tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh 30-11-2015

  • Cập nhật : 30/11/2015

3 siêu dự án giao thông tại Hà Nội đã làm đến đâu?

3 sieu du an giao thong tai ha noi da lam den dau?

3 siêu dự án giao thông tại Hà Nội đã làm đến đâu?


Theo báo cáo của Cục Thống kê TP. Hà Nội, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do Hà Nội quản lý tháng 11/2015 đạt 1.867 tỷ đồng, bằng 77% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,7% so với thực hiện tháng 10.

Ước tính 11 tháng đầu năm 2015, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách đạt 19.842 tỷ đồng, bằng 92,3% so với cùng kỳ năm trước và đạt 98,4% kế hoạch năm 2015.

Trong đó, dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạnNhổn - ga Hà Nội gồm 9 gói thầu chính: 5 gói thầu xây lắp và 4 gói thầu thiết bị.

Hiện tại, đã ký hợp đồng 4 gói thầu xây lắp (CP01, CP02, CP04, CP05), hoàn thiện hợp đồng gói thầu CP03, thương thảo hợp đồng gói thầu CP07, triển khai đấu thầu các gói thầu còn lại (CP06, CP08, CP09) đến thời điểm hiện nay đã đáp ứng được tiến độ điều chỉnh dự án.

Dự án xây dựng đường Vành đai I (đoạn Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái), hiện công tác giải phóng mặt bằng dự kiến hoàn thành xong trong tháng 11/2015. Toàn bộ dự án có 14 gói thầu, trong đó: 5 gói xây lắp; 4 gói di chuyển; 2 gói tư vấn giám sát; 3 gói phá dỡ.

Hiện nay, tuyến đường chính đã tiến hành rào chắn và tổ chức thi công những vị trí đã bàn giao mặt bằng, các nhà thầu đã tập kết nhân lực, thiết bị, vật liệu và đúc cấu kiện bê tông đủ điều kiện triển khai khi có mặt bằng thi công.

Dự kiến tuyến đường này sẽ hoàn thành việc thông xe kỹ thuật trong tháng 12/2015.

Dự án cầu vượt đô thị nút giao Bắc Thăng Long - Vân Trì với tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển. Đây là một trong những công trình trọng điểm của Hà Nội, quy mô và khối lượng bàn giao đưa vào sử dụng toàn tuyến dài 1.920m nối từ nút giao thông Kim Chung (đường Võ Văn Kiệt) với đường 5 kéo dài.


TPHCM: 10.000 tỷ đồng xây 2.500 căn nhà xã hội cho công nhân

Dự kiến trong năm 2016 Công ty CP Khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC) sẽ dành 10.000 tỷ đồng và 45.000 m2 đất để khởi công xây dựng 2.500 căn nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp Hiệp Phước.

Thông tin trên được đại diện HIPC công bố tại buổi hội thảo thu hút đầu tư vào khu công nghiệp Hiệp Phước, diễn ra tại Tp.HCM ngày 28/11 vừa qua.

Theo đó, dự kiến trong năm 2017 chủ đầu tư có thể có nhà bán cho công nhân với diện tích mỗi căn khoảng 36 m2. Người mua sẽ trả trước 20% tổng giá trị căn nhà - tương đương khoảng 60 triệu đồng, hoặc theo phương thức có thể doanh nghiệp sử dụng lao động đóng hoặc công nhân đóng trực tiếp để có thể nhận nhà vào ở ngay. Công nhân tiếp tục trả góp thông qua vay ngân hàng với số tiền trả góp 2 – 3 triệu đồng/tháng và sau khoảng 10 năm công nhân sẽ sở hữu căn nhà.

Theo HIPC, hiện nay giai đoạn 1 của Khu công nghiệp Hiệp Phước với diện tích khoảng 310 ha đã lấp đầy 97% với 97 dự án đang hoạt động có tổng vốn đăng ký 12.000 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho gần 9.000 lao động, trong đó mới chỉ có khoảng 1.000 công nhân có chỗ trọ trong các nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.


