tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh 26-02-2016

  • Cập nhật : 26/02/2016

Hà Nội tinh giản được 20 biên chế trong 5 tháng

Theo lý giải của Sở Nội vụ, chính sách tinh giản biên chế không thu hút công chức thủ đô do đặc thù phần lớn đều muốn đi làm cho tới khi nghỉ hưu.

Tại hội nghị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức sáng 25/2, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho hay Hà Nội đã thực hiện kế hoạch tinh giản từ tháng 8/2015. Nhiều sở, ngành, quận huyện đã có kế hoạch tinh giản và Sở đang tổng hợp. Hiện thành phố mới tinh giản được 20 người.Giải thích lý do tinh giản được ít, ông Sáng cho rằng Hà Nội có đặc thù riêng, công chức, viên chức đều muốn đi làm đến khi về hưu. “Điều kiện của Hà Nội khác. Ở các tỉnh, chính sách tinh giản có thể lôi cuốn, nhưng với Hà Nội việc đó chỉ mức độ”, người đứng đầu ngành nội vụ nói.

moi nam hang nghin thi sinh nop ho so du thi cong chuc thu do. anh minh hoa: ba do.

Mỗi năm hàng nghìn thí sinh nộp hồ sơ dự thi công chức Thủ đô. Ảnh minh họa: Bá Đô.

Phó bí thư Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thông tin, vừa qua có 57 cán bộ chủ chốt các quận, huyện, thị xã thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đã tình nguyện nghỉ khi không đủ 30 tháng tái cử. Do đó số lượng đã tinh giản cao hơn nhiều số liệu Sở Nội vụ đưa ra.

Tuy nhiên, Phó bí thư Hằng cũng thừa nhận việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức viên chức còn nhiều tồn tại, như cơ cấu chưa hợp lý, chưa rõ chức danh nhiệm vụ và đặc biệt là việc đánh giá công chức, viên chức.

“Có tình trạng một số cán bộ, công chức năng lực yếu, ý thức trách nhiệm kém, giao việc chậm tiến độ, Phó phòng phải làm thay chuyên viên, Trưởng phòng làm thay nhiệm vụ của Phó phòng, Phó giám đố Sở làm thay nhiệm vụ của Trưởng phòng...”, bà Hằng thẳng thắn nêu.

Lãnh đạo Thành ủy cho rằng, nếu chiếu theo hồ sơ thì công chức, viên chức thủ đô đều trên chuẩn, cán bộ phường cũng có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Nên tinh thần của giảm biên chế lần này là đánh giá đúng năng lực thực tế, hiệu quả công việc và đặc biệt là tinh thần thái độ phục vụ nhân dân ra sao, từ đó xác định ai không hoàn thành nhiệm vụ để xét tinh giản biên chế hàng năm.

“Lần này kiên quyết giảm những đồng chí nhiều năm không hoàn thành nhiệm vụ. Phải trên cơ sở hiệu quả thực tế, muốn như vậy phải phân công nhiệm vụ rõ ràng và có đánh giá định kỳ”, bà Hằng nhấn mạnh.

Trước đó, trình bày dự thảo kế hoạch tinh giản biên chế, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho hay, thành phố sẽ thành lập Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch và Bí thư Thành ủy làm trưởng ban.

Người đứng đầu Ban tổ chức Thành ủy cho biết, thực tế hiện nay có một số đơn vị nếu đối chiếu với quy định thì còn chồng chéo nhiệm vụ, phạm vi quản lý quá rộng. Do đó, thành phố sẽ rà soát bộ máy sở, ban, ngành để kiện toàn cơ quan chuyên môn.

Thành ủy yêu cầu từng cơ quan đơn vị phải xây dựng kế hạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015-2021) và từng năm, trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Trong đó xác định tỷ lệ tinh giản đến năm 2021 tối thiểu 10% biên chế đơn vị.


Gần 1.000 tỷ đồng làm đường giao thông vào khu kinh tế Vân Phong

Tuyến đường này dài hơn 14km, nền đường rộng 34m, thời gian thực hiện dự án kéo dài từ năm 2016-2020.

Ngày 23/2, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong tỉnh Khánh Hòa đã thông báo kế hoạch đấu thầu 20 gói thầu cho Dự án đầu tư xây dựng công trình đường giao thông từ quốc lộ 1 đến Đầm Môn (thuộc huyện Vạn Ninh) với tổng mức đầu tư trên 998 tỷ đồng. 

Đây là dự án giao thông có ý nghĩa quan trọng, được đầu tư bằng ngân sách nhà nước góp phần hoàn chỉnh hạ tầng cho khu vực phía bắc khu kinh tế, tạo điều kiện để thu hút đầu tư. Tuyến đường này dài hơn 14km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng với nền đường rộng 34m, thời gian thực hiện dự án kéo dài từ năm 2016-2020. 

Cùng với dự án này, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa cũng vừa thông qua chủ trương đầu tư dự án đường giao thông ngoài cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong với mức đầu tư trên 292 tỷ đồng bằng ngân sách nhà nước. 

Khu kinh tế Vân Phong được thành lập từ năm 2006 với diện tích 150.000 ha; trong đó, có 80.000 ha mặt biển và 70.000 ha đất liền thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa. 

Mặc dù Chính phủ đã cho áp dụng nhiều chính sách ưu đãi khi đầu tư vào khu kinh tế này, nhưng do tác động của nhiều yếu tố; trong đó có việc cơ sở hạ tầng phục vụ cho khu kinh tế chưa được đáp ứng nên tình hình đầu tư vào đây còn hạn chế. 

Đến nay, khu kinh tế Vân Phong chỉ có 136 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,49 tỷ USD; trong đó, số vốn đã thực hiện đạt khoảng 623 triệu USD.


Hà Nội điều chỉnh quy hoạch quận Hoàn Kiếm để xây ga metro ngầm

Hà Nội điều chỉnh cục bộ quy hoạch quận Hoàn Kiếm để xây ga ngầm C10 và phê duyệt mặt bằng ga ngầm C6, C10 thuộc tuyến metro số 2.

Cổng TTĐT thành phố Hà Nội cho hay, ngày 22/2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký Quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm (phần Quy hoạch sử dụng đất và giao thông) để xây dựng Ga ngầm C10 và phê duyệt Tổng mặt bằng các Ga ngầm C6, C10, thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo).

Theo đó, điều chỉnh cục bộ phần đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ các tuyến đường tại khu vực nút giao Hàng Bài - Trần Hưng Đạo, thuộc các ô quy hoạch ký hiệu số C41, C52, từ chức năng là đất cơ quan sang chức năng đất hạ tầng kỹ thuật (diện tích các ô đất điều chỉnh khoảng 1.285m2) để xây dựng các hạng mục công trình của Ga ngầm C10.

Sở Quy hoạch Kiến trúc được thành phố giao xác nhận bản vẽ Tổng mặt bằng các Ga ngầm C6, C10; chủ trì phối hợp với UBND các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội và các cơ quan liên quan công bố công khai Tổng mặt bằng các ga ngầm được duyệt, theo quy định, để các tổ chức cơ quan và nhân dân biết, thực hiện.

Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội sẽ thực hiện công tác cắm mốc giới Tổng mặt bằng các ga ngầm theo hồ sơ được duyệt.

UBND quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm tổ chức quản lý các công trình xây dựng trong phạm vi Tổng mặt bằng các ga ngầm: C6, C10 được duyệt theo quy định của pháp luật; giám sát, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, thành phố còn giao Ban chỉ đạo GPMB TP phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất của chủ đầu tư về cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng các công trình trong phạm vi Tổng mặt bằng các Ga ngầm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai.


Hà Nội đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng mở rộng Quốc lộ 21

Dự án có tổng chiều dài 29,3km, dự kiến khởi công xây dựng trong năm nay.

Cổng Giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội cho biết, ngày 22/2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã ký ban hành Quyết định phê duyệt Đề xuất Dự án xây dựng nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 21, đoạn từ Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Dự án có tổng chiều dài 29,3km, riêng đoạn tuyến phố Tùng Thiện từ Nút giao Viện 105 đến cầu Quan với chiều dài 2km không đưa vào dự án BOT, tiêu chuẩn đường trục chính đô thị với tốc độ thiết kế 80km/h. Về quy mô, trong giai đoạn 1A (2016-2018), dự án có quy mô 4 làn xe (24m); giai đoạn 1B (2019-2022) nâng cấp quy mô lên 6 làn xe (44m).

Địa điểm xây dựng dự án tại thị xã Sơn Tây, các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ. Diện tích sử dụng đất khoảng 34,7ha. Tổng vốn đầu tư sơ bộ 7.569,8 tỷ đồng.

Dự án sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT). Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 24 năm 5 tháng.

Dự kiến dự án sẽ khởi công trong năm nay và đưa vào khai thác từ năm 2019. Giai đoạn 1B dự kiến được tiến hành từ năm 2019-2022, đưa vào khai thác từ năm 2023.


Cả chục ngàn công nhân Đồng Nai ngừng việc đòi quyền lợi

Ngày 25-2, hơn 10.000 công nhân Công ty Pouchen Việt Nam (xã xã Hóa An, TP.Biên Hòa (Đồng Nai) ngừng việc tập thể để đòi quyền lợi.

hon 10.000 cong nhan cong ty pouchen viet nam ngung viec de doi quyen loi - anh: a loc

Hơn 10.000 công nhân Công ty Pouchen Việt Nam ngừng việc để đòi quyền lợi - Ảnh: A Lộc

Theo Liên đoàn lao động TP. Biên Hòa, sáng cùng ngày, một số công nhân bắt đầu ngưng việc, đồng thời lôi kéo nhiều công nhân khác cùng tham gia khiến công ty hỗn loạn.

Nguyên nhân theo một số công nhân làm việc tại công ty cho biết - từ nay đến tháng 6, công ty sẽ thí điểm cách tính ngày nghỉ mới để đánh giá xếp loại, từ đó đưa ra quy chế lương, thưởng.

Nhiều công nhân chưa hiểu rõ quy định mới này, sợ ảnh hưởng quyền lợi nên ngưng việc phản đối.

Sau khi sự việc xảy ra, Liên đoàn lao động TP. Biên Hòa đến công ty để giải quyết vụ việc. Công ty cũng cho toàn bộ công nhân nghỉ việc trong ngày nhưng nhiều công nhân vẫn nán lại để phản đối.

Cơ quan chức năng thương lượng với công ty và quyết định tạm ngưng thí điểm đánh giá xếp loại mới này nhưng công nhân vẫn chưa chấp nhận.

* Trước đó, sau kỳ nghỉ tết, hơn 100 công nhân Công Ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên - Công ty Biti’s, chuyên sản xuất giày dép (đóng tại P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), khoảng 4.000 công nhân Công ty Starite International (KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) và 108 công nhân của Công ty TNHH công nghệ cao Ức Thái (KCN Long Thành, huyện Long Thành) cũng đã ngưng việc để đòi các quyền lợi về lương, thưởng, bảo hiểm y tế, tăng chất lượng bữa ăn…

Sau khi làm việc với cơ quan chức năng, các công ty đã giải quyết thỏa đáng các yêu cầu từ phía công nhân nên công nhân đã trở lại làm việc bình thường.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục