chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở! Ai cho phép làm như vậy. Nếu thực hiện đúng quy định thì tất cả giấy đỏ đó phải bị thu hồi và hủy bỏ. Nhưng làm vậy thì dân mất hết nên UBND TP châm chước cho nộp thêm 30% tiền sử dụng đất. Đây là mức thu rất nhẹ” - ông Điểu nói.

Luật Đất đai cho phép quận có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất

Theo ý kiến của giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng thì quận không có quyền cho phép hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở. Tuy nhiên, căn cứ vào quy định của khoản 2 Điều 37 Luật Đất đai năm 2003 (có hiệu lực vào thời điểm các hộ nêu trong bài được cấp giấy đỏ) thì chúng tôi nhận thấy ý kiến đó không đúng. Bởi lẽ theo điều luật này thì UBND huyện, quận có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Trong đó có việc chuyển từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, với trường hợp cụ thể này là đất ở.

Có điều cần lưu ý là khi được phép chuyển sang đất ở thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Cụ thể, theo Nghị định 198/2004 của Chính phủ, chuyển đổi đất nông nghiệp được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất bằng chênh lệch giữa thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp.

PV

Điều chuyển chủ tịch làm phó giám đốc sở

Qua tìm hiểu của PV, các giấy đỏ này đều được ông Nguyễn Thương - Chủ tịch UBND quận Thanh Khê lúc bấy giờ - ký tên, đóng dấu thừa nhận hợp pháp đó là đất ở đô thị lâu dài, có sơ đồ thửa đất, có bản vẽ quy hoạch. Sau kết luận sai phạm của Sở TN&MT, ông Thương được điều chuyển về làm phó giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng.

 

Theo Lê Phi
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

Trở về

Bài cùng chuyên mục