Đề xuất xây sân golf ở huyện đảo Cần Giờ

Theo đề xuất của chủ đầu tư, Khu đô thị lấn biển Cần Giờ với diện tích hơn 1.000 ha sẽ có thêm sân golf, phim trường, sân đậu trực thăng, bảo tàng nghệ thuật.

UBND TP HCM vừa chấp thuận giao Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 cho toàn khu đô thị lấn biển Cần Giờ với diện tích 1.000 ha (gồm 600 ha cũ và 480 ha mới) theo đề xuất gần đây của chủ đầu tư. Theo đó, Khu đô thị lấn biển này sẽ có sân golf, phim trường, sân đậu trực thăng, bảo tàng nghệ thuật...

Chính quyền thành phố yêu cầu các sở ngành liên quan hướng dẫn chủ đầu tư lập dự án nghiên cứu tác động môi trường, lấy ý kiến đồng thuận của người dân địa phương về dự án sân golf trong khu đô thị. Trên cơ sở đó, UBND thành phố sẽ trình Thủ tướng xem xét, chấp thuận chức năng, quy mô của dự án.

Dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ với kinh phí đầu tư hơn gần 8.500 tỷ đồng đã được khởi động hồi năm 2007 nhưng bị đình trệ từ đó đến nay. Mới đây, chính quyền TP HCM đã đồng ý cho một tập đoàn tư nhân tham gia làm đối tác chiến lược với chủ đầu tư để thực hiện dự án này nhằm đẩy nhanh tiến độ dư án, tạo động lực phát triển cho Cần Giờ.

Với hơn 70.000 ha rừng đước, dừa nước, sông và kênh rạch, Cần Giờ được xem như một lá phổi xanh của TP HCM. Trong đó, hơn một nửa diện tích của huyện đảo này là khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận vào năm 2000 với hệ động, thực vật đa dạng, độc đáo điển hình của vùng ngập mặn.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên đường thăm làm việc tại châu Âu

Sáng 29-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam rời Hà Nội lên đường tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande. 
Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm làm việc tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Bỉ Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude Juncker.
 

Tham gia đoàn có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang; Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường; Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Phó Trưởng ban, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Võ Minh Chiến; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương và Trợ lý Thủ tướng Chính phủ Bùi Huy Hùng.

Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) là một trong những hội nghị toàn cầu lớn nhất trong năm 2015. Dự kiến sẽ có khoảng 40.000 đại biểu từ khắp các nơi trên thế giới tới tham dự.

Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn tham dự Hội nghị COP21 nhằm khẳng định cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực chung cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời nhằm thúc đẩy và tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế để tìm kiếm nguồn hỗ trợ quốc tế cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
 
Trong chuyến thăm làm việc tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ hội kiến Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude Juncker, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz nhằm trao đổi các biện pháp hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên của cả hai bên, phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam như năng lượng, tăng trưởng xanh, đào tạo nghề…
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ hội đàm với Thủ tướng Bỉ Charles Michel nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giao thông vận tải, hàng không-vũ trụ.


5 tỉnh thành xuất khẩu cao đều nhờ doanh nghiệp FDI

Theo Tổng cục Hải quan, có 5/63 tỉnh thành của cả nước có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỉ USD trong 10 tháng qua.
Cụ thể, TP.HCM dẫn đầu với tổng kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng lên đến 25,335 tỉ USD, xếp thứ 2 là Bắc Ninh xuất khẩu đạt 18,138 tỉ USD, Bình Dương đạt 15,373 tỉ USD, Thái Nguyên 13,857 tỉ USD và Đồng Nai đạt 11,63 tỉ USD...
Trong 10 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 134 tỉ USD, riêng 5 tỉnh thành kể trên đã chiếm 63% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nước cũng chính là những địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào hàng “top” của cả nước.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục