tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tam Hải - ngọc thô chờ giũa

  • Cập nhật : 30/11/2015

(Thoi su)

Nếu như ở Quảng Nam, Cù Lao Chàm - tức đảo Tân Hiệp - được du khách khắp nơi biết đến thì đảo Tam Hải lại im hơi lặng tiếng dù cảnh sắc, tiềm năng du lịch không hề kém cạnh

Cùng với Tân Hiệp, Tam Hải vừa được Chính phủ công nhận là một trong 2 xã đảo của tỉnh Quảng Nam. Nằm trên cửa con sông Trường Giang đổ ra biển ở huyện Núi Thành, Tam Hải có diện tích 15,03 km2 và dân số trên 8.400 người.

Quê hương Thủ Thiệm

Muốn đến Tam Hải có 2 con đường nhưng đều phải vượt sông Trường Giang bằng thuyền từ xã Tam Hòa hoặc đi phà từ xã Tam Quang, huyện Núi Thành. Trước sông sau biển, Tam Hải hiện lên bình dị với vẻ đẹp trong trẻo, nhẹ nhàng.

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến vùng đất này là không khí cực kỳ thoáng mát, trong lành với gió biển hòa cùng gió sông. Giữa tiếng sóng biển rì rầm từ xa vọng lại, những căn nhà, những con đường nhỏ sạch sẽ, tinh tươm tạo cảm giác bình yên và thoải mái.

Tam Hải còn được phủ kín bằng những hàng dừa xanh ngắt. Đi đến bất kỳ nơi nào, chúng tôi cũng dễ dàng thấy dừa hiện hữu. Hàng trăm năm qua, nhiều thế hệ người dân Tam Hải đã sống chung và xem dừa như tri kỷ. Dừa cho trái ngọt, cho nguyên vật liệu và bảo vệ họ trong mùa mưa bão.

Như bao làng quê vùng biển khác, xã đảo Tam Hải lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc trưng như lễ hội cầu ngư, nghinh ông diễn ra vào tháng giêng hằng năm. Người dân Tam Hải luôn tự hào vì có giếng nước ngọt hàng trăm năm chẳng bao giờ cạn hay nghĩa địa cá voi an táng hơn 500 “ông” dạt vào bờ.

Tam Hải còn được nhiều nhà nghiên cứu nhận định có thể là một điểm dừng chân trên “con đường tơ lụa” xuyên đại dương mà các nhà khoa học đang giải mã. Ở cửa biển này, người ta tìm được nhiều bằng chứng cho thấy có thể đây từng là nơi giao thương giữa các nước bằng đường thủy. Vào năm 2013, giới săn cổ vật từng lên cơn sốt bởi rất nhiều hiện vật được ngư dân trục vớt cùng với những mảnh gỗ được cho là xác của một con tàu đắm. Lúc đó, cửa biển Tam Hải nóng lên với dòng người đổ xô đến lặn tìm cổ vật, buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc ngăn chặn.

Trong ký ức của nhiều bậc cao niên, Tam Hải nổi tiếng với nghề đan lát thủ công từ vỏ dừa có một không hai. Sau khi lấy nước, vỏ quả dừa được ngâm trong nước biển một thời gian rồi chẻ thành từng sợi nhỏ để đan thành tấm áo, miếng trải bàn, lót nhà... Sản phẩm mang thương hiệu Tam Hải này từng rất nổi tiếng nhưng hiện không còn tồn tại bởi thói quen và những thuận lợi của các sản phẩm thay thế.

xa dao tam hai rat dep va binh yen

Xã đảo Tam Hải rất đẹp và bình yên

Các bậc cao niên cũng không quên nhắc đến và tỏ ra tiếc nuối với thương hiệu nước mắm Tam Hải ngon thuộc hàng bậc nhất xứ Quảng. Thế nhưng, vì điều kiện giao thông bất lợi, việc quảng bá không tốt nên nghề làm nước mắm ở nơi đây mai một dần. Hiện nay, nước mắm Bà Chung dù không hề có nhãn mác nhưng khá nổi tiếng, ai đến Tam Hải cũng mua vài lít để mang về làm quà vì có vị ngon khó cưỡng.

mot goc mui ban than doc dao

Một góc mũi Bàn Than độc đáo

Nói về con người Tam Hải, ông Trần Ngọc Hữu, Chủ tịch UBND xã đảo này, hài hước cho rằng ai cũng đều là Thủ Thiệm. Nhân vật đã đi vào văn chương của người Quảng, gắn liền với những câu chuyện cười mang tích đả kích này tên thật là Nguyễn Tấn Nhơn (1854-1920) và Tam Hải chính là quê hương của ông. Một số sách vở, tài liệu khẳng định ông Thủ Thiệm quê ở xã Tam Hòa nhưng theo giải thích của ông Hữu, trước năm 1975, xã Tam Hải có 7 thôn, bao gồm một phần đất của Tam Hòa hiện nay. Sau ngày đất nước thống nhất, để thuận lợi trong việc quản lý hành chính, phần diện tích này được gộp vào xã Tam Hòa. “Hiện nay, cháu chắt của ông Thủ Thiệm vẫn sinh sống tại xã Tam Hải” - ông Hữu khẳng định.

Ông Hữu cho biết người dân Tam Hải sống chủ yếu bằng nghề biển nên tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái rất cao. Đặc biệt, người Tam Hải rất có truyền thống hiếu học. Dù ngăn sông cách đò nhưng nhiều thế hệ học sinh vẫn vượt Trường Giang sang đất liền theo học con chữ. Do có nền tảng văn hóa, giáo dục tốt nên tại địa phương này cả năm hầu như không xảy ra vụ trộm cắp hay gây gổ, đánh nhau nào.

Lưu lại Tam Hải mấy hôm, chúng tôi nhận thấy quả nhiên cuộc sống ở xã đảo này hết sức yên bình. “Nhà dân ở đây đều có cửa nẻo nhưng chủ yếu để đối phó với mưa bão chứ chẳng phải nhằm phòng ngừa trộm cắp như ở những nơi khác. Công an dường như chỉ có nhiệm vụ làm giấy tờ cho người dân chứ rất hiếm khi phải xử lý các vụ trộm cắp, vi phạm pháp luật” - ông Hữu tự hào.

Cảnh sắc hiếm thấy

Nhiều du khách đến Tam Hải ví rằng xã đảo này như một thôn nữ khoác lên mình vẻ đẹp kiêu sa mà e thẹn vì ít được tiếp xúc, giao thoa với thế giới bên ngoài. Những đấng mày râu có cơ hội đi ngang qua chỉ ngắm nghía, trầm trồ khen ngợi rồi luyến tiếc vì chẳng thể nào chiếm trọn trái tim của thôn nữ hay không thể đưa nàng khỏi chốn quê mùa ra với thành thị. Quả thật, xã đảo này như hòn ngọc quý còn ẩn mình trong lớp vỏ mà nếu được mài giũa cẩn thận sẽ tỏa sáng trong tương lai.

Trong cuốn sách lịch sử của xã Tam Hải ghi rằng đảo này do phần lớn đất cát từ sông và biển bồi đắp mà thành. Do hứng chịu những trận gió biển thường xuyên mà Tam Hải hình thành nên nhiều gò đống, đồi cát. Mũi Bàn Than qua quá trình kiến tạo, xâm thực của sóng biển trở thành nét đẹp độc đáo riêng có ở địa phương…

Có vẻ như lời giới thiệu này còn khá khiêm tốn và chưa tả hết vẻ đẹp của mũi Bàn Than bởi đây là một thắng cảnh tuyệt vời, là sự ban tặng của tạo hóa dành cho mảnh đất Tam Hải. Kéo dài hơn 1 km quanh hòn núi nhỏ, Bàn Than là một dải đá liền ven biển vừa bằng phẳng vừa nhấp nhô với muôn hình vạn trạng những kiến trúc, hình thù độc đáo tựa muôn ngàn tác phẩm điêu khắc, được hình thành do sự tác động của sóng biển, thủy triều và gió. Với phong cảnh đẹp huyền ảo, đây là nơi lý tưởng cho những đôi trai gái muốn có các bộ ảnh cưới đẹp và lạ mắt.

Ở Tam Hải có 2 hòn đảo nhỏ phong cảnh rất đẹp mà người dân địa phương gọi là hòn Mang và hòn Dứa. Hòn Mang là đảo hoang, không có người sinh sống, rất thích hợp cho những ai muốn hòa mình với thiên nhiên để tạm xa lánh cuộc sống bộn bề một vài hôm. Nhìn từ xa, hòn Mang như một con tàu khổng lồ được bao bọc bởi những ghềnh đá dựng đứng, sóng đánh ầm ào. Ở đây còn có một dải cát dài chưa tới 100 m, là điểm hấp dẫn để dựng trại, nấu nướng. Trong khi đó, hòn Dứa lại mang vẻ đẹp kiều diễm với làn nước trong vắt tựa mặt gương. Ở đây, chỉ cần úp mặt xuống nước là có thể chiêm ngưỡng hình ảnh đẹp đến nao lòng của các rạn san hô cùng những đàn cá tung tăng bơi lội.

Tam Hải cũng là một trong vài nơi có thể nhìn thấy mặt trời lặn trên biển. Hoàng hôn buông xuống nơi xã đảo này hết sức lãng mạn. Đứng trên những ghềnh đá buông tầm mắt về phía đường chân trời là một vùng nước bao la như được dát vàng bởi ánh mặt trời hắt xuống mặt biển. Mặt trời lúc này như một quả cầu lửa khổng lồ đang từ từ chìm dần rồi mất hút dưới đáy đại dương. Cũng vào thời điểm này, những ngư dân xã đảo lại tất bật chuẩn bị lưới, thúng chai để vươn khơi bám biển. Nhiều người nói rằng hải sản ở Tam Hải có vị ngon lạ mà nơi khác khó tìm. Đến quê hương Thủ Thiệm, nếu du khách muốn trải nghiệm làm ngư dân tự tay đánh bắt và nướng những con cá tươi để thưởng thức thì chẳng gì thú bằng.

 

Dự án tỉ đô chết yểu

Dù Tam Hải có phong cảnh rất đẹp và nằm không quá xa đất liền nhưng thực tế đáng buồn là du lịch ở xã đảo này chưa được chú trọng đầu tư và quảng bá đến với du khách. Hiện nay, số du khách đến Tam Hải chỉ nhỏ lẻ và chủ yếu đi “phượt” là chính.


Tiềm năng du lịch ở Tam Hải rất lớn nhưng chưa được phát huy Ảnh: HẢI HOÀNG
Ông Trần Ngọc Hữu cho biết trước tiềm năng của Tam Hải, năm 2008, UBND tỉnh Quảng Nam từng có quyết định giải tỏa trắng xã đảo này để làm dự án du lịch với tổng vốn đầu tư lên đến 2,5 tỉ USD. Thế nhưng, sau đó, dự án tỉ đô không được thực hiện nên xã đảo này vẫn còn giữ được nét nguyên sơ như ngày nay. Theo ông Hữu, sắp tới, Tam Hải sẽ được chú trọng phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái như một mũi nhọn để nâng cao đời sống người dân địa phương.

 

(Theo Người lao động)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục